Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Một cái nhìn khác về việc cha An Thanh bị câu lưu


Sài Gòn - Việc Cha Antôn Lê Ngọc Thanh DCCT bị câu lưu tại Bạc Liêu đã thành tiếng vang (Google cho khoảng 1,120 kết quả về sự kiện này). Mỗi người đón nhận và phân tích tin ấy một cách khác nhau, hoặc ở khía cạnh công lý hay sự thật, hoặc nhấn mạnh về cách con người hành xử với một linh mục v.v… Ở đây chúng tôi xin được nhìn sự kiện này ở một góc độ khác khi qui chiếu với Giáo huấn Xã Hội Công giáo.
Dĩ nhiên khi người ta chống đối Thiên Chúa thì họ cũng khước từ các môn đệ của Người. Khi thế gian muốn chạy trốn khỏi ánh mặt trời công chính thì họ cũng căm ghét những ai cầm tấm gương chiếu ánh sáng mặt trời vào họ. Khi người ta khước từ bố mẹ anh, dĩ nhiên người ta cũng quay lưng lại với anh.

Thời đại này chứng kiến thực tế là nếu con người thể hiện lòng yêu mến sự thật, lòng khát khao chân lý và tình liên đới với anh chị em mình mà họ lại bị lên án, bắt bớ và bị đối xử một cách tệ hại, thì dường như ở đâu cũng có tiếng thở dài ở giữa lòng nhân loại đang muốn vươn mình lên.
Hội Thánh dạy “Khi lần tới tận gốc các chia rẽ của cá nhân và xã hội, đang xúc phạm tới giá trị và phẩm chất của con người ở những mức độ khác nhau, chúng ta luôn thấy có một vết thương nằm trong nơi sâu xa nhất của con người” (GHXHCG, số 116).
Vết thương ấy là gì? Giáo Huấn Xã Hội xác định đó là tội. “Hậu quả của tội, bao lâu nó còn là hành vi xa rời Chúa, chính là sự tha hoá, tức là sự xa rời của con người không những với Chúa mà còn với chính mình, với người khác và với thế giới chung quanh”.
Làm sao thoát khỏi hậu quả của tội nếu cứ khước từ Thiên Chúa và giáo huấn của Ngài?
Có người bình luận một cách vô trách nhiệm về việc các linh mục tham gia vào đời sống cộng đồng. Nhưng là người Công giáo, bạn hãy lắng nghe tiếng của Hội Thánh trước khi nói lên ý riêng của mình. “Tham gia vào đời sống cộng đồng không chỉ là một trong những ước nguyện lớn lao nhất của người công dân, đã được mời gọi thi hành vai trò công dân của mình cùng với người khác và vì người khác một cách tự nguyện và có trách nhiệm, mà đó còn là một trong những cột trụ nâng đỡ mọi trật tự dân chủ và là một trong những bảo đảm quan trọng cho hệ thống dân chủ luôn được bền vững.”
Trước khi là linh mục, các ngài là những công dân. Khi Đức Thánh Cha Benedictô nói: “Một tín hữu tốt phải là người công dân tốt”, chắc chắn ngài muốn nhấn mạnh đến ý thức xây dựng xã hội của mỗi tín hữu công dân, chứ không phải là thái độ im lặng a dua như có người cố ý hiểu lầm.
Giáo huấn Xã Hội thật tuyệt vời khi dạy con cái thế này: “Phải bày tỏ tình yêu thế nào cho người ta thấy đó là một sức mạnh có khả năng khơi gợi những cách tiếp cận mới mẻ các vấn đề của thế giới hôm nay, có khả năng đổi mới các cơ chế, các tổ chức xã hội, các hệ thống luật pháp cách sâu xa, từ bên trong. Trong viễn tượng đó, tình yêu mang dáng dấp đặc biệt của lòng bác ái chính trị và xã hội” (số 207).
Chúng tôi xin diễn đạt cảm tưởng của mình một lần nữa: thật tuyệt vời! Hội Thánh không định nghĩa tình yêu là ngồi im chấp nhận tất cả, hay “đối thoại” kiểu “mở tai khoá miệng”, mà tình yêu là “một sức mạnh có khả năng khơi gợi những cách tiếp cận mới mẻ các vấn đề của thế giới hôm nay”, và có khả năng đổi mới!
Khi thi hành sứ mạng của người tín hữu giáo sĩ và công dân trong xã hội, vị mục tử có thể bị hành xích, bắt bớ và thậm chí bị giết chết. Chắc hẳn nhiều người còn nhớ cái chết của Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero của tổng giáo phận San Salvador. Ngài bị bắn gục khi đang dâng Thánh Lễ tại nguyện đường trong khuôn viên bệnh viện Chúa Quan Phòng vì đã kiên trì đấu tranh cho nhân quyền. Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong một chuyến công du, đã đến úp mặt trên mộ của Đức Tổng Oscar Romero và khóc thổn thức.
Ở Liên Xô cũ, nhiều linh mục cũng chết vì đức tin. Vị linh mục cuối cùng đã bị bắn chết trong khi dâng thánh lễ là cha Epifanio Akulov.
Chúa Giêsu đã thấy trước những điều ấy, và Người tiên báo: “Bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác” (Mt. 5, 11).  Và như thế, bách hại là một trong những dấu chỉ của việc thực thi Tin Mừng và Giáo huấn của Hội Thánh.
Trong ngày Lễ kính Thánh Matthêu, thật ý nghĩa khi chúng ta cùng nhau đọc lại Tám Mối Phúc trong Tin Mừng của ngài, và cùng cầu xin cho các tín hữu, giáo sĩ và giáo dân, hiên ngang làm chứng cho Tin Mừng và tình yêu, với niềm xác tín vào Lời của Đấng đã thí mạng sống vì chúng ta: “Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời. Người ta cũng đã từng bắt bớ các tiên tri trước các con như vậy”.
Gioan Lê Quang Vinh, VRMI
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét