Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

[Video] Thế Giới Nhìn Từ Vatican 21-28/9/2012 - Công Đồng Vatican II và những cải cách Phụng Vụ



1. Buổi triều yết chung thứ Tư 26 tháng 9

Trong buổi tiếp kiến với hơn 10,000 anh chị em tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô lúc 10h30 sáng thứ Tư 26 tháng 9, Đức Thánh Cha đã đề cập đến vai trò của Công Đồng Chung Vatican 2 trong việc chuyển tải các thông điệp của Phụng Vụ cho dân Chúa khắp nơi trên thế giới.

Đức Thánh Cha nói:

"Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô, sau khi đã tập trung trong vài tuần vào việc cầu nguyện như được giáo huấn trong Thánh Kinh, giờ đây chúng ta chuyển sang một nguồn quý giá khác của cầu nguyện, đó là phụng vụ. Từ "phụng vụ" trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là "hoàn thành công việc cho dân và vì dân". “dân” ở đây là Dân mới của Thiên Chúa, được hình thành bởi Chúa Kitô, một dân tộc không tồn tại bởi chính nó và không bị ràng buộc bởi huyết thống, lãnh thổ hay quốc gia, nhưng hiện hữu nhờ Mầu Nhiệm Vượt Qua.

Phụng vụ cũng là "công việc của Thiên Chúa". Như Công đồng Vatican II dạy, chính qua phụng vụ mà Chúa Kitô, là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta và là Thượng Tế của chúng ta tiếp tục công trình cứu chuộc chúng ta, với, trong và thông qua Giáo Hội của Người. Đây là ngạc nhiên tuyệt vời của phụng vụ: Thiên Chúa hoạt động, trong khi chúng ta bị thu hút trong hoạt động của Ngài.

Công Đồng Chung Vatican 2 đã bắt đầu công việc của mình bằng cách thảo luận về phụng vụ, và đúng như vậy, vì phụng vụ nhắc nhở chúng ta về tính ưu việt của Thiên Chúa. Tiêu chuẩn nền tảng của Công Đồng chính là định hướng về Chúa Cha, Đấng mà tình yêu cứu độ của Ngài đạt đến đỉnh điểm trong cái chết và sự phục sinh của Con Ngài. Chính là trong phụng vụ chúng ta "nâng tâm hồn lên", mở lòng trí mình ra cho lời của Thiên Chúa khi chúng ta qui tụ với anh chị em của chúng ta trong những lời cầu nguyện giúp nâng chúng ta lên, và quy hướng chúng ta về Chúa Cha, qua Chúa Con, và trong Chúa Thánh Thần .

Tôi chào đón tất cả các khách hành hương nói tiếng Anh có mặt nơi đây, đặc biệt là những anh chị em đến từ Anh, Scotland, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Australia, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản, Philippines, Sri Lanka, Việt Nam, Canada và Hoa Kỳ. Tôi cầu khẩn muôn ơn lành, niềm vui và bình an của Thiên Chúa tuôn đổ trên anh chị em.

2. Đức Giáo Hoàng gặp các chính trị gia: Khủng hoảng kinh tế cũng có thể kích hoạt một sự đổi mới về đạo đức

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã gặp gỡ với khoảng 100 nhà lãnh đạo chính trị tại biệt điện mùa hè của ngài tại Castel Gandolfo. Trong cuộc gặp gỡ ngài đã đề cập nhiều đến cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra. Ngài nói với các chính trị gia rằng cuộc khủng hoảng cũng là một cơ hội để làm mới lại các giá trị đạo đức cơ bản trong đời sống xã hội.

Đức Thánh Cha nói:

"Cuộc khủng hoảng hiện nay bắt buộc chúng ta phải hoạch định lại đường lối của chúng ta, thiết lập các luật lệ mới và khám phá ra những hình thức dấn thân mới... vì thế nó trở thành một cơ hội để sáng suốt hình thành ra một viễn kiến mới cho tương lai. "

Các chính trị gia này thuộc Ban chấp hành của Tổ chức Dân chủ Kitô Giáo Quốc tế. Trong cuộc họp cuối tuần qua, Đức Giáo Hoàng kêu gọi họ không chỉ tập trung vào các vấn nạn kinh tế cấp bách. Nhưng cần chú ý bảo vệ các giá trị cơ bản của xã hội, bảo vệ cuộc sống của gia đình, và thiện ích chung.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh

"Dấn thân của anh chị em trên chính trường và trong ngành lập pháp, do đó, không được hạn chế trong các đòi hỏi của luận lý thị trường. Nhưng thay vào đó, mục tiêu trung tâm và không thể thiếu được là việc tìm kiếm lợi ích chung, được hiểu một cách đúng đắn, và việc thúc đẩy và bảo vệ phẩm giá bất khả xâm phạm của con người. "

Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng trách nhiệm như vừa nói trên đây đặc biệt là của những người nắm giữ vai trò đại diện. Được đức tin linh hoạt, họ có khả năng thông truyền cho các thế hệ tương lai những lý do để sống và hy vọng.

Đầu buổi tiếp kiến, Ông Pier Ferdinando Casini, Đại biểu quốc hội Italia, thuộc Đảng UDC, Liên minh Phe Trung, cựu Chủ tịch Hạ viện Italia, đã đại diện mọi người chào mừng Đức Thánh Cha.

3. Đức Giáo Hoàng khích lệ các tín hữu hãy đặt niềm kiêu hãnh sang một bên và trở nên khiêm tốn

Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 23 tháng 9, Đức Thánh Cha giải thích về bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ 25 thường niên và đặt đoạn này trong bối cảnh các đoạn Tin Mừng theo thánh Marco qua đó, trong cuộc hành trình cuối cùng lên thành Jerusalem, Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn của ngài, và nhắn nhủ các môn đệ hãy có thái độ khiêm tốn, loại bỏ thái độ kiêu ngạo lo tìm chỗ nhất

Đức Thánh Cha nói:

"Tất cả những điều này nói gì với chúng ta? Nó nhắc nhở chúng ta rằng luận lý của Thiên Chúa luôn luôn "khác" với luận lý của chúng ta, như chính Thiên Chúa đã mạc khải thông qua những lời của ngôn sứ Isaia: "Tư tưởng của ta không phải là tư tưởng của các ngươi, đường lối ta không phải là đường lối của các ngươi '"

Một điểm then chốt trong đó Thiên Chúa và con người khác biệt nhau, chính là sự kiêu ngạo: nơi Thiên Chúa không có sự kiêu ngạo, vì Ngài là sự sung mãn trọn vẹn; trái lại nơi con người chúng ta, kiêu ngạo ăn rễ sâu và vì thế chúng ta phải luôn cảnh giác và thanh tẩy. 

Ngài nói:

“Tuy là bé nhỏ, nhưng chúng ta lại khao khát được coi là cao cả, được chiếm chỗ nhất, trong khi Thiên Chúa không do dự hạ mình xuống, trở nên người rốt cùng.”

Sau khi ban phép lành cho mọi người, bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha nhắc đến lễ phong chân phước cho cha Louis Brisson tại thành phố Troyes bên Pháp hôm thứ Bẩy 22 tháng 9 vừa qua. Ngài nói: “Cha Brisson sống vào thế kỷ 19, sáng lập hai dòng các nữ tu và nam tu Hiến sinh thánh Phanxicô đệ Salê. Tôi vui mừng hiệp ý cảm tạ Chúa với cộng đoàn giáo phận Troyes và tất cả các con cái thiêng liêng, nam và nữ, của vị Tân Chân Phước”. 

4. Vua Tây Ban Nha trao tặng giải thưởng cho Đức Hồng Y Tarcisio Bertone

Hôm thứ Ba 25 tháng 9, vua Juan Carlos của Tây Ban Nha đã trao cho Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, quốc vụ khanh Tòa Thánh giải thưởng ‘Count of Barcelona’ trong một buổi lễ long trọng diễn ra tại Barcelona.

Giải thưởng này nhằm công nhận những đóng góp tích cực của Giáo Hội cho đất nước Tây Ban Nha, đặc biệt trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Enric Juliana, Phó Giám đốc nhật báo 'La Vanguardia, tại Barcelona cho biết:

"Giải thưởng này công nhận nhận ba điều. Đầu tiên, công việc của Đức Hồng Y trong chính sách đối ngoại của Giáo hội Công giáo. Thứ hai, chuyến đi của Đức Giáo Hoàng đến Barcelona cách đây hai năm. Thứ ba, công việc rất quan trọng được thực hiện bởi Giáo Hội tại những thời điểm khủng hoảng kinh tế ở Tây Ban Nha. "

Giải thưởng ‘Count of Barcelona’ do tờ báo La Vanguardia khởi xướng, đó là một trong những tờ báo lâu đời nhất và được đọc nhiều vào hàng thứ ba ở Tây Ban Nha. Giải thưởng này cũng là một cách để cảm ơn Đức Giáo Hoàng, Vatican và Đức Hồng Y Tarcisio Bertone vì các tác động tích cực của chuyến tông du Tây Ban Nha của Đức Giáo Hoàng hồi tháng 11 năm 2010.

Enric Juliana cho biết thêm:

"Chuyến tông du này đã tạo nên một sự hồi sinh cho đền thờ Sagrada Familia của Barcelona. Đền thờ này là biểu tượng của cội rễ Kitô giáo và là nền tảng tôn giáo của thành phố. Đây cũng là một biểu tượng nghệ thuật quốc tế độc đáo của Kitô giáo. "

Lễ trao giải thưởng diễn ra ba năm một lần. Đây là lần trao giải thứ tư. Những người được trao giải trước đây gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Hội Chữ thập đỏ quốc tế và chủ biên của tờ New York Times.

5. Phỏng vấn Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô giáo về chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Li Băng.

Chuyến tông du Li Băng của Đức Thánh Cha là một bước tiến lớn trong tiến trình hiệp nhất Kitô giáo. Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô giáo đã mô tả như trên về chuyến tông du gần đây của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 tại Li Băng. Đức Hồng Y là một thành viên trong đoàn tùy tùng của Đức Thánh Cha, đã cho tờ Quan Sát Viên Rôma biết như trên trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm 20 tháng 9. Trong cuộc phỏng vấn này, ngài đã phân tích ý nghĩa đại kết của chuyến tông du theo những cảm nhận của ngài khi tháp tùng Đức Giáo Hoàng sang Li Băng.

“Những khiá cạnh liên quan đến cuộc đối thoại Kitô giáo và Hồi giáo trong chuyến thăm gần đây của Đức Giáo Hoàng tại Li Băng đã được đề cập đến nhiều nhưng các khía cạnh đại kết của chuyến tông du này ít được đề cập đến. Thưa Đức Hồng Y, về vấn đề này, chuyến viếng thăm vừa qua đã có ý nghĩa gì?”

Đức Hồng Y cho biết:

“Do những căng thẳng hiện nay cho nên các mối quan hệ giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo đã thu hút được sự chú ý. Điều đó là tự nhiên thôi. Tôi chắc chắn rằng chuyến tông du này đã làm sâu sắc thêm quan hệ đại kết và đem lại một động lực mới cho việc tìm kiếm hiệp nhất trọn vẹn giữa các Kitô hữu. Mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và tất cả các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương đang ngày càng tốt hơn, điều này có thể thấy rõ trong cuộc họp đông đủ và thân ái tại Charfet”.

“Xin Đức Hồng Y chia sẻ cảm nghiệm của mình về các cộng đoàn Chính thống giáo tại Trung Đông trong chuyến viếng thăm vừa qua của Đức Giáo Hoàng”

“Chúng tôi đã nhận được những dấu chỉ đa dạng và tất cả đều là các ý kiến hết sức tích cực. Trong những thời điểm khó khăn và trong bối cảnh quan trọng hiện nay của Trung Đông, tôi có thể nói rằng đó là những dấu chỉ của sự sẵn sàng để đào sâu đức tin và tăng cường tất cả các thực tại của Giáo Hội.”

6. Phiên tòa xử Paolo Gabriele và Claudio Sciarpelletti tại Vatican

8 nhà báo đăng ký đầu tiên đã được cấp thẻ để theo dõi và tường trình về các diễn tiến trong phiên tòa xử người cựu quản gia của Đức Giáo Hoàng, là ông Paolo Gabriele và chuyên gia tư vấn điện toán Claudio Sciarpelletti của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Giám đốc Văn phòng báo chí Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi, đã cho biết như trên trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu 22 tháng 9.

Ông Gabriele đã bị buộc tội trộm cắp với những tình tiết nghiêm trọng, và đã rò rỉ các tài liệu riêng tư của Đức Thánh Cha cho báo chí Ý. Ông Sciarpelletti, người đã bị tạm đình chỉ công việc của mình tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, chịu trách nhiệm về việc hỗ trợ và tiếp tay cho bị cáo Paolo Gabriele.

Theo quyết định triệu tập ra tòa được ban hành hôm 17 tháng 9, hai bị cáo sẽ phải xuất hiện trước Tòa án quốc gia thành Vatican vào ngày thứ Bảy 29 tháng 9 lúc 09:30 sáng. Tòa án sẽ bao gồm ba Thẩm phán. 

Tuy nhiên, cả hai bị cáo đều có quyền chọn để được xử vắng mặt. 

Cha Lombardi cũng cho biết thêm rằng cuộc điều tra song song tiến hành bởi Ủy ban các Hồng y được chỉ định bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã kết thúc. Các Hồng Y đã chuyển giao bản báo cáo của họ cho Đức Thánh Cha.

7. Đức Thánh Cha tiếp kiến 32 Giám Mục Pháp

Trong buổi tiếp kiến 32 Giám Mục Pháp sáng 21 tháng 9, Đức Thánh Cha đã lên tiếng bênh vực sự sống và gia đình là những thực tại đang bị đe dọa trong xã hội.

Chính phủ thuộc đảng xã hội tại Pháp hiện nay đang xúc tiến việc ban hành luật công nhận hôn nhân đồng tính và một số hình thức an tử, tức là làm cho chết êm dịu. Trong bối cảnh đó, đã xuất hiện một làn sóng ồn ào những phê bình về lập trường chống đối của Giáo Hội Công Giáo trong lãnh vực này, coi lập trường của Giáo Hội là “lạc hậu”.

Ngỏ lời với các Giám Mục Pháp thuộc đoàn thứ nhất trong số 3 đoàn lần lượt về Rôma hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh, Đức Thánh Cha nhận xét rằng “gia đình, vốn là nền tảng của đời sống xã hội, đang bị đe dọa tại nhiều nơi, do một quan niệm thiếu sót về bản tính con người. Bảo vệ sự sống và gia đình trong xã hội không có gì là lạc hậu, nhưng đúng hơn, việc làm ấy có tính chất ngôn sứ vì nó có nghĩa là thăng tiến các giá trị giúp phát huy trọn vẹn con người, vốn được dựng nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa (Xc St 1,26). Đó thực là một thách đố chúng ta cần phải đương đầu.”

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đặc biệt khích lệ các Giám Mục Pháp tiếp tục quan tâm đến đời sống tâm linh của các linh mục, đặc biệt giữa lúc các linh mục đang phải gánh thêm nhiều công việc mục vụ. Ngài nói: “Đời sống thiêng liên của linh mục chính là nền tảng đời sống tông đồ của các vị và từ đó, bảo đảm cho sứ vụ của linh mục được phong phú.. Anh em hãy quan tâm cung cấp cho các linh mục những phương thế các vị cần có để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và trí thức, cũng như tìm được sự nâng đỡ từ đời sống huynh đệ. Tôi chào mừng những sáng kiến anh em đã đề ra theo chiều hướng đó, như một sự kéo dài Năm Linh Mục, được đặt dưới sự bảo trợ của thánh Cha Sở họ Ars”.

Giáo Hội Công Giáo tại Pháp đang điều chỉnh lại các cơ cấu tổ chức. Về vấn đề này, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng “Việc giải quyết các vấn đề mục vụ giáo phận không thể chỉ giới hạn vào những vấn đề tổ chức, dù chúng quan trọng thế nào đi nữa. Có một nguy cơ là nhấn mạnh vào việc tìm kiếm hiệu năng bằng cách “bàn giấy hóa việc mục vụ”, chú tâm tới các cơ cấu, việc tổ chức và các chương trình, do đó có thể có thái độ “tự tham chiếu”, chỉ phục vụ cho các thành phần của các cơ cấu ấy mà thôi. Khi ấy các cơ cấu đó sẽ có ít ảnh hưởng trên đời sống của các tín hữu ít thực hành đạo.

Đức Thánh Cha nói: “Công việc rao giảng Tin Mừng đòi phải khởi hành từ cuộc gặp gỡ với Chúa, trong một cuộc đối thoại qua kinh nguyện, rồi tập trung vào việc làm chứng tá để giúp những người đồng thời nhận ra và tái khám phá những dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha tỏ ra rất vui mừng vì việc Chầu Mình Thánh Chúa dành cho các tín hữu đang được đề ra tại Pháp. Ngài nói “Tôi vui mừng sâu xa về điều này và khích lệ anh em làm sao để Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể trở thành nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô (Xc LG 11).

Hội Đồng Giám Mục Pháp bắt đầu về Rôma hành hương, viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh từ ngày 20 tháng 9 với nhóm thứ nhất thuộc vùng Tây Pháp. Hai nhóm kế tiếp sẽ về Rôma ngày 12 tháng 11; và 3 tháng 12, mỗi nhóm qui tụ các Giám mục thuộc 5 giáo tỉnh. 

8. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 yêu cầu các tân giám mục trở nên gương mẫu của sự tín thác vào Thiên Chúa

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 khích lệ các Giám Mục giúp các tín hữu đào sâu đức tin và nêu gương nên thánh cho mọi thành phần dân Chúa.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 20 tháng 9, dành cho 120 Giám Mục vừa được thụ phong trong khoảng 12 tháng gần đây, đang tham dự khóa bồi dưỡng do Bộ Giám Mục và Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương tổ chức tại Rôma.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nhắc đến Năm Đức Tin sắp bắt đầu, nhân dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican 2 và 20 năm công bố Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo. 

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói:

"Chúa Giêsu muốn uỷ thác nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cách riêng cho các mục tử, là những người phải cộng tác với nhau và với người kế vị Thánh Phêrô để thực hiện sứ vụ ấy cho tất cả mọi người. Điều đặc biệt cấp bách trong thời đại của chúng ta là chúng ta phải mạnh dạn mời gọi mọi người thuộc tất cả các tầng lớp xã hội gặp gỡ Đức Kitô và củng cố đức tin. "

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nhấn mạnh rằng ngày nay các giám mục phải có một cam kết mạnh mẽ hơn đối với công cuộc Tân Phúc Âm Hóa.

Liên hệ đến việc kỷ niệm 50 năm sắp tới của Công đồng Vatican II trong tháng Mười, Đức Thánh Cha đã nhắc nhở ý định của Đức Gioan XXIII khi ngài triệu tập Công Đồng Chung Vatican II: đó là đức tin phải đáp ứng các thách đố của con người ngày nay.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nhấn mạnh:

"Phúc âm hóa không phải chỉ là công việc của một số chuyên gia, nhưng của tất cả cộng đoàn dân Chúa, dưới sự hướng dẫn của các mục tử. Mỗi tín hữu, trong tình hiệp thông với Giáo Hội, phải cảm thấy trách nhiệm loan báo và làm chứng cho Tin Mừng. "

Trong cuộc gặp gỡ với các Giám Mục, Đức Thánh Cha nhắc nhở các tân chức rằng các ngài phải giúp củng cố một đức tin mạnh mẽ hơn cho các tín hữu từ các giáo hội địa phương. Sau đó ngài yêu cầu các vị hãy là những mẫu gương tín thác vào Thiên Chúa trong các giáo phận mới của họ.

9. Tháng Mười là tháng vô cùng bận rộn của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16

Hai biến cố nổi bật trong tháng 10 là Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tân Phúc Âm Hóa với các giám mục từ khắp nơi trên thế giới tập trung về Rôma và việc khai mạc 'Năm Đức Tin'.

Ngày 04 tháng 10 tại thị trấn Loreto. Đức Giáo Hoàng sẽ cử hành Thánh Lễ đánh dấu 50 năm Đức Giáo Hoàng Gioan 23 đến đó để cầu nguyện cho sự thành công của Công đồng Vatican II.

Sau đó, ngày 07 tháng 10, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô để chào đón Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tân Phúc Âm Hóa. Trong Thánh lễ đó, ngài cũng sẽ tôn lên hành tiến sĩ Hội Thánh cho hai vị thánh là Thánh Hildegard của Bingen và Thánh Juan de Ávila.

Thượng Hội Đồng sẽ kéo dài trong suốt tháng Mười. Đức Thánh Cha đã mời các diễn giả đặc biệt như Đức Thượng phụ Bartholômêô đệ Nhất của Chính Thống Giáo và Giám Mục Anh giáo Rowan Williams.

Ngày 11 tháng 10, Đức Thánh Cha sẽ khai mạc Năm Đức Tin với một thánh lễ long trọng tại Quảng trường Thánh Phêrô. Sự kiện này trùng với dịp kỷ niệm lần thứ 50 của Công Đồng Vatican II. Một số vị đã từng tham dự Công Đồng Chung Vatican II sẽ hiện diện trong thánh lễ.

Ngày Chúa Nhật 21, Đức Giáo Hoàng sẽ phong thánh cho bảy vị thánh mới: là thánh Giacomo Berthieu, Pedro Calungsod, Giovanni Battista Piamarta, Carmen Salles, Marianne Cope, Catherine Tekakwitha và Anna Schaffer.

Vào Chúa Nhật sau cùng của tháng 10, tức là ngày 28 tháng 10, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 sẽ cử hành một thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô để đánh dấu sự kết thúc của Thượng Hội Đồng Giám Mục.

Tháng 10, do đó, sẽ là một tháng không ngừng làm việc cho Đức Giáo Hoàng 85 tuổi.

10. Tập thứ Ba của cuốn sách Chúa Giêsu Thành Nazareth sẽ được xuất bản tháng 12 tới.

Hôm thứ Sáu 21 tháng 9, nhà xuất bản Vatican và Nhà xuất bản Rizzoli của Italia đã ký một thỏa thuận về việc xuất bản tập thứ ba của cuốn sách Chúa Giêsu thành Nazareth của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. Theo thỏa thuận, Rizzoli sẽ quản lý quyền xuất bản cuốn sách trên toàn thế giới.

Phiên bản tiếng Ý được dự kiến sẽ có mặt tại các cửa hàng sách trong Mùa Giáng sinh. Phiên bản tiếng Đức, được xuất bản bởi Herder, là nhà xuất bản kỳ cựu các tác phẩm của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, cũng sẽ có mặt tại Đức trong thời gian trước lễ Giáng sinh.

Tuy nhiên, tựa sách của tập thứ ba trong bộ ba cuốn về Chúa Giêsu trong Tin Mừng vẫn chưa được công bố. Tưởng cũng nên nhắc lại là tập một xuất bản năm 2007 được đặt tựa là: Chúa Giêsu thành Nazareth: Từ Phép Rửa ở sông Jordan đến biến cố Biến hình. Tập hai xuất bản năm 2011 được đặt tựa là Chúa Giêsu thành Nazareth: Từ Khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem đến biến cố Phục sinh.

Vẫn chưa có sự xác định chính thức là khi nào thì bản tiếng Anh sẽ được cho ra mắt độc giả. Hai phiên bản trước đó đã được xuất bản tại Mỹ bởi Ignatius Press /Ig-na-ti-ô/.

11. Đức Hồng Y Fortunato Baldelli qua đời. Số Hồng Y có quyền bầu Giáo Hoàng giảm còn 116 vị

Đức Hồng Y Fortunato Baldelli, người Ý, vừa qua đời tại Rôma ở tuổi 77. Ngài là nhà ngoại giao kỳ cựu đã từng phục vụ trong tư cách là sứ thần Tòa Thánh tại Pháp, Peru và Cộng hòa Dominica. 

Ngài được thụ phong linh mục tại giáo phận Assisi năm 1961. Trước khi gia nhập ngành ngoại giao Tòa Thánh vào năm 1966, ngài đã từng là phó giám đốc Tiểu Chủng Viện Assisi.

Tháng 2 năm 1983, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng ngài lên làm Tổng Giám Mục hiệu tòa Mevania và cử ngài làm khâm sứ Tòa Thánh tại Angola. Sau đó, ngài đã lần lượt được cử làm sứ thần Tòa Thánh tại São Tomé, Cộng hòa Dominica và Peru. Tháng 6 năm 1999, ngài được cử làm sứ thần Tòa Thánh tại Pháp cho đến tháng 6 năm 2009 khi ngài được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cử làm Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao. Tháng 11 năm 2010, ngài được tấn phong Hồng Y.

Với sự qua đi của ngài, số các vị Hồng Y đủ điều kiện để tham gia trong mật nghị bầu Giáo Hoàng giảm xuống còn 116 vị.

12. Lễ kính Thánh Matthêu

21 tháng 9 là ngày lễ kính Thánh Matthêu. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã giải thích lý do tại sao Chúa Giêsu đã chọn Thánh Matthêu là tông đồ của ngài.

" Matthêu, tác giả đầu tiên của bốn sách Tin Mừng, là một người thu thuế - và câu chuyện Chúa đã gọi ông để trở thành một Tông Đồ nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Kitô không loại trừ một ai ra khỏi tình bạn của Ngài.

Những người thu thuế được coi là những người tội lỗi công khai. Quyết định của Chúa chọn những người như thế vào hàng ngũ tông đồ gây khó chịu cho nhiều người. Nhưng Chúa Giêsu tuyên bố rằng Ngài đến "không phải để kêu gọi những người công chính nhưng là những người tội lỗi" (Mt 2:17).

Đây là trung tâm của "tin mừng" mà Chúa Giêsu đã mang đến: đó là ân sủng của Thiên Chúa dành cho những kẻ tội lỗi! Dụ ngôn về người thu thuế trong Đền Thờ cũng có cùng một luận điểm: khi khiêm tốn thừa nhận tội lỗi của mình và chấp nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, ngay cả những người có vẻ như chẳng có chút thánh thiện nào cũng có thể trở thành hàng đầu trong Nước Trời ".

13. Một cuộc triển lãm về cuộc đời và ngọn lửa nội tâm của Thánh Têrêxa thành Lisieux

Khoảng 7 triệu người đã viếng thăm Nhà thờ Đức Bà Paris và đã rất thích cuộc triển lãm về Thánh Therese Lisieux, vị thánh trẻ người Pháp cũng là tiến sĩ trẻ nhất của Giáo Hội Công Giáo.

Thánh Therese, còn được gọi là "Bông hoa Nhỏ", đã qua đời ở tuổi 24, nhưng cô để lại những thông điệp mạnh mẽ bao gồm cả bệnh tật và đau khổ của cô.

Elisabeth DE Balanda, một thành viên trong ban tổ chức cho biết:

"Triển lãm có một thông điệp, đó là một tin vui. Therese là một phụ nữ rất vui vẻ. Cuộc triển lãm mang đến một thông điệp của sự thanh thản và niềm tin vào Thiên Chúa. Điều này được phản ánh trong các hình ảnh nói lên một sự phó thác trong yên vui vào Chúa Giêsu. "

PIERRE Fortin, Phó Chủ tịch hội những người bạn của Thérèse dòng Camêlô ở Lisieux

"Cô ấy mang lại niềm an ủi cho người dân. Cô mang đến ân sủng, hoán cải, và chữa lành. Và cô chữa cho những ai mắc phải căn bệnh mà cô đã từng phải chịu đựng. Nhưng cô ấy còn mang lại cái gì khác, mạnh mẽ hơn, đó là những gì chúng tôi đang cố gắng trình bày. Cô là một thông điệp không chỉ của niềm hy vọng mà thôi, nhưng còn là thông điệp của lòng can đảm ".

Laurent Prades thuộc nhà thờ Đức Bà Paris nói:

"Chúng tôi đã rất ngạc nhiên bởi các phản ứng của công chúng. Chúng tôi biết cô đã có một ảnh hưởng toàn cầu, nhưng chúng tôi không biết hoặc thậm chí không tưởng tượng ra được là các du khách từ khắp nơi, đã nghe biết về cô rất rành rẽ. "

Điều gây kinh ngạc cho nhiều người là cuộc sống ngắn ngủi của Thánh Têrêxa thành Lisieux không có những gì là ngoại thường. Cô đã không thành lập dòng tu, cô đã không rao giảng cho hàng ngàn người, và củng chẳng được những người xung quanh hiểu rõ về mình.

Tuy nhiên, cô ấy đã tạo ra "con đường nhỏ" là một loại hành trình tâm linh dựa trên sự tin tưởng và tình yêu với Thiên Chúa.

Cuộc triển lãm bao gồm 36 tấm panô đại diện cho các loại "tình yêu" khác nhau mà Therese đã cảm nghiệm trong đời.

Ví dụ tình yêu trong gia đình. Cô là một trong bốn chị em gái và gần gũi với cha cô. Mẹ cô qua đời khi cô vẫn còn là một đứa trẻ.

Sau đó, tình yêu cô dành cho Đức Trinh Nữ Maria.

Sau đó, đến các vị thánh linh hứng cho cô như Thánh Gioan Thánh Giá, Thánh Têrêsa Avila, Thánh Magdalêna, Thánh Phanxicô thành Assisi, Thánh Cecilia và Thánh Jean Arc /Giăng đạc/ là vị thánh bổn mạng của Pháp.

Elisabeth DE Balanda nhận định:

"Therese có một ngọn lửa bên trong tâm hồn. Cô ấy yêu mến tất cả mọi thứ. Cô ấy muốn tất cả mọi thứ. Cô muốn được yêu mến trong Giáo Hội. Và ngọn lửa nội tâm mạnh mẽ là những gì chúng tôi dùng làm tiêu đề cuộc triển lãm: "Ngọn Lửa Tình Yêu".

PIERRE Fortin, Phó Chủ tịch, hội người bạn của Thérèse dòng Camêlô Lisieux nói thêm:

"Mục đích của triển lãm này thực sự là để đi đến những nơi Therese đã không đến được là các nhà tù, bệnh viện, và những nơi con người chịu đựng và than khóc"

Ý tưởng có cuộc triển lãm này đến từ Hiệp hội Những người bạn của Therese và Carmelô Lisieux. Cuộc triển lãm sau đó sẽ được đưa đến các bệnh viện và thậm chí cả các nhà tù, và có lẽ năm sau sẽ có mặt tại Rio de Janeiro trong ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2013.

14. Đại sứ Brazil dự kiến ít nhất 2 triệu thanh niên ở Rio de Janeiro tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới

Brazil là quê hương của một số đông đảo người Công giáo trên thế giới. Ước tính có khoảng 123 triệu anh chị em tín hữu Công Giáo sống ở đó, chiếm 64% dân số.

Đó là lý do tại sao tin tức về việc Brazil đăng cai tổ chức World Youth Day vào năm 2013 không gây bất ngờ cho nhiều người. Đại sứ Brazil tại Vatican nói rằng thành phố đã được chuẩn bị sẵn sàng làm nơi tụ họp cho các người trẻ, mà con số có thể lên đến trên 2.000.000.

Đại sứ Almir Franco de Sa Barbuda của Brazil cạnh Vatican nói:

"Tôi có thể nói rằng chúng tôi đang mong đợi ít nhất là hai triệu người ở Rio cho sự kiện lớn này. "

Con số cuối cùng cho Ngày Giới trẻ Thế giới ở Madrid cũng là khoảng 2.000.000. Tuy nhiên, Đại sứ Barbuda dự kiến một số đông đảo hơn do số lượng người Công giáo Brazil đông hơn.

Nhiều người trong số họ vẫn còn nhớ những chuyến tông du của Đức Gioan Phaolô II. Ngài đã đi thăm Brazil tổng cộng bốn lần trong triều đại giáo hoàng của ngài. 

Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới vào năm 2013 sẽ là chuyến đi thứ hai của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đến Brazil. Chuyến tông du đầu tiên của ngài đến miền đất này là vào năm 2007. Ngài đã đến viếng đền thánh kính Đức Mẹ Aparecida và thành phố São Paulo. Tuy nhiên, năm tới là lần đầu tiên ngài đến thăm thành phố Rio.

Đại sứ Almir Franco de Sa Barbuda nói:

"Tôi hy vọng rằng Đức Giáo Hoàng sẽ thích thú với Rio như Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II."

Ngày Giới Trẻ Thế giới sẽ diễn ra từ 23 đến 28 tháng 7. Đây sẽ là cuộc tập hợp thanh niên Công giáo quốc tế lần 14 và dự kiến sẽ là một trong những cuộc tụ họp lớn nhất cho đến nay.

15. Từ Rio đến Rôma ... Một nhóm tín hữu Brazil gặp gỡ Đức Giáo Hoàng trong buổi triều kiến chung

Brazil nổi tiếng với bóng đá và tất nhiên với một loại âm nhạc sống động. Nhưng những tiếng cổ vũ vừa rồi không phải là dành cho một đội bóng đá. Nhóm anh chị em tín hữu này đến từ tiểu bang Amazonas của Brazil, đang hát cho Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16.

"Chúng tôi yêu mến Giáo Hội và Đức Giáo Hoàng."

Tất cả họ đều vỗ tay hoan hô khi nhìn thấy Đức Giáo Hoàng trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư tại Vatican. Là đất nước có đông người Công giáo nhất trên thế giới, anh chị em Brazil nói rằng Vatican có một vị trí đặc biệt trong trái tim của họ.

"Đối với chúng tôi, ở đây, tại Vatican và gặp Đức Giáo Hoàng trong buổi triều yết chung thật là một niềm vui."

"Đó là một khoảnh khắc của hạnh phúc, hứng thú và tràn ngập niềm vui khi được ở đây, tại Vatican với những người từ khắp nơi trên thế giới."

Đến Rôma và Vatican là một mong muốn suốt đời mà ngày nay đã trở thành sự thật.

Để biểu lộ niềm vui của mình, họ cùng hô lớn:

Viva Brazil!

"Năm tới, Đức Thánh Cha sẽ đến Brazil trong Ngày Giới trẻ Thế giới và Brazil sẽ rất hạnh phúc."

16. Đức Thượng Phụ Bechara Rai: Liên Hiệp Quốc cần có luật chống phỉ báng tôn giáo 

Nhục mạ và tấn công chống lại tôn giáo nên bị Liên Hiệp Quốc đặt ra ngoài vòng pháp luật. Đức Thượng Phụ Bechara Rai của Công Giáo nghi lễ Maronite đã nhận định như trên. Ngài là một trong rất nhiều người đang kêu gọi một hình thức luật pháp quốc tế nhằm chống lại các tội phạm chống tôn giáo.

Đề xuất này đã được đưa ra theo sau những phản ứng bạo lực của người Hồi Giáo liên quan đến một video bị cho là xúc xiểm tiên tri Muhammad và phỉ báng Hồi giáo. 

Đức Thượng Phụ nói rằng Kitô giáo thường là một mục tiêu bị tấn công. Chúa Giêsu, Giáo Hội và Thánh Kinh thường xuyên bị tấn công và xúc phạm trong các bộ phim truyện và phim tài liệu. Để ngăn chặn điều này, ngài muốn Liên Hiệp Quốc phải sớm đưa ra một nghị quyết.

Ngài lập luận rằng Liên Hợp Quốc cần hành động, vì hòa bình thế giới được dựa trên sự tôn trọng đối với Thiên Chúa và tất cả các tôn giáo.

Gần đây nhất, một mạng lưới các tổ chức tôn giáo như Nghị Hội các Tôn Giáo Thế Giới và một số nhà lãnh đạo Hồi giáo đã yêu cầu Liên Hợp Quốc phải có hành động về vấn đề này. Họ đang hy vọng một nghị quyết được đưa ra để đảm bảo tự do tôn giáo và sự tôn trọng các niềm tin tôn giáo.

VietCatholic

0 nhận xét:

Đăng nhận xét