Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Giáo huấn Công Giáo về tính dục 2



Luân lý tính dục trong Tân Ước

Trong loại tư liệu này, từ Cựu Ước bước qua Tân Ước, ta phải đối diện một cách sắc nét với vấn đề liên tục và bất liên tục giữa hai giao ước. Vì một đàng, như lời Chúa Giêsu và nhiều soạn giả khác nhấn mạnh, Tân Ước chờ mong các Kitô hữu sống theo các tiêu chuẩn được Israel thừa nhận. Nhưng đàng khác, ngay từ đầu, đã có xác tín cho rằng họ không bị Luật Môsê trói buộc. 

Luật Kitô Giáo và luật cũ

Ta nên bắt đầu với vấn đề thứ hai trước. Vấn đề này xuất hiện rõ trong các trước tác của Thánh Phaolô. Trước nhất liên quan đến các tân tòng gốc dân ngoại, những người vì là dân ngoại nên không bó buộc phải tuân giữ Luật Môsê khi trở thành Kitô hữu. Khi một số Kitô hữu gốc Do Thái nhấn mạnh tới việc những người này phải tuân giữ Luật ấy, thì vấn đề được trình lên Giêrusalem quyết định. Một phán quyết tông đồ đã được đưa ra: những người kia được tự do trong việc giữ Luật Môsê (Cv 15). Nguyên tắc thần học đưa ra là: “Chúng ta tin rằng… chúng ta được hồng ơn của Chúa Giêsu Kitô cứu rỗi, thì họ cũng thế” (câu 11). Họ chỉ được yêu cầu tuân giữ một số điều để làm dịu căng thẳng giữa các đồng đạo gốc Do Thái và gốc Dân Ngoại. Thánh Phaolô dành cho vấn đề này rất nhiều quan tâm trong các lá thư của ngài, nhất là hai thư Rôma và Galát. Trong Rm 7-8, ngài tương phản hai chế độ xác thịt và Thần Khí. Trong sự tương phản này, chế độ xác thịt đồng nhất với chế độ luật, một chế độ mà Kitô hữu đã được giải thoát qua việc bước vào chế độ Thần Khí. Trong Thư Galát, Thánh Phaolô cực lực chỉ trích những ai vâng phục luật và nài nỉ họ rằng “chính để chúng ta được tự do mà Chúa Kitô đã giải thoát chúng ta” nên họ “đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa” (Gl 5:1). 

Niềm tin của chúng ta vào đặc tính linh hứng của Sách Thánh buộc ta phải tin chắc rằng Thánh Phoalô không phá hoại giáo huấn của Chúa Giêsu. Và dù vốn được coi là người Do Thái Giáo thuần thành, Chúa Giêsu luôn hành động một cách hoàn toàn độc lập với luật lệ theo lối giải thích và tuân hành của thời Người. Theo các sách Tin Mừng, Người có nhiều tranh chấp rất sớm với các lãnh tụ Do Thái chung quanh việc tuân giữ ngày Sabát. Về luật ăn uống của Môsê cũng thế, câu nói của Người đã gần như phá sập cái luật ăn uống ấy (Mc 7:14-15), một điều được phúc âm gia nắm bắt ngay lập tức (Mc 7:19). Chúa Giêsu quả có trưng dẫn nhiều điều của luật cho người thanh niên giầu có đến hỏi Người phải làm gì để có sự sống đời đời, nhưng liền sau đó, Người cho anh ta hay: vẫn còn thiếu điều gì đó mà chỉ những ai triệt để theo Người mới có được; và khi con người “đã tuân giữ các giới răn đó từ hồi nhỏ” ngoảnh mặt đi, Chúa Giêsu cho thính giả hay vào Nước Thiên Chúa quả là khó khăn như thế nào (Mc 10:17-31). Và như phản đề đối với Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu cho hay: một số điều luật của Cựu Ước chỉ là khởi điểm (Mt 5:21-30) trong khi nhiều điều khác bị coi là thiếu sót (các câu 1-47) (19). 

Bất kể một số điều không dứt khoát, truyền thống Kitô Giáo sau đó đã tự chứng tỏ là mình không thừa nhận hiệu lực của luật lệ Cựu Ước. Nhờ thế, Kitô hữu không còn bị trói buộc bởi luật ăn uống của Môsê, cũng như các luật sạch sẽ liên quan đến việc xuất tinh xuất huyết hoặc cấm giao hợp lúc có kinh, cấm dệt vải với hai loại sợi, cấm gieo hai thứ hạt trên cùng một thửa đất, hay cấm lai giống giữa hai loại thú vật với nhau (Lv 19:19). Họ cũng không bị cấm ăn máu nữa (Lv 17:10) dù khoản cấm này thuộc Giao Ước Nôê (St 9:4). Người ta cũng không cần phải phân biệt luật nghi thức với luật đạo đức. Vì cả luật đạo đức, như luật cấm không được lấy tiền lãi trong Xh 22:24 hay Đnl 23:20-21 chẳng hạn, cũng được coi là không có tính bó buộc đối với Kitô hữu. Bởi vì theo Fitzmyer, khi nói đến luật (nomos), Thánh Phaolô thường hiểu là luật Môsê, bất luận đó là luật thờ phượng, luật nghi thức hay luật đạo đức (20).

Thành thử ngay cả Mười Giới Răn, dù rất đáng kính và rất hữu dụng như một huấn cụ giáo lý, nhưng vẫn không bắt buộc Kitô hữu theo nghĩa luật pháp. Ta thấy rõ điều này qua sự kiện Giáo Hội không ngần ngại cho phép việc tạo tượng ảnh Chúa, điều mà Giới Răn thứ nhất tuyệt đối ngăn cấm, cũng như sự kiện ngày Sabát không còn được tuân giữ nữa (21). Ngoài ra, nhiều giới răn khác chỉ được tuân giữ khi đã có sự tái giải thích triệt để so với ý nghĩa nguyên thủy (22). Ta thấy rõ sự kiện Thánh Phaolô không loại trừ Mười Giới Răn ra khỏi những điều ngài muốn nói về sự giải thoát Kitô hữu khỏi lề luật qua sự kiện ngài dùng một điển hình lấy từ Mười Giới Răn, tức câu “ngươi chớ tham”, để lý luận chống lại lề luật trong thư Rôma 7: 7-11 (21bis). 

Tự do của Kitô hữu

Tư thế căn bản của Kitô hữu là tự do, nên Thánh Phaolô khuyên tín hữu Galát rằng muốn chu toàn ơn gọi của mình, họ phải đứng vững trong nền tự do mà Chúa Kitô đã mang tới cho họ. Đây là nền tự do không những thoát khỏi lề luật, mà còn thoát khỏi tội lỗi, chết chóc, xác thịt và cả điều khó hiểu này là “các yếu tố trần đời” nữa (Gl 4:9). Nền tự do này rất dễ bị mất đi, nên Thánh Phaolô khuyên tín hữu Galát phải “đứng vững” trong nó (Gl 5:1). Ngài thấy nguy hiểm không phải chỉ từ lề luật mà còn từ xác thịt nữa (23). Để đương đầu với loại nguy hiểm sau, ngài trưng dẫn giới răn yêu thương để thúc giục họ “bước đi nhờ Thần Khí” và trình bày một loạt “các việc làm của xác thịt” để cảnh cáo rằng những ai làm những điều này sẽ bị loại khỏi Nước Thiên Chúa.

Ba yếu tố trên tuyệt đối là những điều đặc trưng của giáo huấn Tân Ước về đời sống luân lý. Dịch bản của Mátthêu về câu nói của Chúa Giêsu liên quan đến luật kép phải yêu Chúa và yêu người đã thêm một yếu tố quan trọng nữa rằng “Mọi lề luật và lời tiên tri đều tùy thuộc hai giới răn này” (Mt 22:40). Cả ở chỗ khác nữa, Tân Ước, dưới ngòi bút của Thánh Phaolô, cũng hết sức coi trọng luật yêu thương này “ai yêu người lân cận của mình là đã chu toàn lề luật. Mọi giới răn… đều được tóm tắt trong câu này ‘ngươi hãy yêu người lân cận ngươi như chính ngươi’. Tình yêu không hề gây hại tới người lân cận; bởi thế, yêu là chu toàn lề luật” (Rm 13:8-10, xem thêm Gl 5:14). Còn theo Thánh Gioan, trong diễn từ sau cùng với các môn đệ, Chúa Giêsu nói với họ “Đây là giới răn của Thầy, là các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con” (Ga 15:12). Kitô hữu có khả năng sống trọn các giới răn yêu thương vì họ được tháp nhập vào lãnh vực Thần Khí (Rm 8:1-17), và chính Thần Khí là nguồn mọi yêu thương, ánh sáng và sức mạnh (24).

Giáo huấn luân lý của Tân Ước

Tuy nhiên, đòi hỏi cụ thể như thế nào đối với Kitô hữu thì là điều không hoàn toàn rõ ràng (25). Tuy nhiên, vấn đề quan trọng không phải ở điểm ấy. Chính ở đây, nhiều đoạn có tính khuyến thiện (paraenetic) của Tân Ước đã xuất hiện. Trước nhất, cần lưu ý rằng Kitô hữu phải tuyệt đối vâng theo các điều này. Những ai nghe lời Chúa Kitô mà không đem ra thi hành cũng giống người xây nhà trên cát, chắc chắn nhà ấy sẽ sụp đổ (Mt 7:24-27). Ai không ở trong Chúa Kitô sẽ “giống như cành cây héo tàn, bị quăng đi, và ném vào lửa cho cháy rụi” (Ga 15:6). Trong phạm vi cám dỗ, Chúa Giêsu bảo chỉ có hai cách một là bước vào sự sống hai là bị quăng vào hỏa hào (Mt 18:7-9). Còn Thánh Phaolô thì liệt kê các thói xấu mà theo ngài có tác dụng loại con người ra khỏi Nước Thiên Chúa. 

Khi ta xem tới các đoạn như Bài Giảng Trên Núi, các giáo huấn khác của Chúa Giêsu trong các Tin Mừng, bảng liệt kê các thói xấu trong thánh thư và các tư liệu khác trong Tân Ước khuyên người ta sống ngay thẳng, ta thấy nền luân lý về tính dục từ đó rút ra rất giống với nền luân lý trong Cựu Ước. Ngoại tình cũng bị ngăn cấm (Mc 7:22; Mt 15:19; 1Cor 6:9), đĩ điếm (1Cor 6:2-20), dâm dật (26) và kê gian (sodomy) (Rm 1:27; 1Cor 6:9), nhìn phụ nữ mà thèm thuồng cũng vậy (Mt 5:28).

Trong các vấn đề như thế, ta thấy có sự liên tục về nội dung và thái độ giữa Tân Ước và Cựu ước như trên đã trình bày )(27). Tân Ước không có một giáo huấn sâu rộng về hôn nhân. Một đàng, Thánh Phaolô dành cho nó một phẩm giá khá cao bằng cách so sánh nó với sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Giáo Hội và mô tả nó bằng những lời thật đẹp (Eph 5:21-33), dù không hẳn đặt nặng sự bình đẳng giữa người chồng và người vợ. Nhưng mặt khác, xem ra ngài chỉ miễn cưỡng thừa nhận nó như là phương tiện chống tư dục đối với những ai không thể sống độc thân (1Cor 7:1-5). Việc thiếu nhiệt tình đối với ơn gọi hôn nhân này có lẽ là do ý thích muốn sống độc thân để toàn tâm toàn trí phụng sự Thiên Chúa của ngài (1Cor 7:6-7, 32-35). Đấy là điểm khác với Cựu Ước. Sự thay đổi này một phần do mối liên hệ thân thiết được Kitô hữu cảm nhận với Chúa Giêsu, một phần do họ quá mải mê mong chờ ngày Chúa trở lại, ngày mà họ cho là rất gần rồi. Ấy thế nhưng, căn cứ vào giáo huấn của Thánh Phaolô về độc thân, cũng như giáo huấn của ngài về luân lý tính dục nói chung, ta không nên quá chú trọng tới điểm vừa nói. Theo John Meier, “Một điểm nữa về Thánh Phaolô liên quan tới mối liên hệ giữa cánh chung học và giáo huấn luân lý của ngài. Chắc chắn, cánh chung học là điểm nền tảng trong suy tư của thánh nhân. Đời sống Kitô hữu, hoạt động tính dục cũng như sự đồng trinh của họ tất cả đều là những cách thế cánh chung của hiện sinh. Ấy thế nhưng, để được biện minh, quan điểm này tùy thuộc đến mức nào vào ý niệm Chúa Kitô sẽ trở lại trong nay mai? Nếu việc trở lại trong nay mai này bị bỏ qua một bên, không còn được coi như chủ đề trổi vượt nữa, như đã thấy lúc ngài viết thư gửi tín hữu Rôma (hãy so sánh với thư thứ nhất gửi tín hữu Texalônica!), thì quan điểm của Thánh Phaolô nhất thiết phải thay đổi ra sao? Có lẽ không nhiều lắm. Đặc tính cánh chung duy nhất trong hiện sinh Kitô Giáo chủ yếu được xác định bởi sự căng thẳng giữa việc đã xẩy ra và chưa xẩy ra trong cuộc sống của họ, chứ không hẳn bởi thời khóa biểu đặc thù về việc tái lâm” (28).

Chắc một điều, Tân Ước khác với Cựu Ước ở điểm này: hôn nhân không còn là bậc sống duy nhất được chấp nhận nữa. Và trong Tân Ước, ít thấy có ước muốn được con đàn cháu đống, mắn con như trong Cựu Ước. 

Vấn đề ly dị

Một khác biệt nữa với Cựu Ước là việc Chúa Giêsu cấm ly dị (29). Câu nói của Người được tường trình trong các ngữ cảnh khác nhau (Mt 5:32; 19:3-12; Mc 10:2-12; Lc 16:18; 1Cor 7:10-11), đôi khi với những dị biệt đáng kể. Hiện vẫn còn nhiều điểm tranh cãi chung quanh các bản văn này, nhưng điều hết sức rõ ràng là việc Chúa Giêsu nói tới tính bất khả tiêu của hôn nhân và việc Người nói tới hôn nhân một cách chung, chứ không hẳn chỉ là hôn nhân Kitô Giáo hay hôn nhân bí tích. Điểm sau cùng rõ ràng vì 3 lý do: (1) Chúa Giêsu nói với một cử tọa Do Thái ở Palestine đầu thế kỷ thứ nhất; (2) trong Mt 19:3-12 và Mc 10:2-12, tức các lời hiện đang bị tranh cãi, câu hỏi đã được các thầy thông luật Do Thái nêu ra và Luật Môsê tại Đnl 24:1-4 đã được đặc biệt trích dẫn; (3) để biện minh cho giáo huấn của Người, Chúa Giêsu chỉ nhấn mạnh tới bản chất của hôn nhân như đã phát xuất từ chính Thiên Chúa mà trình thuật tạo dựng thứ hai tại Sáng Thế 2 đã mô tả. Những điểm này được hầu hết mọi nhà chú giải hiện đại nhất trí. Nhưng dù rõ ràng như thế, giáo huấn này vẫn bị một khuynh hướng rất sớm trong Tân Ước muốn thích ứng nó nhiều cách khác nhau. Đầu tiên là việc Thánh Phaolô sử dụng lệnh không được tiêu hôn của Chúa Kitô trong thư 1Cor 7:10-16. Có lẽ ngài muốn áp dụng từng chữ lệnh này cho các tín hữu, nhưng ngài cho phép tiêu hủy hôn nhân trong trường hợp hôn nhân hỗn hợp trong đó người phối ngẫu không phải là Kitô hữu muốn chia tay. Trong trường hợp này, theo Thánh Phaolô, người Kitô hữu “không còn bị trói buộc nữa”, dù ngài không nói là họ bị trói buộc về điều gì. Giải thích thông thường cho rằng họ không bị trói buộc phải sống độc thân nữa (chính vì thế gọi là “đặc ân Thánh Phaolô”), và có lẽ đúng thế. Tuy nhiên, điều ấy không ra ngoài việc áp dụng phổ quát lệnh của Chúa Giêsu. 

Thêm vào đó, trong cả hai đoạn văn của Thánh Mátthêu, có một câu xem ra như một ngoại lệ: parektos tou porneias ở chương 5 câu 32, vàme epi porneia ở chương 19 câu 9 mà người ta thường dịch là “ngoại trừ trường hợp dâm bôn” (unchastity) hay tương tự như thế. Câu này không có trong Máccô, Luca và cả Thánh Phaolô nữa và do đó, chắc chắn là câu Thánh Mátthêu chêm vào. Ý nghĩa của việc chêm vào này hiện vẫn còn đang được tranh cãi, nhưng hầu hết đều nhất trí rằng quả có trường hợp ngoại lệ, có thể ngay bên trong cộng đoàn Kitô Giáo (30). Ngày nay, ai cũng hiểu lời lẽ của Chúa Giêsu muốn nói lên lý tưởng của hôn nhân, nhưng lời lẽ ấy đã được thích ứng với hoàn cảnh mới, cũng như nhiều lời lẽ khác của Người trong Tin Mừng. Điều này thường khó được chấp nhận, nhưng trong vấn đề này, sự thực vẫn là: Giáo Hội có thái độ rộng rãi hơn là điều chính Giáo Hội thừa nhận. 

Kết luận

Khảo luận này kết thúc với ba kết luận sau đây:

1. Tân Ước hoàn toàn nghiêm chỉnh trong ý định công bố nền tự do của mình, một điều được thư Thánh Phaolô nói rất rõ, rõ đến không thể lầm lẫn được. Không một trói buộc võ đoán hay thiếu nền tảng nào có thể áp đặt lên người Kitô hữu. Điều ấy không hàm nghĩa một sự phóng túng, buông tuồng, vì theo Thánh Phaolô, mọi điều Kitô hữu làm đều phải tuân theo luật yêu thương; điều họ làm không được gây hại cho bất cứ ai và phải hướng tới việc xây dựng cộng đoàn. Vì luật yêu thương là luật phổ quát và vì con người có khuynh hướng tự lừa dối mình, nên điều làm cho tác phong Kitô hữu thành thích đáng thường thường xác định trong lời dạy của Chúa Giêsu và các nguồn Tân Ước khác.

2. Dù có nhiều lời khuyên ta phải sống công chính, nhưng bất cứ mưu toan nào nhằm liệt kê đầy đủ những việc được làm và những việc không được làm đều vô ích. Điều này là do bản chất của các nguồn, nhưng cũng do nhiều nguyên nhân khác nữa. Bài Giảng Trên Núi, dù rất căn bản đối với việc huấn giáo Kitô hữu, nhưng đã chứa nhiều câu nói khó giải thích hoặc nghịch lý hay quá lý tưởng đến độ Giáo Hội không giải thích chúng theo nghĩa đen được (thí dụ câu “đừng thề chi cả” [Mt 5:34]; hay “Ai xin thì hãy cho” [Mt 5:42]). Phần lớn những lời lẽ đó thuộc huấn giáo khôn ngoan hơn là luật lệ. Cũng thế, bảng liệt kê các thói xấu của Thánh Phaolô (1 Cor 6:9-10; Gl 5:19-21; Eph 5:3-7 và nhiều đoạn tương tự) tổng hợp các từ ngữ nhằm mô tả các tội khiến người ta bị loại khỏi Nước Thiên Chúa (1Cor 6:9; Gl 5:21; Eph 5:5) và đáng bị Thiên Chúa ghét bỏ (Eph 5:6). Nhưng ngay như trong nguyên ngữ Hy Lạp, việc phân biệt ý nghĩa giữa một số từ ngữ cũng đã khó rồi, huống chi trong các bản dịch tiếng Anh hay tiếng Việt thí dụ các chữ chỉ dâm đãng, trụy lạc, dâm bôn, ô uế, phóng đãng, gian dâm. Ngay việc lúc nào là tằn tiện mà lúc nào là tham lam, lúc nào tiệc tùng mà lúc nào là tham ăn (orgy) cũng không hẳn dễ dàng xác định. Lại còn thế nào là “nói nhảm nhí” ( Eph 5:4) để đến nỗi phải bị loại khỏi Nước Trời? Nếu cứ loanh quanh luẩn quẩn như thế có lẽ ta lại rơi trở lại với 613 lề luật của Do Thái Giáo, điều mà Thánh Phaolô muốn giải thoát ta.

3. Có lẽ sẽ hữu hiệu hơn về phương diện mục vụ và chân thực hơn về phương diện Thánh Kinh nếu ta giúp tín hữu ý thức được các vấn đề và các thách thức hơn là bắt họ phải giáp mặt với bảng liệt kê các giới răn. Dĩ nhiên phương thức này có nguy hiểm. Nhưng sở dĩ có cảnh hỗn mang về luân lý hiện nay là do thế giới hiện đại bác bỏ cung cách ta trình bày sứ điệp của ta hơn là vì họ thấy đó đây có người phán đoán thiếu sót về luân lý tính của một hành vi đặc thù nào đó. 
__________________________________________________________________________________________________________________
Chú thích

(1) Trường phái rabbi coi đây là một lệnh truyền, nhưng thực sự đây không phải là nghĩa đen của bản văn Cựu Ước. Xem David Daube, The Duty pf Procreation (Edinburgh: Edinburgh University Press, 1977)
(2) Các nàng hầu nô lệ được Rakhen và Lêa dâng cho Giacóp đã trở thành thành viên cố định của gia hộ Giacóp và thường xuyên được nêu danh cùng với hai người vợ của ông, dù con cái họ được chính thức kể là con cái của Rakhen và Lêa (St 29:31-30:24; 33:1-3, 6-7; 46:8-27).
(3) Xem các luật số 119, 170 và 171.
(4) Xem hoàn cảnh của Gíp-tác trong Tl 11:1-2.
(5) Cũng thế, tù nhân chiến tranh được lấy làm vợ này cũng không bị bán làm nô lệ sau đó, dù nàng bị thất sủng của chồng, xem Đnl 21:10-14.
(6) Trong Cn 2:17 cũng thế, “giao ước của Chúa mình” mà người đàn bà ngoại tình quên mất có ý nói đến giao ước với Israel, chứ không hẳn hôn nhân. 
(7) Truyền thống rabbi giải thích tính cách nghiêm khắc của hình phạt này bằng cách cho rằng sự sa ngã của cô gái diễn ra giữa thời kỳ đính hôn và thời kỳ kết hôn, do đó, tương đương với tội ngoại tình, nhưng trong bản văn không có điều gì hàm ý việc đó. Việc mô tả cung cách người ta đạt tới lời kết án trong vụ này không cho biết chi tiết về hoàn cảnh. Vụ này làm sáng tỏ việc giải thích sau đó nhằm giảm thiểu sự nghiêm khắc của luật.
(8) Việc đồng hóa như thế cũng xẩy trong việc người ta hiểu hành vi dâm dật dù chỉ một lần cũng có hiệu quả làm dơ bẩn con người như đĩ điếm. Cả hai, đều được mô tả với cùng một chữ Hípri hālal trong bản Masoretic, và với cùng một chữ bebēloun trong bản Bẩy Mươi Hy Ngữ.
(9) Vụ này phức tạp vì cả hai lý do thứ nhất đây là một vụ hiếp dâm, thứ hai Amnôn là anh cùng cha khác mẹ với Tama. Tuy nhiên, vì nàng cho rằng Đavít sẽ cho hắn cưới nàng làm vợ, nếu hắn yêu cầu, nên hành vi này là nĕbālâ vì trường hợp này không có hôn nhân.
(10) Không có lý do nào để quả quyết rằng quan tâm ở đây liên quan tới việc đĩ điếm có tính thờ cúng của ngoại giáo. Cách nói của Hípri ở đây (dùng chữ zāna) không hàm ý ấy.
(11) Khuynh hướng coi đĩ điếm và ngoại tình như nhau liên tiếp diễn ra. Đôi lúc, chúng được coi như hai tội khác nhau, nhưng cách xử lý chúng thì song hành với nhau, như trong Cn 23:27, như đã nói (xem thêm Gr 5:7), dù đôi khi sự song hành này làm mờ nhạt sự phân biệt như thể người ta dùng hai chữ khác nhau để chỉ cùng một thứ tội (Gr 3:8-9; Hs 4:13-14). Để thấy trọn vẹn cách xử lý vấn đề bàn trong phần này, xin xem J. Jensen, “Does porneia Mean Fornification? A Critique of Bruce Malina,” Novum Testamentum 20 (1978):162-184.
(12) Eduard Nielsen, The Ten Commandments in New Perspective (STB 2/7, Naperville, IL: Allenson, (1968), 105-108. Đàng khác, H. Schungel-Straumann, Der Dekalog – Gottes Gebote? (Stuttgarter Bibelstudien 67; Stuttgart: KBW, 1973), tr. 51 rất đúng khi bác bỏ một lý lẽ khác nữa của Nielsen khi ông này cho rằng việc bỏ này “không những chỉ nhắm vào việc chống lại mọi hình thức vi phạm tính dục, kể cả kê gian và đồng tính luyến ái, nhưng còn chống lại cả tội bội giáo nữa (Nielsen, tr. 107).
(13) Xem J. Bottéro và H. Petschow, “Homosexualität,” Reallexikon der Assyriologie und Vorderasiatischen Archäologie 4 (Berlin/New York: Walter de Gruyter, 1972-1975): 459-468. Trong các thí dụ được liệt kê, họ kể ra các giấc mơ gợi dục trong đó các người đàn ông mơ thấy mình giao hợp với thần, với vua, với người nổi danh khác, với cha vợ, với con trai của người khác, với thanh niên, với con nít và cả với xác chết nữa. Đây là một khảo luận trong đó, việc bói toán dựa vào các biến cố trong đời sống tính dục, gồm 4 vụ giao hợp nam: một lần với người cùng giai cấp xã hội, một lần với tên điếm đền thờ, và hai lần với người trong gia hộ, một là gia nhân tự do, một là nô lệ. Các tác giả cũng ghi nhận nhiều lời cầu nguyện đề cập tới tình yêu của đàn ông với đàn bà, của đàn bà với đàn ông, của đàn ông với đàn ông. Trong cả ba trường hợp này, người ta dùng cùng một động từ để chỉ sự nồng ấm và tình cảm gắn bó giữa người yêu và đối tác.
(14) Có thể tìm thấy trong J.B. Pritchard, biên tập, Ancient Near Eastern Texts Relating to the Old Testament (2nd ed.; Princeton, NJ: Princeton University Press, 1955) tr.181.
(15) Từ ngữ thông thường chỉ điếm nam ở đền thờ là quādēš, vốn là giống đực của qĕdēšâ nghĩa là “đấng thánh” dùng trước nhất để chỉ Ishtar, nữ thần tình yêu và sinh nở, và sau đó áp dụng cho các điếm nữ của đền thờ. Chữ này được dùng trong các câu 1V 15:12; 22:47; 2V 23:7. Câu Đnl 23:18-19 dùng chữ “chó” (keleb), một kiểu nói của vùng Lưỡng Hà. 
(16) Các câu này có thể tìm thấy theo thứ tự trong Pritchard, Ancient Near Eastern Texts, các trang 423 và 413.
(17) Bruce Vawter, On Genesis: A New Reading (Garden City: NY: Doubleday, 1977) tr. 233-236.
(18) Bottéro-Petschow, tr.463-467.
(19) Muốn thấy những câu khó trong Mt 5:17-19, là những câu xem ra muốn nhấn mạnh tới giá trị liên tục của Luật Môsê, nên xem John Meier, The Vision of Matthew: Christ, Church, and Morality in The First Gospel (New York:Paulist, 1979) tr. 222-236. Vì cuốn này liên quan tới luân lý tính và một phần được khuyến khích bởi phúc trình CTSA, Human Sexuality (New York: Paulist, 1977) nên rất có quan hệ.
(20) Joseph Fitzmyer, “Pauline Theology” The Jerome Biblical Commentary, do R.E. Brown và nhiều người khác biên tập, (Englewood Cliffs, NJ: Prentice Hall, 1968, 79:106. 
(21) Không chỉ có việc thay đổi từ ngày thứ bẩy qua ngày đầu tiên là quan trọng mà thôi, mà cung cách tuân giữ cũng đã được tái giải thích một cách triệt để. 
(21bis) Thực ra, nhiều học giả khác giải thích Thánh Phaolô cách khác. Họ đưa ra sự phân biệt như sau: Theo Thánh Phaolô, Kitô hữu được giải thoát khỏi lề luật bằng hai cách. Trước nhất, Kitô hữu không trông chờ lề luật để được cứu rỗi mà trông chờ ơn thánh của Chúa trong Chúa Giêsu Kitô; do đó, họ được tự do vâng theo lề luật, không phải như một áp đặt ý Chúa từ bên ngoài nữa, mà do các động lực tin, cậy, mến nội tại do Chúa Thánh Thần linh hứng. Thứ hai, lề luật ban cho người Do Thái đã được phổ quát hóa cho toàn thể nhân loại rồi, và do đó, đã được giải thoát khỏi mọi ràng buộc có tính nghi thức và chính trị vốn có tính đặc trưng Do Thái, như cắt bì và luật ăn uống. Tuy nhiên, lề luật phổ quát về luân lý thì mãi mãi vẫn còn giá trị với Tân Ước, vì nó vốn biểu lộ sự khôn ngoan của Thiên Chúa và việc Người hằng âu yếm chăm sóc toàn thể nhân loại và quyền lợi mọi người; chính Chúa Giêsu đã khôi phục nó trở lại giá trị nguyên thủy, và đòi ta phải tuân giữ nó hơn cả Luật Cũ nữa (Ghi chú của ban biên tập). 
(22) Xem thêm J. Jensen “Old Testament, New Testament and Christian Morality,” The Living Light 12, (1975): 491-493.
(23) “Như Thánh Phaolô quan niệm, có hai thứ nguy hiểm đe dọa sự tự do của Kitô hữu Galát: (1) tiếp nhận Tôra của Do Thái (5:2-12), (2) đời sống họ bị hư đốn vì ‘xác thịt’ (5:13-24)”. H.D. Betz, Galatians: A Commentary on Paul’s Letter to the Churches in Galatia (Philadelphia: Fortress, 1979) tr. 258.
(24) Trong Gl 5:16, Thánh Phaolô nói rằng những ai sống theo Thần Khí sẽ không chiều theo các ham muốn của xác thịt, còn trong các câu 22-23, ngài liệt kê các hoa trái của Thần Khí như phản đề đối với “việc làm của xác thịt” (các câu 19-21). “Việc làm của xác thịt” dĩ nhiên có các tội về xác thịt, nhưng cũng bao gồm hàng loạt các tội khác liên quan đến sự yếu đuối và sa đoạ của bản tính con người như ghen tị, ganh ghét…
(25) Betz cho rằng những người chống đối muốn Do Thái hóa của Thánh Phaolô ở Galatia có khả năng thuyết phục các Kitô hữu ở đó chịu tiếp nhận Kinh Tôra chính vì sự khó khăn này: họ có Thần Khí và tự do, nhưng không có lề luật nào để cho họ hay điều gì đúng điều gì sai (Gl 8-9).
(26) Chữ porneia của Hy Ngữ rất khó hiểu vì nó có rất nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa đĩ điếm, hôn nhân trong vòng bà con gần và thờ ngẫu thần nữa. Tuy nhiên, trong phần lớn các bản văn, nó chỉ tác phong ham muốn xác thịt, có lẽ theo nghĩa chung chung, nhưng chắc chắn có nghĩa dâm dật (fornificaton): xem Mc 7:21; Mt 15:19; 1Cor 5:9-11; 7:2; 2Cor 12:21; Gl 5:19; Eph 5:5, 3…
(27) Có lẽ liên tục tính với Cựu Ước đã khiến Thánh Phaolô mạnh mẽ chống lại “người Côrintô loạn luân” (ngài gọi nó là porneia) trong 1Cor 5:1-5. Người đàn ông này cưới người mẹ kế của anh ta, một sự kết hợp bị Lv 18:8 kết án, dù theo cách nói Công Giáo bây giờ, điều ấy là trở ngại hôn thuộc, một trở ngại có thể được miễn chuẩn. 
(28) Tài liệu chưa được phổ biến.
(29) Điều này có hoàn toàn mới mẻ đối với Do Thái Giáo hay không thì còn đang tranh cãi. Joseph Fitzmyer, “The Matthew Divorce Texts and Some New Palestinian Evidence” Theological Studies 37 (1976): 197-226, thấy rằng ly dị bị cấm trong một số giới của Do Thái Giáo tại Palestine vào thế kỷ thứ nhất, nhưng cách đọc bằng chứng này bị Bruce Vawter nghi ngờ, “Divorceand the New Testament”, Catholic Biblical Quaterly 39 (1977):528-542.
(30) Vấn đề này được cả Fitzmyer lẫn Vawter nói tới trong các bài đã trích dẫn. Xin xem thêm cuộc thảo luận nữa về điểm này và về toàn thể vấn đề ly dị của Tân Ước trong bài “New Testament Perspective on Marriage and Divorce” của George Macrae in trong Divorce and Remarriage in the Catholic Church, do L.G. Wrenn chủ biên (New York: Newman, 1973) các tr. 1-15.

ờ* Ghi chú của người trình bày: Thiển nghĩ, cho đến nay, quan điểm chính thống vẫn coi “luật trừ Mátthêu” thực sự không hẳn là luật trừ mà là một trong những “cản trở” làm cho hôn nhân vô hiệu từ ban đầu, như hôn nhân giữa những người có họ hàng gần chẳng hạn. Nên hầu hết các bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt, đều dịch là “trừ hôn nhân bất hợp pháp”, chứ không phải là “trừ ngoại tình” hay “trừ bất trung”. Vì nếu không, chẳng hóa ra giáo huấn tha thứ của Chúa Giêsu vô nghĩa trong trường hợp này hay sao?

Vũ Văn An

0 nhận xét:

Đăng nhận xét