Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 23 thường niên năm B 09.9.2012: “Đôi mắt em lặng buồn,”


Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 23 thường niên năm B 09.9.2012
“Đôi mắt em lặng buồn,”“Nhìn thôi mà chẳng nói,
Tình đôi ta vời vợi
Có nói cũng không cùng,
có nói cũng không cùng.”
(Nhạc: Phạm Đình Chương/Thơ: Lưu Trọng Lư – Mắt Buồn)
(1Ga 4: 4 )      
            “Đôi mắt em” hay mắt anh một khi đã “lặng buồn” rồi, thì có bàn hoặc có hỏi cũng chẳng được tích sự gì. Bởi, có nói gì thêm nữa thì “cũng không cùng” !  
Lặng buồn và khắc khoải không cùng, phải chăng cũng là ý của tác giả khi viết lời ca/tiếng nhạc cho nghệ sĩ hát? Phải chăng đó chỉ là cảm tác của ai đó rất bất chợt, như tâm tình của người nghe “hát sĩ” cất chất giọng vời vợi vào buổi “Hát cho nhau nghe” ở Sydney, đầu năm 2012.
            “Nói cũng không cùng”, có thể là ý nghĩa mà người hát hôm ấy đã chọn để rồi người nghe sẽ sâu lắng tâm tưởng về trạng thái mà người xưa vẫn cứ bảo: “Con mắt là cửa sổ của linh hồn”. Mà, một khi “cửa sổ” đã chớm buồn, thì hồn mình làm sao vui?
Thật ra cũng khó biện bạch, khi những chuyện lẽ đáng ra là mừng vui, nhưng sao vẫn buồn. Buồn, như chuyện nhà Đạo cứ hiện ra trước mắt thấy rất rõ, khi bạn và tôi, ta có dịp về với Đạo mình để xét xem tình huống của người mình có vui không khi nhận ra nhiều sự việc “rối rắm” như nhận định bên dưới:

“Cách đây chừng 30 năm, học sinh trung học ngoài đời như tôi, đa số đều vui khi có được giải thích bảo rằng hôn nhân là “thể chế xã hội” có ánh nhìn vào cõi mông lung hằn in một trống vắng. Tôi đang sống trong xã hội vào thời buổi rất ít người hỗ trợ cho hôn nhân theo truyền thống cũ. Điều này xuất từ quá trình lịch sử khá ư là phức tạp, như chuyện ở xã hội nào đó có nhiều nguời vẫn sống theo qui cách của xã hội được kỹ-nghệ-hoá khá nhiều. Và, vai trò của nữ phụ nay đổi thay không ít đến độ nhiều người như tôi vẫn cho rằng hôn nhân là chuyện đời riêng tư/cá thể, trong đó vấn đề sinh con/đẻ cái không buộc phải thế nhưng là lựa chọn. Hoặc, họ vẫn coi hôn nhân như phạm trù hạn hẹp, chí ít là khi thấy những người đồng tính luyến ái cứ ăn đời ở kiếp với nhau y hệt vợ chồng, lại coi đó như chuyện thường ngày ở huyện. Người Công giáo Mỹ khi xưa, đếm được chỉ có 10% dân số nói chung. Nhưng trong số đó, có nhiều người sống đời vợ chồng lại không theo qui cách Hội thánh ấn định, để rồi vào lúc nào đó lại nóng lòng được trở về với nhà Đạo như khi trước.
Từ đó, nảy sinh trong tôi đôi câu hỏi đại để như: “Phải chăng Hội thánh đang tụt về đằng sau ở vào thời mà tác giả Eamon Duffy từng bàn về “đường lối sống” rất chính đáng? Hoặc, thánh Hội của ta, phải chăng như chỉ có mỗi tiếng nói duy nhất nhằm cổ võ sự an toàn giới tính ở trời Tây thôi? Phần tôi, tôi lại vẫn nghiêng về vấn nạn hỏi rằng: Hội thánh ngày nay quay về hướng nào để duy trì trân châu/báu vật của hội thánh là “mẹ” chặt chẽ đến độ những ai có yêu cầu bức bách lắm cũng khó mà nhận được hỗ trợ. Riêng tôi, thì thấy đây là vấn đề mang tính rất mục vụ.
Nói chung thì, nam nhân và nữ giới có khác nhau nên mới được Thiên Chúa định ra việc sinh con đẻ cái. Và, hôn nhân một vợ một chồng, duy trì ở phương Tây, được qui định là để bậc mẹ cha cố mà nuôi nấng và chăm sóc đàn con thơ bé của mình. Đức Bênêđíchtô XVI gọi đây là “ngữ pháp của tạo dựng. Dĩ nhiên, ngài không đại diện cho mọi người để nói lên lập trường rất chung của thánh Hội. Nhưng, thánh truyền lại vẫn dạy: hôn nhân một-vợ-một-chồng phản ánh hiện trạng Hội thánh trung thành với Chúa nên không thể nào phá vỡ nó, một sớm một chiều. Đặc trưng “không thể phá vỡ” và việc tự nguyện sinh con cùng yêu thương chúng như con cái Chúa, trên nguyên tắc, là chuyện rất thiết thực của hôn nhân, theo đúng nghĩa. Theo Kinh Thánh, giáo huấn này không đổi thay hoặc cần xét lại. Nhưng, giáo luật và thủ tục kết giao hôn nhân phải ứng dụng một cách hài hoà, cho mọi người. Thế nên, Hội thánh lâu nay nhắc nhở các tân linh mục hãy nhớ duy trì mẫu gương nhân từ của Chúa Chiên Hiền. Người Công giáo, dù có ly dị và/hoặc tái giá thêm lần nữa vẫn trông chờ lòng xót thương của Hội thánh để hồi hướng trở về với cộng đồng nhân loại, sống yên vui.
Hội thánh là chốn ẩn náu để người phạm lỗi đến đó mà nương thân. Tuy thế, nhiều giám mục và linh mục lại cứ về với chủ nghĩa giáo-sĩ-trị kiểu mới, rất đáng sợ nên trốn chạy không còn muốn làm nhân chứng cho Nước Trời nên nay chỉ thấy được rất ít vị giữ đặc tính khiết tịnh như hồi đầu. Nhiều vị khác đã hoàn toàn ngã  gục khi nhận lãnh trách nhiệm sống và làm chứng cho Chúa trong mọi việc, cho đúng. Thường thì các ngài hay tỏ dấu miệt thị các vị từng ly dị hoặc tái giá thêm lần nữa. Có vị, còn coi rẻ hôn nhân đồng tính, nữa. Nói tóm lại, nhiều đấng bậc vị vọng của ta, thay vì đến với con dân Đạo Chúa đang có vấn đề rối rắm như Chúa từng làm, thì các ngài lại xử sự cách khác hẳn. Thành thử, dân con nào có “vấn đề” lại cứ tưởng Chúa cũng khinh miệt và ghét bỏ họ, nên họ mới xa rời vòng tay mềm mại và ấm áp của thánh Hội.
Nếu thực tâm đối thoại với các cặp phối ngẫu dù đồng tính nhưng vẫn sống trung thực ở hoàn cảnh rất đau lòng, mới thấy là họ luôn bị người khác khinh rẻ lại còn chụp mũ họ như “bọn rối” vì sống khác truyền thống chính mạch chẳng kể gì dư luận, chẳng để ý xem có người nào nhìn mình bằng cặp mắt khó chịu, hoặc có quan điểm khác biệt không. Thật ra, Hội thánh không thể và cũng sẽ không đổi thay qui tắc hôn nhân một-vợ-một-chồng giữa nam nhân và nữ giới, trong tương lai. Điều này không có gì để ta cứ phải tranh chấp, cãi vã. Riêng tôi, tôi vẫn nguyện cầu cho anh chị em đồng đạo của tôi sẽ có ngày chứng kiến chuyện đó với tất cả sự hãnh diện, đầy phấn khởi. Tôi cũng cầu cho các vị mục tử trong Đạo mình biết cách mà giảng dạy và thực thi những gì Hội thánh từng khuyên dạy với lòng xót thương, khôn ngoan xứng với danh chức của một mục tử thời đại luôn tin tưởng Đức Kitô và mọi người.” (trích ý kiến của William L. Portier, giáo sư thần tại Đại học Công giáo Dayton và Emmitsburg, Maryland Hoa Kỳ, qua bài viết có nhan đề A Modus Vivendi: Sex, Marriage & the Church, Commonweal 27/12/2011)

            Thế đó, là nhận định của một bậc thày thần học tại đại học Dayton, Hoa Kỳ. Tức, cũng là nhận định khá chính mạch và có khuôn thước, tựa như lập luận của người có suy tư, trăn trở. Tuy nhiên, thực tế ở đời có ai đồng quan điểm như thế hay không, lại là vấn đề khác. Vấn đề, để bạn và tôi, ta xét thêm ý kiến của bậc thày khác, cũng không kém phần tinh tế, như sau:

“Tôi cũng thấy vấn đề do tác giả Eamon Duffy đặt ra khi ông bảo: “hôn nhân của những người không theo qui cách cũ xưa do hội thánh qui định, nay vẫn thấy xảy ra ở nhiều nơi. Và, người thời đại này vẫn cứ sống ung dung, vẫn coi đó là như chuyện bình thường. Hơn nữa, ta cũng đã thấy nhiều hôn nhân “theo qui cách” của người xưa, tức phản ánh chức năng đạo đức đúng truyền thống Giáo hội, vẫn thất bại ở đời về nhiều mặt như các địa hạt có vấn đề: xách nhiễu tình dục, cuộc sống tầm thường, hành xử trong quan hệ độc hại hoặc cả ba. Dù, Hội thánh ta có “khua chiêng gõ mõ” cho lớn cố thuyết phục mọi người theo truyền thống cổ xưa để làm gương cho thế hệ trẻ coi đó mà sống cho xứng đáng. Và, hôn nhân giữa người đồng tính sẽ còn gây nhiều thiệt hại cho con cái mình hơn nữa. Nói cách khác, Giáo hội vẫn cứ khẳng định rằng: vui sướng xác thịt trước đám cưới sẽ khiến hôn nhân giữa hai người ấy chuốc nhiều độc hại không thể hàn gắn được. Và, người ly dị và tái giá thêm lần nữa, theo luật đời, việc này cũng sẽ tạo gương mù/gương xấu cho người đồng đạo khiến trật tự xã hội sẽ bị đảo lộn nhiều hơn.                      
Xã hội ổn định nay cho thấy: đó không là kết quả của thể chế lành lặn, mạnh mẽ. Thể chế chỉ có thể lành mạnh khi nối kết với việc ổn định đời sống cá nhân riêng tư. Bởi, họ là những người liên kết dưới một ngọn cờ duy nhất. Nói khác đi, sự ổn định xã hội không là sự thể ta đạt được từ một thể chế nào dù vững chắc. Đúng hơn, các thể chế thời hiện tại có khuynh hướng vững mạnh như ta thấy thành viên trong đó vẫn đang sống khá ổn định. Ổn định hay không, chẳng là những điều do thể chế nào tạo ra, mà do ta mang đến cho thể chế ấy, thôi. Dù thể chế hôn nhân nào đó nay được nhiều người hiểu như đã tạo ra tinh khiết đáng nể trọng, thì hôn nhân không theo truyền thống cũ, vẫn là sự sống chung của những người trưởng thành với nhau. Vẫn đạt hơn hôn nhân theo kiểu xưa cũ giữa những người chưa chín chắn cho lắm nhưng chỉ biết mỗi việc tuân theo tục lệ của tiền nhân khi trước, thì tục và lệ ấy dù được thể chế trổi trang là “Giáo hội” phê chuẩn và ban phát lợi lộc nhiều chăng nữa.
Có nhiều trường hợp, trong đó Giáo hội vẫn chủ trương “hôn lễ ở bên trong nhà thờ” đã trở thành nơi thuận lợi và hấp dẫn để chụp hình lưu niệm cho đẹp lưu lại về sau hầu người khác thấy thế mà bắt chước. Thế nên, nhiều trường hợp chủ tế đại diện cho Giáo hội lại khước từ không cho phép trổi nhạc hoặc cất lên một số bài ca do đôi trẻ yêu cầu vì thấy thích hợp để ghi tạc kỷ niệm đời.
Nói chung, thực hiện đám cưới cho tốt và đẹp, phải mang ý nghĩa hân hoan đi vào khoảnh khắc có bí tích nhiệm mầu hơn là chỉ tìm góc cạnh đẹp để chụp hình làm kỷ niệm, sau đó sẽ “tải” lên Facebook cho bạn bè thưởng lãm. Trả lời vấn nạn tác giả Eamon Duffy đưa ra về hôn nhân, tôi đề nghị tiêu chuẩn dành cho bí tích hôn phối phải làm sao cao hơn hôn nhân ở mức độ bình thường chứ không được thấp, ngõ hầu ta coi hôn nhân có vai trò đích thực của ngôn sứ trong thế giới trinh trong cao cả chứ không phải chỉ cho mỗi thế giới riêng mình, thôi. Đó là điều hiển nhiên, rất rõ ràng.
Không nên liệt bí tích hôn phối vào cùng hàng với giải trúng xổ sổ tặng cho các cặp phối ngẫu nào thực thi đúng chức năng và hành xử đã ghi ở phụng vụ. Hôn nhân, phải là lời mời các cặp phối ngẫu nhận ra nhu cầu cần đến ân huệ và tính khiêm hạ ngõ hầu ta có thể đến với truyền thống vẫn tồn tại.” (trích ý kiến của Gs Nancy Dallavalle, Trưởng Khoa Tu Đức, Đại học Fairfield Hoa Kỳ, bđd)

            Nói cho cùng, bàn về hôn nhân theo truyền thống Đạo giáo hay kiểu lạ kỳ giữa người đồng tính mà lại trích dẫn mỗi lập trường của bậc thày thần học như trên, cũng hơi lạ. Hơi lạ, là bởi ta chỉ thấy ý kiến bàn ra/nói vào, chứ đâu thấy kinh nghiệm của ai khác nói về trường đời, sống cũng khó. Thế nên, nay đề nghị nên xét thêm một nhận định của đấng bậc khác ở trường đời và trường học, như sau:

“Tác giả Eamon Duffy rất có lý khi ông trưng dẫn sự kiện về kiểu sống giống nhất loạt về đạo đức/tính dục ở phương Tây nay gẫy đổ. Và người Công giáo thường thường bậc trung ở nơi ấy, nay có cần một “thể thức sống”, hơi khác không? Tôi không rõ thể thức ấy có giống với luật đạo hoặc lệ đời không, nhưng vấn đề đặt ra đương nhiên ta cần xét kỹ. Và, cho dù luật lệ cũng như qui định trong Đạo có dẫn đến tình trạng nào đi nữa, thì việc chuẩn bị cho người Công giáo bình thường biết thích nghi với trạng huống gẫy đổ về luân lý/đạo đức đòi mọi người phải chú tâm hơn đến công cuộc đào tạo tinh thần cũng như giáo dục về thần học cho họ. Thành thử, cơ hội vẫn còn đó cho mọi người để rồi ta mới mong cho “người Công giáo bình thường” hiểu rõ vấn đề hơn.
Còn, hỏi lý do tại sao Giáo hội lại cứ dạy con cái mình nhiều điều về luân lý như thế, cũng chỉ là bước đầu để hỏi, dù việc hỏi han ấy thật đáng kể. Thành thử, vấn đề tiên quyết là: làm sao tạo cho được nền giáo lý tốt đẹp hơn, đó vẫn là chặng đường khá dài mang theo hy vọng giúp ta chống đỡ mọi gẫy đổ. Đằng khác, ta không thể nói mình hỗ trợ cho nền giáo dục Công giáo, mà lại không đưa ra vấn nạn nào liên quan đến giáo dục ấy, bằng không thật khó mà hiểu cho hết đường lối giáo dục ấy.
5 năm qua, tôi có dịp giúp đỡ phần đạo đức và thần học luân lý cho khoảng 400 sinh viên tại Đại học Villanova, Hoa Kỳ. Phần đông sinh viên của tôi đều tốt lành và có lòng phục vụ người khác. Đa số các sinh viên ấy, đều xuất xứ từ các gia đình Công giáo từng học trường Đạo. Khi đó, mọi giảng đường mở ngày thứ Bẩy để dạy phụng vụ cũng thường chật cứng. Thi thoảng, lại cũng thấy vài ba sinh viên không thích môn này, nhưng chuyện ấy cũng hiếm thôi. Còn chuyện họ truyền tay nhau xem hình đồi trụy tại khu ngủ nghỉ xảy ra rất thường với giới trẻ. Nói chung, đa số sinh viên của tôi vẫn mang dấu ấn khá sâu sắc về nền văn hoá Công giáo hiện đại, nhưng lại thiếu ngữ vựng thiêng liêng để có thể phê bình hoặc chê trách các thói quen dục tình không thích hợp của quảng đại quần chúng.
Nhiều sinh viên cũng quan tâm đáp ứng các vấn đề trên một cách khác thú vị. Nhưng thực sự mà nói, họ đang chạm mặt với đường lối giáo dục của nhà Đạo khá nghiêm trọng về tính xác thực và tri thức. Tôi biết là thời xưa, thần học luân lý về tính dục có thể mang nặng tính tiên tri và lề luật, nhưng thật ra cũng đâu cần phải như thế. Có lần tôi cho sinh viên của tôi học hỏi nghiên cứu các đề tài, như: Hiến chế Humanae vitae, Thần học thân xác của Đức Gioan Phaolô đệ Nhị cùng các thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Ephêsô, thì các sinh viên của tôi xem ra cũng biết đôi điều do thánh nhân đề cập, nhưng họ đang phải giáp mặt với những vấn đề mà khi trước nhiều người vẫn xác tín nhưng nay đà biến dạng. Nói khác đi, sinh viên ngày nay lại quá thành thạo chuyện trần tục, thành thử cũng khó mà tẩy rửa được não trạng của các em cho phải lẽ. Ngoài ra, các sinh viên của tôi vẫn tỏ ra hăng say phấn chấn dám đàm luận một cách nghiêm túc về các vấn đề xem ra có hơi gai góc, khác đời.
Dưới đây là một vài chủ đề được đưa ra thảo luận ở giảng đường, như: Kế-hoạch-hoá gia đình theo phương pháp tự nhiên cũng giúp ích đấy chứ, nhưng chỉ khi hai người phối ngẫu biết kiên nhẫn và trì hoãn nhận phần thưởng hoặc lời khen, thôi. Ngược giòng lịch sử, ta thấy chuyện sống đời độc thân không là chuyện của những người tự mình thực hiện cho riêng mình, nhưng là định chuẩn để ta sống đời cộng đoàn, tức quà tặng giúp cho tương quan được tốt đẹp hầu làm nhẹ bớt những khắc khoải do có tranh giành vì giới tính. Tìm hiểu cuộc sống lứa đôi thật nghiêm túc, người người sẽ thấy hôn nhân là ơn gọi để ta có nhận thức đúng đắn khi hò hẹn. Bởi, sống chung đụng gần gũi cũng giống như hôn nhân, nhưng là sự thân mật có điều kiện về dục tính, như có hứa và có hẹn mà không buộc giữ lời, đó vẫn là phóng tác hoặc phó bản nghịch chống lại giao ước mang tính bí tích nhiệm mầu. Chủ nghĩa hậu-hiện-đại lại có quan điểm về tính dục vẫn dựng xây trên nền tảng xã hội, nhưng hiểu biết hôn nhân cách thấu đáo vẫn giúp ta cố gắng để có sức chống chọi giòng văn hoá mặc định khiến người Công giáo có thể chọn câu truyện nào và thực hành ra sao để có thể giúp duy trì ước mơ và kỳ vọng.
Sự gẫy đổ hôm nay về qui cách sống chung có theo truyền thống không có thể sẽ tiếp tục cứ diễn tiến dù ta có làm gì để đối phó, cũng thế thôi. Thế nhưng, Đức Giêsu đã chết cho ta và Ngài sẽ trỗi dậy một lần nữa cũng cho ta và cho cả hôn nhân đôi lứa. Có nhiều cách để ta có thể kể cho nhau nghe về các đề tài dục tính trong Đạo. Có nhiều cách cắt nghĩa cho ta để ta biết mà nối kết các điểm nhấn từ sự thể “Chúa yêu thương mọi người”cho đến việc khẳng định rằng: “đây là những gì mà khôn ngoan linh đạo đề nghị khi ta kiểm soát sinh đẻ, hoặc ly dị, hẹn hò trai gái.” Cũng nên có quyết tâm mà thực hành thương yêu để hiểu được các chuyện như thế, và từ đó tự mình tập được thói quen như thế. Giáo dân Công giáo thường thường bậc trung có thể âm thầm học hỏi để tìm ra giải pháp từ những sự kiện quan trọng ở trường lớp, giáo đường, nhà xứ cũng như nhóm hội học hỏi ở các nơi.” (trích ý kiến của Christopher C. Roberts, tác giả cuốn Tạo dựng và Giao ước: Ý nghĩa của Khác biệt Giới tính trong Thần học Luân lý Hôn nhân đồng thời là giảng sư đại học Villanova, Hoa Kỳ)

            Ở đây nữa, nói gì thì nói cũng nên nói có căn. Tức, có kinh nghiệm bản thân rất từng trải về các địa hạt liên quan đến con người sống đích thực ở đời, là thế giới phàm trần ít quan tâm để ý đến tôn giáo. Bàn gì thì bàn, cũng đừng quên bàn về ý kiến của người trong cuộc vẫn phấn đấu, trong mọi tình huống dù khó khăn. Nói và bàn cách nghiêm chỉnh, là đặt căn bản trên tình yêu thương mọi người, như thánh nhân hiền lành, rày vẫn khuyên:

“Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa"
mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối;
vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy,
thì không thể yêu mến Thiên Chúa
mà họ không trông thấy.”
(1Ga 4: 4)

            Riêng bần đạo, mỗi khi bàn và thảo chuyện nghiêm chỉnh mang tính cách rất “ngộ” về Đạo, cũng đều xin về với vườn thơ có ý nhạc đạm bạc, để rồi từ đó có ý tưởng mà đưa ra vài cảm nghiệm mang tính tư riêng, hạn hẹp. Vườn thơ/nhạc hôm nay lại đã thấy ca từ ý nhị của tác giả trên như sau:

“Yêu hết một mùa Đông
không một lần đã nói
nhìn nhau buồn vời vợi
có nói cũng khôn cùng
có nói cũng khôn cùng.
Trời hết một mùa Đông
gió bên thềm thổi mãi
qua rồi mùa ân ái
qua rồi mùa ân ái.”
(Phạm Đình Chương/Lưu Trọng Lư – bđd)                      
           
            Yêu hết một mùa Đông”, không buồn vợi vợi, dù “qua rồi mùa ân ái”, hay chỉ mới rút kinh nghiệm chung sống nhưng vẫn yêu. Yêu hết mọi người như người từng trải kinh nghiệm “nhìn nhau mà lệ ứa”, mà ca từ ở bên dưới còn diễn tả:

“Em ngồi bên song cửa
Anh đứng tựa tường hoa
Nhìn nhau mà lệ ứa
Một ngày một cách xa
Một ngày một cách xa.”
(Phạm Đình Chương/Lưu Trọng Lư – bđd)                      

Ngồi bên song cửa”, hoặc “đứng tựa đường hoa”, “nhìn nhau (nhưng) không ứa lệ”, dù “ngày một cách xa”. Nhìn như thế, như thể nhìn Chúa mà không thấy nhưng vẫn thương và vẫn yêu. Yêu và thương Ngài, cả vào lúc biết rằng Ngài vẫn hiện diện nơi người anh, người em được nhắc nhở ở Tin Mừng. Chí ít, là những người mà mình chấp nhận chung sống như bạn đời, theo truyền thống. Yêu và thương, cả vào lúc chỉ mới gặp có một lần, đã thấy thương.
Nói cho cùng, thương yêu là chuyện dài ở đời giữa nam nữ. Thương và yêu, là động lực thúc đẩy mọi người đến với nhau, chí ít là nam nhân tìm đến phụ nữ, dù có thách đố, trắc trở, tưởng chừng như chuyện thần thoại được kể ở chốn dân gian, như bên dưới:

“Vua cha nọ, thấy rất lo cho cô công chúa tuy xinh đẹp là thế mà vẫn chưa kiếm được phò mã nào cho xứng đáng chỉ vì thương. Vua lo thế, là bởi ông thừa biết rằng con gái ông bị một chứng bệnh lạ kỳ, rất ít thấy. Một hôm, vua cho vời quần thần lại để hội ý xem nên làm cách nào để tìm cho được vị phò mã chịu lấy công chúa mắc bệnh kỳ lạ ấy. Một vị cận thần hiểu được tâm trạng của vua, bèn khấn tấu:
-Thưa bệ hạ, thần đây xin góp ý là nếu công chúa bị bệnh lạ là: cứ sờ vào vật gì, của ai, mà vật ấy không vữa tan trong tay của nương nương, thì khi đó bệnh của công chúa sẽ khỏi. Và, đôi trẻ sẽ hạnh phúc.
Vua cha vừa nghe thế đã thấy mừng. Ông lại nghĩ ra một diệu kế để công chúa vừa có phò mã lại vừa sống đời lứa đôi rất hạnh phúc. Hôm sau, vua chủ toạ buổi chiêu mộ mã với điều kiện, trai chàng nào đưa quà cống hiến mà lại không bị chảy vữa trong tay của công chúa, thì sẽ được nhận làm phò mã.
Tuyên bố xong điều lệ, tức thì có chàng trai đẹp mã đến tình nguyện cống hiến thanh kiếm lạ, rất tuyệt diệu. Ngay lúc công chúa sờ vào thanh kiếm đẹp kia, kiếm đã chảy thành cục sắt rất đáng tiếc.
Người thứ hai cũng bước lên, nhưng thay vì kiếm sắt lại dâng tặng công chúa chiếc nhẫn quý có kim cương đắt tiền. Công chúa nhận viên kim cương xong, lại cũng thấy kim cương chảy tan thành bùn đất.
Người thứ ba bước tới, thay vì dâng tặng vật quý, lại chỉ yêu cầu công chúa sờ vào tim anh ở nơi ngực. Công chúa bèn làm thế. Tim gan của phò mã tương lai chẳng tan nát, cũng vẫn đập đều những nhịp đập của thương yêu cho đến cuối đời.”

            Truyện kể chỉ có thế. Không thêm thắt, cũng chẳng miêu tả điều gì khó hiểu. Nhưng, người kể chỉ muốn diễn tả mỗi một điều, là: bao lâu con tim của người thường vẫn đập đều nhịp điệu yêu thương, thì tim đó, con người đó sẽ chẳng bao giờ tiêu tan. Dù, điều lệ của cuộc sống có thi đua, tranh chấp vẫn đòi hỏi những khác biệt, hoặc khó khăn.
            Áp dụng vào với vấn đề bạn và tôi ta đang bàn, bần đạo nghĩ cũng chỉ nên thêm thắt một lời cuối, bằng giòng thơ/nhạc ở bên trên làm đoạn kết, cũng có hậu:

“Đôi mắt em lặng buồn,”
“Nhìn thôi mà chẳng nói,
Tình đôi ta vời vợi
Có nói cũng không cùng,
có nói cũng không cùng.”
(Phạm Đình Chương/Lưu Trọng Lư – bđd)                      

Vâng. Đúng thế. Nói bằng tình yêu, mỗi chữ yêu, cũng chẳng thể nào cùng được. Chí ít, là lời nói ấy đượm nhiều hân hoan chứ đừng “lặng buồn”, trong đôi mắt.
  
            Trần Ngọc Mười Hai
            Nguyện vẫn nói
với mình và với người,
bằng tình thương
            chứ không qua đôi mắt
            rất lặng buồn.

Nguồn: Trần Ngọc Mười Hai

0 nhận xét:

Đăng nhận xét