LTCGVN (17.08.2012)
“Không có lửa làm sao có khói !” Câu nói tự ngàn xưa của ông bà để lại. Đây cũng là kinh nghiệm hết sức thực tế trong cuộc đời khi gặp phải những hậu quả đắng đót giữa đời thường.
Cũng không dám khẳng định rằng thế hệ 7x như chúng tôi hay hơn tí nữa là 6x là những người hoàn thiện nhưng hình như tuổi thơ êm đềm của thế hệ 6x, 7x nó có những thành quả không mấy để cho xã hội và con người phải bận tâm.
Nhớ lại tuổi thơ êm đềm của thế hệ 6x và 7x nó dễ thương làm sao đó.
Cạnh nhà, có quán cà phê Cây Bông Giấy, sau một ngày làm việc nhoài sức thì các anh các chị 6x ôm cây đàn ghi ta ngồi hát với nhau. Những bản nhạc Trịnh hay Ngô Thụy Miên đã đi vào tâm thức từ thuở ấy.
Một tuần, lịch cúp điện gần như ngày nào cũng có để rồi tranh thủ chạy qua nhà hàng xóm (gọi là hàng xóm nhưng cũng cách một ngã tư) để xem ké tivi. Thời đó làm gì có màu và nhiều màu như bây giờ. Chỉ cần chậm chân một chút là phải ngồi phía bên ngoài. Những bộ phim Maika, Hồ Sơ Thần Chết ... đã hút bọn nhỏ chúng tôi.
Hôm nào không có phim lại kéo ra ngã tư gần nhà ông tướng D có cái đèn đường để tạt lon, để chơi trốn tìm … Với cái lon sữa bò vất đi sau khi sữa dùng hết chúng tôi có thể dùng vào nhiều việc, có thể làm cái đèn Trung Thu chạy leng keng giữa rằng tháng Tám. Thưở đó làm gì có những cái đèn xanh xanh đỏ đỏ và có cả tiếng nhạc reo vang …
Tuổi thơ thời đó cắp sách đến trường dùng cả tập trắng tập đen. Chỉ có Toán và Văn là được dùng tập trắng còn lại là tập đen xì vì nhà nghèo. Chắc có lẽ khó quên được hình ảnh của cây viết lá tre được chấm với bình mực pha bằng những hạt mực nho nhỏ. Bình mực Quế Lâm và cây viết “máy” Hero là niềm mơ ước của bao trẻ nhà nghèo.
Sách giáo khoa thì khỏi phải nói, có những môn mà hai ba người dùng chung 1 quyển vì thiếu …
Mười mấy hai chục năm qua đi nhưng ký ức tuổi thơ vẫn còn đó. Kèm theo cái ký ức của tuổi thơ đó là những kết quả của hiện tại.
Ngày xưa nghèo thật, thiếu thốn thật nhưng đâu phải đối diện với những vấn đề nan giải như bây giờ.
Ngày nay hoàn toàn khác hẳn. Trẻ thơ đến trường được chọn thoải mái đồ dùng học tập cho đến sách vở. Ngày nay mua một bộ sách giáo khoa không còn khó nữa, thậm chí trẻ còn được trang bị thêm cho cả mấy bộ sách làm mẫu, sách hướng dẫn.
Rồi, những trò chơi ngày xưa cũng như những chiếc tivi đen trắng cũng chẳng còn. Thay vào đó là những trò chơi hiện đại và những chiếc màn hình tinh thể lỏng thật đẹp và gọn.
Những trò chơi game được thay vào những trò chơi dân gian từ thuở bé. Ban đầu, khi game còn chơi trên đĩa mềm, sang đĩa cứng đã làm cho không ít phụ huynh phải chán ngán cho con. Ngày nay không còn dừng trên ổ đĩa trên máy nữa mà đã chuyển sang loại hình mới “on-line”. Và, đam mê tột đỉnh khi đứa trẻ này ngồi trên máy này và có thể chơi trực tuyến với đứa nhỏ khác bên máy kia.
Cái gì cũng có hai mặt của nó. Khi trẻ vùi đầu vào game thì chất lượng học hành đi xuống và chất lượng đạo đức của con người trẻ càng báo động.
Cũng chỉ vì game “on-line”, chỉ vì game bạo lực đã gây ra biết bao nhiêu tan thương cho xã hội.
Mới đây thôi, một câu trả lời nghe ớn lạnh của một kẻ sát nhân vừa tròn đôi tám. Tên sát nhân đã nói với cơ quan điều tra : “cháu có họ hàng với anh LVL nên cháu phải làm một điều gì đấy giống anh ấy”.
Nghe xong mà rụng rời cả tay chân.
Cũng chẳng ngạc nhiên gì lắm khi xã hội còn đó quá nhiều LVL.
Mới đây thôi, tôi được tiếp xúc với một trẻ 15 tuổi đời nhưng đã bỏ học được 2 năm. 2 năm qua trẻ này vùi đầu trong game bạo lực. Mẹ trẻ nói với tôi rằng trẻ có thể chơi game cả một ngày không cần ăn !
Hỏi trẻ rằng nếu như mẹ không còn chu cấp thì sống như thế nào, trẻ không ngần ngại trả lời rằng “tự tử chết theo mẹ!”.
Một cuộc đời không có lý tưởng.
Khi tiếp xúc với trẻ này rồi tôi chợt nhận ra rằng còn nhiều trẻ đang sống trong con đường nghiện game mà LVL cũng như tên sát nhân ở Thanh Hóa vừa bị bắt.
Hậu qủa của những cuộc đời vìùi đầu vào game thật khôn lường.
Có mấy đứa cháu, cũng theo trào lưu của xã hội là học vi tính rồi lên mạng, rồi chơi game … Không thể nào ngăn cản chúng 100% được, chỉ dè chừng chúng bớt đi chừng nào hay chừng nấy thôi. Ngày nào và giờ nào có dịp cũng phải nhắc chừng chừng chúng đừng lầy vào game.
Vừa rồi, thằng cháu lớn xin đi học đàn. Nghe xong mừng quá vì tư tưởng mới của cậu. Hay chăng khi cậu đam mê thanh nhạc cậu sẽ quân bình tâm và sinh lý của tuổi mới lớn hơn. Sợ lắm khi nhìn những đứa trẻ suốt ngày cứ vùi đầu vào game mà chẳng chịu học hành.
Cái gì cũng có nguyên nhân để rồi sinh ra hệ lụy.
Nếu như biết con em mình dính vào game thì phải bằng mọi cách giáo dục, hướng dẫn và cách ly. Nghiện game cũng chẳng khác gì những cơn nghiện rượu chè và ma túy. Có những đứa trẻ đã chết ngay trên bàn của máy game.
Phần lỗi của trẻ nghiện game cũng là phần lớn từ những bậc cha mẹ và những người có trách nhiệm. Không thể nào đổ lỗi cho người khác trước hậu quả đau lòng của trẻ.
Đứa trẻ 15 tuổi bỏ học mà tôi đã được tiếp xúc cũng không đi ngoài quỹ đạo đó. Người mẹ, góa chồng từ khi cháu vừa lên 2 và chị cháu lên 4. Cũng đổ lỗi cho cuộc sống phong sương nên mẹ chúng vùi đầu vào làm ăn kinh tế. Hàng tháng cứ gửi tiền vào nhà các sơ nhờ các sơ nuôi giúp. Giờ đây đứng trước thảm cảnh của 2 người thì người mẹ hoàn toàn bất lực.
Dĩ nhiên người lớn vẫn có cái lý của người lớn là tìm kế sinh nhai.
Để có kế sinh nhai và rồi cũng để cho con mình đứng bên vực của tội lỗi, của sát nhân thì cha mẹ có đành lòng không ?
Đã quá nhiều cảnh thương tâm diễn ra trong xã hội.
Chỉ mong bậc làm cha làm mẹ hãy làm gương cho con cái cũng như giáo dục, tâm sự, chia sẻ như thế nào với con cái để xã hội bớt đi những hệ lụy đau lòng như đang trông thấy.
Vũ Hưu Dưỡng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét