Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

[Video] Thế Giới Nhìn Từ Vatican 28/4-04/05/2012 Một năm sau Lễ Phong Chân Phước cho Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II


LTCGVN (04.05.2012) 
1. Kỷ niệm một năm Lễ Phong Chân Phước cho Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Ngày 01 tháng Năm đánh dấu kỷ niệm một năm lễ phong chân phước cho Đức Giáo Hoàng John Paul Đệ Nhị. Đông đảo khách hành hương đã tràn ngập đường phố của Rome.

Năm ngoái, tại Vatican đã tất bật chuẩn bị cho sự kiện này, với bức ảnh lớn nhất trong lịch sử của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được trưng bày tại Quảng trường Thánh Phêrô. Cùng với bức ảnh này là một số các bức ảnh đáng khác ghi lại những hình ảnh tiêu biểu mỗi năm trong triều đại giáo hoàng của ngài.

Cũng có một bức tượng của ngài được đặt trên Đại Lộ Hòa Giải, là con đường lớn dẫn đến Vatican.

Để chuẩn bị cho việc phong chân phước, một buổi đốt nến canh thức đã được tổ chức để tưởng nhớ Đức Cố Giáo Hoàng. Tại Circus Maximus của Rôma, hàng ngàn người tụ tập để kính nhớ cuộc sống của một con người, mà nhiều người đã coi là một vị thánh.

"Đối với tôi, ngài đã là một vị thánh. Tôi đã có mặt tại tất cả những khoảnh khắc quan trọng, khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng, khi họ thông báo ngài đã qua đời, đám tang của ngài, và vì vậy tôi không thể bỏ lỡ ngày hôm nay. Tôi đã ở đó cho tất cả những khoảnh khắc quan trọng tối nay tôi cũng đến bởi vì ngài thực sự là một vị thánh. "

"Đó là một cái gì đó rất đặc biệt. Tôi đến hơi muộn nhưng tôi vẫn có thể cảm thấy sự rung động, niềm vui, và hân hoan mà mọi người có được ở đây sáng nay và cảm xúc của họ ngày hôm nay. "

Buổi cầu nguyện quy tụ mọi người từ mọi nơi trên thế giới, thuộc mọi lứa tuổi, và xuất xứ khác nhau. Nhưng tất cả họ đều chia sẻ một tâm tình chung là những gì Đức Cố Giáo Hoàng đã làm rung động con tim họ.

"Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã cho tôi sự thanh thản, ngài đã đồng hành với tôi suốt những năm qua. Tôi năm nay 40 tuổi vì vậy tôi đã sống qua những năm của triều đại giáo hoàng của ngài. Tôi nhớ khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng tôi còn rất nhỏ. "

Từ giờ sáng sớm trước khi buổi lễ, Vatican mở cửa để đông đảo những người hành hương chờ đợi có thể kiếm được một chỗ ngồi trên hàng ghế đầu.

Lúc 10 giờ sáng khoảng hai triệu người đã có mặt trong Thánh Lễ trong đó Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đọc công thức tuyên phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II.

2. Trong khuôn khổ kỷ niệm Lễ Phong Chân Phước lịch sử cho Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz đã cử hành các thánh lễ cùng với 600 anh chị em tín hữu Ba Lan trên các miền đất tại Thánh Địa.

Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Krakow, người đã từng là thư ký riêng của Đức Cố Giáo Hoàng trong 40 năm đã cử hành Thánh Lễ tại Mộ Thánh ở Giêrusalem. Sau đó, các tín hữu đã rước kiệu chung quang ngôi mộ trống, và dừng lại ở trước hang đá Đức Mẹ và các điểm khác theo bước chân Chúa Kitô trên đường ra pháp trường.

Cuộc hành hương đặc biệt này của 600 tín hữu Ba Lan là để kỷ niệm đệ nhất chu niên biến cố phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng rất yêu thương Thánh Địa, nơi ngài đã đến thăm vào năm 2000. Cuộc hành hương đã kết thúc tại xứ Ga-li-lê.

Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz cho biết như sau:

“Đối với chúng tôi, việc phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II là một ân sủng tuyệt vời từ Thiên Chúa và Giáo Hội. Đó là một món quà từ Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. Và khi chúng tôi nhận được món quà này, chúng tôi hết lòng tạ ơn. Chúng tôi đã dâng thánh lễ tạ ơn tại Ba Lan, nhưng cũng muốn dâng lễ tạ ơn ở đây vì Đức Gioan Phaolô II đã rất thân thiết với vùng đất này.

Đức Hồng Y đã nhắc lại chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II tại nơi mà theo truyền thống Chúa Phục sinh đã hiện ra với các tông đồ, và tại nơi đã xảy cuộc đối thoại cảm động mà trong đó Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô ba lần Con có yêu mến thầy không?

“Đức Cố Giáo Hoàng đã không nói chuyện với bất cứ ai, như chỉ muốn thưa với Chúa: Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa”

3. Buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 2 tháng Năm,

Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 2 tháng Năm, trước đông đảo các tín hữu hành hương đứng chật quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã nói về sức mạnh của lời cầu nguyện qua chứng tá của Thánh Stephanô vị tử đạo tiên khởi.

Ngài nói:

Anh chị em thân mến,

Trong bài giáo lý của chúng ta về các kinh nguyện Kitô giáo, giờ đây chúng ta xem xét diễn từ của thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi, đưa ra trước khi ngài qua đời. Những lời của thánh Stêphanô rõ ràng đã đặt nền tảng nơi việc đọc lại các sự kiện liên quan đến Chúa Kitô trong ánh sáng của Lời Chúa. Bị cáo buộc nói rằng Chúa Giêsu sẽ phá hủy đền thờ và các phong tục do ông Môise truyền lại, Stêphanô đáp lại bằng cách trình bày Chúa Giêsu như Đấng Công Chính đã được loan báo bởi các tiên tri, nơi Người Thiên Chúa đã trở nên quà tặng cho nhân loại một cách độc đáo và dứt khoát.

Là Con Thiên Chúa xuống thế làm người, Chúa Giêsu chính là đền thờ đích thực của Thiên Chúa trên thế giới, từ cái chết của Ngài cho tội lỗi của chúng ta và từ sự Phục sinh của Ngài, Chúa Kitô đã trở nên một nơi thờ phượng đích thật dâng lên Thiên Chúa. Chứng tá cho Chúa Kitô của Stêphanô, được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện, đã đạt đến đỉnh điểm nơi việc tử đạo của ngài.

Nhờ lời cầu bầu và gương sáng của ngài, xin cho chúng ta có thể học hỏi hàng ngày để hiệp nhất trong cầu nguyện, trong việc chiêm ngắm Chúa Kitô và suy niệm lời Chúa. Nhờ đó, chúng ta sẽ đánh giá sâu sắc hơn kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, và làm cho Chúa Kitô thật sự là Chúa trong cuộc sống của chúng ta.

4. Hôm Chúa Nhật 30 tháng Tư, trong đền thờ Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã phong chức cho chín tân linh mục.

Chín vị tân linh mục đến từ các chủng viện khác nhau của Rôma. Trong bài giảng Đức Thánh Cha nói rằng các linh mục phải hướng dẫn xã hội đi đúng hướng và dâng hiến đời mình cho người khác.

Một trong những tân linh mục là một vị có cử nhân Hóa học, và một vị khác năm nay 30 tuổi là phi công lái máy bay, là người cảm thấy có ơn gọi để trở thành một linh mục trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Toronto trong năm 2002.

5. Buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hôm Chúa Nhật 29 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã đặc biệt cầu nguyện cho sự gia tăng ơn gọi trong Giáo Hội.

Toàn thể Giáo Hội Công Giáo đã cử hành Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn Gọi hôm Chúa Nhật vừa qua. Nhân dịp này, Đức Thánh Cha kêu gọi những người trẻ tuổi hãy mở lòng ra để nghe tiếng Thiên Chúa nói.

Ngài nói:

"Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả mọi người trẻ chú ý đến tiếng nói của Thiên Chúa, đang âm thầm nói trong con tim, để họ từ bỏ tất cả mọi thứ và phục vụ."

Đức Thánh Cha đã đề cập đến chín phó tế mà ngài vừa phong chức linh mục như một ví dụ tiêu biểu. Đức Thánh Cha giải thích rằng thực sự, họ không có gì khác hơn so với bất kỳ người trẻ tuổi nào khác, ngoại trừ việc họ mở lòng ra cho một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu.

Ngài nói:

"Họ đã tìm thấy Chúa Giêsu trong Tin Mừng, trong Thánh Thể và trong cộng đồng của Giáo Hội. Nơi Giáo Hội, ta phát hiện ra rằng cuộc sống của mỗi người là một câu chuyện tình yêu”.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha đã chào đón một nhóm sinh viên đại học đang thăm viếng Rôma để kỷ niệm đệ nhất chu niên lễ phong chân phước cho Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 01 tháng 5.

6. Thông điệp "Pacem in Terris,"

Đức Giáo Hoàng Gioan 23 đã công bố thông điệp có tiêu đề "Pacem in Terris," có nghĩa là "Hòa bình tại thế" năm mươi năm trước đây. Nhưng bây giờ, nửa thế kỷ sau, các nhà khoa học xã hội thấy rằng thông điệp này vẫn còn mang tính thời sự.

Bà Margaret Archer, giáo sư tại Đại Học Lausanne của Anh nhận xét:

"Trong khi chúng ta đã có tự do kinh tế, chính trị bình đẳng, tình huynh đệ đã bị lãng quên. Nó đã gần như biến mất khỏi các chương trình nghị sự. "

Thông điệp "Hòa bình tại thế" kêu gọi tất cả mọi người đánh giá lại cấu trúc kinh tế, chính trị và văn hóa của họ. Trong thực tế, thông điệp đã đặt lại nền tảng vấn đề khi kêu gọi những người thiện chí, bất kể ý thức hệ hay tôn giáo hãy chú ý đến thiện ích chung.

Đức Tổng Giám Mục Roland Minnerath của tổng giáo phận Dijon bên Pháp nhận xét:

"Con người phải là yếu tố chủ yếu phát triển nền tảng cho một trật tự xã hội chân chính."

Giờ đây thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế lan rộng, vấn đề có một “thẩm quyền toàn cầu” đã được mang ra thảo luận.

Giáo sư Margaret Archer nhận xét:

"Khi mọi người nghe thấy thuật ngữ thẩm quyền toàn cầu họ hiểu theo nghĩa đen như là một chính phủ thế giới. Nhưng không, đó không phải là những gì chúng ta đang đề cập đến. Liên Hiệp Quốc có thể là mô hình tốt nhất mà chúng ta đã có, nhưng nó không phải là mô hình cho các chính phủ tương lai. "

Để thảo luận vấn đề sâu rộng hơn, Học Viện Giáo Hoàng về Khoa học Xã hội hiện đang lập kế hoạch cho một cuộc hội thảo, nhằm đánh giá các khái niệm về quản trị và 'tình liên đới toàn cầu’.

7. Những Cảm Xúc Tháng Năm

Trong suốt năm năm vừa qua, cứ vào tháng Năm, tháng Hoa kính Đức Mẹ, chương trình "May Feelings", tức là “Những Cảm Xúc Tháng Năm” lại cho ra mắt một video độc đáo để khuyến khích mọi người đọc kinh Mân Côi.

Nhóm “Những Cảm Xúc Tháng Năm” ngày càng được biết đến rộng rãi trong Giáo Hội vì họ truyền bá Tin Mừng qua video với một phong cách sáng tạo dựa trên cuộc sống của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và công việc của các linh mục.

Trong video gồm 5 thứ tiếng, mới được đưa ra hôm 1 tháng Năm, chương trình đã kêu gọi các tín hữu Công Giáo cầu nguyện với những lời nguyện được dịch ra 5 thứ tiếng khác nhau.

8. Đức Thánh Cha đã tặng cho một giáo hạt tòng nhân tại Anh 250,000 Anh Kim để khắc phục những khó khăn ban đầu sau khi giã từ Anh Giáo để gia nhập Công Giáo.

Giáo hạt tòng nhân Đức Mẹ Walshingham hiện nay đã quy tụ được 60 linh mục và 1,300 tín hữu. Trong Lễ Phục sinh vừa qua, giáo hạt đón nhận 250 thành viên mới gia nhập Giáo Hội Công Giáo.

Cha Keith Newton, người đứng đầu của Giáo hạt tòng nhân Đức Mẹ Walshingham đã công bố món quà của Đức Thánh Cha và bày tỏ lòng biết ơn đối với ngài.

Giáo Hội Anh Giáo tại Anh và Hoa Kỳ đang thảo luận các nghi thức kết hôn đồng tính. Các quan sát viên tin rằng nghi thức này được phê chuẩn làn sóng rời bỏ Anh Giáo của các tín hữu và cả hàng giáo sĩ sẽ gia tăng rất nhanh.

9. Bài “La tua famiglia ti rende grazie”

Bài hát chủ đề của Ngày Quốc Tế Gia Đình 2012 là bài “La tua famiglia ti rende grazie” nghĩa là “Gia đình bạn đưa ra lời tri ân”. Bài hát này là một bài Thánh Nhạc do Claudio Burgio, là nhạc trưởng dàn hợp xướng của Vương Cung Thánh Đường Milan biên soạn.

Bài hát này đã được Đức Hồng y Tổng Giám mục của Milan, Angelo Scola, và Đức Hồng Y Ennio Antonelli, chủ tịch của Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình phê chuẩn để dùng làm bài nhạc chủ đề trong Đại Hội Gia Đình sắp được tổ chức tại Milan, từ 30 Tháng Năm - 3 Tháng 6. Đức Thánh Cha sẽ có mặt tại Đại Hội này cùng với 800.000 tham dự viên.

Bài hát này đã được Đức Hồng y Tổng Giám mục của Milan, Angelo Scola , chủ tịch của Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình phê chuẩn để dùng làm bài nhạc chủ đề trong Đại Hội Gia Đình sắp được tổ chức tại Milan, từ 30 Tháng Năm - 3 Tháng 6. Đức Thánh Cha sẽ có mặt tại Đại Hội này cùng với 800.000 tham dự viên.

10. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng Năm.

Ý cầu nguyện chung là Gia đình. Xin cho ngày càng có nhiều sáng kiến để bảo vệ và đề cao vai trò của gia đình trong xã hội.

Ý truyền giáo: Xin Đức Maria là Nữ vương của thế giới và Ngôi sao dẫn đường Truyền giáo đồng hành với các nhà truyền giáo trong việc loan báo Chúa Giêsu Con Mẹ.

11. Đức Thánh Cha đã lên tiếng kêu gọi anh chị em lái xe cẩn thận

.Trong một diễn biến khá đặc biệt, trong buổi triều yết chung hôm 25 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã lên tiếng kêu gọi anh chị em lái xe cẩn thận. Sau khi trình bày bài huấn đức hàng tuần, Đức Thánh Cha cũng đã gặp gỡ một gia đình Italia đang sống tại Rôma mà con trai của họ đã tử nạn xe cộ trong tuần lễ trước đó.

Tưởng cũng nên nhắc lại trước đó bà Ngô Đình Lệ Quyên, đặc trách phân bộ di dân thuộc Caritas Roma, đã tử nạn lưu thông ở Roma hôm 16 tháng Tư. Bà Lệ Quyên năm nay 53 tuổi, là con gái của Ông Bà Ngô Đình Nhu, tức là cháu của cố tổng thống Ngô Đình Diệm.

12. Hội Đồng Giám Mục Đức vừa công bố một lá thư của Đức Giáo Hoàng viết cho các Giám Mục nước này trong thời gian ngài đang nghỉ sau lễ Phục Sinh tại Castel Gandolfo.

Lá thư của Đức Thánh Cha đề cập đến lời truyền phép mà các linh mục đọc trong các thánh lễ. Nếu dịch ra tiếng Việt thì bản dịch sách Lễ Rôma của Hội Đồng Giám Mục Đức có thể hiểu là “Đây là Máu Ta ... sẽ đổ ra cho TẤT CẢ được khỏi tội”. Đức Thánh Cha đã yêu cầu sửa lại là “Đây là Máu Ta ... sẽ đổ ra cho NHIỀU NGƯỜI được khỏi tội”

Cha Federico Lombardi giám đốc phòng Báo Chí Tòa Thánh có bài bình luận sau đây.

Đức Thánh Cha đã làm gì trong kỳ nghỉ sau lễ Phục Sinh tại Castel Gandolfo? Ngài đặt bút lên giấy và viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình một bức thư rất quan trọng mà ngài gửi cho các giám mục Đức. Lá thư, được phát hành vài ngày sau đó, đề cập đến lời truyền phép trong Thánh Lễ. Ngài ủng hộ bản dịch của cụm từ "cho nhiều người" – vì điều đó trung thành với các văn bản Kinh Thánh. Cách dịch "cho tất cả", đã được đưa ra nhằm làm rõ tính phổ quát của ơn cứu độ đã được Chúa Kitô mang đến cho thế gian. Nhưng cách dịch đó không trung thành với các văn bản Kinh Thánh.

Nhiều người cho rằng chỉ có các chuyên gia mới hiểu được sự phân biệt này. Tuy nhiên, hiểu biết sự khác biệt này giúp làm rõ những gì Đức Giáo Hoàng coi là thực sự quan trọng, và làm sáng tỏ quan điểm tâm linh mà từ đó ngài tiếp cận với vấn đề. Các từ ngữ được sử dụng trong việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể là rất quan trọng đối với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, bởi vì những từ ngữ này là trung tâm của Giáo Hội. Bằng cách nói "đối với nhiều người," Chúa Giêsu nói rằng ngài là Tôi Tớ của Giavê đã được tiên báo bởi tiên tri Isaiah. Do đó, khi chúng ta nói "đối với nhiều người", cả chúng ta cũng bày tỏ lòng trung thành của chúng ta với lời của Chúa Giêsu, và nhận ra sự trung thành của Chúa Giêsu với những lời của Thánh Kinh.

Không nghi ngờ gì Chúa Giêsu đã chết để MỌI NGƯỜI có thể được sống. Điều này, cùng với ý nghĩa sâu sắc của những từ mà được sử dụng trong việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, nên được giải thích cho các tín hữu thông qua các khoá giáo lý nâng cao.

Khi Chúa tự hiến chính bản thân mình "cho anh em và cho nhiều người", chúng ta trở nên trực tiếp tham gia, và với lòng trân trọng biết ơn, chúng ta nhận lãnh trách nhiệm về ơn cứu độ đã được hứa ban cho tất cả mọi người. Đức Thánh Cha đã đề cập đến điều này trong cuốn sách của ngài về Chúa Giêsu. Ở đây, ngài đưa ra một bài giáo lý sâu sắc về một số từ ngữ quan trọng nhất trong đức tin Kitô giáo. Đức Thánh Cha kết luận bằng cách nói rằng, trong năm Đức Tin này, chúng ta phải tiến bước với tình yêu và sự tôn trọng đối với Lời của Thiên Chúa, trong khi suy niệm về ý nghĩa thần học và tâm linh thâm sâu để chúng ta có thể cảm nghiệm Bí tích Thánh Thể sâu xa hơn.

13. Ủy ban Tòa Thánh về Giáo Hội tại Trung Quốc đã tái lên án Hội Công Giáo yêu nước Trung Quốc

Trong thông cáo báo chí đưa ra hôm 26 tháng Tư, Ủy ban Tòa Thánh về Giáo Hội tại Trung Quốc đã tái lên án Hội Công Giáo yêu nước Trung Quốc và tập đoàn các Giám Mục bất hợp lệ đã tiếm quyền mà Giáo Hội không ban cho họ để cai trị hoặc ban các bí tích.

Thông cáo cho biết: Trong những ngày qua, một số các “giám mục” tiếm danh, bất chấp những lời cảnh cáo của Tòa Thánh, đã dùng áp lực của nhà nước để đòi tham dự cho bằng được lễ truyền chức Giám Mục cho Đức Cha Khuất Ái Lâm là người đã được Đức Giáo Hoàng bổ nhiêm. Thái độ của các ‘giám mục’ tiếm danh ấy, không những làm cho tình trạng giáo luật của họ thêm trầm trọng, nhưng còn làm cho các tín hữu hoang mang và cưỡng bách lương tâm của các linh mục và giáo dân liên hệ.

14. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 chào đón đại sứ mới của Peru

Ngày 30 tháng 4 năm 2012 Đức Giáo Hoàng đã tiếp kiến tân đại sứ Cesar Castillo của Peru cạnh Tòa Thánh. Ông Cesar Castillo năm nay 64 tuổi đã là một nhà ngoại giao từ năm 1972.

Vị tân đại sứ đã trình bày với Đức Thánh Cha một số tình hình kinh tế của Peru và các dự án phát triển trong nước. Theo niên giám mới nhất của Tòa Thánh, 83% dân số của Peru là người Công Giáo.

15. Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn gọi

Hôm Chúa Nhật 29 tháng Tư vừa qua, trên toàn thế giới, Giáo Hội đã cử hành Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn gọi với chủ đề là "Ơn gọi, Món quà của tình yêu Thiên Chúa".

Tưởng cũng nên nhắc lại là ngày 11 tháng Tư năm 1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã thiết đặt Chúa Nhật thứ Tư Mùa Phục sinh là Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn gọi. Trong tự sắc thiết đặt ngày lễ này, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã viết như sau:

"Lạy Chúa Giêsu, Mục Tử chí thánh của các linh hồn, Chúa đã kêu gọi các Tông Đồ để trở nên những người chài lưới người, xin Chúa tiếp tục thu hút lòng nhiệt thành và quảng đại của những người trẻ, để làm cho họ trở nên những người tiến bước theo Chúa và là những mục tử của chúng con".

16. Đức Thánh Cha gởi thông điệp đến phiên họp toàn thể của Giáo Hoàng Học Viện.

Trong tuần qua, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã gửi một thông điệp đến Giáo sư Mary Ann Glendon, Chủ tịch của Giáo Hoàng Học Viện về Khoa học xã hội và các tham dự viên đang tham dự phiên họp khoáng đại nhân kỷ niệm 50 năm Tông Thư Pacem in Terris nghĩa là “Hòa Bình Tại Thế”.

Đức Thánh Cha nhận định rằng: "tầm nhìn của Đức Giáo Hoàng Gioan 23 vẫn còn có nhiều điều để dạy chúng ta khi chúng ta đang cố gắng đối mặt với những thách thức mới cho hòa bình và công lý trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh."

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đặc biệt nhấn mạnh rằng cần phải đưa khái niệm tha thứ vào phương hướng giải quyết các xung đột quốc tế.

"Sự kết hợp giữa công lý và tha thứ, giữa công lý và ân sủng là trung tâm sự đáp trả của Thiên Chúa trước những sai phạm của con người. Tha thứ không phải là phủ nhận sai lầm nhưng là dự phần vào tình yêu chữa lành và biến đổi của Thiên Chúa để hoà giải và phục hồi trật tự."

17. Các cuộc bách hại các Kitô hữu không bao giờ kết thúc tại châu Phi.

Hai vụ tấn công khủng bố ở Nigeria và ở Kenya hôm Chúa Nhật 29 tháng Tư đã dẫn đến cái chết của 21 người và làm hàng chục người khác bị thương, kể cả trẻ em. Vụ tấn công nghiêm trọng nhất đã diễn ra tại thành phố Kano ở miền bắc Nigeria khi quân khủng bố Hồi Giáo Boko Haram nổ súng vào hai buổi lễ Kitô Giáo được tổ chức trong khuôn viên trường Đại học Bayero.

Cùng lúc đó, một quả bom đã được ném vào một nhà thờ tại thị trấn đông dân Ngara, trong vùng Nairobi của Kenya ngay trước thánh lễ. Vụ nổ gây ra cái chết của một tín hữu và làm hàng chục người khác bị thương.

Từ Rimini, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, quốc vụ khanh Tòa Thánh bày tỏ lo ngại sâu sắc về các cuộc tấn công được lặp đi lặp lại. Ngài nhận xét: "Chúng ta đang sống trong bầu khí bất khoan dung ngày càng tăng”.

18. Đằng sau tấm hình chân dung Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Một bức chân dung của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã được truyền đi trên toàn thế giới vào ngày 01 tháng 5 năm 2011, trong buổi lễ phong chân phước cho ngài. Đây là một tấm hình mà tuyệt đa số người Công Giáo thấy lần đầu tiên. Ai là người đã chụp tấm hình đó, cảm tưởng của nhiếp ảnh gia đó như thế nào khi thấy tấm hình của mình được chọn cho một ngày lễ quan trọng như thế?

Grzegorz Galazka là nhiếp ảnh gia đã chụp tấm ảnh này ngày 19 tháng 2 năm 1989, trong khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm một giáo xứ địa phương Ý.

Nhiếp ảnh gia Grzegorz Galazka cho biết:

"Tôi nhớ đó là vào buổi chiều, khi Đức Thánh Cha gặp gỡ với một nhóm trẻ em. Các em đặt câu hỏi với Đức Thánh Cha và ngài đã có cái nhìn độc đáo trên khuôn mặt của mình. Tôi nghĩ rằng tại thời điểm đó, ngài đang suy nghĩ về phản ứng của mình, vì câu hỏi đó khá mơ hồ"

Tấm hình khá đơn giản, nhưng đặc biệt, do đó, Grzegorz Galazka giữ nó trong kho lưu trữ của mình hơn 20 năm. Thời gian trôi qua, Đức Giáo Hoàng trở nên cao tuổi và cuối cùng qua đời. Sau đó, khi lễ phong chân phước của ngài đến gần, Vatican đã kêu gọi các nhiếp ảnh gia gửi những hình ảnh tốt nhất tiêu biểu cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2.

Nhiếp ảnh gia Grzegorz Galazka chụp hình trong buổi lễ phong chân phước, và hồi hộp của anh kéo dài cho đến giây phút cuối cùng.

"Tôi biết tấm hình ảnh của tôi có thể được lựa chọn, nhưng thực sự bất cứ điều gì có thể thay đổi ở phút cuối cùng. Vì vậy, tôi không nhìn thấy nó như một sự kiện đương nhiên, cho đến khi tấm màn được vén lên. Chỉ sau khi điều này xảy ra, tôi biết chắc chắn, đó thực sự là tấm hình của tôi. "

Galazka đã là một nhiếp ảnh gia tự do ở Vatican từ năm 1985. Ông là người Ba Lan như Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông nói, ông tin rằng, tấm hình đã được lựa chọn bởi vì nó toát lên khía cạnh đạo đức và nhân bản của Đức Cố Giáo Hoàng vĩ đại.

VietCatholic

0 nhận xét:

Đăng nhận xét