LTCGVN (06.06.2014)
Sài Gòn – Theo AsiaNews– Trong khi hành hương tới Đất Thánh, nơi ngài đã ôm hôn Đức Thượng Phụ Đại Kết Batôlômêô I của Constatinople, ĐTC cũng đã gửi một “thông điệp cá nhân” tới Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga Kirill, cho biết rằng “ngài đã sẵn sàng gặp gỡ ở bất kỳ nơi nào”.
Cũng theo nguồn tin của Asianews từ Ủy Ban Quan hệ Đối ngoại của của Tòa Thượng Phụ Mátxcơva cho biết, bức thông điệp này đã được Đức Ông Massimo Palombella, giám đốc dàn hợp xướng Nhà Nguyện Sistine chuyển giao nhân buổi trình diễn ở Mátcơva ngày 27 tháng 5, nhằm đánh dấu 5 năm ngày đăng quang của Đức Thượng Phụ.
Lời của Đức Giáo Hoàng được nói riêng, “trước rất ít người” bên lề của buổi hòa nhạc được tổ chức với dàn hợp xướng của Tòa Thượng Phụ Mátcơva.
Nguồn tin này cũng nói rằng, Đức Thượng Phụ Kirill chỉ giới hạn câu trả lời bằng việc “cám ơn” về “món quà quý giá” dành cho ông bởi “những người bạn ở Rôma”.
Hãng tin Aisanews cho biết thêm, những nỗ lực tiếp xúc với vị giám đốc dàn hợp xướng Nhà Nguyện Sistine để nghe thêm bình luận cho đến nay đều thất bại.
Theo nguồn tin từ cộng đồng Công giáo ở Mátcơva nhận định, thời điểm mà ĐTC đưa ra thông điệp không phải là ngẫu nhiên. Trong những ngày Đức Thánh Cha gặp gỡ Đức Thượng Phụ Batôlômêô – người mà Tòa Thượng Phụ Mátcơva xem như là một đối thủ trong thế giới Chính Thống Giáo – vị Giáo Hoàng người Argentina muốn nhấn mạnh ngài cũng quan tâm đến việc tạo mối quan hệ tốt với Giáo hội Chính Thống Giáo Nga.
Không rõ là thông điệp này có được Mátcơva đánh giá cao hay không nhưng hôm 28 tháng 5, Đức Thượng Phụ Kirill đã nói về một “sự nguội lạnh” trong quan hệ với Vatican, vì việc Công giáo Hy Lạp – Ucraina đã tham gia vào cuộc biểu tình ở Quảng Trường Maidan ở Kiev và đứng vào vị trí của những ‘người thù địch với Nga’ (theo quan điểm của Đức Thượng Phụ Kirill). Đức Thượng Phụ cũng cảnh báo rằng tình hình của Ukraine, một quốc gia cựu Liên Bang Xô Viết, đã phủ “bóng tối đau buồn” lên mối quan hệ giữa Tòa Thượng Phụ và Tòa Thánh.
Tuy nhiên theo nguồn tin từ cộng đồng Chính Thống Giáo, những lời trên của Đức Thượng Phụ “không nhắm trực tiếp đến Đức Giáo Hoàng, người mà Đức Thượng Phụ vẫn đánh giá cao vì những công trình của ngài, nhưng nhắm đến những nhân vật trong Giáo Hội Công Giáo không quan tâm đến đối thoại đại kết”.
Những lời này cũng làm vang vọng lại phát biểu gần đây của Đức TGM Chính tòa Hilarion ở Volokolamsk, Chủ tịch Ủy Ban Quan hệ Đối ngoại của của Tòa Thượng Phụ Mátxcơva. Vị TGM nói hôm 3 tháng 6 tại Đại hội Minsk: “Có một thành phần trong Giáo Hội Công Giáo dành sức lực, tài năng và nguồn lực để tăng cường mối tương tác giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo, trong khi phần khác thì đang làm mọi thứ có thể để tạo ra sự nghi ngờ và thù nghịch.”
Hoàng Anh
Nguồn VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét