LTCGVN (08.06.2014)
Trước khi chịu khổ
nạn, Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ: “Thầy
sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh
em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật” (Ga 14:16-17a). Chúa hứa thì chắc chắn
Chúa ban, nhưng bổn phận của chúng ta vẫn phải cầu xin: “Veni Sancte Spiritus! Lạy
Chúa Thánh Thần, xin ngự đến!”.
Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Ngôi Ba, được tôn xưng với
nhiều danh hiệu: Thần Khí Sự Thật, Thánh Linh, Thánh Thần, Linh Khí, Đấng An
Ủi, Đấng Bảo Trợ, Đấng Thánh Hóa, Đấng Canh Tân,... Ngài xuất hiện qua hình
chim bồ câu, lửa, nước, và gió.
Chúa Thánh Thần rất quan trọng trong cuộc đời chúng ta, vì
Ngài là Thần Khí Sự Sống. Ngài quan trọng đến nỗi mà Chúa Giêsu đã xác định: “Ai nói phạm đến Thánh
Thần thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời” (Mc 3:29; Lc 12:10). Mọi tội đều được tha, nhưng tội
phạm tới Chúa Thánh Thần thì mãi mãi không được tha, nghĩa là “mắc tội đời đời”.
Nói tới Chúa Thánh Thần, chúng ta quen nhắc tới “bảy ơn
Chúa Thánh Thần” – ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn
thông minh, ơn đạo đức, và ơn kính sợ Chúa. Cách nói quen thuộc đó do quan niệm
của Kinh Thánh cho rằng số 7 là con số kỳ diệu. Chúng ta cũng nói Chúa Thánh
Thần có sứ vụ thánh hóa, Ngài luôn tác động trong mỗi người, và chúng ta là đền
thờ Chúa Thánh Thần (x. 1 Cr 3:16).
Chúa Thánh Thần vô cùng quan trọng trong cuộc đời của mỗi
chúng ta, nhưng chúng ta lại thường xuyên quên lãng Ngài. Như lời nhắc nhở, trong
các giờ phụng vụ, Giáo hội luôn cầu xin Chúa Thánh Thần ngự đến và thánh hóa
mọi sự ngay từ đầu để có hiệu quả đúng theo Ý Chúa.
Như lời Đức Kitô đã hứa trước khi Ngài về trời, khi đến
ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một
tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi
họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như LƯỠI LỬA tản ra đậu xuống từng
người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ
tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho (Cv 2:1-4). Thật vậy, mỗi
người đều có khả năng riêng, người được ơn này, kẻ được ơn khác, không ai giống
ai, không ai là bất tài vô dụng. Đó là ơn Chúa Thánh Thần, nhưng ơn đó không
phải để ích kỷ hoặc kiêu căng, mà là để làm vinh danh Thiên Chúa.
Tại Giê-ru-sa-lem lúc đó có những người Do-thái sùng đạo,
từ các dân thiên hạ trở về, nhưng ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của
mình. Họ sửng sốt và thán phục lắm. Đó là hiện tượng “nói tiếng lạ”, nhưng ai
cũng hiểu. Các tông đồ chỉ là những người ít học, làm đủ các ngành nghề, chẳng
học ngoại ngữ bao giờ, thế mà nay thông minh đột xuất, nói ngoại ngữ như gió,
họ thấy nhãn tiền chứ chẳng phải chỉ nghe đồn. Lạ quá chừng!
Các tông đồ “nói tiếng lạ” không phải để lòe bịp, khoe
khoang hoặc ý đồ gì khác, mà chỉ “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!” (Cv
2:11). Thấy và nghe vậy, ai cũng sửng sốt, có những người phân vân vì không
hiểu như vậy nghĩa là gì, nhưng cũng có những người lại chế nhạo: “Mấy ông này say bứ rồi!” (Cv 2:13).
Ngày nay cũng vậy, khi thấy “sự lạ” hoặc thấy người khác có
“cái lạ” (theo nghĩa tích cực về tâm linh), có người khâm phục và tạ ơn Chúa,
nhưng cũng có người gièm pha, chê trách, ghét bỏ,... Có thể họ không nói ra
bằng lời, nhưng động thái của họ đã “bật mí” tâm địa của họ. Đây là phương diện
cần lưu ý và cẩn tắc!
Ơn Chúa luôn chan hòa và kỳ diệu, chúng ta cầu nguyện mà
không thấy “được như ý” nên chúng ta tưởng Chúa không ban, nhưng thực ra Ngài
ban cho chúng ta cái khác có lợi cho chúng ta hơn, vì “Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự” (1 Ga
3:20). Thật vậy, “sự
điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên
Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1 Cr 1:24 -25). Tất cả đều là hồng ân, do
đó mà chúng ta phải biết tạ ơn, tự nhủ và thân thưa: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi! Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa
muôn trùng cao cả!” (Tv 104:1). Trí óc phàm nhân chúng ta không thể đủ sức
hiểu sự quan phòng và tiền định của Thiên Chúa.
Tác giả Thánh Vịnh xác nhận: “Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành
tất cả thật khôn ngoan, những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất” (Tv 104:24).
Không có Ngài thì chúng ta chẳng làm được trò trống gì, thậm chí là chết ngay
lập tức. Thiên Chúa là sự sống, Thánh Thần là hơi thở, có Thiên Chúa thì chúng
ta nên mới hoàn toàn như “sinh vật lạ”, nhưng chắc chắn rằng thiếu Thiên Chúa
thì chúng ta không thể nào sống nổi: “Chúa
ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà
trở về cát bụi. Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và
Ngài đổi mới mặt đất này. Vinh hiển Chúa, nguyện muôn năm tồn tại, công trình
Chúa làm Chúa được hân hoan” (Tv 104:29-31).
Ước gì mỗi chúng ta đều nhận thức sâu sắc và đúng đắn về
Thiên Chúa, đồng thời khả dĩ định hướng sống rạch ròi: “Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Người vui thoả, đối với tôi, niềm vui là
chính Chúa” (Tv 104:34).
Các tông đồ là những người nhát đảm, sợ sệt, đã từng bị
Thầy Giêsu trách là “kém tin” (Mt 6:30; Mt 14:31; Mt 16:8; Mt 17:20; Lc 12:28),
nhưng sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các ông trở nên can đảm, mạnh dạn, dám
ăn dám nói chứ không “bỏ của chạy lấy người” như trước. Đa số các ông đã tử đạo
để minh chứng niềm tin vào Đức Kitô. Một Saolê hung hăng và tàn bạo bắt đạo
Chúa đã trở thành một Phaolô “mềm như bún” và nhiệt thành rao truyền Đức Kitô sau
khi được Chúa Thánh Thần tác động. Rất nhiều các thánh trong lịch sử Kitô giáo
đã cho thấy sức mạnh của Chúa Thánh Thần hoạt động và biến đổi các ngài.
Thánh Phaolô nói với giáo đoàn Cô-rin-tô: “Khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém,
sợ sệt và run rẩy. Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp
dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên
Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm,
nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa. Thế mà điều chúng tôi giảng dạy cho các
tín hữu trưởng thành cũng là một lẽ khôn ngoan, nhưng không phải là lẽ khôn
ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này, là những kẻ
sớm muộn gì cũng phải diệt vong. Trái lại, chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan
nhiệm mầu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã
tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển” (1 Cr 12:3-7).
Điều đó chứng tỏ sức mạnh của Chúa Thánh Thần đã tác động: Người nhút nhát
thành can đảm, người yếu đuối thành mạnh mẽ, người dốt nát thành thông minh,
người khờ dại thành khôn ngoan,...
Thánh Phaolô căn dặn: “Phần
chúng ta, chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí
phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng
ta. Để nói về những điều đó, chúng tôi không dùng những lời lẽ đã học được nơi
trí khôn ngoan của loài người, nhưng dùng những
lời lẽ học được nơi Thần Khí; chúng tôi dùng những lời lẽ Thần Khí linh
hứng để diễn tả thực tại thuộc về Thần Khí” (1 Cr 12:12-13).
Vâng, Chúa Thánh Thần vô cùng quan trọng. Chúng ta hãy hiệp
ý cầu xin với cả Giáo hội qua bài Ca Tiếp Liên: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, và tự trời toả ánh quang minh
của Ngài ra! Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến; Ðấng ban ân huệ, Ðấng soi
sáng tâm hồn, xin ngự đến!...”.
Quả thật, “nếu không có Chúa trợ phù, trong con người còn
chi thanh khiết, không còn chi vô tội”, vì thế mà chúng ta phải không ngừng “xin
Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, và chữa cho lành nơi thương
tích, uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng, chỉnh đốn lại chỗ trật
đường, ban cho ơn bảy nguồn, được huân nghiệp nhân đức, được hạnh phúc cứu độ
và được hoan hỉ đời đời” (Ca Tiếp Liên).
Được như thế thì thật diễm phúc cho chúng ta, vì chúng ta
chỉ là phàm nhân cát bụi, tội lỗi ngập đầu. Chúng ta càng diễm phúc hơn vì dù
chỉ là những tội nhân khốn kiếp mà được phục hồi cả “bộ ba” là nhân vị, nhân
phẩm, và nhân quyền nhờ Máu và Nước cứu độ tuôn trào từ Ngồn Mạch Lòng Thương
Xót từ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Không chỉ vậy, Thiên Chúa còn ban cho chúng ta được
Chúa Thánh Thần luôn ở với chúng ta và hứa ban hồng phúc trường sinh với Ngài trên
Thiên Quốc, vì chính Chúa Giêsu, Đấng cứu độ chúng ta, muốn rằng Ngài ở đâu thì
chúng ta cũng ở đó (Ga 14:3). Đúng là còn hơn là diễm phúc hoặc đại phúc!
Chúa Giêsu về trời để dọn chỗ cho chúng ta (Ga 14:2), vì
ích lợi của chúng ta (Ga 16:7), nhưng vì quá đỗi yêu thương chúng ta nên Ngài
sợ chúng ta mồ côi (Ga 14:18), thế nên Ngài hứa ban Chúa Thánh Thần ở hẳn trong
mỗi chúng ta (Ga 14:16), và lời hứa đó được thực hiện vào ngày Lễ Ngũ Tuần, sau
khi Chúa Giêsu về trời được 10 ngày.
Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các
cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông
và nói: “Bình an cho anh em!” (Ga 20:19).
Một lời chúc tuyệt vời, vì đó là “hơi ấm” mà ai cũng cần, cả trong cuộc sống
đời thường và tâm linh. Nói xong, Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các
môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Không vui sao được vì Thầy đã sống lại đúng
như Thầy đã nói trước. Tưởng Thầy chết là “chấm hết”, nào ngờ Thầy vẫn “nguyên
si”. Sung sướng quá chừng!
Có lẽ các ông sướng rơn nên chả nói được gì. Rồi Ngài lại
nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như
Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20:21). Một hệ lụy tất
yếu. Sướng thì sướng nhưng phải có trách nhiệm, và không được ích kỷ, nghĩa là
phải chia sẻ niềm vui đó cho người khác.
Nói xong, Ngài thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha
tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ”
(Ga 20:22-23). Một lần nữa, Chúa Giêsu lại tiếp tục thể hiện Lòng Thương
Xót một cách cụ thể: Bí tích Hòa giải. Đúng như Ngài đã từng bảo ông Phêrô khi
ông hỏi Ngài về mức độ tha thứ: “Thầy
không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18:22). Ngài
là Đấng giàu lòng thương xót, là Thiên Chúa tình yêu, với Thánh Tâm ngùn ngụt
Lửa Yêu, nên Ngài dạy chúng ta bao dung chứ đừng “bung dao”, phải “yêu thương kẻ
thù và cầu nguyện cho người ngược đãi mình” (Mt 5:44). Như thế mới thực sự là thực
hành Lòng Thương Xót và “mới được trở nên con cái của Chúa Cha” (Mt 5:45), nếu
không thì chúng ta chẳng có công cán chi, chẳng hơn người thu thuế và người
ngoại đạo (Mt 5:46-48).
Để có thể hành động đúng như Chúa Giêsu mong muốn thì chúng
ta phải thực sự can đảm, muốn can đảm thì phải có ơn Chúa Thánh Thần, muốn có
ơn Chúa Thánh Thần thì phải cầu xin: “Veni Sancte Spiritus! Lạy Chúa Thánh Thần,
xin ngự đến!”. Thật vậy, không có Thiên Chúa thì chúng ta chẳng làm gì
được (Ga 15:5).
Chúng ta được sai đi như chiên vào giữa bầy sói, vì thế chúng
ta phải “khôn ngoan như rắn và đơn sơ như
bồ câu” (Mt 10:16), tức là cần ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần. Thật vậy,
Thánh Phêrô đã căn dặn mỗi chúng ta: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù
địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5:8).
Bồ câu hiền lành và thân thiện với mọi
người, là biểu tượng hòa bình (hoặc bình an). Lửa có tính “nhiệt” (nóng,
dương), nước có tính “hàn” (lạnh, âm). Âm dương hòa quyện Đất Trời. Gió làm hạ
nhiệt. Lửa, gió và nước là những thứ rất mềm, nhưng lại “cứng” hơn mọi thứ khác,
và không ai có thể cắt đứt được. Chúa Thánh Thần cũng vậy, khi Ngài đã hành
động thì không một sức mạnh nào có thể cưỡng lại. Ngoài ra, lửa có một đặc điểm
khác là càng chia sẻ càng thêm nhiều, chứ không giảm bớt. Thật kỳ diệu!
Lạy Thiên Chúa, xin luôn
luôn tuôn đổ nguồn ơn Chúa Thánh Thần để chúng con đủ sức hoàn thiện như Ngài
mong muốn, nhờ đó chúng con mới có thể sống dồi dào, sống chứng nhân một cách sống
động và hiệu quả. Xin Chúa ban “hơi ấm bình an” để chúng con trở nên khí cụ hòa
bình ở mọi nơi và mọi lúc, xin ban Ngọn Lửa Thánh Thần để “thiêu đốt” và “uốn
nắn” chúng con theo Tôn Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô Phục
Sinh, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét