Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

ĐTC nói với TTK LHQ: Ánh mắt của người bị bỏ rơi phải thức tỉnh lương tâm những người làm kinh tế hay chính trị

LTCGVN (10.05.2014)  – Vatican – Từ Vatican, bản tin Zenit cho biết chi tiết cuộc trao đổi giữa ĐTC Phanxicô và ngài Ban Ki-moon, TTK LHQ, sáng thứ 7 ngày 09.05.2014.
140510003Sau lời phát biểu của ngài Ban Ki-Moon, ĐTC chào mừng những người đang hiện diện và nhấn mạnh đến ý nghĩa của cuộc họp cấp cao của LHQ tại Roma ngay sau lễ tuyên thánh cho 2 Đức Giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II:
“Các vị tân Hiển Thánh truyền cảm hứng cho chúng ta bởi mối bận tâm trăn trở của họ đến sự phát triển toàn diện của con người và sự hiểu biết lẫn nhau giữa người với người. Mối bận tâm này được bày tỏ cụ thể thông qua rất nhiều chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II đến trụ sở và các cơ quan đầu não của LHQ tại Roma, New York, Geneve, Vien, Nairobi và Hague”.
ĐTC ghi nhận những nỗ lực của LHQ trong việc thực hiện Mục tiêu Thiên Niên Kỷ về giáo dục và xóa bỏ tình trạng nghèo đói. Tiếp đó, ĐTC lưu ý rằng “người dân khắp nơi trên thế giới xứng đáng và trông đợi những kết quả tốt hơn nữa” :

“Một nguyên tắc quan trọng là không được bằng lòng với những gì đã đạt được. Cần phải tiến tới hơn  nữa trong niềm xác tín rằng những kết quả sẽ chỉ được củng cố bằng nỗ lực vươn lên không ngừng. Đối với một tổ chức kinh tế chính trị có tính cách toàn cầu như LHQ, lại càng có nhiều điều cần phải làm hơn nữa, vì một phần quan trọng của loài người chưa được hưỡng những lợi ích mà sự tiến bộ mang lại. Thực tế, họ bị đẩy vào tình trạng là những công dân hạng hai”.
ĐTC nỏi rằng bất kỳ mục tiêu phát triển bền vững nào cũng phải có “tác động thực sự” đến việc giải quyết nguyên nhân của tình trạng đói nghèo. Đối với ĐTC, cần phải khước từ mọi hình thức của sự bất công. Đó là “nền kinh tế của loại trừ”, “nền văn hóa vứt bỏ” và “nền văn minh sự chết”.
Cái nhìn của Đức Kitô
Dựa trên đoạn Kinh Thánh kể về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Gia-kêu, ĐTC nói với các quan chức của LHQ về “quyết định tận căn của sự chia sẻ và công bằng” nơi Gia-kêu. Quyết định này bắt nguồn từ sự thức tỉnh lương tâm của Gia-kêu do “cái nhìn của Đức Kitô”.
“Một thái độ tương tự phải là khởi điểm và và kết thúc cho bất kỳ hoạt động kinh tế và chính trị nào”.
“Ánh mắt của một phần nhân loại thường im lặng và bị bỏ ra ngoài, bị bỏ lại đằng sau. Ánh mắt đó phải thức tỉnh lương tâm của những người làm kinh tế hay chính trị và hướng dẫn họ tới những quyết định dũng cảm, độ lượng, mang lại kết quả ngay lập tức; giống như quyết định của Gia-kêu”.
ĐTC tiếp tục giải thích: Câu chuyện về Gia-kêu là một lời nhắc nhở rằng phải luôn có một nhu cầu thúc đẩy sự cởi mở độ lượng với tha nhân. Chúa Giêsu không đòi hỏi Gia-kêu phải thay đổi nghề nghiệp, cũng không lên án những hoạt động của ông ta. Nhưng, Chúa Giê-su truyền cảm hứng, giúp Gia-kêu đặt tự đặt mình vào vị trí phục vụ người khác.
ĐTC khuyến khích các thành viên của LHQ hãy làm việc với một “tinh thần hào phóng, hành động vô vị lợi, dù ở bất kỳ cấp độ nào”
Kết thúc bài huấn dụ, ĐTC kêu gọi những người đang hiện diện hãy vượt qua những sự khác biệt để phục vụ những con người đang cần sự giúp đỡ nhất.
Jos. Đức Trung, VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét