Bốn mùa luân phiên, Thu qua rồi Đông tới, Xuân
đi rồi Hạ về, cứ đến hẹn lại lên theo quy luật tự nhiên của Tạo Hóa.
Không ai
lại không có một thời ngồi ghế nhà trường – dù chỉ là cấp I. Mỗi cấp có những
kỷ niệm khác nhau, đặc biệt là cấp III, lứa tuổi biết lưu luyến tình cảm lứa
đôi.
Với tình
cảm tuổi mới lớn, NS Thanh Sơn (*) đã sáng tác ca khúc “Nỗi Buồn Hoa Phượng” năm
1963, khi ông 25 tuổi, để ghi lại lời hứa với một cô bạn hồi ông học lớp Đệ Tứ
(lớp 9 ngày nay). Cô bạn đó tên là Nguyễn Thị Hoa Phượng, một sự trùng hợp kỳ
lạ có liên quan loài hoa đặc trưng của mùa Hè.
Một chút ưu
tư với những bạn bắt đầu có “tình cảm đặc biệt” với một bạn khác phái, gọi là
tình cảm học trò, rất trong sáng. Có những tình cảm hóa thành mối tình đầu in
đậm dấu ấn suốt cả cuộc đời. Mà tình đầu thì mấy khi thành hiện thực, để rồi
nỗi nhớ thương cứ hằn sâu trong tâm khảm mãi không phai nhòa. Những mối tình
đẹp như thế đã được hóa thân vào rất nhiều ca khúc, bài thơ, bức họa,…
Ca khúc
“Nỗi Buồn Hoa Phượng” được ông viết ở âm thể Thứ, thể hiện nỗi buồn man mác chứ
không ủy mị, được lồng trong nhịp 4/4 và theo luật cân phương của một ca khúc
thường có bố cục A–A’–B–A’ hoặc A–A’–B–A’’ rất phổ biến thời đó.
Với âm thể
thứ, ông lồng vào giai điệu bâng khuâng, man mác buồn lúc chia tay đầy bịn rịn:
“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, chín
mươi ngày qua chứa chan tình thương. Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi, phút gần
gũi nhau hết rồi, tạ từ là hết người ơi!”. Bịn rịn lắm mà chẳng nói nên
lời, tình cảm lắm mà không thể trao lời ước hẹn. Tuổi mới lớn là vậy, tình cảm
còn trong sáng nên nhút nhát lắm.
Ngoài sắc
hoa phượng đỏ tươi như màu máu, mùa Hè còn có một loại nhạc râm ran suốt ngày
của những nhạc sĩ Ve, loại nhạc như tiếng khóc: “Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng, biết ai còn nhớ đến ân tình
không. Đường xưa in bóng hai đứa nay đâu, những chiều hẹn nhau lúc đầu, giờ như
nước trôi qua cầu”. Kỷ niệm thật đẹp, thật thơ mộng, và cũng đầy chất lãng
mạn của những người mang “tâm sự riêng”. Kỷ niệm ngồn ngộn, nhưng cũng chỉ “như
nước trôi qua cầu” mà thôi. Mẫu số chung của đa số những mối tình đầu là vậy!
Hè đến cũng
là lúc phải giã từ nhau, dù chẳng ai muốn, mỗi người thầm nguyện với lòng mình
những điều chất đầy ký ức học trò: “Giã
biệt bạn lòng ơi, thôi nay xa cách rồi, kỷ niệm mình xin nhớ mãi”. Dù tình
bạn hay tình yêu, người ta cũng tự ghi tạc đáy lòng và thầm hỏi: “Buồn riêng một mình ai, chờ mong từng đêm
gối chiếc, mối u hoài này ai có hay?”. Hỏi để mà hỏi thôi, có trời mới
biết!
Năm tháng
nối tiếp, thời gian vô tình cứ trôi qua, người ta cũng có lúc chợt hoài niệm
khi nhìn hoa phượng rơi đỏ mặt đất, nhất là khi đi ngang qua một ngôi trường
nào đó: “Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy
buồn, cảm thông được nỗi vắng xa người thương”. Kỷ niệm nào cũng hóa kỷ
niệm buồn, dù đó là kỷ niệm vui: “Màu hoa
phượng thắm như máu con tim, mỗi lần hè thêm kỷ niệm, người xưa biết đâu mà
tìm!”.
Và tất
nhiên, NS Thanh Sơn không gặp lại cô Hoa Phượng ngày xưa nữa, tất cả chỉ còn
trong ký ức tuổi học trò, kỷ niệm cứ mênh mang…
Năm 1960,
NS Thanh Sơn kết hôn với bà Lê Thị Hương. Thấy cô dâu có nét giống cô gái Nhật
nên ông hứa sẽ viết một ca khúc để tặng vợ. Và rồi ông đã cho ra đời ca khúc
“Mùa Hoa Anh Đào” với âm hưởng Nhật Bản. Hai ông bà đã sống hạnh phúc bên nhau
suốt 47 năm.
Cũng nên
biết thêm rằng, các ca khúc “Hoa Tím Ngày Xưa”, “Trả Lại Thời Gian”, và “Nhật
Ký Đời Tôi” là ba ca khúc ông viết về một mối tình với một cô ca sĩ (nay vẫn
còn hát ở hải ngoại). Khi nằm trên giường bệnh vì chứng tai biến trước khi qua
đời, ông nói: “Dù sao cũng cảm ơn Đà-lạt,
và cảm ơn em đã cho tôi uống giọt tình đắng”. Mối tình đẹp và sâu đậm, có
lẽ vậy nên một số ca khúc của ông có nhắc tới “sắc tím”. Tâm hồn nhạc sĩ luôn
có chất lãng mạn nên mới có thể sáng tác những nhạc phẩm, thậm chí là “kiếp
lãng tử”. Tuy nhiên, cần phân biệt lãng mạn với lãng nhách hoặc lãng xẹt!
Đời ai cũng
có những tâm sự riêng, NS Thanh Sơn có “tâm sự của loài hoa phượng”. Cuối đời, ông
bộc bạch: “Khi tôi mất rồi, chỉ mong thế
hệ sau nhớ tới tôi một bài thôi, đó là bài Nỗi Buồn Hoa Phượng”. Đời nhạc
sĩ thế là đủ rồi! Nhưng với ông không chỉ một bài mà nhiều bài, nhất là những
bài mang đậm chất dân ca…
TRẦM THIÊN THU
_____________________________
(*) NS Thanh Sơn tên
thật là Lê Văn Thiện, sinh ngày 1-5-1938 tại Sóc Trăng, là con thứ mười
trong một gia đình có 12 anh chị em. Ông được biết đến từ thập niên
1960 với những ca khúc trữ tình nói về tuổi học trò, khoảng thời gian sau,
ông nổi tiếng là “nhạc sĩ của miền Tây” với những bài nhạc mang âm hưởng
dân ca Nam bộ và với dòng nhạc Boléro.
Ông lớn lên ở Sóc Trăng, với một lòng ưa thích ca hát. Ông học nhạc từ
hồi tiểu học với thầy NS Võ Đức Phấn (em ruột NS Võ Đức Thu). Năm 1955, thầy
Phấn mất, ông lên Saigon học nhạc với thầy NS Lê Thương và nuôi ước mơ trở
thành ca sĩ. Tại Saigon, ông đã phải làm nhiều công việc như làm thuê, ở
mướn,...
Năm 1959, ông đăng ký tham dự cuộc tuyển lựa ca sĩ của Đài Phát Thanh
Saigon và đoạt giải nhất. Ban giám khảo cuộc thi đó có những tên tuổi như Dương
Thiệu Tước, Võ Đức Thu, Thẩm Oánh, Nghiêm Phú Phi. Sau khi đoạt giải, ông
được mời đi hát trong ban Tiếng Tơ Đồng của NS Hoàng Trọng.
Sau khi đã là ca sĩ, ông mày mò học sáng tác nhạc với cuốn “Để Sáng Tác
Một Ca Khúc” của NS Hoàng Thi Thơ. Những người giúp đỡ ông trong giai đoạn này
có các NS Hoàng Trọng, Nguyễn Hiền, Văn Phụng,...
Ca khúc đầu tiên của ông là “Tình Học Sinh”, viết năm 1962, tuy nhiên
chẳng được lưu ý. Đến năm sau, “Nỗi Buồn Hoa Phượng” ra đời và trở thành một
trong những ca khúc nổi tiếng nhất viết về mùa hè thời đó. Tiếp theo là những
ca khúc viết về đề tài học sinh: Ba Tháng Tạ Từ, Gởi Cố Nhân Đôi Lời, Gợi
Nhớ Quê Hương, Hình Bóng Quê Nhà, Hương Tóc Mạ Non, Màu Áo Hoa Phượng, Lưu Bút
Ngày Xanh, Hạ Buồn, Phượng buồn, Ve Sầu Mùa Phượng,... Ngoài ra còn có các nhạc
phẩm khác: Bạc Liêu Hoài Cổ, Mười Năm Tái Ngộ, Mùa Hoa Anh Đào, Nhật Ký
Đời Tôi, Thị Trấn Mù Sương, Thương Ca Mùa Hạ, Thương Về Cố Đô, Trả Lại Thời
Gian, Vầng Trán Suy Tư,... Các ca khúc này được nhiều tầng lớp khán giả đón
nhận.
Năm 1963, ông bỏ hẳn nghề ca sĩ để chuyên tâm sáng tác. Từ năm 1973,
nhạc của ông bắt đầu chuyển hướng sang đề tài quê hương. Từ thập niên 1990,
những ca khúc mang âm hưởng dân ca của ông được đón nhận, gợi mở cho ông một
hướng sáng tác mới đó là tiếp tục khai thác chất liệu dân ca Nam bộ. Nhạc của
ông lúc này chú trọng về ca từ, trong bài có nhiều âm sắc, phương ngữ đặc trưng
Nam bộ. Nhiều bài hát trong giai đoạn này trở nên rất nổi tiếng như Hình
Bóng Quê Nhà, Hành Trình Trên Đất Phù Sa, Bạc Liêu Hoài Cổ, Áo Trắng Gò Công,
Gợi Nhớ Quê Hương, Hương Tóc Mạ Non, Non Nước Hữu Tình,...
Từ năm 2000, ông biên tập chương trình cho Trung tâm Băng nhạc Rạng
Đông. Năm 2007, kỷ niệm sinh nhật 69 của NS Thanh Sơn, Nhà hát TPHCM đã tổ
chức đêm nhạc mang tên ông. Năm 2009, ông có sang Hoa Kỳ để thực hiện cuộc
phỏng vấn với Thúy Nga Paris By Night. Qua nhiều giai đoạn, ông đã viết trên
500 bài hát với nhiều bài trở nên quen thuộc trong công chúng.
Năm 2011 ông bị tai biến mạch máu não khi đang tham gia cùng trung tâm
Thúy Nga thực hiện cuốn Paris By Night với chủ đề “Tình Sử Trong Âm
Nhạc Việt Nam”. Sau một thời gian điều trị, ông qua đời lúc 14 giờ 30 ngày
4-4-2012 tại Saigon. Theo ý nguyện của NS Thanh Sơn lúc sinh thời, gia
đình cùng thân bằng quyến thuộc đã đưa tiễn linh cữu ông về an táng tại đường
nghệ sĩ của Hoa Viên Nghĩa Trang Bình Dương, thuộc xã Chánh Phú Hoà, huyện Bến
Cát, Bình Dương, vào sáng ngày 9-4-2012.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét