Ai cũng đã từng ngồi ghế nhà trường, kỷ niệm
một thời cắp sách đến trường luôn thơ mộng hồn nhiên nên dễ mấy ai quên!
Ngày xưa,
học sinh có thói quen đẹp là ghi những dòng lưu bút trao cho nhau vào mỗi dịp
hè, đặc biệt là năm cuối cấp. Ngày nay, thói quen văn hóa này đã trở thành “mốt
thời thượng”, thật đáng tiếc!
Với niềm
tâm sự nhẹ nhàng như những trang lưu bút học trò thắm màu mực tím, Ns Hàn Sinh đã
ghi lại dấu ấn đẹp ấy trong ca khúc “Họp Mặt Lần Cuối”, nói lên sự lưu luyến
khi chia tay vào mỗi dịp hè, nhất là năm cuối cấp III.
Ca khúc này
được viết ở âm thể thứ, giai điệu tha thiết như niềm lưu luyến tuổi học trò.
Đây là một lưu bút được viết không chỉ bằng lời mà còn được lồng trong âm nhạc.
Mở đầu, Ns
Hàn Sinh diễn tả niềm tâm sự rất thật của lứa tuổi mới lớn: “Còn buổi họp cuối cùng này thôi, mai chúng
ta giã biệt người ơi! Tâm sự đi những gì chưa nói, câu ca này và tiếng thơ ngâm,
mình mang một nỗi buồn xa xăm”. Có thể nói đây là khoảng thời gian chia tay
đầu đời, bao cảm giác lạ, bao ý nghĩ ngổn ngang, bao tâm sự bồi hồi khó nói
thành lời...
Những ánh
mắt nhìn nhau tha thiết, những cái siết tay thật chặt, những nụ cười chân thành
quyện vào những giọt nước mắt nồng ấm, nhưng lời nói sao khó thốt ra quá: “Cùng chúc nhau những lời gì đây? Mai cánh
chim nhỏ dại tìm đi. Anh về nơi cuối trời thương nhớ, riêng tôi ngược về chốn
Kinh đô, ai gieo chi nỗi buồn đầu thơ!”.
Thời gian
chẳng còn bao lâu nữa, chỉ nay mai thôi, mỗi người mỗi ngả, người ở gần, kẻ sẽ
đi xa,… Chim đủ lông cách thì chim sẽ bay đi, lên cao hoặc tới nơi xa nào đó.
Định luật tự nhiên là vậy, nhưng lòng người không thể không bịn rịn trong
khoảng chia tay. Vì rất có thể đây là lần cuối bên nhau, cuộc đời bao chuyện có
thể xảy ra mà không ai có thể biết trước. Thương lắm, người ơi!
Ve kêu rồi,
mưa đầu mùa rồi, phượng thắm đỏ rồi, Hè về rồi, tức là đã đến lúc chia tay nhau
rồi: “Ve kêu gọi hè sang, phượng về khơi
niềm nhớ, giây phút chia tay là đây. Chép cho ai bài thơ, lưu bút thư sinh mình
ghi, tấm hình kỷ niệm hôm nay”. Kỷ niệm đẹp cho nhau là những cánh phượng
ghép thành cánh bướm ép trong cuốn lưu bút, những dòng chữ màu mức tím dễ
thương làm sao!
Phượng bay
theo gió tạo nên trận mưa hồng, Ve đang réo gọi, không thể không chia tay nhau:
“Phượng vẫn rơi xác phượng tả tơi, nghe
tiếng ve réo gọi hồn tôi. Thôi, cạn ly giã từ nhau nhé, mai cho dù mình có xa
nhau, phút giây này nhớ vạn ngày sau”.
Bao lần
phượng nở, bao lần tiếng nhạc Ve ngân vang, đó là bao lần kỷ niệm ùa về. Không
gian, thời gian và cảnh vật vẫn luân phiên và biến đổi theo thiên nhiên, nhưng
kỷ niệm vẫn không hề cũ…
Ký ức vẫn
xanh biếc, kỷ niệm vẫn tím màu. Nhớ lắm, bạn bè ơi! Thương lắm, tuổi học trò
yêu dấu ơi!
TRẦM THIÊN THU
_______________________
(*) NS Hàn Sinh tên thật là Nguyễn
Ngọc Thương, sinh năm 1943 tại Long Xuyên (An Giang). Ông viết nhạc từ năm
1957, nổi tiếng từ thập niên 1960 với bài “Tiễn Đưa” phổ thơ Nguyên
Sa.
Ông có các bút hiệu khác: Song Ngọc, Nguyên Hà, Hoàng Ngọc Anh, và
Anh Tuyến. Ông có khá nhiều ca khúc phổ biến: Bài Tango Màu Xanh, Biết Nói Gì
Đây, Chiều Thương Đô Thị, Chúng Mình Ba Đứa (viết chung với NS Hoài Linh),
Chuyện Buồn Năm Cũ (viết chung với NS Hoài Linh), Chuyện Đời Ca Sĩ, Chuyện
Người Đàn Bà 2000 Năm Trước, Chuyện Tình TTKH, Chuyến Xe Ba Người (viết chung
với NS Hồ Đình Phương), Đàn Bà 1, Đàn Bà 2, Đàn Ông, Định Mệnh, Đừng Nói Yêu
Anh, Gặp Lại Cố Nhân (ký tên Hàn Sinh), Giờ Tý Canh Ba, Gửi Người Chưa Quen (viết
chung với NS Hoài Linh), Hà Nội Ngày Tháng Cũ, Họp Mặt Lần Cuối, Hương Đồng Gió
Nội, Kiếp Độc Thân, Lỡ Bước Sang Ngang, Màu Tím Hoa Sim, Một Chuyến Bay Đêm (viết
chung với NS Hoài Linh), Năm 2000, Năm Ngón Tay, Nghĩ Chuyện Ngày Xuân (ký tên Hàn
Sinh), Ngoại Tôi, Nó Và Tôi (viết chung với NS Hàn Châu), Niên Học Sau Cùng (ký
tên Hàn Sinh), Phiên Khúc Một Chiều Mưa (viết chung với NS Hoài Linh), Than Thở
(phổ thơ Xuân Diệu), Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em (viết chung với NS Hoài Linh),
Thư Cho Vợ Hiền (viết chung với NS Lê Dinh), Tình Yêu Như Bóng Mây, Tuổi Mùa
Xuân, Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân (ký tên Hàn Sinh), Yêu Cái Đèn Cù, Yêu Người
Chung Vách,…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét