LTCGVN (03.05.2014) – Sài Gòn – Xin được mở đầu bài viết bằng một câu chuyện của chú bé con trai chúng tôi. Khi cả nhà đi xem đồ điện máy ở một siêu thị điện máy trên đường Cách mạng tháng 8 thì bị bảo vệ làm khó dễ. Bé Samuel của chúng tôi có vẻ không vui, và anh chàng nói: “Hay là mình về mời anh hùng truyền thông An Thanh ra cho họ sợ”.
Chuyện ấy nhỏ thôi, nhưng làm chúng tôi phải suy nghĩ nhiều. Trong mắt trẻ thơ, anh hùng là một con người có sức mạnh phi thường, khiến ai cũng cúi mình sợ hãi. Và học sinh ở nhà trường nước ta được dạy rằng anh hùng là người dùng sức mạnh cơ bắp, dùng súng dùng gậy một cách hùng hổ cho đối phương khiếp sợ.
Nhưng trong một thế giới văn minh hơn, nhân bản hơn, thì anh hùng là người có sức mạnh nội tâm, biết lao mình vào các hoạt động công ích một cách không mệt mỏi, và dám đòi cho con người quyền được làm người. Khi cháu bé nhắc đến anh hùng truyền thông, có thể cháu nghĩ rằng vị ấy sẽ có thể đem lại công bằng ở nơi này.
Trong thế giới văn minh với Internet, con người gần nhau đến độ có thể đưa bàn tay ra nâng đỡ nhau một cách dễ dàng. Cái gần gũi ấy khác hẳn xã hội Việt nam ngày nay. Trong xã hội này đi đâu cũng thấy khẩu hiệu: văn minh, văn hóa, nếp sống mới, vân vân và vân vân. Nhưng đi kèm khẩu hiệu ấy là xả rác, là văng tục, là đánh nhau, là coi nhau như kẻ thù, là lấy tài sản người khác y như hái lá rừng.
Thế giới văn minh đem con người lại gần nhau. Trong buổi hội thảo về “Tự do Thông tin” do Truyền Thông Chúa Cứu Thế tổ chức ngày 1/5 vừa qua, Cha Giám tỉnh DCCT nói rằng thế giới bây giờ như một ngôi làng, trong đó thông tin được loan đi rất nhanh. Thế giới còn hơn một ngôi làng nữa, vì tin trong làng đi từ đầu làng đến cuối làng phải mất 15 – 20 phút, chứ trên Internet, thông tin đi trong tích tắc.
Cái thế giới này không cho phép con người dùng sức mạnh cơ bắp từ thời tiền sử nữa. Sức mạnh của thế giới này nằm ở sự liên đới, ở sự thật và tình yêu, và những giá trị cũng như nguyên tắc khác mà Giáo huấn Xã hội Công giáo đề cao.
Thế thì anh hùng chính là người sống cho các nguyên tắc và giá trị đó, cổ vũ và loan truyền những điều đó bất chấp khó khăn hiểm nguy cho cá nhân mình. Nói cách khác, anh hùng là những con người dám xả thân vì cộng đồng (mà không cần phải hành hung hay bắn giết ai cả. Hành động vũ lực trong thế giới ấy lại nói lên cái hèn nhát).
Trong buổi hội thảo ấy, các tham dự viên cùng chia sẻ niềm vui với hai vị anh hùng thông tin Việt Nam (trong ba vị) vừa được Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới vinh danh. Hai vị đó là linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh và tiến sĩ Phạm Chí Dũng (vị thứ ba là blogger Trương Duy Nhất đang bị giam giữ).
Hai vị anh hùng truyền thông trong buổi hội thảo cũng là hai diễn giả chính hôm ấy. Một vị trình bày giáo lý Công Giáo về truyền thông và một vị nói đến thực trạng thông tin ở nước ta và vài nơi trên thế giới.
Nội dung bài thuyết trình và sức cuốn hút của các đề tài đã được đề cập đến rồi, ở đây chúng ta chỉ xin nhấn mạnh điểm này: nếu anh hùng là người có sức mạnh nội tại, thì chắc chắn họ có thể “truyền thông” sức mạnh ấy cho những người đi với họ.
Trên đường Emmau, hai môn đệ cảm thấy lòng bừng cháy lên khi đàm đạo với Đức Giêsu. Ở đây chúng ta chỉ xin phép được phân tích khía cạnh tự nhiên của cuộc đàm đạo này mà chưa nói đến chiều kích siêu nhiên. Sự thông thái, sức mạnh nội tâm và niềm xác tín của Con Người Giêsu đủ sức làm bùng cháy lên những đống tro tàn nguội lạnh nhất.
Nếu ai chứng kiến bầu khí cử tọa nóng lên dần trong buổi hội thảo về truyền thông hôm ấy, sẽ cảm nhận được rằng sức mạnh nội tâm và sức mạnh của sự thật có sức lan tỏa đến mức nào. Và sức lan tỏa ấy làm cho mọi người hiểu thêm về sứ mạng truyền thông của mình.
Danh hiệu anh hùng truyền thông là cao quý (năm nay cả thế giới chỉ có 100 người), nhưng sự cao quý không chỉ nằm ở chỗ được thế giới tôn vinh, mà còn ở sức lan tỏa cho cộng đồng. Thật may mắn, buổi hội thảo truyền thông đã thực hiện được bước khởi đầu “lan tỏa” ấy.
Mỗi công dân cũng sẽ là một người hùng truyền thông ở nơi mình sống (hy vọng được tổ chức phóng viên… nhiều biên giới trao tặng danh hiệu!) khi họ biết dùng thông tin phục vụ công ích, bảo vệ sự thật, cổ vũ tình liên đới, rao truyền đức ái theo như Giáo huấn Hội thánh.
Trong thời đại Internet, thế giới phẳng này, hầu như ai cũng đang làm truyền thông, qua email, qua các mạng xã hội và những phương thế thông tin khác. Ước chi “tính anh hùng” trong lãnh vực chuyên biệt này sẽ trở thành đặc tính chung cho tất cả những ai có lương tri, muốn thăng tiến chính mình và cộng đồng của mình.
Gioan Lê Quang Vinh, VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét