Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

Nhìn và biết

Nhìn và biết

(Chúa nhật III Vọng, năm A)

Nhìn và biết là hai động từ có thể liên quan với nhau, nhưng cũng có thể trái ngược nhau. “Nhìn” là hoạt động của mắt, “biết” là hoạt động của não. Nhờ “nhìn” mà người ta “biết”, đó là hai hoạt động thuận chiều; nhưng nếu “nhìn” mà “không biết” thì đó là hoạt động trái chiều. Phải có cách nhìn đúng mới có thể xác định vấn đề.
Khi mong chờ, chúng ta nhận thấy dấu hiệu nào đúng hay sai mới có thể biết điều mong chờ có sắp xảy đến hay không. Mùa Vọng là khoảng-mong-chờ-tâm-linh, cũng có những dấu hiệu khả dĩ xác định mình có thánh thiện hơn chút nào hay không, con-đường-lòng-mình đã được tu sửa thẳng thắn hay chưa. Tương tự, cũng có những dấu chỉ cho biết Chúa Giêsu sắp đến hay chưa. Đất hạn nứt nẻ sẽ rất hạnh phúc khi biết trời sắp đổ mưa.

Chúa Nhật III Mùa Vọng là Chúa Nhật “vui” (Gaudete) – tương tự Chúa Nhật IV Mùa Chay là Chúa Nhật “mừng” (Laetare), nghĩa là Chúa sắp đến rồi. Vì thế, mọi người nô nức và phấn khởi lắm. Ngôn sứ Isaia mời gọi: “Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò. Sa mạc được tặng ban ánh huy hoàng của núi Li-băng, vẻ rực rỡ của núi Các-men và đồng bằng Sa-ron. Thiên hạ sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng của Đức Chúa, và vẻ rực rỡ của Thiên Chúa chúng ta” (Is 35:1-2).
Niềm vui có sức mạnh kỳ diệu, đang yếu bỗng thành khỏe. Khoa học cũng chứng minh được hiệu quả kỳ diệu của niềm vui. Ngôn sứ Isaia bảo chúng ta “hãy làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ, cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng”, đồng thời cũng hãy khuyến khích những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em” (Is 35:4).
Thiên Chúa là Thần Chân Lý, Vua Công Bình, Vua Bình An. Khi Vương Quốc Ngài hiển trị, sẽ có những dấu lạ: “Mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được, kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò, nước vọt lên trong sa mạc, khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu” (Is 35:5-6). Tất cả đều biến đổi, từ cây cỏ tới con người. Thật là tuyệt vời!
Ca khúc khải hoàn sẽ trổi lên vang dội trong đoàn nô-lệ-được-giải-thoát lũ lượt tiến bước ồ ạt như thác đổ: “Những người được Đức Chúa giải thoát sẽ trở về, tiến đến Sion giữa tiếng hò reo, mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu. Họ sẽ được hớn hở tươi cười, đau khổ và khóc than sẽ biến mất” (Is 35:10). Niềm vui vỡ òa, hạnh phúc quá lớn, y như được cải tử hoàn sinh vậy!
Không vui mừng sao được, vì Đấng Cứu Thoát là chính Thiên Chúa, Đấng Vô Thủy Vô Chung: “Người là Đấng tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó. Người là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời, xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn. Chúa giải phóng những ai tù tội, Chúa mở mắt cho kẻ mù loà. Chúa cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên, Chúa yêu chuộng những người công chính” (Tv 146:6-8). Nhìn thấy những việc tốt đẹp và kỳ diệu như vậy thì người ta có thể dễ nhận biết Ngài.
Ngài là ai? Ngài chính là Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót, Suối Yêu Thương của Ngài vô tận, Nguồn Hồng Ân của Ngài bao la, nhưng Ngài cũng là Đấng Công Thẳng, không vị nể bất cứ người nào: “Chúa phù trợ những khách ngoại kiều, Người nâng đỡ cô nhi quả phụ, nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân. Chúa nắm giữ vương quyền muôn muôn thuở, Sion hỡi, Chúa Trời ngươi hiển trị ngàn đời” (Tv 146:9-10).
Cuộc đời là chuỗi ngày tháng mong chờ, là Mùa Vọng liên lỉ. Thánh Giacôbê nhắn nhủ và so sánh rất cụ thể: “Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa. Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới” (Gc 5:7-8).
Tuy nhiên, khi mong chờ, người ta dễ ảo tưởng và xao lãng, cũng như lái xe mà cứ ngó sang hai bên đường vậy. Vì thế sự kiên trì rất cần thiết, sảy chân là ân hận không kịp. Thánh Giacôbê nói rõ: “Thưa anh em, anh em đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử. Kìa Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa. Thưa anh em, về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ là những vị đã nói nhân danh Chúa” (Gc 5:9-10).
Thời gian càng lâu chúng ta càng cần phải biết cách NHÌN và cách NHẬN BIẾT đúng về một điều gì đó, để lợi ích cho cuộc đời khi sống trong khoảng mong chờ đằng đẵng.
Khi Chúa Giêsu xuất hiện công khai, ông Gioan đang ngồi tù. Ông nghe biết những việc Đức Kitô làm, nhưng ông chưa dám xác định, thế nên ông liền sai môn đệ đến hỏi trực tiếp: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11:3). Đức Giêsu chẳng bảo là đúng hay sai, mà chỉ điềm nhiên nói: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Mt 11:4-6). Phong cách của Chúa Giêsu là thế, nghe ngang mà không ngang, như chọc tức mà không chọc tức, cứ cà-rởn và “tưng tửng” thế đấy, như Ngài thường nói: “Ai có tai thì nghe”. Và ở đây cũng thế thôi: “Ai có mắt thì nhìn, ai có óc thì nghĩ”. Độc chiêu thật đấy!
Khi họ đi rồi, Đức Giêsu bắt đầu nói một hơi dài với đám đông về ông-bụi-đời Gioan: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến” (Mt 11:7-10).
Cuối cùng, Chúa Giêsu đề cao ông Gioan: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông (Mt 11:11). Ông Gioan đã là lớn rồi, nhưng kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn lớn hơn ông Gioan. Một nghịch-lý-thuật rất độc đáo. Ngài luôn nhấn mạnh đến đức khiêm nhường, vì đức khiêm nhường là “nền tảng” của mọi nhân đức, là “viên đá góc tường” của tòa-nhà-nhân-đức, là “biệt dược” có thể trị bá bệnh. Người không có đức tin thì chắc chắn không thể nào hiểu được!
“Thế gian lắm kẻ mơ màng, thấy người toét mắt tưởng vàng ăn ra”, ca dao Việt Nam nói vậy. Cả người đổ ghèn và người khác đều bị “đau mắt hột”. Mắt mờ hoặc đổ ghèn thì làm sao thấy và hiểu được ẩn ý của Đức Kitô? Đáng sợ nhất là những người cố ý không thấy, hoặc có thấy mà lại cố ý không chịu hiểu. Như vậy thật nguy hiểm, vì mắt-đức-tin bị mù và óc-đức-tin bị xơ cứng hoặc mất trí rồi!
Lạy Thiên Chúa, xin “mở” mắt-đức-tin cho chúng con để chúng con nhìn và nhận biết cho đúng Tôn Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.


TRẦM THIÊN THU
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét