Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Việt Nam hôm nay, ngày 30.12.2013

LTCGVN (30.12.2013)

1. Tham quan, 7 học sinh chết đuối
Tờ Người Lao Động đưa tin, ngày 29.12, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) cùng với Công ty Du lịch Hưng Phát (trụ sở tỉnh Bình Dương) tổ chức cho 96 học sinh và 18 giáo viên đi thực địa tham quan tại chiến khu Rừng Sác, huyện Cần Giờ, Sài Gòn. Đến trưa cùng ngày, đoàn ra bãi biển 30.4 tắm thì bất ngờ 8 học sinh bị sóng đánh ra xa, trong đó 7 em mất tích.
Vietnamnet cho biết thêm, 96 em này là các em học sinh giỏi sử địa thuộc các khối 6,7,8,9.
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Văn Thơm, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết: xác của 7 học sinh đều đã được tìm thấy. “Tất cả các học sinh đều bị sóng biển đẩy vào bờ, cách nơi xảy ra tai nạn từ 200 m đến 1 km.”

Chiều tối cùng ngày, hàng chục phụ huynh và người thân của các học sinh gặp nạn rất đau đớn, vật vã tại bãi biển để cầu nguyện, mong sớm tìm kiếm được thi thể các em. Chứng kiến cảnh tượng đau lòng này, không ít người dân địa phương mủi lòng rơi nước mắt.
Mẹ em Đoàn Minh Tâm, một trong những em học sinh bị mất tích lớp 9A6 nức nở. “Trước khi đi, thằng Tâm rất háo hức. Đêm qua, nó hầu như không ngủ. Sáng nay chở con tới trường tôi đã dặn dò con phải cẩn thận. Lúc trưa nó còn gọi về báo với gia đình là đang vui chơi với các bạn.” (VnExpress)
Dẫn lời thầy Nguyễn Văn Giáp, Hiệu phó Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, người cùng tắm biển với các học sinh gặp nạn, tờ Người Lao Động cho biết: “Lúc đó, tôi cùng với 8 học sinh tắm biển, trên bãi lúc này cũng có nhiều du khách. Đang tắm, tôi cảm nhận gió đang lớn nên kêu các em vào bờ. Khi 8 học sinh quay vào thì bước trúng vùng cát mềm nên các em hoảng hốt quơ quào. Tôi vừa ôm một học sinh và cầu cứu lực lượng cứu hộ trên bãi biển. Thế nhưng, sóng đã cuốn các em ra xa…”.
Chị Nguyễn Ngọc Hà, một người dân địa phương, lo ngại: “Đây là mùa gió chướng nên sóng biển đánh rất mạnh, nếu bị trượt chân và mất phương hướng thì sẽ dễ dàng bị cuốn ra xa”.
Bạn đọc loc_daominh đồng cảm cùng thân nhân của các em: “Tôi cũng là cha mẹ, tôi thấu hiểu nỗi đau của phụ huynh và gia đình các cháu, xin thắp nén nhang cho các cháu và chia buồn cùng gia đình. Cũng cầu mong những điều thương tâm ấy đừng lặp lại với các cháu nhỏ khi đi xa gia đình.” Còn bạn đọc Nguyet Huynh chia sẻ: “Buồn quá! Mong rằng gia đình sẽ vượt qua nỗi đau này.”
Sự việc trên xảy ra cũng là dịp để nhìn lại trách nhiệm của các bên liên quan. Bạn đọc Mắt bé nhận xét: “Trách nhiệm của nhà trường và công ty du lịch cần được xem xét. Các trường học cần rút ra bài học kinh nghiệm.” Bạn đọc Nguyen Minh Trung phản hồi lại bạn Mắt Bé: “Cũng không hoàn toàn là lỗi của thầy cô đâu bạn. Vì cái này có thuê công ty du lịch dẫn đi chứ không phải thầy cô tự dẫn đi. Hơn nữa bài báo có nhắc tới vấn đề ‘thi công – cát lún’. Nếu có việc này mà thiếu biển báo nguy hiểm thì bên phía thi công cũng phải có trách nhiệm.”
Nhiều bạn đọc cũng bày tỏ sự bất tín nhiệm đối với nhà trường. Bạn đọc To Dinh nói: “Đó là lý do mà 2 cháu nhà tôi có bị nhà trường kỉ luật thì tôi vẫn không bao giờ cho đi thăm quan với nhà truờng. Đấy, chết như vậy nhà trường có chịu trách nhiệm không ?” Bạnh đọc Dung Phan cũng cho biết: “Đó cũng là lý do tôi không bao giờ cho con tôi đi tham quan chung với nhà trường cả vì tôi thấy rất nhiều trường hợp thương tâm tương tự như thế xảy ra. Lúc xảy ra cớ sự rồi biết trách móc ai? Ai sẽ chịu trách nhiệm đây?”.
Bạn đọc Elena cho rằng: “Nhiều trường ép buộc học sinh phải đi, không đi thì trừ điểm, hạ hạnh kiểm. Mình nghĩ nên để các em tự nguyện chứ nhà trường không nên ép buộc các em phải đi.” Bạn đọc Nguyên Hà cho ý kiến khác: “Trường học bây giờ trở thành nơi béo bở để những công ty du lịch mời chào, họ chỉ cần trích hoa hồng cho ban giám hiệu cao một chút là nhà trường sẽ có cách ép học sinh đi bằng được.”
2. Dân đảo Lý Sơn thoát cảnh cô lập với đất liền
Tờ Người Lao Động đưa tin, sáng 28.12, tuyến giao thông nối đảo Lý Sơn với Cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) đã hoạt động trở lại, nhiều chuyến tàu cao tốc chở khách và hàng hóa đã ra vào đảo.
Ông Đặng Quang Sơn, Giám đốc Ban quản lý cảng Sa Kỳ, cho biết tuy thời tiết chưa thật thuận lợi (vẫn còn sóng to, gió lớn) nhưng trước nhu cầu đi lại của hành khách nên các ban ngành chức năng đã quyết định bán vé để hành khách và hàng hóa ra vào đảo. Tuy nhiên, các tàu gỗ chở hàng hóa vẫn chưa được xuất bến ra đảo vì thời tiết xấu.
Tờ Lao Động còn nhận định: “Việc thông tuyến tàu ra đảo Lý Sơn không những giải quyết được nhu cầu đi lại cho người dân trên đảo mà họ còn có thể vận chuyển lương thực cùng nhu yếu phẩm thiết yếu từ đất liền ra đảo sau 13 ngày cô lập.”
3. Bản đồ chủ quyền: Báo Trung Quốc khai thác sơ hở trong giáo dục của Việt Nam
RFI đưa tin, báo Trung Quốc đã khai thác để nhấn mạnh rằng, Việt Nam thừa nhận chủ quyền Trung Quốc tại Biển Đông sau phát hiện của báo Thanh Niên, theo đó, Bộ Giáo Dục Việt Nam, từ năm 2007, đã bắt học sinh phải sử dụng một phần mềm tin học bản đồ có hình ảnh “đường lưỡi bò”. Tuy sau đó Bộ Giáo dục Việt Nam đã ra lệnh loại bỏ bài học về phần mềm này.
Nhân sự kiện diễn ra tại Việt Nam, tờ Hoàn cầu Thời báo đã khẳng định rằng, chính Việt Nam đã công nhận vùng Biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc trước năm 1975, vì vào năm 1974, bản đồ và sách vở tại Việt Nam (?), trong phần giới thiệu về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đều nói rằng các hòn đảo ở Biển Đông đã tạo thành một bức tường lớn bảo vệ lục địa Trung Quốc.
Cũng theo Hoàn cầu Thời báo, từ năm 1975, Việt Nam thay đổi quan điểm và bắt đầu đòi chủ quyền trên một phần của Biển Đông, và cho quân đội chiếm đóng một số đảo.
Như vậy, tờ báo của Trung Quốc đã khéo lợi dụng một kẽ hở tại Việt Nam để quảng bá cho các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với vùng Biển Đông và đặc biệt là hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Bài báo tiếp tục nhận định: “Vấn đề là ngay tại Việt Nam, nhận thức về nhu cầu quảng bá và giáo dục nhận thức về chủ quyền biển đảo vẫn chưa cao, và vụ phần mềm tin học bản đồ lần này nằm trong một chuỗi những vụ tương tự, như bản đồ in trên giấy, bản đồ trên các quả địa cầu thể hiện lập trường Trung Quốc về Biển Đông đã từng được lưu hành tự do trên thị trường Việt Nam.”
Bạn đọc Lê Bình Nam bình luận trên trang mạng Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự rằng: “Dân đi biểu tình chống Tàu chiếm Hoàng Sa, Trường Sa thì bị đạp vào mặt, bị bỏ tù; quan dùng cờ 6 sao, dùng đường lưỡi bò, cho Tàu thuê dài hạn 99 năm đất rừng đầu nguồn, cho Tàu vào khai thác Bô xít Tây Nguyên, cho Tàu thầu hết các công trình kinh tế trọng điểm…thì gọi là “sơ suất”!”
Bạn đọc Lương Ngọc Phát thì nói: “Một vấn đề hệ trọng hàng đầu, đang liên tục nóng bỏng trong lòng toàn dân đến cả quốc tế về chủ quyền lãnh thổ, về độc lập tự chủ nước ta …Bao lâu nay rồi, mà sao hết cờ 6 sao đến bản đồ giáo khoa cứ sơ suất mãi? Và cứ đợi đến lúc bể dĩa thì kẻ có trách nhiệm mới biết và sửa sai, là sao ?”
Cũng xin nhắc lại, vào tháng 12.2011, trong một dịp đón tiếp ông Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Việt Nam, các thiếu nhi Việt Nam đã vẫy cờ Trung Quốc có in hình 6 sao trong khi cờ Trung Quốc chỉ có 5 sao. Chính phủ Việt Nam sau đó đã giải thích sự cố gắn thêm 1 ngôi sao lên cờ Trung Quốc trong buổi lễ đón tiếp là một ‘sai sót mang tính kỹ thuật’.
Theo VOA, Quốc kỳ chính thức của Trung Quốc chỉ có 5 ngôi sao gồm 1 ngôi sao lớn và 4 ngôi sao nhỏ, tượng trưng cho 5 sắc tộc chính ở Trung Quốc là Hán, Mãn, Hồi, Mông, và Tạng. Dư luận cho rằng, qua ‘sai sót’ trên, Trung Quốc muốn Việt Nam hay coi Việt Nam là ngôi sao thứ 6 của Trung Quốc. Một số nặng nề hơn cho rằng Việt Nam tự dâng cho Trung Quốc và muốn là ngôi sao thứ 6. (BBC)
4. Cơ sở sản xuất nước giải khát trái phép ở Kiên Giang
Theo Thông Tấn Xã cho biết, cơ sở sản xuất nước uống giải khát tự phát ở Kiên Giang sử dụng nhiều nguyên vật liệu có xuất xứ từ Trung Quốc.
Báo cho biết thêm, tại cơ sở này có nhiều hương liệu hóa chất để sản xuất nước ngọt như chất tạo ngọt, tạo màu, chất làm chua nước giải khát trong số đó có nhiều bọc bằng kẽm chứa chất tạo ngọt do Trung Quốc sản xuất.
Chủ cơ sở này thừa nhận sản xuất nước ngọt trái phép tại đây hơn bốn tháng, các sản phẩm đã đưa ra thị trường tiêu thụ.
Tại buổi hội thảo “Khỏe và an toàn để tận hưởng cuộc sống” tổ chức sáng 23.7 tại Hà Nội, bà phó giáo sư Nguyễn Thị Lâm-Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết nước uống đường phố, bao gồm cả nước đóng chai không rõ nguồn gốc sản xuất có thể có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây ngộ độc cho cơ thể như suy giảm chức năng gan, thận gây lão hóa các tế bào của cơ thể.
5. Chìm tàu đánh cá thuyền viên mất tích trên biển
Theo Thông tấn xã VN đưa tin, vào ngày 29.12, ba thuyền viên thuộc tàu đánh cá mang số hiệu TH 91174 TS bị mất tích đang trong khi đánh bắt hải sản thuộc khu vực Nam đảo Bạch Long Vĩ, thuộc thành phố Hải Phòng.
Tàu có công suất 110 CV do ông Lê Văn Sen, ở xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa làm thuyền trưởng. Trước khi tàu bị chìm, ông Sen đã phát tín hiệu cấp cứu và tàu đánh cá mang biển kiểm soát TH 1218 đã đến cứu, nhưng chỉ cứu được ông Sen và một thuyền viên khác. 3 thuyền viên còn lại bị mất tích.
Báo này khẳng định, “ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa phối hợp với Văn phòng tìm kiếm cứu nạn Thanh Hóa, Bộ đội Biên phòng Hải Phòng khẩn trương tìm kiếm những ngư dân bị mất tích.”
Cùng với thời gian ở trên, thuyền viên Nguyễn Xuân Luận bị xuống biển và mất tích đang trong khi đánh cá trên biển thuộc địa phận vùng biển xã Quảng Xuân huyện Quảng Trạch, Quảng Bình.
Thuyền viên Nguyễn Xuân Luận thuộc tàu cá mang số hiệu QB 8559, công suất dưới 20CV, do ông Nguyễn Ngọc Miên làm chủ tàu.
Cũng vào chiều ngày 29.12, tại vùng biển cửu lạch trên sông Ròon, tàu cá của ông Lê Văn Cầu khi đang trên đường ra khơi đánh cá thì bị sóng đánh chìm.
Ông Lê Văn Cầu ngụ tại Phú Xuân, Quảng Phú, Quảng Trạch, Quảng Bình.
Báo này cũng cho hay, các lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương cùng gia đình đang tìm kiếm nạn nhân.
Sự kiện ở Nghệ An vào ngày 28.11.2013, tàu cá mang số hiệu NA 90249 TS, do ông Nguyễn Văn Trí ở thôn Tân An, An Hòa, Quỳnh Lưu làm thuyền trưởng, bị chìm tàu và làm 8 thuyền viên bị mất tích. Điều này khiến cho người dân của các thuyền viên cũng như người dân kinh hoàng và bàng hoàng.
Liên quan đến trách nhiệm cứu hộ của nhà cầm quyền cũng như của các lực lượng cứu hộ báo Nghệ Anviết rằng, “sau khi nhận được thông tin, UBND tỉnh Nghệ An đã huy động 2 tàu cứu hộ của Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh kết hợp với 2 tàu cá của ngư dân xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu tham gia tìm kiếm.”
Thế nhưng trong bài tường trình về vụ chìm tàu ở Giáo xứ Phú Yên, giáo phận Vinh ngày 28.11.2013 của cha Antôn Nguyễn Văn Thanh, quản nhiệm giáo xứ Phú Yên nhận định rằng: “Trong suốt quá trình gặp nạn-cứu hộ cứu nạn và trục vớt con tàu, các cơ quan chức năng đã không làm việc với khả năng và trách nhiệm của mình, đánh lừa dư luận… sai sự thật, bên cạnh đó dùng báo chí để tuyên truyền những thông tin không đúng; thậm chí lại còn gây khó dễ cho những người xả thân để giúp những gia đình bị nạn. Thật đáng buồn về cung cách làm việc thiếu trách nhiệm như vậy…”
6. 100% mỳ tôm nhiễm độc
Vietnamnet đưa tin, tại hội thảo về an toàn thực phẩm tổ chức tại TP.HCM, ông Phó Chủ tịch Hội Y tế công cộng Phạm Ngọc Sơn công bố 100% mẫu mỳ tôm, măng tươi đều có axít oxalic – tác nhân gây ra sỏi thận, hại đến các khớp xương…
Báo cho hay, ngoài ra có một số thực phẩm khác cũng bị nhiễm như há cảo, nấm mèo, bánh bông lan, bánh cuốn, cà rốt, trà…
Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm đang dùng axít oxalic như một chất tẩy trắng.
Facebook Hillary Đỗ chán nản nhận xét: “Việt Nam bây giờ nguy hiểm thật, không ai có thể bảo vệ được mình bằng tự mình hãy bảo vệ chính mình..”
Bài báo cũng nhận định tiếp về vai trò của các cơ quan chức năng: “nếu cứ chỉ tẩy chay để được làm người tiêu dùng thông minh thì có lẽ sẽ chẳng còn gì để ăn uống cho đảm bảo an toàn với tần suất hàng bẩn ngày càng nhiều và lan rộng như hiện nay nếu không có sự can thiệp của giới chức và chuyên môn.”
“Nhưng nhìn lại thì thấy các biện pháp của các cơ quan liên quan đưa ra cũng chỉ như là “gãi ngứa” ngoài giày. Thế nên dù có thông minh đến đâu thì người dân vẫn cứ rơi vào cái vòng luẩn quẩn và sa vào ma trận thực phẩm bẩn và độc mà chẳng thể tìm lối ra.”
 HT.ĐT.VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét