Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

BA NGỌN NẾN LUNG LINH

LTCGVN (29.12.2013)

BA NGỌN NẾN LUNG LINH

Lễ Giáng Sinh vừa đến với mọi người trên khắp cùng thế giới, dù bất cứ ở đâu trong mọi cái ngóc ngách của địa cầu này, dù niềm tin có thuộc về bất cứ tôn giáo nào, thì Lễ Giáng Sinh vẫn là một lễ hội mang lại niềm vui, hạnh phúc và cơ hội để xây dựng nhiều ước vọng của mọi người. Trong những ngày hội lễ này, hình ảnh tiêu biểu mà chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ chỗ nào, đó là Hang Đá, Máng Cỏ và Gia Đình Thánh. Hình ảnh gia đình càng trở nên hệ trọng trong hệ thống tư tưởng của Công Giáo khi Hội Thánh Công Giáo cử hành Lễ Thánh Gia ngay sau Lễ Giáng Sinh.
Trong văn hóa Châu Á, đặc biệt văn hóa truyền thống Việt Nam, gia đình có một vị trí rất lớn và quan trọng trong đời sống mỗi cá nhân và cả xã hội, gia đình là nền tảng của xã hội, nơi đó mỗi người được nhào nặn làm người và nên người. Những năm gần đây, người ta có cảm tưởng xã hội Việt Nam bị phá sản vì những đổ vỡ lớn lao về nhân cách con người, những đổ vỡ đó ngày càng mạnh mẽ, lan nhanh, mang sức công phá mãnh liệt, chưa có dấu hiệu ngừng lại, nhưng nguy cơ tiếp tục trượt dài vẫn nhấp nháy dự báo liên hồi.

Lần theo dấu vết của những đổ vỡ, người ta thấy mối dây tương quan gia đình đang rạn nứt trầm trọng, những cơ cấu truyền thống của gia đình bị phế bỏ, gia đình không còn là môi trường đặc biệt để hình thành con người nữa, thậm chí gia đình không còn tồn tại trong cuộc sống của một “bộ phận” không nhỏ của xã hội.
Chấn hưng đời sống gia đình là mối quan tâm của nhiều người. Ngay từ khởi đầu, Giáo Hội Công Giáo đã có quan điểm về đời sống gia đình, nến tảng của cấu trúc này là sự hiện diện của Thiên Chúa, đánh mất sự hiện diện của Thiên Chúa là đánh mất ý nghĩa và sự tồn tại của gia đình. Trong Chúa chúng ta mới có thể khám phá ra thế nào là thủy chung, thế nào là Tình Yêu.
Với Đức Tin, chúng ta xác tín về quyền năng chữa lành của Lời Chúa, vậy chính chúng ta cũng phải tìm kiếm sự chữa lành nơi Lời Chúa ban bố cho chúng ta hàng ngày. Đón nhận lấy Lời của Chúa, suy gẫm, cầu nguyện và cố gắng thực thi, chắc chắn chúng ta sẽ chấn hưng được đời sống gia đình theo Thánh Ý Chúa. Ít là hôm nay, ngày Lễ Thánh Gia, Lời Chúa thật dồi dào và cụ thể, thật sống động và tinh tế, thật khôn ngoan và mến yêu.
Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái;
quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con.
Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi;
ai thảo kính mẹ mình,
thì như người thu được một kho tàng.
Ai thảo kính cha mình,
sẽ được vui mừng trong con cái,
khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời.
Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài.
Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ.
Hỡi kẻ làm con,
hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi,
chớ làm phiền lòng người khi người còn sống.
Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng,
ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người.
Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng.
Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi,
và xây dựng đức công chính của ngươi.
( Hc 3, 3 – 7 . 14 – 17a )
Và người tín hữu đọc xong những lời này thì cung kính mà nói: Ðó là Lời Chúa.
Trong Tin Mừng theo Thánh Gioan, có một câu chuyện về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong một tiệc cưới ở Cana, câu chuyện khá thú vị vì sự kiện tiệc cưới đó bị hết rượu nửa chừng, Chúa Giêsu đã can thiệp từ một hành động mà chúng ta gọi là “làm phép lạ”, rượu đã có để tiệc cưới được tiếp tục vui say, người ta đã hết lời ca tụng phép lạ ngoạn mục này của Chúa Giêsu, nhưng Kinh Thánh lại không xem đây chỉ là một phép lạ ngoạn mục, mà Kinh Thánh bảo “Ðức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người” ( Ga 2, 1 – 12 ).
Chúa Giêsu có mặt để đem lại niềm tin cho mọi người. Nếu ở Cana, việc có thêm rượu, chỉ đơn thuần là để cứu nguy sỹ diện cho người ta thì sự kiện này chỉ nằm ở bình diện “ngoạn mục”, nhưng rượu do Đức Giêsu can thiệp mà có lại là thứ rượu rất ngon và dư tràn chan chứa ( 6 chum đá, mỗi chum có từ 80 đến 120 lít nước, nước được đổ đầy tràn 6 chum ấy ). Hạnh phúc của đời sống hôn nhân có Chúa là thứ hạnh phúc không ai, không thể chế, cơ cấu, lý thuyết nào có thể cho, và hạnh phúc đó dư tràn, dồi dào hơn điều ta có thể nghĩ.
Đó là điều may mắn cho những gia đình Công Giáo, nhưng cũng là thách đó cho chúng ta, chúng ta có xác tín và dám nói với mọi người về “dấu lạ” này không ?

Lm. VĨNH SANG, DCCT, Lễ Thánh Gia Thất 29.12.2013
( Ghi chú: “Ba ngọn nến lung linh” tên một bài hát về tình yêu gia đình
của đôi vợ chồng Phương Thảo – Ngọc Lễ )
Theo EPHATA số 592

0 nhận xét:

Đăng nhận xét