Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Sự thật là cái chúng ta tiếp tục chạy trốn


 Sài Gòn – Ở đây không nêu ra một nghi vấn, mà chính là khẳng định một thực tế của Giáo hội Công giáo Việt Nam trước tình hình bi đát của đất nước hôm nay.
Mới đây, giới quan sát cả trong và ngoài Giáo hội đã hết sức vui mừng và hy vọng khi Hội đồng giám mục Việt Nam – có thể được xem như là cơ quan quyền lực cao nhất của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam – đã bước ra khỏi “sự khôn ngoan” thường thấy để tuyên bố bằng văn bản “Nhận định và góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013)” gửi đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và nhân dân cả nước.
Nếu theo dõi phản ứng của các vị giám mục hoàn toàn im lặng, hoặc “thân ai nấy lo”, hoặc “lên tiếng hay không lên tiếng” trong các vụ việc xảy ra trước đây, nhất là vụ Tòa Khâm Sứ và Thái Hà (Hà Nội), rồi tiếp sau là hàng loạt các vụ việc khác trên toàn quốc vi phạm trắng trợn quyền con người, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, dân chủ của nhà cầm quyền, trong đó có không ít những vụ sử dụng vũ lực trực tiếp tấn công giáo hội như đập phá ảnh tượng, đền đài, nhà thờ, đánh đập giáo dân, tu sĩ, linh mục… thì bản nhận định và góp ý sửa đổi Hiến pháp vừa qua là một dấu son trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng của giáo hội tại đất nước này.

Nhưng sống Tin Mừng khó hơn
Chính xác là quá khó, tuy nhiên đó lại là đòi hỏi sống còn.
Vì vậy, có đáng hổ thẹn khi cái văn bản đi vào lịch sử kia hiện chỉ đang nằm phủ bụi trên bàn của các cha xứ trong suốt hơn hai tháng qua?
“Những điều thiếu xót” trong Kinh Cáo Mình dường như đang xảy ra nơi hội đồng đã ra cái văn bản cực kỳ trí tuệ đó? Thái độ của các giám mục xem ra bằng lòng với việc ban hành mặc chuyện văn bản đó được phổ biến và thực thi ra sao?
Hiện có bao nhiêu người Công giáo biết có sự tồn tại của bản nhận định và góp ý sửa đổi Hiến pháp của Hội đồng giám mục Việt Nam? Trong số người biết có mấy người đọc, mấy người hiểu và sống tinh thần của văn bản này?
Có hai lý do để đặt ra những câu hỏi trên. Thứ nhất, thực tế rất ít giáo xứ dám can đảm phổ biến và giải thích cho giáo dân. Thứ hai, trách nhiệm này của các cha xứ là hết sức cần thiết vì cùng lúc đó từng hộ gia đình ở một số đô thị lớn cũng nhận được bản góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp do nhà nước ban hành “cho phép” người dân, trong đó có người Công giáo phải thi hành quyền công dân của mình.
Trong khi, một giáo dân ghi vào bản góp ý “Gia đình tôi chỉ đồng ý với bản nhận định và góp ý sửa đổi Hiến pháp của Hội đồng giám mục Việt Nam” gửi lại cho khu phố trưởng thì ngay lập tức bản thân và các thành viên trong nhà bị sách nhiễu. Hai anh em đã căng thẳng với nhau suốt bữa cơm tối giữa sự hiện diện của mẹ già và đàn con cháu, bởi vào chiều cùng ngày, có anh công an khu vực mò đến nhà… Thì tại Tổng giáo phận Sài Gòn, có cha quản hạt sau khi “làm việc” với nhà cầm quyền địa phương đã yêu cầu các cha xứ trong hạt không phổ biến văn bản của hội đồng giám mục nữa.
Rào cản của sự thật toàn vẹn
Trên đây mới là những sự thật liên quan đến văn bản lẫy lừng của các giám mục thời gian qua.
Rộng hơn, người dân Việt Nam thật sự đang cảm thấy mất phương hướng, khiếp sợ trước một xã hội mà cái ác chiếm thế thượng phong.
Ở nhà, vợ chồng mâu thuẫn nhau chỉ vì bất đồng trong việc giáo dục con cái. Thước đo các giá trị bị đảo lộn, dối trá bao trùm khiến bậc làm cha mẹ hôm nay cắn răng dạy con làm người tốt hoặc là phớt lờ để nó “có chỗ đứng” trong cái “lâm bô” văn hóa, đạo đức này.
Đến không khí ngột ngạt ở nơi làm việc. Nếu muốn tồn tại, rồi thăng tiến, người “trưởng thành” nào cũng phải biết khéo léo trong các mối quan hệ trước cả khi chứng tỏ được năng lực chuyên môn. Thậm chí, quan hệ xấu mà làm việc quá tốt thì nguy cơ bị loại còn cao hơn kẻ bất tài. Chưa kể, những người được gọi là đồng nghiệp với nhau phải luôn dòm trước, ngó sau, liếc ngang, liếc dọc trước các cuộc đấu đá nội bộ. May mắn về phe mạnh thì sống, về phe yếu thì toi, còn không về phe nào thì càng tiêu đời sớm.
Ra đường, đọc báo, lên mạng chỉ được nghe, thấy toàn những việc làm tày trời mà phần thiệt hại thuộc về người dân và công ích.
Vào nhà thờ, người Công giáo, đặc biệt người trẻ, ngáp dài với những bài giảng mỹ miều sáo rỗng. Các cha xứ đang cố rũ sạch bụi thế trần, chiêm ngắm sự trên trời khi sợ và gạt mọi biến cố kinh tế, chính trị, xã hội và cả tôn giáo đang hằng ngày bị đe dọa, bị vi phạm ra khỏi nhiệm vụ ngôn sứ để kêu gọi một thứ bác ái ngờ nghệch, rao giảng thứ Tin Mừng mỵ dân.
“Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương” và Thiên Chúa của chúng ta luôn yêu trong sự thật.
Sự thật là chúng ta đang sống dưới một chế độ phi nghĩa, biến chất, tàn bạo được cầm đầu bởi các băng nhóm tư lợi bất tuân pháp luật, sẵn sàng “bán rẻ” tất cả từ tài sản quốc gia (biên cương, hải đảo, tài nguyên, khoáng sản…) cho đến người dân và tất nhiên cả niềm kiêu hãnh dân tộc để vơ vét vào “ngân khố riêng”. Từ đó, kéo theo sự thật người dân bị mất các quyền cơ bản, quốc gia suy yếu, lòng người chia rẻ, nguy cơ mất nước rình rập.
Tại sao chúng ta lại sợ đề cập đến sự thật đang diễn ra mà chỉ muốn nhảy phóc đến các “sự thật trên trời”?
Tất cả hành vi vi phạm các quyền tự do mà người dân Việt Nam đang phải gánh chịu chẳng phải là những rào cản ngăn trở con người đi tìm kiếm sự thật toàn vẹn về chính mình là những hữu thể siêu việt sao?
Sợ nói sự thật sẽ sợ cầu nguyện
Và kết quả là đánh mất hoặc không ý thức được về sức mạnh của mình.
Tưởng tượng có khoảng 7 triệu người Công giáo Việt Nam thường xuyên được nghe biết và ý thức chọn thái độ sống trước các sự thật đang diễn ra trên quê hương mình thì sức mạnh sẽ thuộc về ai và kẻ nào sẽ phải sợ sức mạnh đó?
Có một, hai giáo xứ ở Hà Nội, Sài Gòn đã công khai tổ chức cầu nguyện định kỳ cho công lý và hòa bình. Các thánh lễ đó thu hút đông đảo giáo dân thích nghe và ủng hộ sự thật. Ở đó, người có niềm tin vào sức mạnh của các ơn Chúa Thánh Thần hiểu rằng ơn Chúa chứ không phải là cái gì khác sẽ đến khi chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho anh Điếu Cày, gia đình chị Tạ Phong Tần, các bạn sinh viên Công giáo Vinh và hàng ngàn người khác đang lâm cảnh lao tù vì chọn sự thật. Và ở đó, xin đừng hiểu người Công giáo đang “chính trị hóa” hành vi tôn giáo, bởi họ chỉ thuần túy cầu nguyện xin lửa từ trời xuống thiêu đốt cái đối nghịch với con người.
Đến đây, một lần nữa chúng ta lại tưởng tượng nếu 8 triệu người Công giáo Việt Nam cùng cầu nguyện…
Hoàng Đang
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét