Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Bóng người hòa bình (5)


Sài Gòn – 26/10/1962: Một tín hiệu bất thường từ Matxcơva: báo Pravda, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng Sản Liên Bang Nga, đăng lên trang nhất lời kêu gọi hòa bình của Đức Gioan XXIII, cùng với lời bình luận là Đức Giáo Hoàng có lý khi Ngài chủ trương cần phải thương thuyết. Với những ai hiểu biết về những tương quan của thế giới Cộng sản, đặc biệt là của Liên Xô với Giáo Hội Công Giáo, động thái của Matxcơva có ý nghĩa đặc biệt. Về mặt triết lý và chính trị, thì mọi người đều biết Karl Marx và Engels đã phê bình ác liệt như thế nào về các tôn giáo nói chung, Công giáo nói riêng. Từ ngày có một chế độ Mác xít chuyên chính được thiết lập ở nước Nga năm 1917 (Cách mạng tháng 10), những tư tưởng triết lý và chính trị ấy được thể hiện với cả một hệ thống pháp luật và công an khắc nghiệt khổng lồ.

Năm 1926, sứ thần Tòa thánh tại Đức, Đức Cha Pacelli (sau này sẽ là Đức Giáo Hoàng Pio XII) nhận lệnh của Đức Giáo Hoàng Pio XI, phong chức Giám mục cho một tu sỹ Dòng Tên là Cha Michel d’Herbigny. Nhiệm vụ của Đức Cha d’Herbigny là đi vào nước Nga Xô viết để tấn phong bí mật cho nhiều vị Giám mục Công giáo. Từ đó trở đi, bức màn sắt buông xuống, Công giáo ở Nga chìm vào một vực thẳm yên lặng. Sau này khi đọc “Quần đảo ngục tù” (Archipel Goulag) của văn hào Soljenitsyn, ta có thể mường tượng trong cõi ngục tù mênh mông ấy nhiều tín hữu của Chúa, Chính Thống có, Công Giáo có.
Từ đó thái độ của nước Nga Xô viết đối với Giáo Hội và của Giáo Hội đối với Cộng sản, là một chuỗi những mâu thuẫn gay gắt. Ngày 27/6/1930 trước đại hội XVI của Đảng Cộng Sản Nga, Chủ tịch Stalin đã nói về “một cuộc thánh chiến của bọn cha cố do Giáo Hoàng dẫn đầu chống lại Liên bang Xô viết”. Năm sau, 1931, ngoại trưởng Molotov tuyên bố bọn cha cố Công Giáo là “những tên gián điệp phục vụ cho bộ tổng tham mưu chống Liên xô… Trong mấy năm vừa rồi, (Vatican) đã tìm cách tích cực can thiệp vào các vụ việc quốc tế, dĩ nhiên là can thiệp để bênh vực bọn tư bản và địa chủ, bọn đế quốc châm ngòi lửa chiến tranh.” Bên Công giáo phản ứng cũng không vừa. 19/3/1937, Đức Giáo Hoàng Pio XI công bố hẳn một bức Thông Điệp, nhan đề “Chúa Cứu Thế” (Divini Redemptoris) về chủ nghĩa Cộng sản vô thần, với câu nói nổi bật là “Chủ Nghĩa Cộng Sản là sự ác từ bản chất”.
Sau đời Đức Pio XI đến thế chiến thứ II, với Đức Pio XII, quan hệ đôi bên chẳng những không cải thiện mà còn nặng nề hơn. Liên xô chiến thắng đã thiết lập một thế giới Cộng sản bao trùm cả Đông Âu, trong khi Mao Trạch Đông bá chủ toàn thể đất nước Trung Hoa từ năm 1949; chế độ Cộng sản được thết lập vững chắc ở Bắc Việt Nam và Bắc Triều Tiên.
Không thể kể hết những gian nan, khốn khổ, hiểm nguy Giáo Hội đã phải chịu. Những vị lãnh đạo lớn của các Giáo Hội Đông Âu đều chịu cảnh tù rạc, những người như các Đức Hồng Y Mindzenty ở Hungari, Stepinac ở Nam Tư, Beran ở Tiệp Khắc; Giáo Hội Công Giáo ở Ukraina bị cưỡng bức sát nhập vào Giáo Hội Chính Thống, v.v.. (Một sự kiện trong Dòng Chúa Cứu Thế có thể coi là một minh họa cho thời kỳ này: ngày 26/6/2001 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II tôn phong Chân Phước cho 5 tu sỹ của Dòng người Ukraina và Ba Lan, có vị đã chết rũ tù, có vị bị tra tấn dã man, hoặc chết vì kiệt sức sau khi ở tù ra, trong thời gian 1941 – 1959). Bên Trung Quốc chính quyền chủ xướng lập giáo hội tự trị, tạo ra tình hình phân rẽ giáo hội công khai và Giáo Hội Hầm Trú cho tới ngày hôm nay. Ở Việt Nam ta chỉ cần đi thăm các vị có tuổi trong các Giáo Phận Miền Bắc sẽ được nghe biết bao nhiêu nông nỗi về thời kỳ này. Có những nạn nhân nổi tiếng như Cha Nguyễn Văn Vinh của Hà Nội, hoặc một tu sỹ Dòng Chúa Cứu Thế là Marcel Nguyễn Tân Văn mà ở nước ngoài có cả một phong trào vận động xin Hội Thánh tuyên phong Chân Phước cho Thầy.
Trong tình hình như thế, dễ hiểu là tương quan giữa khối các nước Xã hội Chủ nghĩa và Giáo Hội u uất nặng nề đến mức nào. Sứ điệp lễ Giáng sinh năm 1956 của Đức Giáo Hoàng Pio XII có câu: “Chúng tôi, với tư cách là người đứng đầu Giáo Hội, đã tránh không kêu gọi thế giới Kitô vào một cuộc thánh chiến, nhưng chúng tôi có thể hiểu được tâm trạng của những người đang đau khổ nơi chính bản thân mình, vì sao họ có những suy nghĩ như vậy (mong có thánh chiến).” Mặc dù đã minh xác như vậy, Đức Thánh Cha Pio XII vẫn được coi là vị Giáo Hoàng chống Cộng quyết liệt vào bậc nhất.
Nhưng thời gian lịch sử có tác dụng tạo ra những biến chuyển trong cuộc sống con người mặc dù có thể rất chậm chạp. Năm 1953, thống chế Salin qua đời, ba năm sau Khrushchev đã củng cố được quyền lực ở Liên Xô. Giữa hai khối Tư bản và Xã hội Chủ nghĩa khi ấy, một mặt cuộc cạnh tranh “ai thắng ai” vẫn vô cùng ráo riết, mặt khác với sự phát triển của vũ khí hạt nhân,với bom A, bom H thì Liên Xô cũng thấy là một cuộc thế chiến chỉ gây tàn phá cho toàn nhân loại mà không có kẻ thắng; chạy đua vũ trang chủ yếu là thủ thế với nhau, hơn là để gây chiến tranh nguyên tử.
Vì lẽ đó một mặt Liên Xô tuyên truyền như sấm sét về sức mạnh của mình, thử bom, thử tên lửa, phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên, đưa phi hành gia đầu tiên lên quỹ đạo; mặt khác, Khrushchev phát động chính sách sống chung hòa bình, để cạnh tranh về chính trị và tuyên truyền. Về mặt tôn giáo, trong khi ở Liên Xô và các nước Xã hội Chủ nghĩa vẫn quyết liệt đấu tranh bài bác, Khrushchev lại cũng áp dụng ở bên ngoài chính sách “chung sống hòa bình”. Thời gian đó, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII với Công đồng Vatican II tạo ra một luồng gió mới trong Giáo Hội, gây được rất nhiều thiện cảm trên toàn thế giới.
Thứ bảy, 25/11/1961, Giáo Hội mừng thọ Đức Gioan XXIII bước vào tuổi 80. Hầu hết các nước lớn đều gửi đại diện đến Vatiacan chúc mừng. Riêng Liên Xô vắng mặt. Bất ngờ đúng ngày sinh nhật, đại sứ Liên Xô tại Roma, ông Kozyrev, chuyển đến sứ thần Tòa thánh bên cạnh chính phủ Ý, Đức Cha Grano, một điệp văn: “Nhận chỉ thị của chủ tịch Khrushchev, tôi xin Tổng Giám Mục chuyển đến Đức Thánh Cha Gioan XXIII, trong dịp lễ thượng thọ bát tuần, lời chúc mừng của Chủ tịch. Chủ tịch chân thành cầu mong Đức Giáo Hoàng mạnh khỏe và thành đạt các ước vọng cao quý của Ngài là góp phần tăng cường và củng cố hòa bình thế giới, để giải quyết các vấn đề quốc tế, nhờ sự thương lượng thẳng thắn”.
Xưa nay, nếu Liên Xô có nói đến tôn giáo nói chung, Công giáo nói riêng, thì chỉ một giọng gầm gừ mạt sát. Đây là lần đầu tiên từ cách mạng tháng 10 năm 1917, một nhà lãnh đạo Liên Xô gửi một sứ điệp cho một vị Giáo Hoàng, hơn nữa lại còn dùng ngôn ngữ trang trọng. Điêp văn của ông Khrushchev gây ra nhiều băn khoăn cho các vị phụ trách ngoại giao của Tòa thánh về cung cách ứng xử trong tình hình mới này.
Đức Gioan XXIII xuống hoa viên Vatican đi dạo một vòng. Ngài dừng lại cầu nguyện hồi lâu trước hang đá Lộ Đức. Đến tối Ngài nói với thư ký riêng, đức ông Capovilla: “Có một cái gì đó đang chuyển động trên thế giới, Chúa đã dùng khí cụ nhỏ hèn là tôi đây để chuyển hóa lịch sử. Hôm nay chúng ta đã có một tín hiệu của Chúa quan phòng”.  
Tối hôm đó Ngài về phòng riêng sớm hơn thường lệ, để tự tay thảo câu trả lời cho Chủ tịch Liên Xô. Qua một ngày chủ nhật. Sáng thứ hai 27/11 sứ thần Tòa thánh ở Rôma chuyển điệp văn đến đại sứ Liên Xô ở Ý: “Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII xin cảm ơn Ngài đã chúc mừng. Về phần mình, Đức Giáo Hoàng xin gửi tới toàn dân Nga những lời cầu chúc chân thành để quý quốc phát triển và xây dựng hòa bình khắp thế giới bằng những đồng thuận tốt đẹp, dựa trên tình huynh đệ đại đồng nhân loại, Đức Thánh Cha tha thiết cầu nguyện theo ý này”.
Có lẽ đây cũng là một bước chuẩn bị huyền nhiệm. Không đầy một năm sau, nổ ra cuộc khủng hoảng rất nguy hiểm ở Cuba.
Vụ Cuba cho thấy rằng ngay cả khi hai đại cường Xô Mỹ không muốn có đại chiến, thì guồng máy khổng lồ hết sức phức tạp của cả hai bên về ý thức hệ, chính trị, quân sự có thể cuốn hút các nhà lãnh đạo từng bước đưa đến thảm họa. Bất chấp những tính toán, tiên liệu chi tiết tới đâu, chuyện sinh tử của thế giới có thể lệ thuộc vào những diễn biến bất ngờ to nhỏ phát xuất từ từng con người.
Rốt cuộc những người như cha Morlion và Cousins đã có lý khi cho rằng cần một tiếng nói thứ ba trong cuộc đối đầu gay gắt giữa hai siêu cường. Và người có tư thế để nói lên tiếng nói thứ ba đó chính là Đức Gioan XXIII. Ngài không có quyền lực về chính trị hay quân sự. Nhưng tinh thần và ảnh hưởng lan tỏa của Ngài tạo cho tiếng nói thứ ba này một âm vang rất lớn. Sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử Cách mạng Xã hội chủ nghĩa báo Pravda đưa lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng lên trang nhất vào một thời điểm hết sức hệ trọng giữa chiến tranh và hòa bình, cho thấy Đức Gioan XXIII đã đổ vào cuộc khủng hoảng một chất xúc tác khả dĩ khai thông dòng chảy hòa bình. Vài tháng sau, chính ông Khrushchev cũng xác định như vậy với Norman Cousins ở Matxcơva. Chuyện này sẽ xin tường thuật sau…
Lm Mathêu Vũ Khởi Phụng, CSsR.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét