Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Trước toà Philatô


LTCGVN (24.05.2013)
Trước toà Philatô
Điều đáng nói và đáng trọng nơi những người, nhất là những người trẻ, đang bị tù đầy hôm nay chính là sự trong sáng trong cách suy nghĩ và kiên định trong sự chọn lựa cách sống của những người con Hồng cháu Lạc. Những việc họ làm đã không phải vì thấy được gì mới làm mà là thấy cần thiết phải làm.
Cách đây gần hai ngàn năm, Đức Ki tô đã bị chính dân của Người điệu ra trước toà và bị tuyên xử tội chết. Lý do cũng đơn giản chỉ vì Người  đã đi rao giảng những lời hoàn toàn đi ngược lại nếp sống của xã hội Do thái đương thời lúc đó. Một xã hội suy đồi cả đời lẫn đạo. Giai cấp lãnh đạo thì chạy theo phò chính quyền đô hộ của người Rô ma. Các chức sắc trong đạo như tư tế, pha ri siêu, kinh sư thì sống giả hình, độc đoán, gian tham, chỉ lo lợi dụng cơ chế và lề luật của đạo để mưu cầu tư lợi. Bởi vậy những lời rao giảng của Đức Ki tô trong hoàn cảnh đó đúng là một thách thức. Thách thức cơ chế xã hội, thách thức giáo quyền và thách thức với cả đất nước quan thầy là đế quốc Rô ma nữa.

Với bấy nhiêu đó lý do thì đáng lẽ Đức Giê su phải bị Toà án Tôn giáo tối cao của xã hội Do thái kết án tử hình về tội lộng ngôn, phạm thượng khi xưng mình là Con Thiên Chúa nhưng vì dân Do thái  thời đó đang bị mất nước trong tay người Rô ma nên Toà án của họ không có quyền lên án tử hình cho một tội nhân nào, thành ra họ phải thay đổi cách giết Đức Giê su, lái từ vấn đề tôn giáo sang lãnh vực chính trị để chuyển sang toà án Rô ma cho viên toàn quyền Phong xi ô Phi la tô xét xử với tội danh làm loạn (Ga 18, 28 37). Thế rồi chính quan toà Phi la tô đã quyết định không dính vào máu của người vô tội bằng hành động rửa tay trước số đông thiên hạ đang sôi động ở phiên toà. Rồi phiên toà này đã kết thúc bằng bản án tử hình cũng như đã  để lại một án lệ với đầy đủ nét bi, hùng và hài hước rất đặc trưng cho những loại pháp luật vô pháp, vô thiên, không có căn bản pháp lý. Theo ngôn ngữ ngày nay thì nó được gọi là luật rừng vì không được dùng phục vụ công lý  cho con người mà chỉ là công cụ để củng cố quyền lực cho những kẻ đang nắm quyền. Bi, vì người bị đem ra xử như tội nhân lại là một người lương thiện trên hết mọi người lương thiện. Hùng vì “tội nhân” không hề biết sợ bạo quyền, đứng thẳng giữa toà, công nhiên xác nhận mình làm chứng cho sự thật. Hài hước vì kẻ ngồi trên toà cao để phán án lại ngơ ngáo như  loại vô tri, bất thức với câu hỏi “Sự thật là cái gì”…
Thế đấy. Người cầm cán cân luật pháp mà không biết sự thật là cái gì thì thứ luật đó từ đâu mà ra?
Đất nước ta giờ đây cũng đang có cái thứ toà án dùng luật pháp phi sự thật như vậy.
Bỏ đi những phiên toà xử những người và việc thuộc tệ đoan xã hội và  hình sự mà  đâu đâu cũng có ra thì trong những năm gần đây đã có bao nhiêu phiên toà xét xử kiểu “xuất nhập nhân tội” đối với những người công dân Việt Nam yêu nước nhưng không yêu được cái gọi là chủ nghĩa xã hội càng ngày càng méo mó như hiện nay. Cái chiêu bài chủ nghĩa đã rách nát ấy đang được những người cộng sản Việt Nam cố vá víu để dùng nó như tấm vải đụp che lên những tội ác của họ với dân với nước. Rồi vì che không nổi và  bao nhiêu sự thật đều đã được phơi bày thành một tổng hợp có đủ gian ngoan, dối trá, lừa bịp, tham tàn, độc tài toàn trị, tham ô bán nước cầu vinh nên những người cộng sản Việt Nam chuyên quyền này đã dùng những phiên toà kiểu phiên toà Phi la tô để bịt miệng những ai nói lên những điều không có trong chủ nghĩa của họ là sự thật; những ai can đảm đòi công lý và nhân quyền cho chín mươi triệu người Việt Nam; những ai muốn đòi lại những phần đất và vùng biển bọn họ đã dâng cho Tầu vì mưu lợi riêng.
Nhìn lại thời sự đất nước gần đây, chúng ta có cảm tưởng như Việt Nam đang sống trong thời Pháp thuộc, toàn dân đang lâm nạn bị trị và đất nước thì do ngoại nhân đô hộ chứ không phải người Việt Nam mình lãnh đạo dân tộc mình. Nhà văn Xuân Vũ, từ Miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 rồi năm 1965 lại vượt Trường Sơn vào Nam và  về tìm tự do vào năm 1968 tại Sài gòn,  đã viết cho tác giả Nguyễn Văn Trấn là cán bộ cộng sản cao cấp rằng… tôi tha thiết muốn trở lại thời làm nô lệ cho Tây anh ạ. Thời đó dân mình tự do hơn và luân thường đạo lý còn được giữ gìn khá hơn…(Xuân Vũ. Văn nghệ sĩ Miền Bắc như tôi biết, trang 66).
Bây giờ không còn là thời điểm của giai đoạn tiền bán thế kỷ 20 khi chủ nghĩa thực dân sang hoành hành trên đất nước mà ngoại nhân phải áp đảo dân bản điạ  để cai trị nhưng sao quá nhiều người yêu nước phải đi tù vậy? Lịch sử đang làm một thống kê dài cho mai hậu như những bảng vàng bia đá ghi đủ mọi thành phần, mọi tầng lớp đã, đang và còn đi vào nhà tù cộng sản. Linh mục, trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên, giáo dân, Phật tử,  nhiều người trẻ còn đang đầy dáng vẻ  nam thanh nữ tú và còn có cả cựu cán bộ, cựu nhân viên nhà nước…đều bị ra toà, bị tuyên án và  được toàn dân và thế giới ghi nhận dưới  danh hiệu mới là tù nhân lương tâm. Phải chăng mấy chữ này nói lên rằng đây là những người vì sống theo lương tri một người Việt Nam mà phải đi tù nên đã đánh động lương tâm con người, lương tâm nhân loại trên thế giới.
Chưa bao giờ chốn pháp đình Việt Nam lại có cảnh nhộn nhịp, tưng bừng như vụ xử các giáo dân Thái hà vào cuối năm 2008. Đi ra toà mà như đi trẩy hội với áo khăn tề chỉnh và nét mặt hân hoan, với đoàn người đi theo để hiệp thông như đi hành hương. Rồi tiếp đến những phiên toà ở nhiều nơi khác cũng thế. Cho dù bị ngăn chặn hay cấm cách thì  những phiên toà xét xử  “tù nhân lương tâm” cũng đông đầy đồng bào của họ đến chờ đợi trước nơi  xử án như đón chào các bị cáo, như muốn cùng chia sớt cảnh oan khiên trong tình nghĩa đồng bào. Còn công an nhà nước thì xem ra lại căng thẳng còn hơn ra mặt trận. Mà đúng ra đây cũng chính là một mặt trận. Một cuộc chiến tranh tâm lý trên bình diện tinh thần dân tộc mà chỉ có lòng dân mới nghiệm ra được thua hay thắng.
Gần đây, những nụ hoa dân chủ ở trong nước như có vẻ đã vào mùa. Mới hồi cuối  năm nay 2012, sự phẩm bình của dư luận chưa hết về hai  bản án dành cho người nhạc sĩ trẻ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình thì  chỉ vài tháng sau, vào đầu năm 2013, toà án nhân dân tỉnh Nghệ an lại đưa ra xét xử một loạt mười bốn thanh niên yêu nước. Họ là các anh chị Hồ đức Hoà, Nguyễn Xuân Anh, Nông Hùng Anh, Nguyễn đình Cương, Đặng Xuân Diệu, Thái Văn Dung, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Đặng Minh Mẫn,  Đặng  Ngọc Minh, Trần Minh Nhật, Nguyễn Văn Oai, Hồ Văn Oanh, Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc và Lê Văn Sơn đã bị vơ chung vào một tội là hoạt động nhắm lật đổ chính quyền nhân dân trong khi  đài VOA lại bình luận họ là những nhà hoạt động xã hội và chính trị trẻ tuổi, những người trẻ nhiệt thành trong các công tác xã hội, là những tiếng nói công khai phản đối Trung Quốc xâm lấn Biển Đông…
Rồi vừa xong vào ngày 16.5.2013, lại thêm một tiếng nói lương tâm nữa vọng đến chúng ta. Đó là cô Nguyễn Phương Uyên, 21 tuổi, sinh viên năm thứ ba trường đại học Công nghiệp thực phẩm  tại Sài gòn và anh Đinh Nguyên Kha, 25 tuổi bị toà án nhân dân tỉnh Long an mới đưa ra tuyên án nặng nề về cái tội họ chụp cho là tuyên truyền chống nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Nói chung, tất cả những người được gọi là tù nhân lương tâm đều bị nhà nước cộng sản gom vào chung một cái tội là chống, phá hay muốn lật đổ chính quyền. Gom chung lại như vậy không hẳn là chỉ vì muốn  gán tội cho dễ  nói hay cho có cớ mà kết tội, song thật sự là họ sợ.  Sợ càng có nhiều người khơi dậy những ý niệm về tự do và dân chủ thực sự thì người dân sẽ tức nước vỡ bờ. Và vì sợ nên cần phải dùng những phiên toà, những bản án nặng nề mà trấn áp dư luận. Các bạo chúa thời phong kiến khi đã bị mất lòng dân, đã rơi vào thế mất quân bình trên cán cân quyền lực thì cũng chỉ còn cách thế duy nhất là dùng bạo lực để ra oai “thị chúng”.
Nhà cầm quyền cộng sản nghĩ rằng cứ khủng bố tinh thần yêu nước như thế sẽ ngăn chặn bớt được sự lan rộng về ảnh hưởng những lời hát của Việt Khang; các bài viết phê phán nhà nước của các “blogger” Tạ Phong Tần, Điếu Cày và anh Ba Sài gòn cùng những việc làm can đảm như Đỗ Thị Minh Hạnh đã làm, như Đinh Nguyên Kha đã nói …Tôi trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc tôi. Tôi không hề chống dân tộc tôi, tôi chỉ chống đảng cộng sản. Mà chống đảng thì không phải là tội…và Nguyễn Phương Uyên thẳng thắn phản kháng …tôi là sinh viên yêu nước, nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì những người trẻ khác sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước. Nếu một sinh viên, tuổi trẻ như tôi mà bị kết án tù vì yêu nước thì thật sự tôi không cam tâm.
Nhà văn Xuân Vũ rất đúng khi so sánh thời dân mình còn bị làm nô lệ cho Tây mà còn có tự do hơn thời đất nước “thống nhất” dưới ngọn cờ chủ nghĩa của những người cộng sản Việt Nam. Hình ảnh cô nữ sinh viên nhỏ nhắn đứng trước toà của chế độ  để cho những người ở vào tuổi cha bác của cô, đại diện cho cả một “dòng thác cách mạng” xúm lại cao giọng kết án cô về  tội yêu nước thì không hiểu khi về đến nhà, những người này  làm sao đối mặt với con cháu họ cũng như không hiểu con cháu họ nghĩ gì về cha, bác mình? Cho dù là thực dân Pháp khác máu tanh lòng cũng không thô bạo đến vậy. Bằng chứng là nhà cách mạng Nguyễn Thái Học khi còn là sinh viên trường Đại học Đông Dương, cũng cỡ tuổi Đinh Nguyên Kha bây giờ,  đã nhiều lần gửi thư cho Toàn quyền Đông Dương là Alexandre Varrenne để kêu gọi chính quyền thực dân Pháp thực hiện những cải cách dân chủ cho Việt Nam. Vậy mà chẳng những ông vẫn không bị bắt bớ, bị tù đầy mà còn cùng hai anh em ông Phạm Tuấn Tài thành lập Nam Đồng Thư Xã để chuyên in và phổ biến các loại sách cổ võ tinh thần yêu nước. Thư xã này lại cũng là  nơi  thường xuyên đón tiếp thêm nhiều sinh viên có chung chí hướng nữa như  Phó Đức Chính, Hoàng Phạm Trân, Hồ Văn Mịch ….để sau đó Việt Nam Quốc Dân Đảng chống Pháp ra đời tại đây. Thực dân Pháp cai trị nhưng không toàn trị, không rêu rao tự do nhưng ít ra những Nguyễn An Ninh,  Huỳnh Thúc Kháng… còn được ra báo để chửi Tây, dân chúng công khai biểu tình đòi thả cụ Phan Bội Châu bị Tây bắt…
Điều đáng nói và đáng trọng nơi những người, nhất là những người trẻ, đang bị tù đầy hôm nay chính là sự trong sáng  trong cách suy nghĩ và kiên định trong sự chọn lựa cách sống của những người con Hồng cháu Lạc. Những việc họ làm đã không phải vì thấy được gì mới làm mà là thấy cần thiết phải làm.
Nhà cầm quyền Hà nội  khi  bịt miệng linh mục Nguyễn Văn Lý trước công luận chính vì sợ câu nói tự do tôn giáo hay là chết… khi  đưa những thanh niên, thiếu nữ vào tù vì họ biểu lộ lòng yêu quê hương, xót tổ quốc, khi kết tội những tiếng nói công khai phản đối Trung Quốc xâm lấn Biển Đông…là họ đã tự xác nhận bản sắc vong nô của chính mình. Còn gì phản tuyên truyền hơn khi chín mươi triệu dân Việt Nam ngày nào và ở đâu mà chẳng phải nghe “đất nước ta” thế này thế nọ, chẳng bị những dòng khẩu hiệu không có gì quý hơn độc lập tự do đập vào mắt mà người dân động mở miệng nhắc đến hai chữ tự do thì vào tù, chống Tầu thì bị đàn áp và bị bắt. Rồi chỉ cần thế hệ trẻ ngày nay, kể cả trong nước hay đang du học ở các xứ tư bản tự do, nhất là trong đó bao gồm con cái lớp cán bộ, nếu  nhìn vào đất nước mà cha anh họ nắm quyền để thấy Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha trước vành móng ngựa xã hội chủ nghĩa thì chắc chắn những người trẻ  này sẽ không vì  ngây ngô như Phi la tô khi  hỏi đảng cộng sản Việt Nam là cái gì?
Phạm Minh Tâm
Nguồn: Diễn Đàn Giáo Dân

0 nhận xét:

Đăng nhận xét