Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

Cám ơn Sự Thật



Nhân Lễ Các Thánh ngày 01.11.2012, Ủy Ban Công lý và Hòa bình ký gởi đến Đức Hồng Y và quí Đức Cha ‘Bản phúc trình về tình hình Công Lý, Hòa Bình và Nhân Quyền trong Xã hội Việt Nam hiện nay’, được giản lược vào mấy nét tiêu biểu : Án xử bất công, Dùng bạo lực để giải quyết các tranh chấp dân sự, Tham nhũng thành quốc nạn, Chủ quyền đất nước, Phẩm giá con người, Tự do Ngôn luận và Tự do tôn giáo.


Đây là những vấn đề mà mọi người dân Việt đều có thể tìm tin tức, những chi tiết… khắp nơi, trên các báo ‘lề phải’ hay truyền thông ‘lề trái’ nhưng đâu là Sự Thật. Những người có gia đình bận rộn tìm miếng ăn hay tiền học cho các con. Những Vị thi hành huấn quyền đôi khi không thấu triệt giáo lý xã hội hay vì ‘quốc doanh’. Do đó, khi nhận tài liệu này, chúng tôi vững tin những điều đang đọc là chính xác, được thực hiện bởi những Kitô hữu can đảm vác thập giá mình hầu đồng cảm với những đồng bào đau khổ đang gánh những ‘Án xử bất công’ hay đang bị ‘Dùng bạo lực để giải quyết các tranh chấp dân sự’. Những biến cố xảy ra được các vị này thuật lại đúng quan điểm pháp luật và phù hợp với sự hướng dẫn của Học thuyết xã hội Công giáo. 



1. Sự Vô Cảm đến mức báo động.



Lúc 11 giờ ngày 03.07.2010, tại Cồn Dầu (Đà Nẵng), công an đến nhà ông Tôma Nguyễn thành Năm, thành viên trong đội trợ tang Giáo xứ, đã từng bị công an hành hung trong đám tang bà Hồ Nhu, để bắt ông. Ông sợ quá, bỏ chạy. Chúng đuổi bắt, còng tay, đánh đập ông rất dã man trước sự chứng kiến của nhiều người. Bà Hồng Anh, vợ ông Năm, đã quỳ lạy, xin tha nhưng chúng vẫn tiếp tục đánh. Khi được đưa về nhà, ông Năm đã trối trăng với vợ là cố gắng nuôi mấy đứa con rồi sùi bọp mép và ngã ra chết vào khoảng 13 giờ. Thật vô cảm… câu chuyện đã rơi vào quên lãng.



Đó chỉ là khởi đầu cho bao nhiêu trường hợp đồng bào bị công an đánh chết. Ngày 28.02.2011, ông Trịnh Xuân Tùng bị công an chặn phạt và đánh tại Hà Nội vì gỡ mũ bảo hiểm ra để gọi điện thoại khi đi xe ôm. Sau đó, tại đồn công an phường Thịnh Liệt, hai bên giằng co và chẳng may tay bố vung phải mặt trung tá Nguyễn Văn Ninh, thế là ông ấy dùng dùi cui và đồ vật cứng đập bố vào đầu, vào gáy và bố ngã xuống. Oâng kêu thêm 5, 6 dân phòng nữa lao vào đấm đá bố túi bụi. Khi biết chuyện, khoảng 17 giờ, con gái ông Trịnh Kim Tiến đã ba lần em van xin cho bố được đi khám, nhưng họ không cho. Đến hơn 22 giờ, thương tích ông trở quá nặng họ mới cho chuyển đi bệnh viện Bạch Mai. Ngày 01.03.2012, bệnh tình ông càng trầm trọng, bụng cứ trướng lên dần và đau đớn, phải chuyển vào bệnh viện Việt Đức và nạn nhân qua đời ngày 08.03.2011 do chấn thương cột sống gây ra liệt tứ chi dẫn đến liệt hô hấp. Tòa ‘robot’ Hà Nội, ngày 13.01.2012, chỉ xử 4 năm tù giam bị cáo Nguyễn Văn Ninh, quá nhẹ so với bản án 12 năm tù và 5 năm quản chế cho anh Điếu Cày, 10 năm tù và 5 năm quản chế cho chị Tạ Phong Tần, AnhbaSG bị 4 năm tù và 3 năm quản chế chỉ vì viết blogs.



Sau những cái chết tức tưởi của người dân bởi bạo quyền bất tuân luật pháp, làm gương cho người dân tự xử nhau một cách vô cảm trong một xã hội chủ nghĩa dã man.



‘Những vụ trộm chó bị đánh hội đồng đến chết’ :



- Ngày 07.06.2010, bức xúc vì nhiều lần bị bắt trộm chó, người dân xã Hưng Đông (Nghệ An) đã đánh chết một đối tượng trong ‘hiệp hội bắt chó’. Hôm sau, hàng trăm thanh niên đeo kính đen, bịt khẩu trang, đi xe máy ‘diễu hành’ dọc đường để đe dọa. 



- Rạng sáng 29.08.2012, người dân thôn Nhĩ Trung (Quảng Trị) nghe tiếng chó sủa đã kéo nhau ra đường vây bắt kẻ trộm. Nhìn thấy Nguyễn Xuân Triều và Nguyễn Đăng Cường (cùng ngụ Lệ Thủy, Quảng Bình) đi xe máy đeo biển số giả mang theo dụng cụ và đồ nghề trộm chó, họ tri hô nhau rượt đuổi. Triều và Cường chạy được chừng 2 cây số thì ngã xe và bị vây đánh : Triều chết tại chỗ, Cường bị thương nặng và được người dân đưa đi cấp cứu, nhưng đã chết ngay sau đó. 



- Trưa ngày 12.10.2012, Hoàng Công Hiệp (26 tuổi, ngụ tại xã Nghi Long, Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) và Đào Ngọc Lâm (25 tuổi, ngụ tạiù xã Nghi Phong, Nghi Lộc) điều khiển xe máy Exciter đến địa bàn xóm Xuân Phúc (Nghi Xuân, Nghi Lộc) để câu trộm chó. Khi thực hiện hành vi tại nhà ông Phạm Bá Cậy (51 tuổi) thì bị phát hiện, tri hô, đồng thời trực tiếp truy đuổi. Cả hai bỏ chạy thục mạng. Ông Cậy đuổi theo hướng của Lâm nhưng đã bị Lâm dùng dao quay lại tấn công và chém nhiều nhát làm ông Cậy bị thương ở tay. 



Hành động của Lâm làm người dân địa phương hết sức bức xúc, hùa nhau từ vài chục người đến vài trăm trăm người bủa vây hết các lối ra vào. Lâm chạy thoát còn Hiệp bị bắt, một loạt những cú đấm, đá túi bụi trút giận lên người đối tượng khiến nạn nhân bổ gục tại chỗ. Nhận tin báo, Cảnh sát 113 công an tỉnh đã huy động hơn 20 chiến sĩ có mặt hiện trường, ổn định tình hình và gọi xe đưa nạn nhân đi cấp cứu. Tuy nhiên, xe cứu thương không đi được do sự phản đối của người dân, đứng chắn trước đầu xe 115. Vì không được đưa đi bệnh viện, nạn nhân đã chết ngay tại hiện trường.



Gia đình ông Cậy ngăn xe cứu thương đi để buộc gia đình nạn nhân phải mang 20 triệu đồng gọi là ‘phí’ thuốc men cho ông Cậy. Hay tin con đang nguy kịch, ông Dương (thân phụ Hiệp) vội vã đến nơi, nhưng khi đến thì Hiệp đã tắt thở vì vết thương quá nặng. Đau đớn hơn, bây giờ, phe ông Cậy vẫn không cho xe cứu thương đưa thi thể Hiệp về nhà mai táng. Ông Dương, gạt nước mắt, phải viết giấy cam đoan giao lại chiếc xe máy là phương tiện đến hiện trường cho gia đình ông Cậy. Bây giờ, họ mới để xe chở thi thể Hiệp đi. 



Trong hai năm qua, tại Nghệ An, xảy ra không dưới 3 vụ cẩu tặc bị giết. Nhưng những cái chết ấy dường như chìm vào quên lãng, không tìm ra đối tượng gây án… Luật do người cộâng sản làm ra không được công an cộâng sản thực thi, thì nói chi người dân.



- Danh sách những vụ trộm chó bị đánh chết còn dài… Ðáng buồn !



2. Hậu quả của Sự Vô Cảm.



Sự Vô Cảm, thái độ ‘mặc kệ’ tại Việt Nam có nguyên nhân từ :



- xã hội có quá nhiều lọc lừa, dối trá như ăn xin giả, đau ốm giả, … làm người ta hoang mang, nghi ngờ, rồi làm ngơ ;



- sự ‘ngại trách nhiệm’, không làm hay giúp được thì thôi ;



- pháp luật chưa bảo vệ những người ra tay nghĩa hiệp, nên có thể bị trả thù hay mang họa vào thân, bị công an kêu lên kêu xuống làm e ngại chuyện ‘ách giữa đàng mà mang vào cổ’ ;



- hiểu và ‘dọa nhau’ sai nghĩa những chữ ‘làm chính trị’, không đúng Giáo lý xã hội Giáo hội Công giáo dạy : ‘Chủ thể của quyền hành chính trị là chính nhân dân, được nhìn một cách tổng quát như những người đang nắm chủ quyền. Nhân dân chuyển việc thi hành chủ quyền đó cho những người được họ tự do bầu chọn làm đại biểu của mình, nhưng vẫn giữ đặc quyền là bày tỏ chủ quyền của mình mỗi khi đánh giá công việc của những người có trách nhiệm cai trị, đồng thời thay thế những người ấy nếu họ không chu toàn thoả đáng vai trò được giao phó. Dù đây là quyền đang được thi hành trong mọi quốc gia dưới mọi chế độ chính trị, nhưng quyền ấy sẽ được thi hành một cách bảo đảm và đầy đủ nhất bởi một chính phủ theo một hình thức dân chủ nào đó, nhờ các thủ tục kiểm tra của thể chế dân chủ này. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên sự ưng thuận của nhân dân mà thôi thì chưa đủ để đánh giá các phương cách thực thi quyền hành chính trị là ‘công bằng’ (số 395 Toát yếu Học thuyết Xã hội Giáo hội).



3. Giáo hội bảo vệ Phẩm Giá và Tự do Tôn giáo.



a./ Phẩm Giá và Sự Sống Con Người là trung tâm của tư tưởng xã hội và cũng là của toàn bộ tư tưởng Luân lý của Giáo hội. Tại Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Mục vụ về ‘Giáo hội trong Thế giới Ngày nay’ (Gaudium et spes, GS). Chương thứ nhất có tên ‘Phẩm giá của Con người’ (GS 12-22) mô tả khá dài ‘quan niệm đúng đắn về con người và về giá trị độc nhất của con người’ như Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết trong Thông điệp ‘Centesimus annus’ dùng làm khung sườn và, cách nào đó làm kim chỉ nam cho toàn bộ Học thuyết Xã hội của Giáo hội (C.A. số 11). Như vậy, Công Đồng xác định rằng : « Những tín hữu và những người không là tín hữu thường đồng ý trên điểm này : tất cả trên đời này phải được sắp đặt con người vào trung tâm và trên tột đỉnh » (GS 12). Phẩm giá của con người nằm ở nền tảng của toàn bộ đời sống xã hội và ấn định ra những nguyên tắc chỉ đạo cho nó.



b./ Giáo hội Công giáo phải giáo huấn và bảo vệ quyền Tự do Tôn giáo bởi vì đây là chân lý mà Đức Kitô đã ủy thác cho Giáo hội gìn giữ. Ngày hôm nay, trong tất cả các quốc gia trên hoàn vũ, con người theo các tôn giáo khác nhau hay không theo tôn giáo nào cả, được kêu gọi sinh sống trong hòa bình trong cùng một xã hội loài người ; nhờ chân lý soi sáng, Giáo hội phải chỉ ra con đường của chung sống hòa bình.



Cám ơn các thành viên Ủy Ban Công lý và Hòa bình đã phúc trình Sự Thật vì ‘Sự Thật giải thoát Anh Em’ (Ga 8,32).



« Mỗi tín hữu được mời gọi chứng minh Đức tin của mình bằng lòng nhân ái, vị tha, bằng sự nhiệt thành dấn thân cộng tác xây dựng một xã hội công bằng và tốt đẹp. Đức tin cũng mời gọi chúng ta đến với anh chị em, mặc dù còn nhiều dị biệt về tôn giáo, văn hóa hay phong tục tập quán. » (Trích Bài giảng của Ðức cha Vũ Văn Thiên trong Thánh Lễ khai mạc Năm Đức Tin của Giáo hội Việt Nam tại Thanh Hóa ngày 12.10.2012).

Hà Minh Thảo
VietCatholic

0 nhận xét:

Đăng nhận xét