Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

[Video] Thế Giới Nhìn Từ Vatican 1-7/09/2012: Li Băng chờ đón Đức Thánh Cha



1. Buổi triều yết chung tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục hôm thứ Tư 5 tháng 9

Hôm thứ Tư 5 tháng 9, Đức Thánh Cha đã đáp trực thăng từ Castel Gandolfo để đến Vatican nơi ngài gặp gỡ 7,000 tín hữu và khách hành hương trong buổi triều yết chung tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục lúc 10h30 sáng.

Trong buổi gặp gỡ này, Đức Thánh Cha đã nói về những dòng mở đầu của Sách Khải Huyền. Đức Thánh Cha nói rằng cầu nguyện là một cách để nói chuyện với Thiên Chúa và lắng nghe Ngài. 

Ngài nói:

Anh chị em thân mến,

"Hôm nay chúng ta xem xét về chủ đề cầu nguyện như được đề cập trong phần mở đầu của Sách Khải Huyền, còn được gọi là Apocalypse. Cách nào đó, đây là một cuốn sách khó hiểu, nhưng Sách Khải Huyền chứa đựng nhiều điều phong phú. Chính ngay những câu mở đầu của cuốn sách đã chứa đựng một ý tưởng lớn: Những câu này cho chúng ta thấy trên tất cả mọi sự, cầu nguyện có nghĩa là lắng nghe Thiên Chúa nói với chúng ta.

Ngày nay, trong bối cảnh ồn ào của quá nhiều những từ ngữ vô nghĩa, rất nhiều người đã mất thói quen lắng nghe, không còn tha thiết muốn lắng nghe lời Thiên Chúa. Các dòng mở đầu Sách Khải Huyền dạy cho chúng ta rằng cầu nguyện không phải là những lời dư thừa để xin Chúa ban cho chúng ta các nhu cầu khác nhau, mà đúng hơn là cầu nguyện phải bắt đầu như một lời chúc tụng Thiên Chúa vì tình yêu của Ngài, và vì món quà trọng đại của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã mang lại cho chúng ta sức mạnh, hy vọng và ơn cứu độ.

Chúng ta đón nhận Chúa Giêsu vào cuộc sống của chúng ta, để công bố lời “Xin Vâng” của chúng ta với Chúa Kitô, để nuôi dưỡng và đào sâu đời sống Kitô của chúng ta. Liên tục cầu nguyện sẽ mạc khải cho chúng ta ý nghĩa sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta và trong lịch sử.”

Sau đó, Đức Thánh Cha đã gởi lời chào đến tín hữu và khách hành hương đến từ Anh, In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản, Phi Luật Tân, và Hoa Kỳ. 

Đặc biệt trong buổi tiếp kiến chung hôm nay có phái đoàn các linh mục học ở Roma và được thụ phong linh mục năm 1971 đã trở về họp mặt nơi ngôi trường xưa là Đại học Giáo hoàng Urbanô VII hay còn gọi là Trường Tuyền giáo nằm ngay trên đồi Gianicolô, đối diện với dinh Phủ giáo hoàng và chỉ cách Công trường thánh Phêrô chưa đầy nửa cây số. Đây là địa điểm đẹp nhất của Roma, nhìn bao quát được cả thành phố. 

Những cựu sinh viên về họp lớp 1971 chính các bạn học cùng lớp với tôi, trong số những người trở về ngôi trường xưa có nhiều thành phần rất đặc biệt, gồm có một Thượng phụ Giáo chủ người Syria và Lebanon, chính là Thượng phụ Joseph Younan, chính người sẽ tiếp đón cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha sang Libanon những ngày sắp tới đây, có TGM Thomas Yeh, gốc Đài Loan hiện nay làm Sứ thần Tòa Thánh nước Algeria và Tunisia, có TGM Esua Cornelius, người Sudan, GM Bosco Puthur, người Ấn độ, và GM John Baptist Kaggwa, người Uganda.

Cuộc hội ngộ một tuần lễ ở Roma rất là cảm động, ôn lại những ngày tháng đẹp nhất được thụ huấn dưới nới chính trái tim của Giáo hội, là kinh thành muôn thuở Roma, ở một thời điểm dặc biệt với biến cố Công đồng chung Vatican II vừa kết thúc, và mở ra một trang mới cho Giáo hội. 

Sau khi chịu chức cho đến nay đã hơn 40 năm, môĩ người đi một phưong trời khác nhau, môi trường mục vụ khác nhau, nay về kể lại cho nhau những mãnh đời đầu những biến cố của từng người, thật là sống động, vui mừng biết bao và vô cùng cảm động vì bàn tay Thiên Chúa đã nâng đỡ và bao bọc chúng tôi, mỗi người mỗi sứ mạng rất khác nhau mà không ai có khi đó biết trước nó sẽ ra sao…

Khi đến Roma du học vào lớp Thần học năm 1967 và được chịu chức năm 1971 có tất cả 96 linh mục, đại diện cho 60 quốc gia khác nhau trên tất cả 6 lục địa. Riêng Việt nam lúc đó có những vị cùng lớp là: Đinh đức Đạo (hiện ở Xuân Lộc), Trần mạnh Duyệt (Roma), Bùi văn Muôn (Hoa Kỳ), Trần Công Nghi (Hoa Kỳ), và Trần Công Ngự (Bỉ). 

Sau buổi tiếp kiến chung, Đức Giáo Hoàng trở về nơi ở mùa hè của Ngai là Castel Gandolfo.

2. Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 2 tháng 9

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 2 tháng 9, Đức Thánh Cha cảnh cáo anh chị em tín hữu đừng sống một tôn giáo phù phiếm không có tình yêu

Trong Kinh Truyền Tin hôm Chủ Nhật, Đức Giáo Hoàng kêu gọi các Kitô hữu đừng biến tôn giáo thành một thứ hình thức bề ngoài hời hợt, vì điều này cuối cùng sẽ dẫn con người xa rời Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói:

"Trong thư, Thánh Tông Đồ Giacôbê cảnh báo về hiểm họa của một tôn giáo phù phiếm. Ngài nói với các Kitô hữu: Hãy thực hành Lời Chúa, chứ đừng nghe xuông. Nếu không anh chị em chỉ lừa dối chính mình. "

Sau đó, Đức Thánh Cha đã nói về 10 điều răn Đức Chúa Trời, là điểm chung giữa Do Thái giáo và Kitô giáo. Theo Đức Thánh Cha, mục đích của các điều răn không phải là nhằm giới hạn con người, nhưng làm cho họ được gần gũi hơn với Thiên Chúa.

Nếu một người không thực sự hiểu tôn giáo, thì họ có nguy cơ từ bỏ tôn giáo của mình, và đặt tiện nghi vật chất lên trên mọi thứ.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh:

"Mục đích của tôn giáo là để sống cuộc đời mình trong sự chăm chú lắng nghe Thiên Chúa. Bằng cách làm theo thánh ý Ngài, ta sống trong tự do đích thực. Nếu cảm nhận này không còn, thì tôn giáo bị giản lược thành các hoạt động thứ cấp, thay vì đáp ứng nhu cầu của con người để có một mối quan hệ tốt đẹp với Thiên Chúa. "

Đức Thánh Cha kêu gọi các Kitô hữu và tín hữu các tôn giáo khác hãy đặt Thiên Chúa ở trung tâm của cuộc sống của họ. Ngài nhấn mạnh rằng đặt niềm tin lên vị trí hàng đầu sẽ giúp cải thiện xã hội.

3. Hàng ngàn người tham dự tang lễ Đức Hồng Y Carlo Maria

Đức Hồng Y Angelo Scola, đương kim Tổng Giám Mục Milan, đã chủ trì đám tang của người tiền nhiệm là Đức Hồng Y Carlo Maria Martini, người đã qua đời sau một thời gian dài đấu tranh với bệnh Parkinson.

Đức Giáo Hoàng đã không tham dự tang lễ, nhưng ngài đã gửi Đức Hồng Y Angelo Comastri làm đặc sứ của ngài. Trong Thánh lễ, Đức Hồng Y Comastri đã đọc thông điệp của Đức Giáo Hoàng. Thông điệp có đoạn viết:

"Chúa đã hướng dẫn Đức Hồng Y Carlo Maria Martini trong suốt cuộc đời của ngài giờ đây đang chào đón người đầy tớ không mệt mỏi của Tin Mừng trên thiên đường. Tôi ban phép lành cho tất cả anh chị em hiện diện nơi đây, và những ai than khóc cái chết của ngài"

Linh cửu của Đức Cố Hồng Y đã được dân chúng kính viếng trong ba ngày. Trong thời gian đó, khoảng 200,000 người cầu nguyện trước linh cữu của ngài để bày tỏ lòng kính trọng của họ. Khoảng 20,000 người đã tham dự thánh lễ an táng của ngài bên trong nhà thờ chính tòa của Milan, trong khi hàng ngàn người khác theo dõi thánh lễ thông qua các màn hình lớn được thiết kế bên ngoài Nhà thờ.

Đức Hồng Y Angelo Scola nói trong thánh lễ:

"Anh chị em rất thân mến, chúng ta được kêu mời đến đây vì sự qua đi của con người vĩ đại này của Giáo Hội, để bày tỏ lòng biết ơn vô biên của chúng ta. Những ngày này chúng ta đã chứng kiến một hàng dài các tín hữu và cả những người vô thần đã đến nghiêng mình trước ngài. "

Trong những năm cuối đời, Đức Hồng Y Martini sống ở Giê-ru-sa-lem, nơi ngài đã thúc đẩy đối thoại giữa các tín hữu và những người không tin.

Đức Hồng Y Angelo Scola nói tiếp:

"Đức Hồng Y Martini đã không để lại một di sản tinh thần cụ thể nào. Di sản của ngài là cuộc sống của mình và chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu những lời rao giảng của Ngài. Chính ngài đã chọn một câu để viết trên bia mộ của mình. Câu này trích từ Thánh Vịnh 119: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” Với những lời này, ngài để lại cho chúng ta dấu vết để diễn dịch cuộc đời ngài và tác vụ của ngài”

Sau buổi lễ, thi hài của Đức Hồng Y đã được chôn cất trong một nhà nguyện của nhà thờ.

Năm 1979, khi Đức Hồng Y Martini đang là Hiệu trưởng Đại học Giáo Hoàng Gregoriô ở Rome, Đức Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm tổng giám mục Milan. Ngài đã giữ vị trí này trong 23 năm. Trong thời gian đó, các quan sát viên nhiều lần dự đoán ngài nằm trong danh sách được gọi là 'papabili', có nghĩa là các ứng cử viên Giáo Hoàng.

Kể từ khi ngài qua đời, ở tuổi 85, báo chí quốc tế đã nêu bật vai trò của mình trong việc tăng cường đối thoại giữa Giáo Hội và thế giới hiện đại.

4. Vatileaks: Luật sư cho Paolo Gabriele rút lui

Trong một diễn biến gây kinh ngạc cho nhiều người, luật sư Carlo Fusco, người bào chữa cho Paolo Gabriele và cũng là bạn thân với bị cáo từ thời thơ ấu đã đột ngột tuyên bố rút lui thôi không bào chữa cho bị cáo nữa.

Tuyên bố với các ký giả hôm 30 tháng 8, luật sư Carlo Fusco giải thích quyết định của mình là vì có những bất đồng trong phương án bào chữa cho Paolo Gabriele, người bị truy tố ra tòa án quốc gia thành Vatican về tội “trộm cắp với tình tiết gia trọng”.

Trước đó, hôm thứ Tư 1 tháng 8, luật sư Fusco cho biết khả năng có thể cãi cho thân chủ của ông được trắng án là rất thấp và người cựu quản gia của Đức Giáo Hoàng có thể phải lãnh án từ một đến sáu năm tù giam trong một khám đường của Ý.

Theo thông tấn xã ANSA của Ý, Cristina Arrú, một luật sư khác tham gia bào chữa cho Paolo Gabriele cũng có thể tuyên bố rút lui xét vì khả năng có thể biện hộ thành công quá thấp.

5. Làn sóng Kitô hữu chạy trốn khỏi Mali

Hôm 30 tháng 8, tờ Quan Sát Viên Rôma đã đăng trên trang nhất tin tức về một cuộc khủng hoảng người tị nạn đang nhanh chóng leo thang tại Mali, là một quốc gia tại Bắc Phi. 

Tờ Quan Sát Viên Rôma cho biết nhóm Hồi Giáo vũ trang có tên gọi là “Ansar Dine” đang dùng vũ lực và đặc biệt là các hình thức khủng bố để áp đặt luật Hồi Giáo Sharia trên toàn lãnh thổ Mali.

Nhật báo El Khabar của Algeria tường trình rằng ít nhất 200,000 người đã bỏ chạy tới các trại tị nạn ở Mauritania và Algeria.

Hồi đầu tháng Tám, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Ban Ki-moon, cũng đã lên tiếng khuyến cáo Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc xem xét các hành động và các biện pháp trừng phạt tài chính thích hợp đối với những người chịu trách nhiệm về tình trạng bạo lực này.

Hôm 8 tháng 8, ông Ban Ki-moon nói:

"Tôi cũng rất quan tâm đến báo cáo theo đó các nhóm vũ trang ở miền Bắc đã có những hành vi vi phạm nhân quyền rất nghiêm trọng, bao gồm cả việc hành quyết tập thể các thường dân, hãm hiếp và tra tấn."

Nhóm Hồi Giáo "Ansar Dine" được cho là có quan hệ với al-Qaeda, cũng phải chịu trách nhiệm trong việc phá hủy 9 trong số 16 lăng mộ tại thủ đô của Timbuktu. Đây là nơi đã được UNESCO xếp loại là di sản thế giới.

Hội đồng Hồi giáo tối cao của Mali đã mở các cuộc đàm phán với "Ansar Dine" với hy vọng tìm được một giải pháp hòa bình. Trong khi đó, hàng ngàn người tiếp tục chạy trốn và phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, thực phẩm và các dịch vụ y tế cơ bản.

Luật Sharia khắc nghiệt đã làm cho nhiều nước trước đây đa số là người Kitô Giáo nay trở nên hầu như toàn tòng Hồi Giáo. Syria là một ví dụ điển hình. Đất nước này đã là nơi xuất thân của 6 vị Giáo Hoàng và trong lịch sử, lúc thịnh đạt nhất của Kitô Giáo, tỷ lệ Kitô hữu chiếm đến 98% dân số. Ngày nay, người Hồi Giáo chiếm hầu như toàn bộ dân số.

5. Li Băng là một thông điệp cho thế giới.

Đức Gioan Phaolô II đã mô tả Li Băng như trên vào năm 1997. Đó là lần cuối cùng một vị Giáo Hoàng thăm viếng đất nước này. Mười lăm năm trôi qua và người thừa kế mới của Thánh Phêrô đang chuẩn bị tới đây, đất nước của các cây hương nam. Với dân số chỉ hơn 4 triệu, trong đó hơn một triệu dân sống chen chúc tại thủ đô Beirut, Li Băng là nơi có một sự hiện diện Kitô giáo quan trọng trong vùng Trung Đông, với 40% dân số là Kitô hữu. 

Hầu hết người Kitô hữu tại Li Băng là người Công Giáo nghi lễ Maronite /Ma-rô-nai-t/. Hệ thống nhà nước Li Băng phản ánh sự cân bằng tôn giáo. Một nửa trong số các đại biểu quốc hội gồm 128 đại biểu và một nửa các bộ trưởng là những Kitô hữu. Phần còn lại là những người Hồi Giáo. 

Dựa trên một thỏa thuận hiến pháp, tổng thống của nước cộng hòa là một Kitô hữu, trong khi Thủ tướng là một người Hồi Giáo Sunni và Chủ tịch quốc hội là một người Hồi giáo Shiite /Si-ai-t/. 

Đất nước mà Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 sẽ đến thăm chuẩn bị đến thăm là một nước nhỏ nhưng rất đẹp và có một chiều dài lịch sử.

Đức Cha Gabriele Caccia cho biết

"Tháng 10 năm 2010, Đức Thánh Cha đã triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục Trung Đông. Đây là Thượng Hội Đồng Giám Mục đầu tiên của vùng này. Ngài cũng đã chọn Li Băng làm nơi công bố Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Trung Đông vì tính chất lịch sử đặc biệt của quốc gia này. Trong những thời gian gần đây, Li Băng nổi bật lên như là một quốc gia trong đó các tín hữu Kitô có thể cùng với anh chị em Hồi Giáo ngồi lại với nhau để cùng chung xây một đất nước phú cường và một xã hội lành mạnh dựa trên những giá trị căn bản như tự do lương tâm là điều cơ bản cho sự cùng tồn tại trong hài hòa. Theo ý nghĩa đó Li Băng là mô hình tốt cho toàn vùng Trung Đông”.

Theo chương trình, Đức Thánh Cha sẽ công bố Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Trung Đông tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô của Công Giáo nghi lễ Melkite tại thị trấn Harissa. Năm 1900, một cộng đoàn giáo sĩ truyền giáo đã được thành lập tại đây và vài năm sau đó đã diễn ra lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương Cung Thánh Đường với nội thất được thiết kế theo phong cách Byzantine. 

Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô là chặng dừng chân đầu tiên của Đức Thánh Cha sau lễ nghi đón tiếp tại sân bay quốc tế Beirut lúc 1h45 ngày thứ Sáu 14 tháng 9. Thị trấn Harissa cách thủ đô Beirut 20 km về phía Bắc và ở một độ cao 650m trên mực nước biển. Tại đây lúc 6 giờ chiều ngày thứ Sáu, Đức Thánh Cha sẽ ký công bố Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Trung Đông.

Thị trấn Harissa cũng là nơi đặt tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Li Băng. Do đó, Đức Thánh Cha sẽ lưu lại tại đây trong suốt thời gian 3 ngày thăm viếng Li Băng. 

Lúc 10 giờ sáng thứ Bẩy 15 tháng 9, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm xã giao tổng thống Li Băng Michel Suleiman tại dinh tổng thống Li Băng ở Baabda. Tại đây, Đức Thánh Cha cũng có buổi tiếp kiến riêng với thủ tướng và chủ tịch quốc hội. Đức Thánh Cha cũng sẽ gặp các đại diện Hồi Giáo tại dinh tổng thống. Ngài cũng sẽ gặp nội các chính phủ, ngoại giao đoàn và các nhà lãnh đạo dân sự và văn hóa.

Lúc 1 giờ 30 trưa Đức Thánh Cha sẽ gặp các Giám Mục Li Băng tại Tòa Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Arménia tại Bzommar. Tòa Thượng Phụ Bzoummar là một trung tâm quan trọng đối với cộng đồng Công Giáo Armenia. Đó là nơi anh chị em giáo dân cử hành bí tích rửa tội và đám cưới ở đó. Có khoảng một trăm ngàn người Công Giáo Armenia ở Li Băng. Đây là cộng đồng quan trọng nhất vì họ vẫn nói tiếng Armenia trong khi ở Pháp và ở Hoa Kỳ họ không nói được ngôn ngữ này. 

Lúc 6 giờ chiều thứ Bẩy, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ giới trẻ tại quảng trường đối diện với Tòa Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Maronite. 

Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ tại trung tâm thành phố trên đường ven biển nơi thường xuyên tổ chức các buổi hòa nhạc. Đức Giáo Hoàng sẽ cử hành Thánh Lễ, và đọc kinh Truyền Tin với khoảng 300,000 tín hữu.

Buổi chiều, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc họp đại kết với đại diện của các giáo hội chính thống ở Li Băng. Sự kiện này sẽ diễn ra tại Tòa Thượng phụ Công giáo Syria ở Charfat. 

Theo Đức Ông Bechara Boutros Rai, cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha là một niềm hy vọng cho toàn bộ Trung Đông đang trải qua thời kỳ khó khăn và cho các Kitô hữu thấy rằng "Chỉ có ánh sáng của phúc âm mới có thể cung cấp một giải pháp cho những gì chúng ta đang cần."

VietCatholic

0 nhận xét:

Đăng nhận xét