Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Giáo Dục thời Cộng Sản - Nỗi đau không dứt.




Đất nước VN đang nóng lên từng ngày trước tình hình kinh tế, chính trị...  xã hội rối ren. Chẳng những nhân dân trong nước mà cả thế giới đều nhìn thấy bức tranh tổng thể của VN thời CS mang màu sắc đen tối và một viễn cảnh chới với trên bờ vực thẳm. Trong lúc này tâm trạng của một người dân có một chút quan tâm và suy tư về vận nước thì không thể không phập phồng lo âu khi sáng thức dậy mở cửa nhìn ra xã hội không biết có chuyện gì khác lạ hay không qua một đêm dài đầy ác mộng.

Bây giờ ta tạm gác chuyện kinh tế, chính trị qua một bên và nhìn vào một khía cạnh khác của xã hội và cũng là một khối u góp phần quan trọng để đưa đất nước VN đi vào cõi điêu tàn... đó là Giáo Dục(GD). 

Hàng ngàn chuyện chìm nổi, phi lý và nỗi đau của hàng ngũ Giáo viên (GV), phụ huynh (PH) và sinh viên (SV), học sinh (HS) Việt Nam trong mấy chục năm qua tuy bụi thời gian có làm mờ đi những vết thương cũ nhưng những vết thương mới lại tấy lên và mỗi ngày mỗi trầm trọng gây nhức nhối cho toàn xã hội.  

Trong những ngày đầu cho một niên học mới là mỗi lần gợi cho chúng ta nhìn vào những vết sẹo to tướng của GDVN trong quá khứ và cũng là lúc chúng ta vừa nghe những tiếng rên xiết, than vãn của toàn dân, vừa nhìn thấy những sự suy đồi, băng hoại và nghịch lý đang làm tấy lên những vết thương to lớn hơn đưa đến sự hoại tử cho cả xã hội và nhiều thế hệ kế tiếp của nhân dân VN. 

Vấn đề băng hoại đạo đức trong giáo dục tôi đã có bài viết trên Danlambao rồi, ở đây không nhắc lại nữa mà chỉ nói lên sự trăn trở của người dân trong đó có GV, PH và SVHS trước thềm năm học mới phải đối mặt với vô vàn sự khó khăn, thách thức của mọi nghịch cảnh tạo nên một bức tranh ảm đạm cho cả thầy trò và PHHS Việt Nam. 

Người dân trong toàn xã hội đang vật lộn với cuộc sống, với cơn bão giá cã thị trường. Ngoài những nguyên nhân xa gần khác để tạo ra cơn bão trên thì thủ phạm chính là điện, gas, xăng dầu...  tăng giá vùn vụt trong thời gian qua. Từ các nguồn này tăng tất nhiên sẽ lôi kéo các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm...  tăng vọt theo là điều dễ hiểu. Tội trạng, âm mưu và mục đích của việc làm trên của các tập đoàn quản lý các lĩnh vực đó là để bù đắp lại những khoảng bòn rút của chúng mà đã được lá bùa đảng CS bảo kê thì nhân dân và cả xã hội đã lên án qua các bài báo phân tích kỹ rồi, đồng thời những hệ luỵ mà nó gây ra vô cùng to lớn tạo nên tình huống mất còn của đất nước sống chết của nhân dân là điều cũng đã được đưa lên bàn mổ. 

Song song với những sự xa hoa phung phí của cả guồng máy, hệ thống CSVN là sự vô cảm của chúng đối với cuộc sống của toàn dân trong xã hôi hiện tại. Gác qua tất cả mọi hệ luỵ khác. Nhân đầu năm học mới ta thử điểm qua một số việc đang hiện hữu trong xã hội VN và ta thiết nghĩ rằng nhân dân đã và sẽ hiểu từ đâu nên nỗi?

Với sự tăng giá các mặt hàng sinh hoạt đời sống của toàn dân nêu trên thì học phí của sinh viên, học sinh và gia đình phụ huynh phải đối mặt là vô cùng to lớn. Cứ mỗi năm khi mùa khai trường đến thì tiền học phí đều tăng và mức độ tăng theo tốc độ phi mã. Năm nay niên khoá 2012-2013 học phí tăng một cách đáng sợ và đã đến hồi tiếng chuông báo động phải vang lên. Ngoài tiền học phí ra còn có các khoảng đi theo với con số không nhỏ là tiền cơ sở vật chất, áo quần đồng phục, bảo hiểm y-tế, sách giáo khoa, tiền học thêm... cùng những khoản tự đặt ra của mỗi trường, mỗi địa phương mỗi thứ đều tăng ít nhất là 50%. Riêng sách giáo khoa có một điều khó hiểu là mỗi năm nội dung mỗi khác, trong gia đình có các anh chị em cùng đi học, sách của anh chị học năm trước năm sau đứa em lên không thể dùng lại được mà phải mua bộ sách giáo khoa mới. Nhưng bộ sách giáo khoa mới đó tốt hơn, hay hơn, rộng hơn và giúp cho HS dễ hiểu và hoàn thiện hơn trong phương pháp học tập thì điều đó không nói làm gì. Đằng này bộ sách năm nay lại tệ hại hơn năm trước cả về nội dung và cải cách không chuẩn, sai lỗi hơn thậm chí sai cả chính tả, viết theo lối phát âm sai (nói ngọng) của người biên soạn và cách biểu cảm trong giảng dạy! Ở đây thuộc về trình độ trí thức đỉnh cao của tập đoàn quản lý giáo dục CSVN. 

Để gồng gánh các khoản chi phí cho đầu năm học của các em SV, HS mà gia đình phải oằn lưng gánh chịu nếu không muốn con em mình thất học để rồi phải chịu làm tôi mọi trong tương lai. Xã hội VN với hoàn cảnh kinh tế như hiện nay nhìn chung thì toàn dân là khó khổ, chỉ trừ những gia đình trong hàng ngũ cán bộ đảng viên CS và những kẻ có dây mơ rễ má với đội ngũ trên hay các tay chân của các nhóm lợi ích và những thành phần móc ngoặc có điều kiện nắm bắt thông tin để mua gian bán lậu dựa vào các tầng lớp ngồi xổm trên pháp luật làm giàu phi pháp mà thôi. 

Chính vì thế mà có rất nhiều gia đình không kham nổi các khoảng chi phí học hành cho con trong khi bữa ăn còn chật vật kham khổ mỗi ngày và đành dứt ruột phải cho con nghỉ học. 

Theo số liệu của bộ GDĐT thống kê thì năm nay có 1.200 SV nghỉ học vì gia đình khó khăn! Thậm chí như thủ khoa Vũ Văn Hoàng của đại học Vinh phải bỏ vào Nam tha phương cầu thực không bước chân đến được giảng đường? (RFA) Trong khi các SV các trường đại học ở Sài Gòn, có nơi mỗi năm phải đóng khoảng 70-80 triệu đồng học phí! Có một điều thật lạ lẫm ở đây là Bộ GDĐT chỉ thống kê và nêu lên những con số mà SV, HS vì gia đình nghèo không đủ sức kham nổi học phí và các chi tiêu cho học hành mà con em phải bỏ học chứ không hề có giải pháp nào trong chính sách để con đường đi đến trường của SV, HS được rộng mở hơn!

Nữ sinh Võ Nguyễn Hoàng Chi (Hình: Báo Tuổi Trẻ)

Một chuyện thật cảm động hơn là em nữ sinh Võ Nguyễn Hoàng Chi, 15 tuổi, ở Đà Nẵng phải bấm ruột mà bán đi mái tóc mượt mà của mình được nuôi dưỡng trong 4 năm ròng rã đổi lấy 500 ngàn đồng để đóng học phí cho năm học lớp 10 (VNexpress). Mọi người xót xa cho em đồng thời an ủi và em gượng cười nhưng có ai biết đâu nước mắt em đẫm gối suốt nhiều đêm...  Một điều thật nghịch lý là gia đình em Chi thuộc diện quá nghèo và có nghịch cảnh, ăn còn chưa đủ thì lấy đâu ra tiền để đóng học phí?Thế mà "chính quyền nhân dân" địa phương không có một phương cách nào để trợ giúp được vì gia đình em "mới chuyển hộ khẩu về". Một lý do thật khôi hài và vô cảm. 

Sơ lược những điểm nêu trên là thuộc về gia đình phụ huynh và SV, HS còn đội ngũ GV thì sao?

Ta phải nói lên một điều rằng kể từ sau "đại thắng mùa xuân" thì nghề giáo là một nghề đạm bạc nhất trong các nghề nằm trong hệ thống chính quyền CSVN. Những GV đứng lớp hàng ngày là những người đa phần có tính tự trọng cao, hơn nữa dù gì cũng xuất thân từ môi trường mô phạm mà ra cho nên ít nhiều cũng có sự "kiên cường chịu đựng" trước sự thách thức của thiếu thốn gian khổ trong cuộc sống. Trong khi các ngành nghề khác thì rủng rẻng hơi đồng và phơi phới "đài xe" - đài là chiếc radio mà thời bao cấp cán bộ thường mang trên vai và đạp xe (phương tiện cao cấp lúc đó) đi rong chơi trong những chiều lộng gió...

Cộng thêm với sự thổi phồng, đề cao quá trớn nghề giáo một cách giả dối, đểu giả của tập đoàn đảng và chính quyền CSVN tạo thêm áp lực về tâm lý mà những nhà giáo chân chính khó thoát qua lằn ranh đạo đức bị áp đặt để thoát cảnh đói nghèo. 

Ta nhắc lại lời ông Phạm Văn Đồng cố thủ tướng CSVN đã nói "Nghề giáo là nghề cao quí nhất trong nhửng nghề cao quí!", thật mỉa mai thay cho những sáo ngữ mỹ từ lừa bịp...  cùng những tấm bằng khen, huân chương vì sự nghiệp giáo dục mà các GV có thể nhìn vào nó mà vơi bớt nổi đau khổ nhọc nhằn!

Một thực tế không thể phủ nhận rằng, sau đại thắng mùa xuân mà nhất là những năm 1975-1980, GV dạy ở các trường huyện xã hằng tháng thay vì lĩnh lương mà phải nhận vài ba chục ký gạo mục, mốc từ kho lương thực của chính quyền CS, một thứ gạo mà gà vịt còn chê! Thời đó lan truyền trong nhân dân khắp nơi những câu đối để nói lên sự bạc bẽo trong nghề giáo như:

Chiều ba mươi thầy giáo, tháo giầy ra chợ tết. 
Sáng mùng một Giáo chức, dứt cháo đón xuân sang!

Mỉa mai và cay đắng hơn, có pha màu sắc chính trị một chút. 

Phấn trắng, giấy trắng, bàn tay trắng...
Bảng đen, mực đen, cuộc đời đen!

Bây giờ xã hội theo đà tiến triển của thế giới, cải thiện hơn trong cuộc sống so với thời mấy thập niên cuối thế kỷ 20 nhưng suy cho cùng thì ngành giáo cũng vẫn đứng sau các ngành khác như trước đây.  

Ta hãy nhìn vào thực trạng các GV hiện nay "theo kết quả khảo sát của viện khoa học giáo dục vừa công bố trong tháng 8 cho thấy có đến một nửa lực lượng giáo viên hối tiếc về nghề đã chọn" (RFA) hãy gọi hồn ông Phạm văn Đồng dậy mà nghe!

Bởi vì đâu? - Đồng lương chết đói không thể cầm cự cho bản thân chứ đừng nói phải nuôi gia đình hay cha mẹ già yếu trong tình hình vật giá sau một đêm sáng ngày đã khác! Ngược lại GV phải gánh chịu rất nhiều áp lực. Như ta đã biết dưới chế độ CS bất cứ một cơ quan ban ngành nào cho dù là một đơn vị nhỏ nhất thì người đứng đầu cũng phải là đảng viên CSVN. Đàng này cả một cơ sở Giáo dục, một trường học từ cấp I, II đến cấp III hay giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề...  đều dưới sự quản lý chỉ đạo của một tập đoàn đảng viên CS (chi bộ, đảng uỷ) mà ở đây là Ban giám hiệu. Mà bản chất của đảng CS là đè đầu, bóp cổ, bóc lột kẻ khác nó đã ăn sâu vào máu rồi. Từ đó trong nhà trường thì ban giám hiệu là nhóm lợi ích. Nhóm này bóc lột GV thuần tuý một cách không nương tay. Ngoài giờ đứng lớp ra thì GV phải soạn giáo án và luôn phải hoàn thiện và nâng cao, chấm bài... là việc thường xuyên. Thêm vào đó nhóm lợi ích này bày ra dạy thêm tại trường và dạy tràn lan mỗi tuần 3 buổi ngoài chính khoá bắt buộc GV phải dạy do đó kín giờ không còn thời gian rảnh để lo cho bản thân và gia đình. Ban giám hiệu in sẵn những mẫu đơn xin học thêm và bắt phụ huynh ký vào đơn để tránh trách nhiệm khi bị thanh tra. 

Tiền thu học phí học thêm ban giám hiệu chỉ trả cho GV đứng lớp từ 50%-60%, còn lại là phần riêng của ban giám hiệu mà không một GV nào dám lên tiếng! Thậm chí bóc lột GV phục vụ vượt quá thời gian của nhà nước qui định là 1,5 - 2 lần. 3 tháng hè GV được nghỉ là chính sách của ngành thế nhưng GV chỉ được hưởng tối đa là 1 tháng rưỡi. Chung qui cũng chỉ vì mục đích là lấy điểm với cấp trên hòng củng cố địa vị và mua chuộc nếu có vi phạm về đạo đức trong ngành hay kinh tế tài chính. 

Từ những sự khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt xã hội cho đến thực trạng bất công trong nhà trường cộng thêm với xã hội đạo đức băng hoại không còn sự tôn sư trọng đạo như thời trước nên đội ngũ GV không còn mặn mà với nghề nghiệp nữa! Có nhiều GV đã gắn bó với nghề hơn 20 năm mà luôn có ý sẵn sàng rời hàng ngũ GV nếu có cơ hội, điều kiện tốt hơn?

Với thực trạng của xã hội CSVN như vậy, mọi giá trị đạo đức đều xuất phát từ nơi giáo dục của nhà trường mà thực tế như những gì đã nêu ở trên thì rõ ràng đất nước VN, nhà cầm quyền CSVN đang trên con đường đi đến sự diệt vong!

Ngày 7/9/2012

David Thiên Ngọc

1 nhận xét:

  1. Xem lại quốc gia nào cũng có những khó khăn riêng

    Trả lờiXóa