LTCGVN (12.09.2012)
Một khế ước do hai hay nhiều người thành lập. Khế ước ra đời chưa ráo mực các người đồng ước đã giải thích khế ước theo nghĩa riêng của mỗi người. Khế ước kia lập tức từ trần. Nó sẽ chẳng bao giờ được thi hành.
Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền công bố ngày 10 tháng 12 năm 1948. Lời mở đầu của tuyên ngôn này được kết thúc bằng câu viết nguyên văn rằng:
“Một quan niệm chung về tự do và nhân quyền là điều tối quan trọng để thực hiện trọn vẹn cam kết ấy (cam kết tôn trọng nhân quyền)”.
Sau nhiều thập niên trôi nổi trong thế giới loài người, thay vì được hiểu theo một quan niệm chung, Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã bị hoặc cá nhân, hoặc đoàn thể, nhất là giới chức cầm quyền của các quốc gia giải thích theo nhiều quan niệm riêng. Những quan niệm riêng kia đều có chung một mục đích: vừa biện minh cho hành động chà đạp nhân quyền, vừa tránh né nghĩa vụ bảo vệ nhân quyền. Những quan niệm riêng kia xuất phát từ hai lý luận căn bản sau đây:
1) Một là: Mỗi dân tộc có một nền văn hoá riêng, mỗi quốc gia cần có quan niệm riêng về nhân quyền sao cho phù hợp với văn hoá của quốc gia sở tại.
2) Hai là: Nhân Quyền là sản phẩm tư tưởng của các quốc gia thắng trận trong đệ nhị thế chiến. Họ là những quốc gia Tây Phương. Vì vậy Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền có khuynh hướng đề cao cá nhân chủ nghĩa theo kiểu Âu Mỹ. Sự thể này gây khó khăn cho công việc điều hành xã hội tại môt số quốc gia, đặc biệt là các quốc gia vùng A’ Châu.
Hai luận điểm nêu trên hiển nhiên là hai tảng đá cực lớn làm tắc nghẽn con đường phát triển nhân quyền. Gọi là tảng đá cực lớn bởi lẽ hai luận điểm vừa kể tuy mơ hồ và vô căn cứ nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn những người hiểu biết hời hợt về nhân quyền. Sự thể này làm cho tính thuyết phục của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền phần nào bị hoài nghi. Muốn giải trừ các lý lẽ bài bác nhân quyền, con người không thể không tìm tới triết học. Triết học là môn học lý giải mọi hiện tượng trong đời sống, đồng thời, hoạch định một đời sống cân phân và ổn đinh, một đời sống trong đó mọi nhu cầu được bình đẳng triển nở, không nhu cầu nào chèn ép nhu cầu nào. Làm thế nào để nhân quyền có thể vươn vai lớn mạnh, đồng thời, an ninh trật tự công cộng của xã hội không vì thế mà bị xâm lấn? Trả lời câu hỏi này, chúng ta không thể không tìm hiểu vị trí của con người trong đời sống và mối quan hệ song phương giữa con người và xã hội.
Cho đến ngày nay, trên địa bàn triết học, chúng ta thấy sự xuất hiện của rất nhiều tư tưởng giải thích cội nguồn của đời sống. Trong đó có hai luồng tư tưởng đáng chú ý: Đó là Duy Vật và Duy Tâm.
- Triết học Duy Vật chủ trương: thế giới chỉ là thế giới vật chất và những thuộc tính của nó. Vật chất sản sinh ra mọi hiện tượng sống. Vật chất là chính. Tinh thần và những năng lực trừu tượng khác đều là phụ, đều là thuộc tính của vật chất.
- Ngược lại, những người Duy Tâm lại chủ trương tinh thần chi phối vật chất. Tinh thần là đầu mối của mọi hiện tượng sống.
Câu hỏi được đặt ra là: tinh thần hay vật chất đã sản sinh ra mọi hiện tượng sống?
Để trả lời câu hỏi vừa nêu, chúng ta hãy suy nghĩ về vận hành của một nguyên tử vật chất. Như chúng ta đã biết, mỗi nguyên tử vật chất đều có nhân nguyên tử và một số điện tử cùng trung hòa tử xoay vần chung quanh nhân tạo thành một khối hình cầu. Đó là thành phần vật chất của nguyên tử. Mặt khác, chúng ta cũng ghi nhận thêm rằng thành phần vật chất của nguyên tử đã vận hành theo một trật tự nhất định. Trật tự đó không là vật chất. Trật tự đó chính là thành phần trừu tượng của nguyên tử. Trong thực tại đời sống: cấu tạo vật chất của nguyên tử không thể tồn tại nếu không có trật-tự-vận-hành đi kèm. Cũng trong thực tại đời sống, chúng ta không thể nhận thức được trật tự của nguyên tử nếu cấu tạo vật chất của nó đã tan biến. Nói cách khác, cái cụ thể và cái trừu tượng, vật chất cũng như tinh thần đều không có năng lực đơn phương tồn tại, vì vậy chủ trương cho rằng Duy cái Vật hay Duy cái Tâm đã sản sinh ra mọi hiện tượng sống, hiển nhiên là chủ trương không phù hợp với thực tại của đời sống. Sai lầm của Duy Tâm hay Duy Vật là ở chữ “DUY”. Vật hay Tâm không có khả năng đơn phương tồn tại. Tại sao Duy Vật hay Duy Tâm lại có khả năng sản sinh ra mọi hiện tượng sống? Cả Duy Tâm lẫn Duy Vật đều sai lầm. Vậy thì tiền đề của đời sống là gì? Cội nguồn của đời sống ở đâu? Nhà tư tưởng lừng danh của Việt Nam, ông Lý Đông A trả lời câu hỏi vừa nêu như sau:
Hiện tượng sống được phản ánh bởi ngôn ngữ. Ngôn ngữ của bất kỳ dân tộc nào cũng gồm hai loại từ: từ cụ thể và từ trừu tượng. Khi một từ trừu tượng chứa trong nó một số từ cụ thể hoặc một số từ trừu tượng khác, thì từ “có sức chứa” như vừa nói được gọi là phạm trù.
- Xoài, mít, ổi… là các từ cụ thể. “Thực vật” là phạm trù, bởi vì từ “thực vật” hàm chứa trong nó: xoài, mít, ổi… và vô số cây cỏ khác.
- Đồng, chì, kẽm… là các từ cụ thể. “Khoáng sản” là phạm trù của đồng, chì, kẽm…
- Thương, ghét, vui, buồn… là các từ trừu tượng. “Tình cảm” là phạm trù của những từ trừu tượng đó.
Sau khi đã nắm vững ý niệm phạm trù, chúng ta hãy phân loại hiện tượng sống theo phạm trù. Trước tiên, bạn hãy dành cột thứ nhất để cất đặt những hiện tượng không do loài người chủ động tạo ra. Ở cột này, bạn sẽ thấy: thực vật, động vật, khoáng sản, thời tiết, thiên tai, v.v… Tại đỉnh cao nhất của cột này, bạn sẽ thấy phạm trù tự nhiên.
Kế đến, bạn hãy cất đặt những hiện tượng liên hệ hai chiều với bộ óc của loài người tại cột thứ hai. Ở cột này, bạn sẽ thấy các hiện tượng kiểu: ái quốc, thù hận, nghi ngờ, tin tưởng v.v… Lên đến đỉnh cao của cột hai, bạn sẽ gặp phạm trù tư tưởng. Như vậy, tư tưởng là phạm trù gói ghém tất cả những hiện tượng trừu tượng gắn bó với bộ óc như hai mặt của một bàn tay.
Tiếp theo, bạn cất đặt những hiện tượng do hai người trở lên kết hợp với nhau mà tạo ra tại cột thứ ba. Bạn thấy: tự do, luật pháp, gia đình, dân tộc v.v… Cao nhất của cột ba, bạn tìm gặp phạm trù xã hội. Như vậy, xã hội là phạm trù gói ghém tất cả những hiện tượng tạo ra do sự hợp quần giữa Người với Người.
Tóm lại, trước muôn vàn hiện tượng sống, chúng ta đã xếp loại chúng thành ba nhóm phạm trù: tự nhiên, tư tưởng và xã hội. Chúng ta không thể bỏ đi nhóm nào. Chúng ta cũng không thể tìm ra nhóm thứ tư. Như vậy hiện tượng sống chỉ có thể xếp loại thành ba nhóm: tự nhiên, tư tưởng và xã hội.
Ba nhóm đó quan hệ với nhau như thế nào? Ổn định hay bất ổn định? Bền vững hay lỏng lẻo? Để trả lời những thắc mắc vừa nêu lên, chúng ta hãy khảo sát các hình ảnh sau đây:
Trước mặt là một dòng sông. Dòng sông là một hiện tượng sống. Sự vật được gọi là dòng sông không do loài người tạo ra. Nó thuộc phạm trù tự nhiên. Nhờ vào bộ óc, chúng ta đã nhận ra dòng sông. Động từ “nhận ra” thuộc phạm trù tư tưởng. Chúng ta dùng từ ngữ “dòng sông” để gọi một lượng nước lớn chảy từ nguồn ra khơi. Từ ngữ “dòng sông” là ngôn ngữ của xã hội. Nó thuộc phạm trù xã hội.
Một nhóm người yêu nước đang tham dự cuộc hội thảo về tương lai Việt Nam. Cuộc hội thảo là một hiện tượng sống. “Yêu nước” thuộc phạm trù tư tưởng. “Một nhóm người” thuộc phạm trù xã hội. “Việt Nam” hàm chứa: chánh quyền, dân tộc và lãnh thổ. Lãnh thổ thuộc phạm trù tự nhiên. Chiếc xe hơi là một hiện tượng sống. Xe hơi được chế tạo từ sắt, thép, plastique và nhiều hóa chất khác lấy từ khoáng sản. “Khoáng sản” thuộc phạm trù tự nhiên. “Xe hơi” là sản phẩm của óc sáng chế. “Sáng chế” thuộc phạm trù tư tưởng. Xe hơi được sản xuất từ xí nghiệp xe hơi. “Xí nghiệp” thuộc phạm trù xã hội.
Từ ba thí dụ kể trên, chúng ta có thể đi đến kết luận rằng: bất kỳ hiện tượng sống nào trong đại vũ trụ cũng là một thống nhất của ba phạm trù: tự nhiên, tư tưởng và xã hội. Nói rõ hơn, ba phạm trù tự nhiên, tư tưởng và xã hội đã thống nhất trong từng hiện tượng sống. Kết luận này có hai ghi chú:
Ghi chú một: trong đại vũ trụ, ba phạm trù tự nhiên, tư tưởng và xã hội thường hằng thống nhất. Không hề và không thể có hiện tượng thuần túy tự nhiên, thuần túy tư tưởng hay thuần túy xã hội. Khi người ta gọi hiện tượng này là tự nhiên, hiện tượng kia là xã hội, hiện tượng nọ là tư tưởng, chỉ là kiểu nói tương đối, kiểu nói nhằm nhấn mạnh tính trội yếu của tự nhiên, của tư tưởng hay của xã hội trong một hiện tượng sống nào đó.
Ghi chú hai: Khi nhận diện ba phạm trù tự nhiên, tư tưởng và xã hội trong một hiện tượng sống, người ta có thể nhận diện mỗi phạm trù từ nhiều mặt khác nhau. Trong thí dụ chiếc xe hơi, bạn có thể chọn khoáng sản, người khác có thể chọn các qui luật vật lý được áp dụng để chế tạo chiếc xe hơi như là các khía cạnh của phạm trù tự nhiên.
Hai ghi chú nêu trên hẳn nhiên đã giúp cho chúng ta hiểu biết tường tận thế nào là tính thống nhất thường hằng của tự nhiên, tư tưởng và xã hội trong mỗi hiện tượng sống. Tại điểm thống nhất này, có người lại đặt câu hỏi: do đâu mà tự nhiên, tư tưởng và xã hội thống nhất?
Thưa rằng:
Không có Con Người, dòng sông có cũng như không.
Không có Con Người, không thể có cuộc hội thảo về tương lai Việt Nam.
Không có Con Người, không thể có chiếc xe hơi.
Không có Con Người, không thể có hiện tượng sống.
Các khảo sát và phân tích kể trên cung cấp cho chúng ta hai nhận thức:
1/ Con Người có thân xác thuộc phạm trù tự nhiên. Con Người có tư tưởng liên hệ xoay chiều với bộ óc thuộc phạm trù tư tưởng. Con Người có tính sống hợp quần, tính này thuộc phạm trù xã hội. Do đó bản thân mỗi Con Người là một thống nhất điển hình của ba phạm trù: tự nhiên, tư tưởng và xã hội.
2/ Con Người là cội nguồn duy nhất trên đại vũ trụ có năng lực tạo ra mọi hiện tượng sống bằng cách thống nhất ba phạm trù tự nhiên, tư tưởng, xã hội trong mỗi hiện tượng.
Từ hai nhận thức nói trên, chúng ta có thể đi đến kết luận không một chút dè dặt rằng: Con người là chân chính tiền đề của triết học, chứ không phải duy cái tâm hay duy cái vật. Trên cương vị là tiền đề của triết học con người có ba nghĩa vụ làm người căn bản sau đây:
Nghĩa vụ một: Nghĩa vụ đối với bản thân.
Sống trong xã hội thực tiễn, con người là dân. Lý tưởng sống của dân là nhân. Nhân là con người toàn thiện toàn mỹ, con người của trung đạo. Trong bản thân mỗi con người, nhân và dân thường hằng gắn bó với nhau. Người này khác với người kia chỉ là khác ở điểm: mức độ thể hiện trạng thái nhân trong đời sống. Nghĩa vụ đối với bản thân của mỗi cá nhân là nghĩa vụ học hiểu ba loại qui luật nhiên, nhân (tư tưởng), dân (xã hội) nhằm hướng dẫn và thúc đẩy dân đi tìm nhân, thực hiện đời sống nhân, cả về sinh lý lẫn tâm lý.
Nghĩa vụ hai: Nghĩa vụ đối với xã hội giới.
Sống là sống trong xã hội. Sống là giao dịch với xã hội. Mỗi giao dịch là một tổng hợp ba thành tố: Tự nhiên, tư tưởng, xã hội. Giao dịch có hai loại. Loại một là loại giao dịch ổn định, giao dịch thành công, giao dịch được con người chấp nhận: những hành động phù hợp với luân thường đạo lý… Loại hai là loại giao dịch bất ổn định, giao dịch bị con người chối bỏ: các loại tội ác hình sự cùng vô số tệ đoan xã hội khác…Nghĩa vụ của mỗi cá nhân đối với xã hội là nghĩa vụ vận dụng một cách khôn ngoan các qui luật tự nhiên, tư tưởng, xã hội để tạo thành những giao dịch loại một.
Nghĩa vụ ba: Nghĩa vụ đối với tự nhiên giới (vũ trụ)
Tự nhiên bao gồm sinh vật, thực vật và khoáng vật. Tự nhiên là muôn nhiên cho muôn loài, mỗi loài chỉ có thể tồn tại ổn định trong một môi trường tự nhiên riêng biệt dành cho loài đó. Nghĩa vụ của con người đối với vũ trụ là nghĩa vụ vận dụng ba hiểu biết: Khoa học (Tự nhiên giới), triết học (tư tưởng giới), sử học (xã hội giới) nhằm tạo điều kiện để vũ trụ muôn nhiên được vận hành đúng qui luật: Loài nào sống theo tự nhiên của loài đó. Có như vậy môi trường sống mới trong lành cả về tinh thần lẫn thể chất. Có như vậy con người mới có thể sống hoà cùng vũ trụ.
Từ vị trí tiền đề triết học của con người, chúng ta đã nhận chân được ba nghĩa vụ làm người: Nghĩa vụ đối với bản thân, nghĩa vụ đối với xã hội, nghĩa vụ đối với vũ trụ.
Bây giờ hãy nói tới mối quan hệ tất yếu giữa nghĩa vụ và quyền hành. Nhân viên cảnh sát công lộ có nghĩa vụ điều hành lưu thông. Nhân viên này đương nhiên có quyền biên phạt những người vi phạm luật giao thông. Quyền là công cụ giúp con người thi hành nghĩa vụ. Công lý đòi hỏi: Nghĩa vụ làm người và quyền làm người phải gắn bó với nhau như hai mặt của một bàn tay. Đã là con người ắt có nghĩa vụ làm người, ắt có quyền làm người. Quyền làm người ở đây đã được chi tiết hoá bằng Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ngày 10 tháng 12 năm 1948. Năm 1993, tại Vienna, 170 quốc gia và 1000 Hiệp Hội Nhân Quyền phi chính phủ đã ra tuyên ngôn xác nhận: Luật Quốc Tế Nhân Quyền bao gồm Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948) và hai Công ước Quốc Tế Nhân Quyền về dân sự chính trị và kinh tế xã hội (1966).
Từ nghĩa vụ làm người như đã luận giải trong bài viết này, chúng ta có thể khẳng định không nghi ngờ rằng: nghĩa vụ làm người và quyền làm người có tính bẩm sinh. Bất kể chủng tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, văn hoá, tôn giáo… đã là con người, mọi người đều có nghĩa vụ làm người và quyền làm người giống nhau. Chân lý này vừa là một thực tiễn của đời sống vừa là sự minh chứng cho nguyên tắc: “Dân tộc tính và nhân loại toàn tính thống nhất”. Luận cứ vừa nêu mạnh mẽ bác khước lý lẽ rằng mỗi văn hoá cần giải thích nhân quyền theo nghĩa riêng và rằng Luật Quốc Tế Nhân Quyền có tính cá nhân chủ nghĩa, không thích nghi với xã hội Đông phương.
LS. Đỗ Thái Nhiên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét