Hằng năm cứ mỗi độ Thu về nhà nước VN lại tổ chức mừng quốc khánh 2/9. Nhưng với nhiều người dân ngày này còn là thời điểm đánh dấu các tôn giáo bước vào giai đoạn đầy khó khăn. Như với đạo công giáo chúng ta, từ đây muôn vàn tai ương đã ập xuống các dòng tu, xứ đạo khắp miền Bắc. Linh mục tu sĩ bị bắt bớ, tài sản giáo hội bị xâm phạm tịch thu vô cớ, hoạt động tín ngưỡng bị giám sát ngăn cản v.v… và đến khi Sàigòn bị thất thủ vào tháng 4/75 lần nữa chúng lại xảy đến cho giáo dân miền Nam.
Ở phạm vi lớn hơn những chứng tích tội ác mà các chế độ cộng sản Đông Âu Liên Xô trước kia gây ra đang dược trưng bày tại nhiều nơi trên thế giới cũng đã cho thấy tôn giáo chân chính không thể yên lành dưới các chính thể cộng sản. Cho dù đó là ở Âu, Á, Phi châu hay bất cứ đâu, cũng như với bất cứ đạo giáo nào.
Sự xâm lăng Tây Tạng của một Trung Hoa cộng sản khiến Đức Đạt Lai Lạt Ma phải sống tha hương suốt hơn nửa thế kỷ qua cho ta thấy rõ thêm thực tế này. Đơn giản chỉ vì bản chất vô thần, độc ác cố hữu nơi các chế độ cộng sản đã khiến họ xem tôn giáo chỉ còn là những ‘rào cản’ cần phải loại bỏ ra khỏi đất nước do họ cai trị.
Quá khứ đau thương
1. Tại VN bản chất này của họ đã sớm bộc lộ ngay sau khi chiếm được chính quyền qua việc vội vã trục xuất các sứ thần tòa thánh.
Sứ thần Henri Lemaitre bị buộc rời Sàigòn cuối năm 1975 chỉ vài tháng sau biến cố 30/4. Trường hợp trục xuất sứ thần John Dooley ngoài miền Bắc trước đó tuy diễn ra có vẻ thong thả hơn, nhưng chẳng phải chính quyền cách mạng ‘lưu luyến’ gì Ngài, mà là do hoàn cảnh khó khăn của chính họ.
Bởi như chúng ta đã biết, mặc dù chiếm chính quyền từ 1945 nhưng phải đến khi hiệp định Gevène ra đời (7/1954) thì nhà nước VN-DCCH mới chính thức có tên trên bản đồ chính trị thế giới.
Trong quãng thời gian 9 năm này họ chưa đủ thẩm quyền trục xuất Ngài, đến khi có rồi cũng chưa dám thực hiện ngay. Bởi lẽ trục xuất một vị sứ thần tòa thánh (chức vụ tương đương đại sứ) ngay trong năm 1954 có thể sẽ khiến nhiều nước mà họ đang muốn thiết lập quan hệ ngoại giao cảm thấy e ngại. Vì vậy mà Hà Nội đã trì hoãn đến cuối năm 1959.
Nhưng dù trục xuất sớm hay muộn thì thông điệp của họ vẫn chỉ là một: Chính quyền vô thần không chấp nhận cho người công giáo được ung dung phát triển trên đất nước do họ cai trị.
Mục đích trục xuất để tách rời giáo hội VN khỏi tòa thánh Vatican biến thành đạo ‘bơ vơ’ từ đó dễ bề lập nên một đạo công giáo ly khai theo cách mà đàn anh TQ đã làm tại Hoa Lục.
Do vậy, cùng với trục xuất chính quyền lập ra tổ chức ‘công giáo yêu nước’ với nhiều phương tiện ‘hành đạo’ trong đó lợi hại nhất là tờ ‘công giáo và dân tộc’ nhằm biến đạo thành công cụ phục vụ chính quyền.
2. Sau bước tách giáo hội trong nước ra khỏi tòa thánh mục tiêu kế tiếp là ‘khuất phục’ hàng ngũ giáo phẩm các giám mục, linh mục, tu sĩ.
Với kinh nghiệm đấu tranh giai cấp dày dạn nhà cầm quyền biết rõ vai trò quan trọng của thủ lĩnh trong các tổ chức. Với một tôn giáo có hệ thống tổ chức chặt chẽ qui củ lâu đời như đạo công giáo điều này càng khiến họ e ngại hơn. Mặc dù hầu hết các bậc tu hành đều là những con người hiền lành thánh thiện nhưng với bản chất đa nghi ‘nhìn đâu cũng thấy kẻ thù’ của mình, nhà cầm quyền hễ thấy bất kỳ tôn giáo đông đúc họ cũng đều lo ngại chuyện bị lật đổ.
Chính vì vậy để vô hiệu hóa ‘hiểm họa’ này từ đạo công giáo không còn cách nào hiệu quả cho bằng ‘khuất phục’ hàng ngũ giáo phẩm, đặc biệt là các vị hồng y, giám mục đứng đầu giáo hội.
Ai ‘dễ dãi’ thì lấy danh vọng ra để mua chuộc, dụ dỗ. Có vẻ ‘cứng đầu’ hơn thì hạch xách gây khó khăn và thậm chí không loại trừ cả chuyện việc ‘gài bẫy’ dựng hiện trường giả để vu khống họ ‘lợi dụng tôn giáo’ rồi bắt bớ nếu cần v.v… Nói chung bằng nhiều cách ‘mềm nắn rắn buông’ không chừa thủ đoạn nào.
Tuy nhiên đây cũng mới chỉ là kế hoạch tạm thời ngắn hạn chủ yếu để đối phó với số lượng tu sĩ ‘đã lỡ’ có chức vị trước họ lên nắm quyền. Về lâu dài việc xóa sổ các nhà dòng, giải tán tu sinh, không cho phép giáo hội được tự ý đào tạo truyền chức linh mục tu sĩ v.v… mới thật sự là ‘độc chiêu’ làm nhiều xứ đạo bị kiệt quệ qua số phận bi đát của nhiều nhà thờ họ đạo miền Bắc bi vắng bóng linh mục quanh năm. Chuyện kể của Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt khi ngài nhận nhiệm sở Lạng Sơn trong hoàn cảnh toàn giáo phận chỉ còn đúng một bà sơ già đã ngoài 80 tuổi cho ta thấy rõ sự thật này.
3. Buớc cuối cùng là sự ứng dụng câu “có thực mới vực được đạo” khi tịch thu tài sản giáo hội khắp nơi.
Mặc dù ‘sinh sau đẻ muộn’ nhưng nhờ khai sinh vào thời điểm giao thương kinh tế VN bắt đầu mở mang phát triển làm ăn với nước ngoài khi người Pháp đến vào thế kỷ XIX, cơ sở vật chất của đạo công giáo vì vậy đã nhanh chóng vượt trội hơn so với nhiều tôn giáo khác với sự hình thành của rất nhiều thánh đường, tu viện cùng vô số trường học, viện mồ côi nhà dưỡng lão, trại chữa các bệnh nan y phong cùi mọc lên khắp nơi trên cả nước v.v… nhưng cũng chính sự nổi bật này đã khiến nhà cầm quyền cộng sản cảm thấy ‘ngứa mắt’ khi họ nắm quyền.
Ngay cả những trại phong cùi như ở Lâm Đồng, Qui Nhơn chỉ để phục vụ người bệnh nan y lại ở chốn hoang vu mà chính quyền cũng không buông tha để giáo hội quản lý, thì huống chi với các cơ sở trường học, dòng tu, chủng viện ở sát các thành phố? Tuy nhiên, khác với hiện nay, lý do chính của việc tịch thu đất đai tài sản giáo hội mấy chục năm trước không phải vì kinh tế mà chỉ nhằm cắt đứt mọi ‘mạch máu’ để giáo hội không thể phát triển.
——–
Tóm lại, với ba bước hành xử của nhà cầm quyền CSVN nêu trên có thể khẳng định bảy thập niên qua từ ngày họ mừng quốc khánh đầu tiên 2/9/1945 đến nay đã 67 năm chính là thời kỳ đạo công giáo bị bách hại nghiêm trọng. Khác chăng so với các thời Minh Mạng (1820-1841) Cần Vương Văn Thân (1860-1895) chỉ là phương cách thực hiện.
Thay cho những cảnh đầu rơi máu đổ thân xác bị voi giày xéo công khai nơi pháp trường, máu và nước mắt của người có đạo VN trong thế kỷ XX vừa qua vẫn cứ đổ ra. Rất nhiều linh mục tu sĩ giáo dân đã phải bỏ mạng trong những nhà tù, mà chỉ riêng một nơi như Cổng Trời qua lời kể của người tù nổi tiếng Kiều Duy Vĩnh trong loạt bài Cổng Trời Cắn Tỵ chính ông đã tận mắt chứng kiến, gọi họ là ‘những vị Thánh’ và khẳng định “nếu là người công giáo chắc chắn tôi cũng đã phải bỏ mạng nơi này như họ” đã cho chúng ta thấy đạo công giáo đã bị bách hại như thế nào.
Trong tù là thế ngoài đời số phận hàng triệu tín đồ khác cũng chẳng ‘sáng sủa’ gì. Chỉ vì mấy chữ ‘Thiên chúa giáo’ trong lý lịch mà bản thân họ cùng gia đình đã phải gánh chịu không biết bao nhiêu thiệt thòi và bất công trong các sinh hoạt xã hội từ học hành cho đến công việc làm ăn… khiến hàng triệu người phải bỏ nước ra đi, thiệt mạng giữa đại dương hoặc vô âm bặt tín trong những cánh rừng biên giới trên đường đi tìm sự tự do.
Nhưng bởi vì hầu hết những hành động bách hại đạo này không diễn ra một cách quá công khai thô thiển như thời phong kiến, mà nay được chính quyền khoác cho chiếc áo choàng pháp luật (tất nhiên chỉ là luật rừng) trong hoàn cảnh thông tin lại hoàn toàn do họ khống chế.
Chính vì vậy mà mọi sự thật đã bị che giấu nên chẳng phải ai cũng có đủ điều kiện để nhận ra hết bản chất xấu xa hại đạo của họ.
Dưới thời cấm đạo phong kiến trước xưa kia người có đạo bị khẳng định là có tội nhưng họ chỉ cần chấp nhận bước qua Thánh Giá sẽ được tha tội chết ngay, còn không thì sẽ bị xử tử hình.
Mặc dù cũng rất tàn nhẫn nhưng tất cả những việc làm này, từ truy lùng bắt bớ, giam cầm, tra khảo cho đến hành quyết v.v… đều đã diễn ra một cách công khai. Nhà vua ra lệnh cấm đạo bằng chiếu chỉ hẳn hoi, còn xử tử thì ở chốn pháp trường đàng hoàng chứ không như kiểu bách hại đạo thời nay. Ngoài miệng nhà nước luôn bảo tôn trọng tự do tín ngưỡng nhưng đằng sau đấy là những chủ trương chỉ đạo ngầm đi kèm những thủ đoạn tinh vi.
Vụ đàn áp giáo điểm Con Cuông – Nghệ An chỉ vì phải tuân giữ cái tiêu chuẩn ‘huyện anh hùng’ không có bất kỳ tôn giáo nào tại địa bàn, đã cho thấy tại VN đang tồn tại những chính sách kép về tôn giáo.
Ngày mai trời sẽ sáng!
Tất cả những điều tệ hại trên xảy ra khi mà sự sợ hãi còn bao trùm cả đất nước nhưng nay tình thế đã khác.
Chủ nghĩa cộng sản từng xưng mình là người lĩnh sứ mạng lịch sử để giải phóng thế giới khỏi áp bức bất công v.v… nay chỉ còn là những tên tội đồ vì đã gây ra biết bao đau khổ cho nhân loại như Nghị quyết 1481 của Hội đồng Châu âu đã khẳng định. Làn sóng dân chủ đang bùng phát mạnh mẽ tại Bắc Phi đang lan sang đến Miến Điện cùng lúc với nguy cơ bùng nổ chiến tranh với chính ‘đàn anh’ Bắc Kinh đang ngày một lớn dần. Sự xuống dốc của nền kinh tế cùng tệ tham nhũng bất công lan tràn vì được dẫn dắt bởi một đảng cầm quyền đã mất hết tính chính danh và phương hướng, khiến dân chúng trong nước đang ngày càng ngầm bất mãn chính quyền.
Với những tình thế trên, chính quyền CSVN hiện đang vào giai đoạn chẳng còn ‘Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa’ như nhiều thập niên qua. Mặc dù với ‘thành tích’ 67 lần quốc khánh CSVN hiện chỉ còn kém thọ hơn ‘ông tổ’ CS Liên Xô vài tuổi nhưng tình cảnh của họ hiện còn tệ hơn cả ‘đàn anh’ này thời hấp hối cuối thập niên 80s nên không chắc có bước qua nổi tuổi 70?
Nhưng dù tài cán cỡ nào họ cũng không thể so bì với sự vĩnh cữu của tôn giáo. Phật Giáo và Công giáo hai tôn giáo lớn tại VN cũng như trên thế giới đều đã hơn hai ngàn năm tuổi trong khi vương triều tồn tại lâu nhất trong lịch sử nhân loại là nhà Chu TQ cũng chỉ được 800 năm (1046-256 TCN). Nhưng đó là chuyện của thiên niên kỷ trước. Ngày nay thời gian cầm quyền của các nguyên thủ chính khách thấp đi rất nhiều, chỉ còn đếm bằng đầu ngón tay.
Chỉ riêng chân lý này thôi thiết nghĩ cũng là quá đủ để các CSVN cũng như nhà lãnh đạo khắp nơi phải sớm học cách chung sống hòa thuận với các tôn giáo, thay vì làm những điều tai ương ngược lại.
Bài học Dresden
Trong thời Đệ Nhị Thế Chiến rất nhiều tu viện thánh đường cũng đã bị bom đạn tàn phá khắp Châu Âu, trong đó số phận nhà thờ Dresden nước Đức có lẽ là bi thảm nhất.
Được xây dựng từ thế kỷ giữa 18 (1736-1760) với tên gọi đầy đủ Nhà Thờ Đức Bà Dresden (Church of Our Lady) là một công trình kiến trúc cổ độc đáo với chiều cao 96 mét uy nghi nổi trội hẳn so với những tòa nhà chung quanh.
Điều khiến ngôi nhà thờ này nổi tiếng vì số phận nó gắn liền với bom đạn của nhiều cuộc chiến đáng nhớ nhất là trong thời gian xảy ra Cuộc Chiến Bảy Năm (1756-1763) tại Châu Âu mái vòm tròn của ngôi nhà thờ này từng phải hứng chịu 100 phát súng thần công nhưng vẫn không hề hấn gì.
Vì sự vững vàng này mà từ đây mái vòm được mệnh danh là ‘Stone Bell Dome’ (quả chuông đá) và được ví với mái vòm nổi tiếng của thánh đường St.Peters Basilica của thành Rome, có lẽ từ lời Chúa Jésus phán “Phêrô, vì con là đá…”
Tuy nhiên đến thời Đệ Nhị Thế Chiến bom đồng minh cũng đã làm nhà thờ bị sập vào cuối cuộc chiến (2/1945) khi đã gần tuổi 200. Cả thánh đường chỉ có hai phần mảnh tường trơ gan cùng tuế nguyệt suốt gần nửa thế kỷ sau đó…
Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc nuớc Đức bị chia đôi. Dresden vì thuộc về Đông Đức cộng sản nên ngôi nhà thờ này đã không được phép xây dựng lại, mà bị nhà nước giữ làm tưởng đài chống chiến tranh, tình cảnh ‘éo le’ y hệt như nhà thờ Tam Tòa, Quảng Bình hiện nay.
Nhưng không may cho chế độ Đông Đức. Cũng chính từ chốn đổ nát này một cuộc cách mạng nhung đã được xuất phát để rồi thành cao trào là những cuộc biểu tình tuần hành lan sang nhà thờ Nikolai ở Leipzig dẫn đến việc thống nhất nước Đức vào cuối thập niên 80s.
Ngay sau khi thống nhất nước Đức, năm 1994 Gunter Blobel khoa học gia Mỹ gốc Đức mộ đạo đã trích một triệu USD từ tiền thưởng giải Nodel y học (1999) của mình mở đầu cho việc trong việc vận động phục hồi lại ngôi thánh đường lịch sử này. Và tổng kinh phí quyên góp được đã lên đến 130 triệu Euro. Một con số lớn đến khó tin do dân chúng tự nguyện đóng góp cho việc trùng tu một di tích tôn giáo. Sau 12 năm tái thiết vào ngày 22/6/2006 công trình đã hoàn thành gần như nguyên trạng ban đầu.
Kết quả quyên góp này là một cuộc bầu cử dân chủ thực sự để cho những lãnh tụ cộng sản Đức cũ cũng như các nhà độc tài khác trên toàn thế giới thấy những gì họ viện dẫn ‘vì lợi ích quốc gia… được đại đa số nhân dân đồng tình ủng hộ v.v…’ chỉ là những lời dối trá!
Ngày nay các quan chức VN đi nước ngoài như đi chợ. Nếu họ, đặc biệt là quan chức tỉnh Quảng Bình, đến thăm ngôi địa danh Dresden để được nghe kể về lai lịch ngôi nhà thờ này thì không biết họ sẽ nghĩ gi về Tam Tòa?
Có nên học cách đối xử tử tế với tôn giáo như người Đức hay tiếp tục dùng hình ảnh tang thương của Tam Tòa để khoe mẽ với thế giới rằng mình từng là người chiến thắng trong cuộc chiến khốc liệt?
Liệu cách khoe khoang ấy có giúp ích gì cho đất nước, cho tôn giáo chỉ khiến du khách thêm ác cảm và nghi ngại. Vì sao một nơi từng là chốn thờ phượng thiêng dáng vẻ cổ kính như như vậy mà nhà nước lại chiếm dụng làm chứng tích ‘tội ác chiến tranh’?
Nếu nhà nước xem trọng ý nghĩa lịch sử sao không giữ lại nguyên vẹn nhà tù Hỏa Lò xưa, nơi từng giam giữ các phi công Mỹ sẽ nổi tiếng hơn nhà thờ Tam Tòa nhiều để làm chứng tích chiến tranh, mà lại phá bỏ phần lớn sửa sang lại làm trung tâm thương mai để kinh doanh?
Vài lời kết
VN đang mừng quốc khánh nhưng những dịp vui như thế này lại luôn khiến nhiều người VN nhớ đến câu nói của ông cố thủ tướng Võ Văn Kiệt “triệu người vui thì có triệu ngưòi buồn” Đơn giản chỉ vì khi một chính quyền vô thần được khai sinh và gặt hái hết thắng lợi này đến thành công nọ suốt nhiều thập niên, thì ‘phe hữu thần’ tức các tôn giáo chân chính trong đất nước ấy khó mà tránh khỏi thời cùng tận.
Nhưng thế gian xưa nay chẳng có sự hoan hỉ hay khổ nạn nào là mãi mãi cả.
Nếu xem nhà thờ Tam Tòa hiện nay là biểu tượng của một thời khổ đau chúng ta hãy liên tưởng đến ngôi giáo đường Dresden nêu trên, để tin rằng một ngày chẳng còn xa nữa số phận ‘hẩm hiu’ của tôn giáo sẽ sáng sủa hơn.
Alf. Hoàng Gia Bảo
Nguồn: NVCL
0 nhận xét:
Đăng nhận xét