Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 25 thương niên năm B 23.09.2012
“Người tình thương nhớ!”
“Hãy lắng nghe lời mặn mà.
Dù mùa Xuân đã,
chôn vùi bởi làn tuyết kia.”
(Maurice Jarre: Lara’s theme trong phim Doctor Zhivago)
Phạm Duy: Hỡi Người Tình Lara)
(Mt 11: 29 )
Có thể, đây là lời nhắn của nghệ sĩ khi xưa nói về “Xuân” nào đó bị chôn vùi dưới tuyết. Có thể, đây còn là lời nhủ của bạn đọc nọ gửi đến bần đạo để bàn về bài viết mà bạn gọi là “bài không đề tên” tuy vẫn có đầu đề ghi rõ nhạc bản, rất nổi cộm. Lời nhủ ấy, lại cũng bao hàm một ý khuyên răn như sau:
“Xin cho tôi có vài lời về chuyện phiếm không đề tên, có phải của một cha DCCT không? Xin lưu ý vấn đề nữ quyền trong Giáo Hội Công Giáo không đơn giản như tác giả 'đàm tiếu' trong 'truyện phiếm' của mình dùng để biện minh cho lập trường của mình. Giáo Hội cũng chia sẻ những gì là nhân loại nhưng cần phải có nhận định một cách thận trọng trong các vấn đề như 'truyện phiếm' chủ trương chỉ trích. Đã có những vị rất thông thái trong DCCT đi con đường thật sai lầm, có vị may mắn đã ý thức được sau này dù hơi trễ, có vị đã theo đà đi luôn!!!
Xin Chúa Thánh Thần luôn luôn ở và tỏ hiện quyền năng của Chúa trong Giáo Hội. Không một người nào có quyền tự hào vì mình đã làm nhiều nên phải có quyền. Không ai có quyền làm linh mục cả. Quyền đó được ban cho không phải vì công lao của ai cả tuy dù muốn làm linh mục phải học hành một cách nào đó. Xin cảm ơn. Góp ý. (trích đoạn điện thư của bạn đọc đề tên Nguyễn Thắng gửi TâmLinhVàoĐời và bạn chủ trang này chuyển cho người viết phiếm hôm 31/7/2012)
Bần đạo bầy tôi đây, chưa được hân hạnh quen/biết bạn đọc ở trên nhưng đã mến và phục vì “bạn” có ý kiến phản hồi về cái-gọi-là “tác giả ‘đàm tiếu” và “chủ trương ‘chỉ trích” “trong truyện phiếm”. Nay, bầy tôi đây chỉ dám mượn tâm sự của một vài đấng bậc thân quen, để hầu chuyện. Trước hết là ý của người chủ trang mạng trên như sau:
“Rảnh rỗi N. phải “chơi” một bài về nữ quyền trong giáo hội. Giáo hội toàn “bốc phét”, nói là tôn trọng… trước đây 50 năm thôi, các bà cấm được léng phéng trên cung thánh, chỉ dành cho đực rựa thôi! N.” (trích thư điện bạn hiền viết hôm 31/7/2012)
Và tiếp theo, là giòng chảy của đấng bậc vị vọng trong Hội thánh Chúa, ở quê nhà:
“Thày Tá kính quý,
Cảm ơn thày đã yêu thương và giúp đỡ. Em đã trình bày với Đức Cha và quí cha trong Đại Chủng Viện về sự giúp đỡ của thày…
Em cũng nhận được 2 cuốn “Chuyện Phiếm Đạo Đời 6”. Đặc biệt cảm ơn thày về 2 bài gần đây đã ‘sưu tập’ và ‘chọn lọc’ những chủ đề nóng hổi trong Giáo hội hiện tại. Giáo hội thánh thiện, nhưng con cái Giáo hội vướng nhiều lầm lỗi không phải hôm nay mà đã có từ quá khứ và mãi tới tương lai, bao lâu Giáo Hội còn trên đường lữ hành. Ý thức vậy, để mỗi người chúng ta cố gắng hơn trong việc thực thi ơn gọi của mình trong lòng Giáo hội, góp phần làm cho bộ mặt Giáo hội ngày càng sáng đẹp hơn.
Em,
Lm Nguyễn Văn Viên
Đại Chủng Viện Vinh – Thanh, Giáo phận Vinh”
(điện thư của Lm Phó Giám Đốc Chủng viện, kiêm Tổng Đại Diện Giáo Phận ngày 28/7/12)
Ghi nhận giòng thư qua lại của người thân, bần đạo vẫn theo thói lệ cũ, không tranh cãi hơn thua, cũng chẳng thanh minh về những gì mình viết và lách, mà chỉ dám trở về với thi ca/âm nhạc để lòng vẫn dặn lòng là hãy cố tìm chốn lặng thinh mà nghĩ suy về ca từ người nghệ sĩ khi xưa vẫn cứ hát:
“Ngọn đồi trắng xoá,
sẽ có hoa mọc đầu mùa.
Mộng đẹp như cũ,
Ân tình còn về với ta.”
(Lara’s theme – bđd)
Quả cũng đúng. “Ân tình còn về với ta”, khi vẫn thấy có những lời khen/chê Giáo hội, kể ra cũng khá bực bội. Nhưng, bực bội mà làm gì, khi người đụng đến vết thương lòng còn rướm máu của thành viên Giáo hội hôm ấy chỉ muốn lạm bàn và tâm sự với nhau giữa người nhà, chứ không là “chỉ trích” hoặc “chỉ dẫn” mà độc giả mến yếu của bạn hiền bên quê mình hiểu có khác.
Thôi thì, dù gì đi nữa, đã gọi là phiếm luận đường dài, có lẽ cũng cứ nên phiếm mãi, mới ra “nhẽ” để bà con mình có cơ hội mà phân và tách. Duy có điều, là bần đạo tự kiểm điểm thấy lập trường cố hữu của mình không chủ trương tranh cãi chuyện “thần (để) học”, mà chỉ muốn chuyên chở vài thông tin, dù thấy ngại.
Và, thể theo lời nhắn nhủ của bạn hiền ở trên, bần đạo xin một lần nữa (lại “xin” và “xin” nữa rồi) được nói rằng: bần đạo đây vốn dĩ cũng đã học “thần” ở Kinh thánh từ tuổi hai tám với đôi mươi, nay thấy chưa đủ nên vẫn còn học và cứ học. Và, vốn dĩ cứ học và còn học mãi, nên cũng thấy được việc “phải cẩn thận” là chuyện dĩ nhiên như bao giờ. Không những chỉ mỗi “phải cẩn thận” khi học tập thôi, bần đạo còn “cẩn thận” cả khi nguyện cầu khá lâu, trước khi viết và lách. Vậy thì, nhờ có lời nhắn và nhủ khuyên của bạn (vẫn) đọc này, nay bần đạo lại “xin” chuyển ý thêm những bài mình có ân lộc được thụ giáo cũng mới đây, như sau:
“Kitô-giáo cổ-điển nay trở thành Cựu Ước của chúng ta. Ta dùng Kitô-giáo cũng theo kiểu như Kitô-giáo mình từng dùng Cựu Ước vậy. Nghĩa là, luôn có khoảng cách văn hoá, và khoảng cách đạo giáo, khoảng cách hiểu được Thiên Chúa, khoảng cách giữa chúng ta và Kitô-giáo.
Ta nói về Thiên Chúa theo nhiều cách cũng rất ư “bí nhiệm”. Và, khi nói đến “bí nhiệm” thì phải hiểu điều ấy theo nghĩa chữ, nhưng không hiểu theo ý khoan dung, tàn phá, hoặc có tính phép lạ trực tiếp, và diệt chủng… Bởi thị kiến của ta về Thiên Chúa khác nhiều tầm nhìn của các đấng bậc vị vọng trong Hội thánh ở thế kỷ đầu.
Thiên Chúa hiện hữu từ khi trước, nên Ngài chẳng bao giờ già nua nhưng Ngài vẫn trẻ hơn ta nữa. Thiên Chúa không ở lại nơi nào gần cận, lạnh lùng hoặc tẻ nhạt như hình hài mà Hội thánh đã cho phép “minh hoạ” về Ngài, lâu nay. Có điều chắc chắn là Ngài còn “vui tính” hơn những ai từng muốn đóng hộp nhốt Ngài vào đó như thời đại đồng đạo ta sống ở hang toại đạo. Tác giả Sandra Schneiders có lần nói: Thiên Chúa không là Cụ Già và cũng chẳng là Anh Thanh Niên Trai Tráng cộng với Chim Bồ Câu Trắng, vẫn là Ba ngôi chung một Đấng Thánh Thiêng.
Thánh Phaolô khi xưa cũng chưa bao giờ giải mã ý tưởng Ba Ngôi Thiên Chúa hết. Thời kỳ đầu của lịch sử Đạo, tiếng Hy Lạp dùng cụm từ đặc biệt để chỉ về Ba Ngôi Thiên Chúa đã có từ tác giả Tertullia sống vào thời gian 200 năm sau thời của thánh Phaolô tông đồ. Và, khoảng 350 năm sau ngày Chúa sống lại, Công đồng Nicea và Constantinople mới trỗi dậy và quyết đoán điều ấy, thôi.
Quan niệm Thiên Chúa là Đức Chúa duy nhất được uốn nắn cũng khá lâu để Hội thánh có điều kiện kết nối Đức Giêsu và Chúa Thánh Linh thành một Đức Chúa Duy Nhất, có một không hai. Thiên Chúa trở thành Đức Chúa hiện diện trong lịch sử của ta và với ta, ngang qua Đức Giêsu. Và, khi Đức Giêsu trở về cung cách khác thường để Ngài có thể đi vào hiện hữu với nhân trần, thì sự hiện diện của Ngài vẫn tồn tại mãi mãi. Ngài vẫn ở với ta để san sẻ cùng một Thân Mình. Thân và Mình của Đức Chúa là Tình Thương, vẫn yêu thương hết mọi người.
Nên chăng tẩy luyện ý tưởng ta vẫn có về Thiên Chúa trước khi gặp gỡ Ngài để ta được tháp nhập vào với Ngài và để Ngài đi vào tận trong ta? (xem Lm Kevin O’Shea, CSsR The Need for Self-Criticism, giáo án về Tính Lịch Sử của Đức Kitô giảng tại Đại Học Công Giáo Sydney tháng 9/2011 tr. 62)
Trích và dẫn điều trên đây, không phải để bạn và tôi, ta tự kiểm điểm về những chuyện xảy ra trong thánh Hội vốn có nhiều thành viên chưa nên thánh, như “bạn hiền” ở trên bộc bạch. Nhưng, là để nói lên rằng: thánh Hội của ta gồm cả nam lẫn nữ, mỗi người nhận được “ơn gọi” rất riêng qua tư cách linh mục, thừa tác viên, phó tế hoặc chỉ là phó giáo dân hạng thứ như bầy tôi đây, thôi. Nói thế rồi, nay mời bạn và tôi, ta cứ tiếp tục xem và xét mãi về thần như đề nghị của đấng bậc bạn thân cũng ở trên.
Có kiểm điểm điều gì, tưởng cũng nên trở về với vườn thi ca/âm nhạc để ta có hứng làm việc. Làm những việc có lợi cho người, chứ không chỉ cho riêng mình, mà thôi. Nguồn hứng, nay bầy tôi bắt gặp được là từ lời ca/ý nhạc, rất như sau:
“Người tình sẽ đến,
Người đến quên cả lạnh lùng
Và, nụ hôn ấm,
Như là từng làn tuyết hôn.
Chờ ngày sẽ tới,
Tìm đến bên người bạn đời,
Người yêu, yêu hỡi!
Nhớ thương đời đời chớ phai.”
(Lara’s theme – bđd)
Nguồn cảm hứng, bần đạo đây thấy nó vẫn trải dài ở câu thơ/điệu nhạc, như ca từ mà “hát” sĩ cây nhà lá vườn hôm đó cứ hát đi hát lại mãi một dặn dò như khi trước:“Người yêu, yêu hỡi! Nhớ thương đời đời chớ phai”. Làm sao mà tàn phai, khi “người đến, quên cả lạnh lùng”, cả bão tuyết vẫn cứ hôn? Và người yêu có đến, lại cũng có những “nụ hôn ấm”, hay “từng làn tuyết hôn” tưởng chừng lạnh lẽo!
Đúng là thi ca, nghệ thuật! Thứ nghệ thuật diễn tả tình tự nồng ấm, yêu thương rất tuyệt vời. Dù, “làn tuyết trắng” kia có bôi xoá “nụ hôn nồng” của ai đi nữa. Dù, tuyết ấy có mang đến cho tôi đôi lời dặn dò, như bạn hiền chưa-một-lần-quen-biết vẫn cứ dặn đôi điều, rất ở trên: “Dù muốn làm linh mục, phải học hành một cách nào đó.”
Vâng. Bần đạo đây, đã có một thời rất dài ngày –sơ sơ chỉ 13 niên- những muốn làm linh mục, mà lại là linh mục “Dòng” nữa mới chết. Nhưng, tuyệt nhiên chẳng bao giờ tự “cho mình là thông thái”, “đi trật đường rầy”, hoặc những viết “truyện” phiếm để chỉ trích”… Tuyệt nhiên, có viết và lách đôi ba “chuyện phiếm” cũng chỉ để kể cho nhau nghe những “chuyện” đáng phiếm về người và mình, thôi. Viết có nhiều, cũng chỉ để thưa bảo rằng: làm linh mục hay giáo dân hạng nào đi nữa tưởng cũng cần phải học và hỏi nhiều hơn nữa. Dù mình đã và đang đi vào tuổi “thất thập”, mà vẫn còn và cứ muốn mài đũng quần ở đại học rất thực, chứ không là “học đại”.
Vì muốn học, nên bậc thày thấy vậy bèn chỉ cho thấy nhiều điều mình chưa nghe biết, nên mới dám dùng thể loại “phiếm luận” mà rủ bạn và rủ cả chính mình hãy học mãi học hoài không chán. Và, nhờ biết mình cần phải học mãi, nên bậc thày mới tặng cho vài đoạn sách để về đọc và suy nghĩ:
“Nếu cứ tìm tòi học hỏi rồi vấn nạn bảo rằng: ‘Đức Giêsu thực ra Ngài là Ai?’ khác nào như lao mình vào địa hạt nguyên tử, để rồi toan tính định vị phân tử li ti nào đó và quyết xem phân tử ấy ra như thế nào, cũng hệt như thế. Con người không thể dùng mắt thịt để trực tiếp thấy được nội dung của phân tử, nhưng trên dĩa hình dùng để chụp ta lại thấy đường lăn tăn do phân tử lớn di động để dấu vết lại. Bằng vào việc theo dấu vết của các đường chuyển động ấy, ta có thể trở về nguồn gốc chung của chúng; và nhờ vào việc tính toán lực chuyển cần thiết khiến các phân tử ấy chuyển động như chúng vẫn làm, ta mới có thể định ra vị trí và mô tả được nguyên do của sự thể không thấy được bằng mắt thịt. Cũng vậy, lịch sử nhân loại còn phức tạp hơn vật lý nhiều. Các đường hướng nối kết hình hài của sự vật từ gốc ngọn với huyền thoại được diễn rộng không thể theo dấu chuyển động này khác mà tìm ra được bằng sự chính xác của tính toán. Do đó, kết quả có được không thể bảo là nhiều hơn xác suất; nhưng theo Gm Butler từng nói: “Xác suất là chỉ dẫn rất tốt của cuộc sống.” (x. Morton Smith, Jesus the Magician, San Francisco: Harper & Row, 1982)
Phát biểu trên đây, lâu nay được tác giả John Dominic Crossan người chuyên nghiên cứu về tính chất lịch sử của Đức Giêsu, nay bàn thêm:
“Sách của tác giả Morton Smith đã giúp tôi tái dựng nhân vật Giêsu lịch sử, đạt được do công trình nghiên cứu suốt 25 năm những gì diễn ra tại Galilê và Giêrusalem ở đầu thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Nhưng, hỏi rằng tại sao những nghiên cứu như thế lại mang tính chất rất cần thiết, vậy? Phải chăng về Đức Giêsu, vào thế kỷ đầu, hẳn là ta đã chẳng có tới 4 sử gia trổi bật như Matthêu, Máccô, Luca và Gioan mỗi người một vẻ từng mô tả vể nông dân Do thái vùng Địa Trung Hải ấy rồisao? Và, mỗi vị hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đã có nối kết với Ngài cộng thêm biết bao là bài viết về Ngài trong 70 năm tròn kể từ ngày Ngài chết đi rồi sống lại sao?” (x. John Dominic Crossan, Jesus A Revolutional Biography, HarperOne 2006)
Ở đây nữa, cũng nên học hỏi thêm về tác giả John Dominic Crossan, do bậc thày dạy ở Sydney lại đã viết:
“John Dominic Crossan từng nói đi nói lại rằng: xem xét đặc tính lịch sử của Đức Giêsu, cũng nên lấy bối cảnh của Đế quốc La Mã và nhất là triều đại của Augustus. Và tác giả Crossan cũng yêu cầu những người tìm hiểu sử tính của Đức Giêsu hãy làm như thế trong khuôn khổ của cuộc Dọn Dẹp toàn thế giới mà ta thường dùng tự vựng triết học/thần học gọi là “Cánh Chung Luận”. Đức Giêsu từng thách thức ý thức hệ của Đế quốc La Mã dưới ánh sáng Cánh Chung, nhưng Ngài lại theo phương cách bất bạo động. Từ ban đầu, Đức Giêsu chấp nhận thần học của thánh Gioan Tẩy Giả khi thánh nhân quả quyết Nước Trời rõ ràng sắp xảy đến, nhưng sau khi thánh Gioan bị Hêrôđê giết chết, Ngài lại đã tập trung nhấn mạnh đến việc Chúa hiện diện ở đây, bây giờ. Ý tưởng của thánh Gioan được Chúa sửa đổi để quả quyết rằng Nước Trời phải hiển hiện với ta ngay đây, vào lúc này. Ta không còn chờ Chúa đến nữa, nhưng Chúa vẫn chờ đợi chào đón mọi người chúng ta.
Diễn tả theo ngôn từ thời đại, ta có thể nói rằng: thánh Gioan thực ra đã diễn trình một mình ngài, bởi thế nên khi thánh nhân qua đời, thì toàn bộ sứ vụ của thánh nhân cũng chấm dứt, nhường chỗ cho Chúa đến. Nói cách khác, Đức Giêsu tiếp nối sứ vụ của thánh Gioan bằng cả một tập thể vĩ đại. Chúa muốn tất cả mọi người chúng ta khám phá ra thực tại Nước Trời đã hiện rõ ngang qua quyền uy của Đức Chúa chống lại uy lực của chính trị tà thần ngang qua phương pháp bất bạo động. Về sau, khi Chúa không còn ở với thế trần nữa, các tông đồ của Ngài mới về với Cánh Chung Luận, là những điều từng nằm trong xương thịt của thánh Gioan Tẩy Giả.” (x. Lm Kevin O’Shea, Contemporary Variations In The Study of The Historical Jesus, giáo án trình bày tại đại học Công Giáo Úc ở Strathfield Sydney 27/11/2011, tr.11)
Trích và dẫn mấy đoạn trên, không phải để xác minh với “bạn đọc hiền” mới vừa quen biết qua ý kiến phản hồi còn rất mới; nhưng để nói lên nhu cầu cần học hỏi nhiều về Đạo Chúa và thánh Hội, ở trần gian. Thật ra thì, hội thánh ở trần gian vẫn muốn con dân mình (dù vị đó là mục tử hay chỉ là sĩ tử rất giáo dân, được chăn dắt), vẫn phải là những người luôn học hỏi.
Các bậc thủ lãnh thánh hội như Phaolô thánh nhân cũng từng cố gắng xây dựng sự hiệp nhất giữa các giáo hội còn tản mác bằng thư từ, hoặc lời dạy. Qua văn kiện ấy, thánh nhân khuyến khích yêu cầu dân con trong Đạo hãy thăm viếng nhau để rồi sẽ giải quyết mọi thắc mắc rất khác biệt.
Cũng tựa hồ người Do thái cần sản sẻ với nhau những bài viết từ các đấng bậc vị vọng ở trên cao, thì người Đạo Chúa cũng cần đọc và học rất nhiều điều. Hội thánh cần có người đọc và hiểu biết sách thánh hiền là để dẫn đưa họ đến với niềm tin, và cuộc sống hằng ngày. Nói khác đi, Hội thánh vẫn muốn con dân mình những học và học, nhiều hơn nữa.
Về học hỏi, Hội thánh cũng muốn dân con trong Đạo hiểu biết thế giới mình chung sống. Để từ đó, góp phần quan trọng vào việc xây dựng lại thế giới theo hướng tốt đẹp của đạo lý con người. Chí ít, là những người giữ vững lẽ đạo được thể hiện nơi tinh thần học hỏi cả những điều cao siêu, nữa.
Một trong các lý do khiến Hội thánh thấy cần làm thế, là để dân con đi Đạo có cơ hội phát triển tính nhân bản, hầu hiểu thấu đáo chính mình. Hơn nữa, có học hỏi nhiều thì niềm tin của mình mới vững chắc. Nhất là, vào thời buổi này, nhiều gia đình Công giáo dù vẫn “đi nhà thờ” đều đặn nhưng lại không có được đức tin vững chãi, trước các mối đe doạ đến từ trần thế, rất vật chất.
Để minh hoạ nhu cầu học hỏi nói trên, cũng nên về với truyện kể nhè nhẹ để thư giãn:
“Truyện rằng:
Đại sư Tinh Vân có một người đệ tử, sau khi tốt nghiệp đại học liền học thạc sĩ, rồi lại học tiến sĩ, sau nhiều năm đèn sách cuối cùng cũng đã hoàn thành luận án tiến sĩ nên vô cùng mừng vui.
Một hôm người đệ tử này trở về, thưa với Đại sư. Thưa thầy nay con đã có học vị tiến sĩ rồi, sau này con phải học những gì nữa? Ngài Tinh Vân bảo: Học làm người, học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được.
1. Thứ nhất , “học nhận lỗi”. Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng, thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn.
2. Thứ hai, “học nhu hòa”. Răng người ta rất cứng, lưỡi người ta rất mềm, đi hết cuộc đời răng người ta lại rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên, cho nên cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì đời con người ta mới có thể tồn tại lâu dài được. Tâm nhu hòa là một tiến bộ lớn trong việc tu tập.
3. Thứ ba, ” học nhẫn nhục”. Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. Nhẫn, vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không.
4. Thứ tư, “học thấu hiểu”. Thiếu thấu hiểu nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm. Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau, để giúp đỡ lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có thể hòa bình được?
5. Thứ năm, “học buông bỏ”. Cuộc đời như một chiếc vali, lúc cần thì xách lên, không cần dùng nữa thì đặt nó xuống, lúc cần đặt xuống thì lại không đặt xuống, giống như kéo một túi hành lý nặng nề không tự tại chút nào cả. Năm tháng cuộc đời có hạn, nhận lỗi, tôn trọng, bao dung, mới làm cho người ta chấp nhận mình, biết buông bỏ thì mới tự tại được!
6. Thứ sáu, “học cảm động”. Nhìn thấy ưu điểm của người khác chúng ta nên hoan hỷ, nhìn thấy điều không may của người khác nên cảm động. Cảm động là tâm thương yêu, tâm Bồ tát, tâm Bồ đề; trong cuộc đời mấy mươi năm của tôi, có rất nhiều câu chuyện, nhiều lời nói làm tôi cảm động, cho nên tôi cũng rất nỗ lực tìm cách làm cho người khác cảm động.
7. Thứ bảy, “học sinh tồn”. Để sinh tồn, chúng ta phải duy trì bảo vệ thân thể khỏe mạnh; thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản thân, mà còn làm cho gia đình, bạn bè yên tâm, cho nên đó cũng là hành vi hiếu đễ với người thân....
Học và hỏi, còn là chịu khó nghe theo lời dạy ở Tin Mừng, những nhủ khuyên:
“Anh em hãy mang lấy ách của tôi,
và hãy học với tôi,
vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.
Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.
Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng."
(Mt 11: 29)
Xem như thế, thì với thánh sử, học hỏi nơi và với Đức Chúa, là học để mang lấy “ách” của Ngài. Vì Ngài hiền lành và khiêm nhượng. Và nhất là, ách của Ngài lại êm ái. Gánh của Ngài, cũng nhẹ nhàng. Học và hỏi, là học đòi bắt chước bậc thánh hiền nhà Đạo, như thánh Phaolô từng xác quyết:
“Các anh em của chúng ta
cũng phải học cho biết trổi vượt
về những việc tốt đẹp,
để đáp ứng những nhu cầu cấp bách;
như vậy họ không phải là không sinh hoa kết quả.”
(Titô 3: 14)
Cuối cùng thì, học và hỏi cho thật nhiều để hễ có ai có lời phẩm bình về mọi thứ, cũng cứ nên lấy đó làm điều nhắc nhở, rất trân trọng. Và, cuối cùng là: học và hỏi là cứ nên nghe mãi lời nhắn gọi rất như sau:
“Chờ ngày sẽ tới,
Tìm đén bên người bạn đời.
Người yêu, yêu hỡi!
Nhớ thương đời đời chớ phai.”
Người yêu! Chúng ta còn yêu nhau nhiều.
Người hỡi! Còn nhớ thương đời đời chớ phai.
(Lara’s theme – bđd)
Điều đó có nghĩa: có học và có hỏi rồi thì cũng chỉ để nhắn nhủ một điều là: “Còn nhớ thương đời đời khó phai”.
Trần Ngọc Mười Hai
sẽ còn nhớ mãi
lời nhắn của bạn đọc
và nghệ sĩ ở đâu đó
khắp muôn nơi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét