LTCGVN (02.08.2012)
Trong số báo Tuổi Trẻ Xuân năm 2000 có đăng tải một cuộc thăm dò ý kiến về nhân vật được ái mộ nhất ở Việt Nam.
- Thứ nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh ( 39% )
- Thứ nhì Đại tướng Võ Nguyên Giáp ( 35% )
- Thứ ba Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clinton ( 6% )
- Thứ tư mới đến Thủ tướng Việt Nam đương nhiệm Phan Văn Khải ( 3% )
Vì bài báo này mà 120.000 số báo Tuổi Trẻ đã bị thu hồi và sau đó Tổng Biên Tập bị kỷ luật.
Không phải chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nơi khác trên thế giới Tổng Thống Hoa Kỳ rất được ngưỡng mộ. Khi mới chỉ được đảng Dân Chủ đề cử ra tranh cử, trong một chuyến đến thăm nước Đức, ông Obama đã được 200 ngàn người hoan nghênh tại Berlin. ( Hình bên )
Bill Clinton lên làm Tổng Thống năm 1993 lúc được 46 tuổi, là vị Tổng Thống trẻ thứ ba của Hoa Kỳ. Ông tái đắc cử nhiệm kỳ hai vào năm 1997 và tiếp tục làm Tổng Thống cho tới đầu năm 2001. Do tiếng tăm của ông mà vợ ông là bà Hillary Clinton đã đắc cử chức vụ Thượng Nghị Sĩ của tiểu bang New York ( 2001 – 2009 ). Năm 2008 bà trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chứ bộ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ.
Một cuộc đời thành công rực rỡ về mọi mặt như Bill Clinton thật đáng cho nhiều chính khách khác ao ước.
Nhưng trong cuộc nói chuyện với phóng viên Erin Burnett của CNN vào ngày 19.7.2012, cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã nhắc lại sự ân hận lớn nhất của cuộc đời ông là ông đã không làm gì để ngăn chặn cuộc diệt chủng tại Rwanda vào năm 1994 ( CNN's Erin Burnett talks to Pres. Bill Clinton about his biggest regret during the 1994 Rwandan genocide ).
Tại sao Bill Clinton lại phải ăn năn về cuộc thảm sát tại Rwanda ?
Từ ngày 6.4 đến 15.7.1994 hai sắc tộc Tutsi và Hutu tại Rwanda đã lâm chiến khiến cho khoảng 1 triệu người thiệt mạng, số phụ nữ bị hãm hiếp là 500 ngàn, nhiều người bị hãm hiếp nhiều lần trong 1 ngày. 70% số người bị hãm hiếp sau đó nhiễm HIV.
Chính phủ Hoa Kỳ vào lúc đó tỏ ra ngần ngại không muốn can thiệp vào cái mà họ chỉ gọi là một cuộc xung đột địa phương chứ không muốn nhìn nhận đây là một cuộc thanh lọc chủng tộc. Nhưng sau đó Tổng Thống Bill Clinton đã công khai hối tiếc về sự bất can thiệp này. Vào năm 1999 Clinton cho biết giá mà ông chỉ gởi đến 5 ngàn binh lính Mỹ mà thôi để làm nhiệm vụ duy trì hòa bình thì đã cứu sống được 500 ngàn sinh mạng.
The US was reluctant to get involved in the "local conflict" in Rwanda and refused to label the killings as "genocide". Then-president Bill Clinton later publicly regretted that decision in a Frontline television interview. Five years later, Clinton stated that he believed that if he had sent 5,000 U.S. peacekeepers, more than 500,000 lives could have been saved. ( The triumph of evil". Frontline. 1999 )
Và vào ngày 19 tháng 7 vừa qua, nhân dịp tưởng niệm các nạn nhân của cuộc thảm sát năm 1994, một lần nữa ông lại tỏ ra hối tiếc về sự không can thiệp của ông.
Năm nay ông Bill Clinton đã được 66 tuổi, đã đi qua đỉnh cao của sự nghiệp, hào quang danh vọng không còn chi phối ông nhiều như vào năm 1994 khi mà ông phải lo giữ cho chắc cái ghế Tổng Thống của ông, không muốn làm mất lòng cử tri kẻo họ sẽ không bỏ phiếu bầu ông thêm một nhiệm kỳ thứ hai mà đối với ông vào khi đó thì rất quan trọng. Nhưng vào năm 1994 ông là người duy nhất trên thế giới có đủ quyền lực ngăn ngừa cuộc diệt chủng tại Rwanda thế mà ông đã không làm gì cả. Chắc chắn rằng ông phải ray rứt lắm nên trong nhiều dịp khác nhau đã nói lên sự ân hận của mình.
Hiện nay điều khát khao nhất của ông là được lên chức ông ngoại để có dịp vui chơi với những đứa cháu http://www.dailymail.co.uk/news/article-2009908/Bill-Clinton-love-grandfather-isnt-him.html
Chúng ta cầu chúc cho ông có được niềm vui thanh cao như thế vào cuối đời. Đến ngày đó nhìn những đứa cháu kháu khỉnh của mình có lẽ ông sẽ lại nghĩ về những đứa bé tại Rwanda có thể đã được cứu sống nếu ông đã cương quyết hơn.
Nhưng sự ân hận của Bill Clinton cần phải trở thành một bài học lớn cho tất cả mọi người Công Giáo trong vai trò Bảo Vệ Sự Sống.
Không ai trong chúng ta có được quyền lực bao trùm như một Tổng Thống Hoa Kỳ để rồi một quyết định nhỏ của ta cũng dấy lên một hậu quả lớn lao. Nếu Bill Clinton thấy trước sự dằn vặt lương tâm ông phải mang theo suốt đời thì có lẽ ông đã mạnh dạn quyết định đưa quân đội Mỹ đến Rwanda.
Tôi phải lo cho nước Mỹ với đủ thứ vấn đề. Rwanda ở quá xa, tuốt Phi Châu hẻo lánh mọi rợ đâu phải là trách nhiệm của tôi. Tôi mà đưa quân đến Rwanda thì dân chúng sẽ chống đối và không bầu tôi vào nhiệm kỳ thứ 2 nữa. Tụi nó tự giết nhau thì đâu phải là lỗi của tôi. Bill Clinton đã không thể lý luận như vậy về cuộc diệt chủng ở Rwanda.
Chỉ có 1 triệu người bị giết tại Rwanda vào năm 1994 nhưng tại Việt Nam năm nào cũng đều có đến 3 triệu thai nhi bị thảm sát. Tại sao Chúa lại bắt lỗi con ? Con đâu có phá thai đâu. Đứa nào phá thai thì Chúa phạt nó đi. Con vô can mà.
Một ngày nào đó rất nhiều người trong chúng ta sẽ phải hối hận vì đã không lên tiếng, không làm gì hoặc không làm đủ để ngăn chặn thảm họa này. Nếu lương tâm chúng ta đã chai lỳ thì ngày đó có thể không đến với chúng ta trong cuộc đời này.
Có rất nhiều lời của Chúa Giêsu báo trước cho ta về tương lai chắc chắn sẽ đến. Ngày đó rất là kinh khủng:
“Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều” ( Lc 12, 47 ). “Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: Đổ xuống chúng tôi đi ! Và với gò nổng: Phủ lấp chúng tôi đi ! Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao ?” ( Lc 23, 30 ). “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục” ( Lc 12, 4 – 5 ).
NGUYỄN TRUNG
Theo EPHATA số 519
0 nhận xét:
Đăng nhận xét