Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

Đạo Chúa với Duy Thức


       

         Từ trước tới nay, vấn đề gai góc nhất của Thần học vẫn là mối quan hệ giữa sự dữ và Thiên Chúa “ Vấn đề sự dữ và đau khổ  được nhiều người coi là lý luận mạnh mẽ nhất để chống với sự hiện hữu của Thiên Chúa. Họ lý luận thế này = Nếu có Thiên Chúa thì Người phải tòan năng. Nếu Người tòan năng  Người có thể chấm dứt sự dữ và đau khổ. Nhưng  qua kinh nghiệm chúng ta biết rằng  sự dữ và đau khổ vẫn tiếp tục  một cách tàn nhẫn  ngay cả không cân xứng  hay không công bằng chút nào. Như vậy  không thể  có một  chủ thể  tòan năng có thể ngăn chặn tất cả những điều  này đừng xảy ra,  bởi vì nếu có Người  chắc chắn sẽ làm như vậy. Bởi thế  Thiên Chúa  không hiện hữu” ( Dinesh D’ Souza - Vấn đề sự dữ = Thuyết vô thần ở đâu khi có sự dữ xảy ra ? ). Chức năng của Thần học là để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa và sự chứng minh ấy từ Kinh Viện học  cho đến Kitô học đều đã thất bại. Sự thất bại của Thần hõc là tất yếu bởi một lẽ đơn giản là vì Thiên Chúa không thể chứng minh mà chỉ có thể tìm kiếm. Càng chứng minh lại càng đi vào chỗ quẩn để rồi cuối cùng cho rằng Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa xuống thế làm người để phải chịu đau khổ một cách bất công “ Trong thần học Kitô giáo, Thiên Chúa trở nên một con người để gánh lấy tội lỗi của thế giới> Đức Kitô đã chịu đau khổ một cách bất công theo cùng một  phương cách như những người phải đau khổ  một cách bất công nhưng ở một mức độ cao hơn. Do đó đối với Kitô hữu chịu đựng sự đau khổ và sự dữ là chia sẻ nỗi thống khổ của Đức Kitô một cách nào đó” ( Dinesh D’ Souza….. ) Chúng ta vẫn tuyên xưng và tôn thờ Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và  quả thực Ngài là như vậy. Thế nhưng  Ngài sinh xuống làm người  chịu khổ nạn và  chết  là  vì Thánh Ý Thiên Chúa  chứ  đâu có phải  do sự bất công của   lòai người ?  Trong Vườn Cây Dầu Chúa Giêsu thốt lên lời nguyện cầu tha thiết  “ Lạy Cha, nếu có thể đuợc xin cất chén đắng này cho con,  nhưng  đừng theo ý con  mà theo Ý Cha.  Ga 26, 39.  Chúa Giêsu chịu chết là để vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa và sự xin vâng ấy Ngài đã thực hiện trong suốt cuộc đời tại thế  của Ngài. Có vâng theo như thế  thì Ngài mới là Đấng Cứu Thế đồng thời cứu đưuợc nhân lọai. Gọi Chúa là Đấng Cứu Thế  hay Đấng Cứu Chuộc cũng đều đúng nhưng cần phải hiểu  ý nghĩa của  chữ “ CHUỘC”, nếu không  sẽ như Thánh Anselmo “ ngài là người đầu tiên bác bỏ ý tưởng này,  vì cho rằng  như thế là chấp nhận ma quỷ  có quyền trên chúng ta và điều đó không đúng  vì chỉ có  một mình Thiên Chúa  mới có quyền trên con người” ( Lm B.V. Đọc - Đức Giêsu Kitô  Hôm qua, hôm nay và mãi mãi ).


             Cho rằng chỉ Thiên Chúa mới có quyền trên con người  còn ma quỷ thì không, đó là  do nơi  ảnh hưởng  bởi thuyết  Thần Tạo ( Thần Linh Tạo Hóa )  Cũng chính từ đây  mà tất cả các luận điểm về Khổ Phụ thuyết , Ngộ Đạo thuyết, Ảo Thân thuyết , Nhập Thể thuyết của Kitô học đã hòan tòan đi vào bế tắc. Đức Kitô là Đấng Cứu Chuộc và thực sự Ngài  đã chuộc chúng ta khỏi quyền lực ma quỷ bằng chính Giá Máu  của Ngài.  Nói đến “ Chuộc” điều ấy ám chỉ cho một cái gì vốn dĩ trước đó đã là của mình nhưng nay đã không còn nữa. Người ta không ai lại đi chuộc cái không phải của mình.  Người cha sẽ không chịu mất một số tiền lớn  để chuộc  đứa con mà mình không hết lòng yêu quý, không phải máu mủ ruột thịt của mình. Đức Kitô xuống thế  chuộc tội cho nhân lọai có nghĩa là Ngài “ Chuộc” lại cái mà con người đã đánh mất và hiện đang  ở trong sự nô lệ trói buộc của quỷ ma. Cái phần đánh mất đó  chính là “ Hình Ảnh”  mà Thiên Chúa đã dựng nên ở nơi  mỗi một con người “ĐCT phán = chúng ta hãy làm nên con lòai người như ảnh Ta và theo tượng Ta” Stk 1, 26.  Con người là Hình Ảnh  Thiên Chúa, do Thiên Chúa dựng nên nhưng do tội nguyên tổ mà  đã mất. Adam, Eva ngay sau khi phạm tội thì đã bị đưổi khỏi Địa Đàng và cũng kể từ đây  cái được gọi là  con nguời  mới được sinh ra “ Adam gọi vợ là Evà vì bà là mẹ của chúng sinh” Stk 3, 20 )  Là con của Eva cũng tức  là con cái ma quỷ bởi vì bà là người đã ưng chịu sự cám dỗ của Satan  cố tình ăn trái  cấm  là trái cây  phân biệt “ Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn. Còn về cây  biết điều thiện, điều ác  thì chớ hề ăn đến vì một mai nếu ngươi ăn vào chắc là phải chết” Stk 2, 16 – 17 ). Ăn là một hành vi cũng tức là làm, là  động  tâm. Ăn trái cây phân biệt  thiện ác  có nghĩa là làm là khởi tâm phân biệt. Tội nguyên tổ  đích thị  là  tội phân biệt thiện ác. Thế nhưng  tại sao phân biệt lại là một thứ tội  mà nếu phạm phải  thì  chết ? Để có thể hiểu cho ra nhẽ  cái tội đầu mối của muôn vàn giống tội này thì nhất thiết  cần phải  tìm  lời giải  ở nơi   môn Duy Thức học.

I/-  Sao  gọi  là  Duy  Thức
             Theo quan điểm Duy Thức học  thì muôn sự muôn vật  trong vũ trụ này đều không thật  có  mà chỉ là duy thức biến hiện. Nói chữ “ Duy” nghĩa là ngòai Thức ra  không có chi là “ Vật” hiểu như một tự thể. Chúng ta ai cũng cho cái nhà là…nhà  và đinh ninh  như thế nhưng thật sự  đó chỉ  là một cái tên gọi  mà nếu tách riêng  gạch đi đàng gạch, ximăng  đi đàng ximăng,  sắt thép công thợ v.v..  thì còn đâu là nhà ?  Suy từ cái nhà ra tòan thể vũ trụ vạn vật  trăng sao, mặt trời, núi rừng, sông ngòi cây cối  người vật  v.v…hết thảy cũng đều chỉ là những tên gọi.  Tên gọi  đó chính là sự nhận biết  cũng gọi là Thức, có tám thức tất cả gọi là Bát Thức Tâm Vương đó là  Nhãn ( Mắt ) Nhĩ ( Tai ) Tỷ ( Mũi) Thiệt ( Lưỡi) Thân ( Thân thể) Thức (Ý thức)  Mạt na  thức và Alạigia thức. Trong tám thức này lại phân làm ba = năm thức đầu  gọi là Tiền ngũ thức gồm mắt tai mũi lưỡi và thân. Với năm cái Thức này  thực ra vẫn chưa phải là Thức tức sự nhận biết nếu chúng không được phối hợp với Ý là thức thứ sáu. Để cho dễ hiểu, xin được phân biệt giữa nhìn và thấy. Khi một quang cảnh hiện ra trước mắt, nào là nhà cửa phố xá, xe cộ ngược xuôi, kẻ qua người lại tấp nập thì đó chỉ mới là nhìn chứ chưa phải là thấy. Để được gọi là thấy  tức sự nhận biết của mắt thì  cần có  sự  phối hợp của  Ý thức  tức thức thứ sáu  là Thức hết sức quan  hệ, không có nó thì năm giác quan  kia chỉ là mù, nhìn mà không thấy, nghe mà không phân biệt được tiếng trầm tiếng bổng, thanh thô v.v.  Tuy quan hệ như thế nhưng lại là tội khi nó gắn liền với thức chấp ngã tức Mạtna thức.  Khi nhìn và thấy có một cái nhà thì không có vấn đề gì cả nhưng nếu thấy  và cho đó là nhà của tôi thì …tội liền sinh bởi vì từ đây mà nảy sinh những cái thấy khác như thấy xấu, thấy đẹp, so sánh hơn thua  khen chê v.v.. Tất cả cái thấy phát xuất  từ “ Cái Tôi” ấy gọi là Thức chấp ngã tức Mạt na thức.  Thức thứ bảy này còn gọi là Truyền Tống thức, nhiệm vụ của nó chỉ là con thoi giữa thức thứ sáu (Ý thức ) và thức thứ tám tức Alạigia Thức.  Thức thứ tám chính là một cái kho chứa   những gì mà thức thứ bảy đem vào  bởi thế cho nên nó còn có một tên khác là Tàng Thức.  Tàng tức kho tàng  là nơi chứa nhóm  tất cả mọi chủng tử  thiện ác hoặc vô ký. Đọc sách, đọc kinh xem phim, nghe nhạc hay hóng hớt  v.v. hết thảy đều được đem vào chất chưa ở nơi tâm , nó được ví như cái bị của người ăn xin đeo sau lưng khi cần thì lấy ra dùng… Chấp chứa vào tâm gọi là Huân nhưng huân để rồi lại khởi ra hiện hành gọi là Tập. Cái việc đem vào lấy ra đó  gọi chung là Huân Tập. Tính chất huân tập theo Duy Thức học là vô cùng quan hệ bởi vì nó quyết định  cho tòan bộ sự thiện hảo hay ác dữ  ở nơi con người. Hễ huân cái  chi thì sẽ tập khởi ra cái đó. Con người sở dĩ đạo đức  hay bất lương ngu dốt hay trí tuệ  là do nơi huân tập mà ra. Bởi đó mà sách Tam Tự kinh mới nói “ Bản Tánh người ta gần nhau, vì tập luyện mà xa nhau” ( Tánh tương cận, tập tương viễn ) Huân tập là việc vô cùng quan hệ như  vậy thế nhưng tòan bộ sự huân tập, kể cả người huân tập ( Năng ) lẫn cái được huân tập ( Sở )  đều chỉ là Thức mà thôi. Do đâu mà nói người huân tập và cái được huân tập  đều chỉ là Thức ?  Những cái   bị phân biệt ( sở )  chẳng hạn như  núi non sông ngòi, đất đá rừng cây xe cộ, người ngợm v.v.. chỉ  là những cái biết do phân biệt mà có  thế nên gọi những cái biết  ấy là Thức. Còn cái gọi là  người huân tập ( Năng ) ấy cũng chỉ là cái Thức  do sự phối hợp của  Ý với  năm giác quan còn lại. Nếu không có núi non sông ngòi…là cảnh vật bị phân biệt thì cũng không  thể tự đâu  mà khởi ra cái phân biệt ( Năng ) được. Ngược lại nếu không có mắt tai v.v.. là thức năng phân biệt  thì lấy gì phân biệt để mà nhận biết núi kia sông nọ ? Tòan bộ người biết ( Năng ) và vật bị nhận biết ( Sở ) đều chỉ là  do Thức biến hiện nên gọi là Duy Thức Biến.  Không phải núi mà thấy ( chấp ) là núi, không phải sông mà  thấy ( chấp ) là sông, đó là Thức biến. Không phải vậy mà thấy vậy đó là Thức biến.

            Có hai lọai Thức biến, một là Nhân Duyên biến và hai là Phân Biệt biến:
a/- Nhân Duyên biến.   Bất cứ “ Vật” gì  cũng cần có đủ nhân duyên thì mới hiện hữu, chẳng hạn như cái nhà là tập hợp của các duyên  gạch ngói, ximăng, sắt thép, công thợ v.v…Thiếu cái duyên ximăng thì thợ  không thể xây tường, đổ tấm được v.v.. Mọi hiện hữu trên cõi thế này  như rừng cây núi non nhà cửa thuyền bè … do thức huân tập vào Tàng thức  truyền hết thế hệ này sang thế hệ khác  bằng truyền khẩu, bằng sách vở…thành tập quán hoặc đức tin thế nên khi thức vừa móng khởi liền biết ( cho là, nghĩ là, tưởng là ) núi, là sông  là thuyền là Phật là Chuá v.v..tất cả những cái nhận biết ấy đều phân thành hai, có người biết ( ngã ) và cái bị biết ( pháp )  chứ thật sự như đã phân tích đều là do Thức biến  hiện mà ..có như vậy.

b/- Phân biệt biến.    Nếu nhân duyên biến  cần phải có nhân duyên mới hiện hữu  thì phân biệt biến lại thuần chỉ là vọng tưởng  phân biệt. Nghĩ tới cái nhà thì liền có cái nhà nhưng đó chỉ là nhà trong vọng tưởng  và mặc dầu  cũng có hình tướng to nhỏ mầu xanh, mầu vàng  nhưng đó chỉ là nhà trong vọng tưởng. Cái nhà, sông núi rừng cây v..v. trong vọng tưởng ấy  thuần túy chỉ là chủ quan ảo tưởng   giống như đi   trong đêm tối đạp phải sợi giây lại tưởng là con rắn. Không phải rắn lại tưởng là rắn,  cũng vậy  không có  Cái Tôi  ( Ngã), không có vật ở ngòai tôi ( Pháp ) lại cho là có tôi, có vật. Đây là một cái lầm chấp  mang tính muôn thuở của con người ( Câu sinh chấp ngã )  Chính cái lầm chấp   Ngã, Pháp này  mà đã khiến gây nên đủ muôn giống tội và một khi tội đã  được gây tạo  thì không có cách gì tránh cho khỏi hậu quả của nó là khổ đau chết chóc “ Tư dục đã hòai thai thì sanh ra tội lỗi, tội lỗi lớn lên thì sản xuất sự chết” Gc 1, 15 ) Sự “ Hòai thai “ mà Thánh Giacôbê  nói tới ở đây chính là  huân tập. Cứ huân cái gì thì sẽ tập ( Khởi ) ra cái đó đồng thời nhân lên gấp nhiều lần “ Gieo gió gặt bão “ là như vậy. Nhân lọai ngày nay tràn đầy sự dữ và khổ đau, đó không phải là vì Thiên Chúa không hiện hữu nhưng tất cả   là do con người đã huân tập quá nhiều  điều ác.  Làm ác sẽ phải lãnh quả ác, có làm lành thì mới hưởng được quả lành. Tuy nhiên để có thể làm lành lánh dữ thì nhất thiết cần phải biết đến cái lý  tại sao của nó như  lời đức Khổng  phu tử nói “ Phải biết tại sao thì mới biết được làm cách nào”  Học Duy Thức chính là để biết  cái lý của việc sống đạo, lý ấy  đòi hỏi phải quay vào Bản Tâm  hầu quán xét cái năng lực thiên biến vạn hóa  ở nơi mình, sửa trị nó bắt nó  phải biến hóa cách nào để chỉ đem lại phước hạnh  chứ đừng gây  khổ đau cho mình cũng như cho người.

II/-  Con  đường  chuyển  mê  khai  ngộ của  Đạo  Chúa
              Rất khó để bác bỏ luận điểm về sự liên hệ giữa Thiên Chúa và sự dữ khi còn chấp nhận Thiên Chúa  cũng là một với Đấng Thần linh Tạo Hóa.  Còn như thay Tạo Hóa bằng Tâm Tạo  thì hòan tòan không có vấn đề gì. Sự dữ sở dĩ có là do Tâm  dữ tạo ra  chứ chẳng có đấng nào ở ngòai ta tạo ra  được. Tâm tạo đó chính là tính chất duyên khởi , Tâm khởi điều lành sẽ có sự lành, tâm khởi điều ác sẽ có sự ác. Sách Minh Tâm Bảo Giám – Thiên Thái Thượng Cảm Ứng viết “ Họa phúc không có cửa, tự nơi người rước lấy. Quả báo của điều thiện, điều ác không khác nào như bóng theo hình. Cho nên lòng người nghĩ thiện thì thiện dù chưa làm Cát  Thần cũng đã theo bên cạnh. người nghĩ ác thì ác dù chưa làm hung thần cũng đã ở sát ngay bên. Song làm ác mà sau biết ăn năn sử đổi thì lâu ngày cũng sẽ gặp được quả lành và như thế gọi là chuyển họa ra phúc vậy.  Làm ác là bởi nghĩ ác, làm lành là bởi nghĩ lành. Không ai nghĩ ác mà làm lành cũng như nghĩ lành mà làm ác bao giờ. Bởi đó cho nên muốn chuyển họa ra phúc thì phải chuyển ngay ở nơi cái sự nghĩ. Theo Duy Thức  học  thì NGHĨ  chính là tác ý, là khởi thức. Mỗi người thường hay  nhớ nghĩ những gì mà mình đã làm, đã nghe, đã thấy đã  đọc v.v…Một lời nói của ai đó có khi từ mấy tháng trước tưởng chừng đã quên nhưng bất chợt lại nhớ nghĩ tới để rồi hoặc vui, hoặc  giận v.v.. Thấy một bà cụ ăn xin ngồi trước cổng nhà thờ, về nhà nhớ nghĩ lại thấy xót xa tội nghiệp v.v.. Sở dĩ chúng ta có thể nhớ nghĩ lại như thế  là vì những việc thấy nghe, đọc …ấy đã được   đem vào chất chứa ở nơi Tạng tâm  để trở thành nghiệp. Tạng Tâm của người nào thì chấp chứa nghiệp của người đó.  Người đời coi thường   những việc thấy nghe, đọc hoặc xem TV  v.v.. nhưng thật  ra nó vô cùng quan hệ đến cuộc sống an vui hay bất hạnh của chính mình. Một thiếu niên mê chơi game, suốt ngày đầu óc chứa đầy những hình ảnh bạo lực  tàn sát … thì chắc chắn có ngày sẽ gây án và trong thực tế đã có biết bao nhiêu trường hợp như vậy. Một gã suốt ngày  này  tháng khác chỉ say sỉn rong chơi cờ bạc  thì  tương lai tù tội nghèo túng làm sao tránh khỏi ?  Những sự nhớ nghĩ thì can hệ như thế, nhớ nghĩ cái  gì sẽ có cái đó bởi đây là nguyên lý Duy Tâm tạo cũng tức là Duy Thức biến. Chính con người đã tạo lấy vận mệnh của chính mình thế nên nó phải hòan tòan chịu trách nhiệm chứ không thể đổ thừa tại số hay …ông trời nào bắt tội. Tuy nhiên với bản chất vô minh, con người không ai ngòai những bậc đại giác ngộ có thể tự vạch lấy đường đi cho mình. Đức Kitô xuống thế chính là để vạch ra cho chúng ta con đường  cứu rỗi ấy “ Ta là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”  Ga 14, 6. Chúa nói mình là đường, có nghĩa  Ngài muốn truyền dạy chúng ta phải đi, phải thực hiện nó. Mặt khác  con đường ấy chẳng phải đường cụt hay là vu vơ nhưng nó có đích đến của nó  là chính Đấng Cha. Đích mà mỗi một người  trong chúng ta cần phải nhắm đến đó là  Đấng Cha.  Thế nhưng Đấng Cha ấy lại chẳng hiện hữu ở bất  kỳ nơi  đâu  ngòai chính tâm hồn mình “Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là Đạo  Đức Tin  mà chúng tôi rao giảng đây. Vậy nếu miệng ngươi  nhận Giêsu  là Chúa Cứu Thế và lòng ngươi tin ĐCT đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu. Vì bởi lấy lòng tin mà được nên công chính và lấy miệng thừa nhận mà được cứu” Rm 10,  8- 10.)

               Đạo Chúa là đạo đức tin nhưng đức tin ấy không phải là tin  một Đấng nào khác ngòai ra Đấng ở nơi mình, đó mới là đức tin chân thật. Tin Đấng ở nơi mình là điều khó trong mọi điều khó, muốn được vậy thì phải có Đức Kitô dẫn đường , vì vậy Chúa Giêsu mới nói không ai đến được  với Cha mà không qua Thầy. Để cho đức tin  có thể khởi phát và mỗi ngày thêm tăng trưởng  thì ta cần phải “ lấy miệng mà thừa nhận Giêsu là Chúa”. Lấy miệng thừa nhận tức ám chỉ cho tất cả những công việc bề ngòai như   đọc kinh cầu nguyện tham dự Thánh lễ, làm việc tông đồ,  lần chuỗi Mân Côi, ngắm Đàng Thánh Giá .. v.v..Mọi việc ấy đều tốt cả, càng thực hành nhiều bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Thế nhưng nó cần phải được  xuất phát từ ở nơi Tâm. Cầu nguyện thì phải quay vào bên trong mà cầu với Cha là Đấng ở nơi ẩn mật  Ngài sẽ báo đápp cho” Mt 6, 6.  Làm phúc bố thí  thì đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm ( Mt 6, 3 )  Tóm lại là làm bất cứ việc gì  cũng phải làm với Tâm vô phân biệt, không còn thấy có ta, có người, có vật. Còn thấy có ta ( Mình, Ngã ) mà làm thì việc làm ấy  đối với Chuá chẳng những vô ích mà còn có tội bởi vẫn còn ở trong mê.  Phải vì Chúa ở nơi mình, nơi người mà làm thì việc làm ấy dù nhỏ nhặt đến đâu cũng vẫn có giá trị rất lớn vì đó là  làm vinh danh Chúa “ Vậy dù khi ăn, dù khi uống hay làm bất cứ việc gì anh chị em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” 1Cr 10, 31. )

Phùng văn  Hóa.
Tác giả gửi trực tiếp cho Lương Tâm Công Giáo Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét