Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

[Video] Thế Giới Nhìn Từ Vatican 6-12/7/2012: Giáo Hội tại Trung Hoa vạ tuyệt thông và chút hy vọng vừa le lói

LTCGVN (14.07.2012)

1. Vạ tuyệt thông dành cho linh mục Nhạc Phúc Sinh

Biến cố thời sự gây sự chú ý đặc biệt trong tuần qua là những gì đang diễn ra đối với Giáo Hội Công Giáo Trung Hoa.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba 10 tháng 7, cha Federico Lombardi đã công bố vạ tuyệt thông dành cho linh mục Nhạc Phúc Sinh là người đã được tấn phong giám mục trái phép hôm thứ Sáu 6 tháng 7 tại giáo phận Cáp Nhĩ Tân thuộc tỉnh Hắc Long Giang. Bản tuyên bố của Tòa Thánh gồm 5 điểm. Trước hết, Tòa Thánh cho biết linh mục Nhạc Phúc Sinh “đã được tấn phong giám mục mà không được sự phê chuẩn của Đức Giáo Hoàng và do đó là bất hợp lệ, và đương sự bị vạ tuyệt thông tiền kết theo như quy định của giáo luật 1382.”

“Hệ quả là Tòa Thánh không công nhận ông ta là Giám Mục của Miền Phủ Doãn Tông Tòa Cáp Nhĩ Tân, và ông ta không có quyền cai quản các linh mục và cộng đoàn Công Giáo thuộc tỉnh Hắc Long Giang.”

Tuyên bố của Tòa Thánh cho biết thêm là linh mục Nhạc Phúc Sinh “đã nhiều lần được Tòa Thánh thông báo là Tòa Thánh sẽ không phê chuẩn ông ta là ứng viên Giám Mục” và “đương sự đã nhiều lần được Tòa Thánh yêu cầu là không được chấp nhận việc tấn phong Giám Mục trái phép”.

Về phần năm Giám Mục Trung Hoa tham gia vào việc tấn phong trái phép, Tòa Thánh bày tỏ sự thất vọng sâu xa với những người này. “Họ phải làm tường trình và xin tha thứ nếu muốn hòa giải với Giáo Hội”. Trong thông cáo đưa ra hôm 4 tháng 7, Tòa Thánh nêu rõ những giám mục nào tham gia vào việc truyền chức trái phép thì bị vạ tuyệt thông tiền kết như quy định của giáo luật 1382.

Cuối cùng, Tòa Thánh bày tỏ lòng biết ơn sâu xa với các linh mục và anh chị em giáo dân, những người trung thành với Giáo Hội và đã chống lại việc tấn phong trái phép này dưới hình thức các buổi cầu nguyện để xin cho linh mục Nhạc Phúc Sinh nhận thức được việc làm sai trái của mình. Một số linh mục vì chống đối việc tấn phong này đã bị giam cầm.

2. Tấn phong Giám Mục trái phép tại Trung Hoa

Tòa Thánh và anh chị em tín hữu Công Giáo tại Trung Hoa cũng như trên thế giới lại một lần nữa lại phải chứng kiến sự nhát đảm của một số giám mục Trung quốc, những người chẳng thà chịu vạ tuyệt thông chứ không dám làm mất lòng nhà nước. 

Sáng thứ Sáu 6 tháng 7, bất chấp những chỉ trích của người Công giáo địa phương, những buổi cầu nguyện liên tục của anh chị em tín hữu Trung Hoa và trên thế giới, và ngay cả những lời cảnh cáo vạ tuyệt thông của Tòa Thánh, linh mục Nhạc Phúc Sinh (岳福生) đã chấp nhận được tấn phong giám mục trái phép tại Nhà thờ chánh tòa giáo phận Cáp Nhĩ Tân, thuộc tỉnh Hắc Long Giang.

Chủ phong trong nghi lễ tấn phong trái phép là ông Phòng Hưng Diệu (房興耀) Giám Mục Giáo Phận Lâm Nghi (臨沂), chủ tịch Hội Công Giáo Yêu Nước. Phụ phong và đồng tế trong buổi lễ còn có bốn giám mục khác là các ông Bùi Quân Dân (裴軍民) Giám Mục Giáo Phận Liêu Ninh (遼寧), ông Mạnh Khánh Lộc (孟慶祿) Giám Mục Giáo Phận Hô Hoà Hạo Đặc (呼和浩特) thuộc Nội Mông, ông Vương Nhân Lôi (王仁雷) Giám Mục Giáo Phận Tô Châu (蘇洲) thuộc tỉnh Chiết Giang (浙江), và ông Dương Vĩnh Cường (楊永強) Giám Mục Giáo Phận ChâuThôn (周村) thuộc tỉnh Sơn Đông (山東).

Tất cả những giám mục nêu trên đều là những người đã được tấn phong Giám Mục hợp thức hay đã được Đức Giáo Hoàng chuẩn y sau đó. Hành vi của các giám mục Trung quốc ngang nhiên xem thường những cảnh cáo của Tòa Thánh, kể cả những hình phạt nặng nề là vạ tuyệt thông gây đau buồn và thất vọng sâu xa nơi anh chị em tín hữu Công Giáo Trung Hoa và trên thế giới. Trong những người này, có thể có những người vì bị ép buộc, vì nhát đảm mà tham gia vào trò truyền chức trái phép này. Tuy nhiên, đó chắc chắn không phải là trường hợp của ông Phòng Hưng Diệu, một người được kể là phụng sự đảng cộng sản Trung quốc một cách rất đắc lực và đã không ngừng kêu gọi Giáo Hội tại Trung quốc ly khai khỏi Tòa Thánh từ Đại Hội Công Giáo Toàn Quốc lần thứ 8.

Một trường hợp đáng chú ý khác là trường hợp ông Vương Nhân Lôi (王仁雷) Giám Mục Giáo Phận Tô Châu (蘇洲) thuộc tỉnh Chiết Giang (浙江). Ông Lôi đã được đảng cộng sản Trung quốc tấn phong Giám Mục trái phép ngày 30 tháng 11 năm 2006. Ông đã viết thư sang Tòa Thánh thỉnh cầu nhiều lần để được hợp thức hóa. Chỉ mới hơn một tháng trước đây, hồi Tháng Năm vừa qua, Đức Thánh Cha vừa mới chuẩn y cho ông thì nay ông đã trở mặt.

3. Đức Cha Mã Đạt Khâm vừa được tấn phong đã bị bắt

Một buổi lễ tấn phong Giám Mục khác đã được diễn ra một ngày sau đó vào sáng thứ Bẩy 7 tháng 7 tại Thượng Hải trong bầu không khí hết sức căng thẳng và vị tân Giám Mục bị bắt ngay sau đó vài tiếng đồng hồ.

Đức Cha Mã Đạt Khâm được tấn phong với sự phê chuẩn của Đức Thánh Cha. Mọi chuyện đã trở nên phức tạp vì sự có mặt của một giám mục trái phép là ông Chiêm Tư Lộc (詹思祿) (thuộc giáo phận Mẫn Đông - 閔東).

Hầu hết 86 linh mục của tổng giáo phận Thượng Hải đã tẩy chay không đến dự thánh lễ. Trong tổng số 30 linh mục đồng tế trong thánh lễ chỉ có 12 vị là linh mục của Thượng Hải.

Đức Cha Mã Đạt Khâm đã yêu cầu ông Chiêm Tư Lộc không được đặt tay trên đầu ngài và từ chối không uống cùng chén thánh với ông này.

Trong một hành động chưa từng có tại Trung Hoa, vị tân Giám Mục nói rằng ngài “hiểu lý do sự vắng mặt trong thánh lễ tấn phong cho ngài của một số đông các linh mục, và nam nữ tu sĩ của tổng giáo phận” và “tôi yêu mến anh chị em”.

Ngài nói tiếp: “Từ sau buổi lễ tấn phong này, tôi chấm dứt tất cả mọi liên hệ với Hội Công Giáo Yêu Nước để tập trung chu toàn sứ vụ Giám Mục của mình”.

Lời tuyên bố bất ngờ của ngài gây sững sờ cho các cán bộ tôn giáo vụ cộng sản nhưng đã được đón nhận với một tràng pháo tay dài của hơn 1200 anh chị em tín hữu dự lễ.

Vài giờ sau thánh lễ tấn phong Giám Mục, Đức Cha Mã Đạt Khâm được ghi nhận là mất tích. Những cử chỉ anh hùng của ngài đã khiến anh chị em tín hữu tuôn đến dự thánh lễ chào đón vị tân Giám Mục vào sáng Chúa Nhật 8 tháng 7 tại nhà thờ chánh tòa Thượng Hải. Tuy nhiên, Đức Tân Giám Mục đã không xuất hiện.

4. Đức Hồng Y cao niên nhất trên thế giới đã qua đời

Đức Hồng Y Eugenio de Sales Araújo người Brazil đã qua đời ở tuổi 91. Ngài là Tổng Giám Mục Hiệu Tòa của tổng giáo phận Sao Sebastiao ở Rio De Janerio. Đức Hồng Y Eugenio cũng là người cao niên nhất trong Hồng Y Đoàn. 

Với sự qua đi của ngài, vị Hồng Y cao niên nhất trên thế giới hiện nay là Đức Hồng Y Paulo Evaristo Arns, cũng là người Brazil.

Đức Hồng Y Eugenio đã được tấn phong Hồng Y vào năm 1969 bởi Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục. Tại Brazil, ngài được biết đến nhiều nhất nhờ các công việc mục vụ và xã hội và việc chống lại những sai lầm của thần học giải phóng. 

Trên thế giới hiện nay còn hai vị Hồng Y đã được tấn phong bởi Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục là Đức Hồng Y Paulo Evaristo Arns người Brazil và Đức Hồng Y William Wakefield Baum của Hoa Kỳ.

Hồng Y đoàn hiện có 121 vị hồng y có quyền bầu Giáo Hoàng và 87 vị Hồng Y khác đã qua tuổi 80 nghĩa là không thể bỏ phiếu bầu Giáo Hoàng. 

5. Hôm thứ Tư ngày 11 tháng 7, Đức Giáo Hoàng đã cử hành lễ kính Thánh bổn mạng của mình là Thánh Bênêđíctô hay còn gọi là thánh Biển Đức.

Trong buổi tiếp kiến chung đầu tiên của mình trong tư cách là Giáo Hoàng hôm 27 tháng 4 năm 2005, ngài đã giải thích tại sao ngài chọn danh hiệu Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. Đức Thánh Cha nói rằng đời sống của Thánh Biển Đức rất có ý nghĩa đối với ngài.

“Lòng tôi chất chứa những tình cảm tạ ơn và tán tụng. Tôi muốn nhân dịp này nói về lý do tại sao tôi đã chọn tên Biển Đức. Thứ nhất, tôi nhớ đến Đức Giáo Hoàng Biển Đức 15, là tiên tri can đảm cho hòa bình, người đã hướng dẫn Giáo Hội qua các thời kỳ hỗn loạn của chiến tranh.

Theo bước của ngài, tôi đặt trọng tâm công việc mục vụ của mình trong các dịch vụ hòa giải và hòa hợp giữa các dân tộc. Ngoài ra, tôi cũng nhớ đến thánh Biển Đức thành Norcia, là vị thánh đồng bổn mạng của Châu Âu, là người mà cuộc sống nhắc nhớ đến cội rễ Kitô giáo của châu Âu.

Tôi khấn xin ngài giúp chúng ta tất cả giữ vững vai trò trung tâm của Chúa Kitô trong đời sống Kitô hữu của chúng ta: Xin Chúa Kitô luôn luôn hiện ra đầu tiên trong suy nghĩ và hành động của chúng ta!

6. Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 8 tháng 7.

Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu địa phương và khách du lịch tại Castel Gandolfo nơi ngài đang nghỉ hè.

Đức Thánh Cha nhắc nhở mọi người rằng Chúa Giêsu đã bị từ chối bởi những người đồng hương ở quê nhà Nazareth. Tại đó, Chúa đã không thể thực hiện bất kỳ phép lạ nào ngoài việc chữa lành một vài người bị bệnh.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói:

"Các phép lạ của Chúa Kitô không phải là một màn trình diễn quyền lực, nhưng là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, hiện diện nơi nào tình yêu ấy gặp được đức tin của con người."

Sau đó, Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa các bài đọc được chọn trong Chúa Nhật 14 Mùa Thường Niên. Đó là lời mời gọi mọi người hãy mở lòng mình ra cho đức tin.

Ngài nói

"Tin Mừng Chúa Giêsu hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng nếu chúng ta sống với một trái tim rộng mở và đơn sơ, được nuôi dưỡng bởi đức tin chân thật, thì chúng ta có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta và hành động theo thánh ý của Ngài."

Sau đó, Đức Thánh Cha ban phép lành cho các khách hành hương tụ tập về Castel Gandolfo và đề cập đến một buổi cầu nguyện liên tôn được diễn ra tại một trại tập trung trước đây của Đức Quốc Xã là trại Majdanek, nằm trên lãnh thổ Ba Lan. Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi của mình với những người hành hương Ba Lan hiện diện trong buổi đọc kinh Truyền Tin, cũng như những người đang cầu nguyện tại trại tập trung Majdanek.

7. Một trận động đất rung chuyển Rôma với tâm địa chấn sát nơi cư trú mùa hè của Đức Giáo Hoàng

Hôm 9 Tháng 7 một trận động đất 3,5 độ richter đã làm rung chuyển phía nam của Rôma vào buổi chiều thứ hai. Tâm địa chấn được ghi nhận nằm trong khu vực Castelli Romani, gần Castel Gandolfo, nơi Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đang nghỉ hè.

Trận động đất cũng được ghi nhận trong vùng Montecompatri, Colonna và cả trong khu vực Monte Porzio Catone.

Không có ai bị thương hoặc thiệt hại lớn nào về nhà cửa đã được báo cáo.

Đây là trận động đất tương đối nhỏ sau một loạt các trận động đất gây ra thiệt hại nghiêm trọng trong khu vực Romagna Emila của Ý.

8. Đức Giáo Hoàng tới thăm nhà nơi ngài làm việc trong Công Đồng Vatican II

Sáng thứ Hai 9 Tháng 7 Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã viếng thăm nhà của Dòng Ngôi Lời trong ngôi làng Nemi, nơi ngài đã từng sống từ ngày 29 Tháng Ba đến ngày 03 tháng 4 năm 1965. Tại đó, ngài đã làm việc với các hồng y, giám mục, và các nhà thần học để chuẩn bị cho văn kiện "Ad Gentes" nghĩa là “Đến Với Muôn Dân” của Công Đồng Chung Vatican II.

Đức Giáo Hoàng đã được cha Tổng Quyền Dòng Ngôi Lời, Heinz Kulüke đón tiếp. Đức Thánh Cha cũng đã gặp gỡ với những nhà truyền giáo Dòng Ngôi Lời và đi thăm các khu vườn của ngôi nhà, nơi ngài đã từng sống gần nửa thế kỷ trước.

9. Đức Tổng Giám Mục Địa phận Jos kêu gọi nước ngoài can thiệp để chấm dứt bạo lực

Đức Tổng Giám Mục địa phận Jos, là Đức Cha Ignatius Kaigama trong buổi nói chuyện với Linda Bordoni của Đài phát thanh Vatican đã bày tỏ nỗi buồn sâu đậm của ngài khi mạng người bị giết một cách rẽ rúng trên quê hương Nigeria của ngài. "Điều này dường như không thể nào ngưng lại mà thậm chí còn có vẻ tăng lên. Không những chỉ dân làng bình thường bị giết chết, mà cả một số quan chức cao cấp của chính phủ cũng bị giết. Tình hình thật tồi tệ, và hy vọng với lời cầu nguyện của chúng ta một cái gì đó dứt khoát sẽ được thực hiện để chấm dứt tình trạng vô nhân đạo này”. 

Hàng chục người đã thiệt mạng vào cuối tuần qua ở bang Plateau Nigeria, nơi bạo hành đang diễn ra trong nhiều cuộc tấn công, chủ yếu là nhắm vào các cộng đồng Kitô hữu.

Hai chính trị gia Nigeria đã qua đời vào ngày thứ Bảy trong một cuộc tấn công vào một đám tang cho các nạn nhân của các vụ chém giết trên, làm thiệt mạng ít nhất 37 người. Phát ngôn viên của quân đội cho biết các cuộc tấn công vào đám tang và các cuộc tấn công vào làng Công giáo gần Cao Nguyên Jos hôm thứ Bảy có thể do cùng một nhóm thủ phạm.

Nhóm chăn gia súc người Hồi giáo thuộc dân tộc Fulani bị nghi ngờ là thủ phạm, nhưng họ khăng khăng phủ nhận hành vi phạm pháp này. Phát ngôn viên của quân đội cho biết có tổng cộng 37 người đã bị thiệt mạng vào ngày thứ Bảy, trong đó có hai cảnh sát, khoảng 21 người thuộc phe tấn công và 14 dân làng Kitô giáo.

10. Tòa Thánh Vatican công bố kết quả tài chánh năm 2011

Hôm 5 tháng 7, Tòa Thánh đã công bố hai báo cáo tài chính. Báo cáo thứ nhất liên quan đến Ngân sách Tòa Thánh trong phạm vi toàn Giáo Hội. Báo cáo thứ hai là các chi tiêu của Quốc Gia Vatican.

Phát ngôn viên Tòa Thánh Vatican đã cho biết có một số tin tốt và một số tin xấu.

Phát ngôn viên Tòa Thánh Vatican là cha Federico Lombardi nói:

"Ngân sách Tòa Thánh trong năm 2011 kết thúc với mức thâm hụt khoảng 15 triệu euro. Các chi phí lớn nhất là phần lương bổng trả cho nhân viên. "

Ngân sách Tòa Thánh bao gồm các chi phí của Giáo Triều Rôma, các sứ thần và khâm sứ tại các quốc gia, và các phương tiện truyền thông báo chí của Vatican.

Tin đáng mừng là ngân sách của Quốc Gia nhỏ nhất thế giới này có thể vươt qua các trở ngại. Các trương mục kết thúc năm 2011 với mức thặng dư 26 triệu đô la, phần lớn do tiền thu được từ Viện Bảo tàng Vatican.

Cha Lombardi đã ca ngợi sự đóng góp quảng đại của nhiều tín hữu cho Tòa Thánh với hơn 69 triệu 711 ngàn mỹ kim trong năm 2011.

Số tiền các giáo phận đóng góp cho Tòa Thánh chiếu theo khoản số 1271 của Bộ giáo luật được 32 triệu 128 ngàn mỹ kim trong năm 2011.

Ngoài ra, Viện Giáo Vụ, quen gọi là “Ngân hàng Vatican” đã trợ giúp Đức Thánh Cha trong sứ vụ tông đồ và bác ái 49 triệu Euro trong năm ngoái.

Cha Lombardi nhắc lại rằng trong những năm gần đây, ngân sách của Tòa Thánh trồi sụt, có năm được dư, có năm bị thiếu hụt. Năm nay, số tiền các tín hữu đóng góp (đồng tiền thánh Phêrô) gia tăng. Nhiều người giúp Tòa Thánh như các ân nhân ẩn danh. Ngoài ra, sự đóng góp của các giáo phận cho Tòa Thánh không phải là ”tiền thuế”, nhưng là sự đáp ứng một lời kêu gọi: ai có nhiều hơn thì giúp người có ít hơn trong Giáo Hội. Đây là sự trợ giúp bắt đầu từ 30 năm nay trong Giáo Hội và ngày càng được cảm thấy trong tinh thần đồng trách nhiệm.

11. Giáo Hội Công Giáo tại Mông Cổ mừng 20 năm.

Giáo hội Công giáo tại Mông Cổ đang mừng kỷ niệm 20 năm thành lập. Đoàn Truyền Giáo đầu tiên tại đất nước này đã bắt đầu cách đây 20 năm. Khi các nhà truyền giáo đến Mông Cổ lần đầu tiên vào năm 1992 thì ở đây chưa có một người Công Giáo nào. Tuyệt đại đa số dân chúng theo Phật Giáo hay Hồi Giáo. Ngày nay tại Mông Cổ đã có 800 người gia nhập Giáo Hội Công Giáo và một con số tương đương đang học giáo lý để chuẩn bị nhận lãnh phép rửa. Ngoài ra còn hàng ngàn người nghèo khổ bệnh tật, vô gia cư, thanh thiếu niên phạm pháp đang được các cơ sở bác ái của Giáo Hội săn sóc, đùm bọc.

Trong dịp kỷ niệm này, một giáo xứ mới sẽ được khánh thành nâng tổng số giáo xứ lên năm giáo xứ. Đức Tổng Giám Mục Savio Hàn Đại Huy là thư ký của Thánh Bộ Truyền giáo cho muôn dân sẽ đại diện cho Đức Thánh Cha đến chung vui với Giáo Hội Mông Cổ.

Mông Cổ hiện có 2,7 triệu dân. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng Giáo Hội Công Giáo tại đây đang có nhiều tiềm năng phát triển mạnh nhờ hệ thống các trường học từ tiểu học đến trung học. Tưởng cũng nên biết thêm năm 1991, Cộng Hòa Mông Cổ - vừa ra khỏi 65 năm (1924-1989) kềm kẹp của chủ nghĩa cộng sản do Liên Xô cầm đầu - Phó Thủ Tướng nước này đã đến Rôma xin Tòa Thánh thiết lập quan hệ ngoại giao với Mông Cổ đồng thời xin gởi các nhà thừa sai đến dạy ngoại ngữ và phụ trách công tác xã hội.

Tòa Thánh chấp nhận ngay và giao phó trách nhiệm truyền giáo cho các Linh Mục Thừa Sai dòng Khiết Tâm Đức Mẹ, hay cũng gọi là Các Cha Scheut. Scheut là tên của khu ngoại ô Bruxelles, thủ đô vương quốc Bỉ, nơi Hội Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ thành hình và có trụ sở đầu tiên vào năm 1862. Trong buổi khai sinh, Dòng đặt trọng tâm truyền giảng Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô cho Trung Hoa. Quả thế, năm 1865, Dòng bắt đầu hoạt động tại Nội Mông Cổ. Nhưng đến năm 1924, các Cha Scheut bị bắt buộc rời bỏ Mông Cổ, khi quốc gia này theo chủ nghĩa cộng sản.

Với niềm hân hoan khôn tả, các Linh Mục Khiết Tâm Đức Mẹ lên đường đi Mông Cổ, nối lại nhịp cầu dĩ vãng. Ngày 10 tháng 7 năm 1992, 3 Linh Mục Thừa Sai, hai vị người Phi-luật-tân và một vị người Bỉ: là các cha Wens Padilla, Gilbert Sales và Robert Goessens, đặt chân đến Oulan-Bator. Các Linh Mục khởi đầu công tác truyền giáo với các dịch vụ thuần túy văn hóa và xã hội, theo lời yêu cầu của chính quyền Mông Cổ.

Các Cha Thừa Sai Khiết Tâm Đức Mẹ mở trường dạy miễn phí tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nhật. Dần dần trung tâm văn hóa của các ngài thu hút rất đông bạn trẻ Mông Cổ, kể cả người trưởng thành. Họ đến theo các khóa học, nhưng nhất là, xem các Linh Mục Thừa Sai sống như thế nào, bởi lẽ họ ngỡ ngàng trước một tôn giáo hoàn toàn trao ban cách nhưng không.

12. Ban Hợp Xướng Tu Viện Westminster trình diễn cho Đức Giáo Hoàng tại Đền Thờ Thánh Phêrô

Hàng năm vào ngày 29 tháng 6, Giáo hội Công giáo kỷ niệm ngày lễ kính hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Năm nay, dịp này được đánh dấu bởi sự hiện diện của Ban Hợp Xướng Anh giáo nổi tiếng nhất từ tu viện Westminster của Luân Đôn.

Họ hợp tấu cùng với Ca Đoàn Sistina của Tòa Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô cho Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. Trong lịch sử 500 năm của ca đoàn Vatican, đây là lần đầu tiên họ hát với một nhóm khác.

Tầm quan trọng của dịp này được cảm nhận bởi các thành viên của cả hai Giáo Hội.

Linh mục James Hawkey lãnh xướng của Tu Viện Westminster nói:

"Chúng ta có cảm giác rằng có hai cơ hội lịch sử và văn hóa nghệ thuật phi thường này cùng hợp với nhau để tạo thành một dự án đại kết đặc biệt này, đó là điều chưa bao giờ xảy ra." 

Hai ca đoàn đã dành thời gian tập luyện cùng nhau để họ có thể học các bài hát họ sẽ hát chẳng hạn như các bài của Marcelli Papae. Việc sắp xếp hòa âm được kết hợp từ truyền thống âm nhạc Anh giáo và Công giáo.

Sự hiện diện của Ban Hợp xướng Westminster tại Vatican là một sự việc không thể tưởng tượng nổi trong quá trình giao tiếp qua giòng thời gian giữa hai Giáo Hội

Linh mục James Hawkey nói tiếp:

"Chúng tôi không chỉ cùng nhau làm một buổi hòa nhạc chung, chúng tôi ca hát trong phụng vụ. Có một ý thức mạnh mẽ, trong đó Giáo Hội của chúng ta phát hiện ra nền tảng mới trong mối quan hệ với nhau, nền tảng mới này gây ấn tượng chúng ta thuộc về lẫn nhau trong mối quan hệ đối tác này. "

Ban Hợp Xướng Westminster Abbey đã được mời đến Rôma sau chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tại Vương quốc Anh trong năm 2010 khi ngài tham dự một buổi lễ cầu nguyện tại Tu Viện Westminster.

Ngoài ra, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cũng chia sẻ một mối quan hệ đặc biệt với nhà lãnh đạo Anh giáo, là Đức Tổng Giám Mục Rowan Williams, và vị này sẽ đến thăm Rôma vào tháng Mười để nói chuyện với thượng hội đồng giám mục Công giáo về Tân Phúc Âm Hóa.

13. Các tác phẩm cổ bị đánh cắp từ Nhà thờ Santiago de Compostela đã được tìm lại.

Cảnh sát Tây Ban Nha đã thu hồi Calixtinus Codex, một bản thảo từ thế kỷ 12 đã bị đánh cắp cách đây một năm từ Nhà thờ Santiago de Compostela của Tây Ban Nha. Bản thảo đã được tìm thấy tại thị trấn nhỏ Milladoiro, gần Santiago, gói trong một túi rác trong nhà để xe của một thợ điện địa phương.

Người thợ điện đã làm việc tại nhà thờ chính tòa trong 25 năm qua và đã bị bắt vì nghi ngờ trộm cắp. Ngoài bản thảo Codex ra, cảnh sát còn tìm thấy một số đồ vật khác thuộc nhà thờ và hơn một triệu euro tiền mặt.

Bản thảo Calixtinus Codex được coi là tài liệu hướng dẫn đầu tiên về tuyến đường hành hương nổi tiếng "Con đường của Thánh Giacôbê Tông Đồ". Trước khi bị đánh cắp vào tháng Bảy năm 2011, bản thảo đã nằm trong kho lưu trữ của nhà thờ.

14. Viện bảo tàng Roma kỷ niệm ngày giải phóng Đức Quốc Xã với hình ảnh thời Đệ Nhị Thế chiến 

Viện Bảo tàng Capitoline của Rôma đamg trưng bày một bức ảnh tiêu biểu nhất trong lịch sử của thành phố Rôma. Bức ảnh được gọi là ' Giải phóng Rôma, 04 tháng Sáu năm 1944'. Đó là ngày quân Đồng minh tiến vào thành phố này, đánh dấu thủ đô châu Âu đầu tiên được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Đức Quốc xã.

Giovanni Cipriani thuộc viện văn hóa chuyên cổ vũ sách báo cho biết:

"Đó là một sự kiện quan trọng bởi vì nó đánh dấu ngày Rôma trở lại thành thủ đô của Ý, vì Rôma đã phải chịu thời gian rất khó khăn trong chín tháng dưới sự chiếm đóng của Đức Quốc xã. Dân chúng phải chịu đựng rất nhiều và cuối cùng đời sống trở lại bình thường sau sự xuất hiện của binh đoàn, chủ yếu là Quân đoàn Năm dưới quyền chỉ huy của Tướng Clark.

Những bức ảnh cho thấy cảnh tiến quân của Tướng Clark vào thành phố Rôma. Ngoài ra, các bức ảnh này cũng ghi nhận là đoàn xe của ông đã đi sai lối và kết thúc tại Quảng trường Thánh Phêrô trước khi đến điểm tập kết mừng chiến thắng tại đồi Campidoglio. 

Ngoài ra còn có rất nhiều bức hình chụp từ các tờ báo và tạp chí từ Hoa Kỳ, Châu Âu, và thậm chí cả công báo Vatican. Tất cả đều thông báo sự xuất hiện của quân đội Đồng minh.

Giovanni Cipriani nói thêm:

"Bức ảnh này chụp trung tâm của thành phố, phía sau là Palazzo Chigi, tòa nhà mà lúc đó là trụ sở của Bộ Ngoại giao, trong khi một đoàn quân Ý từ Naples, lần đầu tiên tiến vào trong khi dân chúng thành phố Roma chào mừng. "

Cuộc triển lãm được chia thành nhiều phần khác nhau, chẳng hạn như phần các ảnh màu mới tìm được. Các phần khác được dành riêng cho người Mỹ, Anh, và các thành viên khác của lực lượng Đồng Minh. Những hình ảnh cũng ghi lại binh sĩ Do Thái, những người đã chiến đấu để giải phóng Rôma và nhiều người trong số này gặp nhau tại Đền Thờ Do Thái địa phương.

Nhiều người trong số những người lính Mỹ đã giúp giải phóng Rôma được đón tiếp đặc biệt khi trở về quê hương. 

Giovanni Cipriani nhận xét

"Đã có ngay sự cảm thông đặc biệt giữa người Ý và binh lính Mỹ. Chúng ta nên nhớ rằng rất nhiều binh sĩ từ Hoa Kỳ cũng là người Ý hoặc là con em người Ý di cư sang Mỹ. "

Phần triển lãm ''Giải phóng Rôma'' đã được hàng trăm khách du lịch viếng thăm hàng ngày khi họ đi qua những vòi phun nước khác nhau và các tòa nhà lịch sử. Cuộc triển lãm cũng đã giúp nhớ lại những ngày quan trọng nhất trong lịch sử của Rôma và góp phần trong việc hoạch định tương lai của thành phố.

Nguyễn Minh Tâm dịch
VietCatholic

0 nhận xét:

Đăng nhận xét