29TH. 7
LTCGVN (29.07.2012) - Ngày 17/7/2012 vừa qua đã xảy ra một sự việc vô cùng đau xót khi 47 thánh giá ở nghĩa trang xã Nghĩa Trung, Nghĩa Đàn, Nghệ An bị triệt hạ trước sự ngỡ ngàng của những người giáo dân nơi đó.
Đây là một sự tiếp nối cho một chuỗi các hành vi xúc phạm niềm tin của người Công Giáo trong thời gian qua ở Việt Nam. Chắc hẳn dư luận vẫn chưa quên được sự kiện vào tháng giêng năm 2010, tại xứ Đồng Chiêm, cây Thánh Giá trên Núi Thờ đã bị triệt hạ sau sự kiện khai mạc năm Thánh 2010 và sự kiện Đại Hội Giới Trẻ 2009 kết thúc tại Đền Hùng.
Tại sao những hành động vô nhân đó cứ liên tiếp xảy ra?
Như chúng ta đã biết Thánh giá là biểu tượng của niềm tin, là lẽ sống của người Ki tô hữu.Thánh Giá còn là biểu tượng của các nền văn minh, biểu tượng của bác ái và nhân hậu của ơn cứu độ. Hãy nhìn các kiến trúc qua bao nhiêu thế hệ thì rõ. Hãy nhìn Hội Hồng Thập Tự thì biết. Việc các Thánh tử đạo Việt Nam đã chấp nhận chọn cái chết chứ không bước qua Thánh Giá dù chỉ là hình vẽ đã là minh chứng rõ nét cho điều này.
Xã hội ngày càng văn minh người ta càng nhận thức được rằng việc triệt hạ Thánh Giá hay xúc phạm đến niềm tin Công Giáo là dấu hiệu của một xã hội suy đồi đạo đức, của một nền văn minh sự chết, của quyền lực bóng tối. Nó không đủ mạnh để xóa nhòa được dấu tích tôn giáo nhưng càng củng cố thêm niềm tin, sức mạnh và hiệp thông của các giáo hữu mà thôi. Chính TT Barack Obama đã khẳng định "Sự khó chịu của những người cấp tiến trước bất kỳ dấu vết tôn giáo nào đã ngăn cản không cho chúng ta giải đáp hiệu quả những vấn đề bằng ngôn ngữ đạo đức".
Xã hội Việt Nam- bức tranh hỗn loạn
Thế nhưng, điều đáng buồn là trong xã hội này, người ta vẫn vô tình hay cố ý không hiểu và biết được điều này. Đơn giản, họ vẫn tôn thờ cái học thuyết "vô thần" và rằng việc phát triển tôn giáo là đi ngược lại với văn minh của nhân loại, là rào cản tiến lên cái gọi là "thiên đường xã hội chủ nghĩa". Thực tế, sau bao nhiêu năm vận dụng người ta thấy được gì ở xã hội hiện tại? Một xã hội mà các nền tảng đạo đức bị băng hoại thê thảm, nền giáo dục yếu kém, lạc hậu tuột dốc không phanh và tình trạng tham nhũng, bất công, tội ác tràn lan, bên ngoài thì nguy cơ ngoại xâm ngày càng thường xuyên và rõ ràng hơn...Đến lúc này, nhiều người có tâm huyết với vận mệnh dân tộc đang đặt lại câu hỏi, con đường nào cho Việt Nam?
Trong bối cảnh xã hội như trên thì tôn giáo nói chung và Công Giáo nói riêng đang là xu thế để người ta hướng tới, đang ngày càng có tầm ảnh hưởng lan rộng. Và phải chăng chính điều này đã làm cho các nhà cầm quyền hoang mang, lo sợ. Hơn ai hết họ phải hiểu rằng, việc tồn vong của chế độ hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ và cách hành xử của họ đối với nhân dân. Những hành động xúc phạm tôn giáo, gây chia rẽ đoàn kết tôn giáo chỉ là chất xúc tác làm cho đất nước ngày một yếu đi mà thôi.
Hơn bao giờ hết, trong lúc này đất nước đang cần sự đoàn kết hòa giải dân tộc và chính các nhà lãnh đạo phải là tiên phong trong việc này. Nhà cầm quyền cần chấm dứt ngay những hành động không đáng có này. Thiết nghĩ sự đối thoại có thể đạt được hay không là phụ thuộc lớn ở sự thiện chí từ phía chính quyền.
Hoàng Thi -
0 nhận xét:
Đăng nhận xét