Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

Quy tụ đoàn chiên



Ephata – Trong những ngày hè nóng bỏng, tôi tham dự một chuyến ra miền Trung thăm anh em tôi, trước lúc lên đường, tôi tự hỏi, sao lại chọn mùa hè nóng nảy này để ra Trung? Nhưng hỏi để mà hỏi vì chương trình đã được anh em sắp đặt, mình phải lên đường.
Miền Trung tháng bảy nắng cháy da người, dân thành phố chúng tôi ngơ ngác thở giốc, cái nóng và cái nắng làm hao tổn sức lực rất nhanh. Nơi đến đầu tiên là cảng Sa Kỳ để lấy tàu ra đảo Lý Sơn, từng nhóm người tụ họp dưới những bóng cây trứng cá hiếm hoi để chờ tàu, ra đến đây tôi mới hiểu tại sao người ta lại ra miền Trung mùa này. Chỉ có mùa này biển mới yên, tháng tới và cho đến cuối năm sẽ là mùa giông bão, có khi đảo bị cắt liên lạc với đất liền cả tuần lễ.
Chuyến ra đảo quả là một chuyến đi kinh hoàng, mặc dù ngày nay đã sử dụng tàu cao tốc, nhưng mỗi ngày chỉ có một chuyến, hành khách cả trăm người bị dồn xuống chật cứng các khoang tàu. Cái nắng thiêu đốt từ trên dội xuống, cái nắng gay gắt hắt từ dưới mặt nước lên. Cảng Sa Kỳ không một bóng cây, tàu không nổ máy, phòng cửa kính kín bưng nên cái nóng càng hầm hập và ngột ngạt. Gần một giờ chờ tàu, người nhân viên mới chợt nhớ chưa bật máy điều hòa, đến khi bật máy thì lại càng thấy nóng hơn, có vài người đứng lên kiểm tra, hóa ra nhà tàu đã bật lộn hệ thống… sưởi nóng (heat)! Khi tàu chạy rồi, người ta không bật máy lạnh nữa mà mở hai cửa bên cánh nên gió biển thổi vào mới đỡ một chút, tuy nhiên cái nóng cũng đủ làm ướt sũng tất cả những gì đang mặc trên mình.
Từ rất nhiều năm trước, anh em tôi đã ra đảo trong những điều kiện còn muôn vàn khó khăn hơn, phương tiện chỉ là chiếc thuyền gỗ. Khi trở về lại Châu Ổ, Quảng Ngãi, gặp các cha già nghe kể chuyện hơn 40 năm cũ, mới hiểu mọi người đã từng trải gian khổ thế nào.
Sau hơn một giờ hải hành, chuyến tàu hãi hùng quăng chúng tôi lên đảo, từng đoàn xe ôm hiếu khách đã được chuẩn bị chở chúng tôi về Nhà Thờ, cái nóng vẫn hầm hập đổ xuống, không một chút gió. Của đáng tội, để được sự bình an không sóng gió, người dân ở đây phải chịu đánh đổi bằng cái nóng kinh hồn.
Cả đoàn mệt phờ phạc, ai nấy kiếm một chỗ tạm dung thân. Có đi đến nơi mới thấy thương anh em mình, anh em chịu đựng suốt từ ngày này qua ngày khác, hết năm này qua tháng khác, thậm chí có cha còn bị trục xuất khỏi đảo và ngôi Nhà Thờ đã phải vắng bóng Linh Mục nhiều năm.
Nghe một cha trẻ kể chuyện, khi trước còn là sinh viên, anh em mùa hè ra đảo chọn sống cảnh nghèo, khi ghe chở đoàn vừa cập bến, tất cả được đưa ngay vào đồn “làm việc”, kết quả là các sinh viên Tu Sĩ bị trục xuất lập tức ra khỏi đảo. Kinh nghiệm chuyến đi ra bằng ghe bão bùng, anh sinh viên trẻ này lấy thuốc chống say sóng ra uống ngay, nhưng tất cả lại bị trục xuất khỏi đảo bằng canô cao tốc của Công An nên khi vào đến bờ rồi thuốc mới có tác dụng, báo hại anh sinh viên ngây ngất cả ngày. Kể ra cũng còn lời chán, tự dưng được đi một chuyến “du lịch bất đắc dĩ” bằng canô hiện đại miễn phí!
Chúng tôi có dịp ngồi nghe các bậc trưởng thượng tâm sự, ngày ấy khi chiến sự ác liệt, vị Bề Trên bay vội từ Sàigòn ra hỏi ý anh em: “Bây giờ chiến tranh căng thẳng, anh em muốn vào Sàigòn hay ở lại? Nếu anh em muốn vào thì thu xếp hành trang ngay, sẽ liên lạc để có một chuyến bay đón anh em vào”. Sau khi cầu nguyện anh em quyết định ở lại, tất cả ôm lấy nhau khóc và chia tay. Năm ấy có hai anh em phải nằm lại vĩnh viễn trên mảnh đất nghèo nàn gian khổ miền Trung. Tử thương vì bom đạn, cả hai trước giờ nhắm mắt còn nói với anh em: “Xin chôn con ở miền truyền giáo, giữa anh em mình”.
Một anh em trẻ chia sẻ: “Trở lại miền đất bao năm qua thiếu vắng sinh hoạt, con như được an ủi, khích lệ và can đảm khi nhìn thấy ngôi mộ của anh em mình nằm giữa núi rừng hoang vu, tuy lạnh lẽo đơn độc nhưng mạnh mẽ và ấm áp lạ thường, chúng con biết có người đã làm hạt lúa gieo vào mảnh đất hoang sơ này cho chúng con thực hiện việc gieo gặt hôm nay”.
Bao năm trôi qua rồi, nhắc lại kỷ niệm xưa, đôi mắt của cha già vẫn còn ngấn lệ, giọng ngài nghẹn lại vì xúc động. Làm mục t ử, anh em không thể bỏ đoàn chiên của mình, gian khổ hiểm nguy đến mấy cũng không thể làm cho phải chia cắt. Khi hoàn cảnh éo le, người ta trục xuất, mình đành lặng lẽ ra đi, khi tình hình êm thuận lại tìm cách quay về, đoàn chiên có tan tác nhưng khi có chủ chăn liền tập họp lại ngay. Cha thương con nhiều hơn vì con vẫn trung kiên, con thương cha nhiều hơn vì cha không bao giờ bỏ rơi con…
Vâng, tình thương và lòng nhiệt thành thách thức Sự Dữ!
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 22.7.2012
3 tuần sau biến cố đau thương ở Con Cuông
Nguồn: Ephata 519

1 nhận xét:

  1. sạo vừa vừa thôi đừng nói con chiên và chủ chiên giống người chăn thú.

    Trả lờiXóa