Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

“Khóc mà chi, yêu thương qua rồi,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 17 thường niên năm B 29.7.2012

“Khóc mà chi, yêu thương qua rồi,”
“Than mà chi, có ngăn được xót xa.
“Tiếc mà chi, những phút bên người,
“Thương mà chi, nhắc chi chuyện đã qua.”
(Hoàng Nguyên – Cho Người Tình Lỡ)
(Êp 4: 18-25)
            Viết “cho người tình lỡ”, mà lại bảo: “Thương mà chi, nhắc chi chuyện đã qua”,kể ra cũng khó. Khó nói và khó viết. Khó, là bởi người đọc hoặc người nghe vẫn thấy “yêu thương qua rồi”, “những phút bên người”, nay thành “chuyện đã qua.
            Viết cho người đời, đi Đạo ở thánh hội, cũng có tình huống tưởng như “chuyện đã qua”, nhưng thực tế đâu đã dễ. Trong đời đi Đạo sống rất đạo hạnh, lại có những chuyện “hơi giông giống” sự việc tưởng chừng đã qua, đây rồi cũng quên. Nhưng, đâu ngờ chuyện ấy, người xưa vẫn cứ trở về trong ký ức rất khó phai, nhiều cảm nghiệm như chuyện thấy nơi “Bản Tin Giáo xứ” trời Tây, hôm ấy như sau:

“Tháng ngày qua, ai trong chúng ta hầu như cũng hơn một lần tiếp xúc đủ mọi truyền thông đại chúng, tựa hồ: hội thoại ba chiều, điện đàm có hình ảnh, hoặc “điện thư phát tiếng”. Vì, đây là thành phần không thể thiếu trong cuộc sống đương đại. Nhiều lúc, ta không thể nào bỏ qua được tình huống vật vã khi giao tiếp với người ở đầu giây bên kia điện thọai, cứ hét cho to những điều vẫn nói đi rồi lại nói lại trong điện đàm. Cuộc sống hiện giờ là thế đó.
Cứ tưởng tượng, vào một ngày đẹp trời nào đó, Chúa cài đặt  “điện thư phát tiếng” vào hệ thống giao lưu Thiên đường, chẳng biết sự việc rồi sẽ ra sao? Như, chuyện: đang tập trung nguyện cầu lại nghe có tiếng từ đâu đó, cứ bảo nhỏ:
“Cảm ơn con đã gọi. Ta là Thân Phụ của Chúa. Con hãy nhấn một trong các số sau đây:
-Muốn xin điều gì, con nhấn số “1”.
-Muốn nói lời cảm tạ, con nhấn số 2.
-Nếu cần tả oán/than phiền một ai, con nhấn số “3”.
-Về chuyện gì khác, hãy nhấn số “4” cho Cha.
Đơn giản, chỉ mỗi thế”.
Có trường hợp, Chúa hành xử còn theo lối xã giao thông thường, như:
Xin lỗi con, Cha đang bận giải quyết đôi chuyện cho người anh em của con, bên đó. Tuy thế, lời cầu của con rất cần với Cha, nên hãy cứ chờ, Cha sẽ trở lại nói với con trong giây phút”... Gặp như thế, ta hành xử ra sao?
Có trường hợp còn tệ hơn, khi điện đàm mà lại thấy có lời nhắn, đối đáp thế này:
“Vi tính của Cha cho thấy: con đã cầu nguyện như thế đến 3 lần suốt hôm nay. Gác máy đi con rồi trở lại gặp Cha mai mốt nhé” ...
hoặc “Văn phòng của Cha hôm nay đóng cửa vì là ngày Sabát, con cứ trở lại mà đến với Cha lúc “Không” giờ vào thứ Hai tuần tới, nhé. Hoặc, có chuyện gì khẩn cấp cần giải quyết, con cứ đến gặp Linh mục Chánh xứ, hoặc thầy I-mam hoặc các Thượng tế trong vùng, cũng được!”
Ở đây, trường hợp nào cũng là gọi-đáp. Vào thời trước, chuyện này vẫn xảy đến trong giấc mộng. Nay, lại đến bằng kỹ thuật truyền thông, vi tính.“ (x. Lm Richard Leonard sj, Suy niệm Chúa Nhật 12 thường niên năm B,www.giadinhanphong.blogspot.com 24/6/2012)

            Vi tính/ vi mô, hay vi gì đi nữa thì người đời hễ đụng chuyện, là cứ ca và cứ hát những lời rằng:

“Anh giờ đây như là chim
Rã rời cánh biết bay phương trời nào
Em giờ đây như cành hoa
Trót tả tơi đón đưa ngọn gió nào.”
(Hoàng Nguyên – bđd)

“Anh giờ đây”, như chim rã cánh. “Em giờ này”, như hoa tả tơi đón ngọn gió. Ngọn gió hay vẫy chào bầy chim bay phương nao, là tâm trạng của nghệ sĩ ngoài đời, nay cứ hát. Nhà Đạo lúc này cũng có tâm trạng hệt như thế. Và, như thể chim loài, gió ngọn vẫn chào vẫn đón hết mọi người ở mười phương/tám hướng, rất thân quen. Những phương và hướng, cứ dồn dập chuyện “chẳng đặng đừng” khiến người người phải suy tư/nghĩ ngợi, thấy cũng ngại. Ngại nhất, là chuyện thời thượng xảy đến, bấy lâu nay.
Chuyện lâu nay, hôm này, còn là chuyện xảy đến để ta bàn thêm cho rõ. Rõ như ban ngày, là chuyện thế này:

“Thập niên ’60 ở Hoa Kỳ, điều dễ thấy như ban ngày, là thế này: cứ 100 người Mỹ sống ở đời thường, thì có đến 80 người đều đã hoặc đang có vợ. Thế nhưng, thống kê mới đây cho thấy, con số ấy này hiện suy giảm chỉ còn 52% thôi. Đó là con số thấp nhất trong năm 2009. Tìm hiểu lý do dẫn đến chuyện như thế, nhiều người thấy lý do là vì số người ly dị ở Mỹ nay lên rất cao. Thêm vào đó, người ta lại đã thay đổi thái độ về chuyện “tiền dâm hậu thú” mất rồi. Lại nữa, phản ứng của xã hội đối với chuyện ly thân/ly dị, nay dễ chấp nhận. Lại đến chuyện sinh con đẻ cái không cần có cha mẹ ruột hoặc chuyện người mẹ đơn chiếc một mình nuôi con nay tràn lan, rộng khắp. Cả đến thái độ như từ từ mới tính chuyện lập chuyện gia đình đã thành phổ biến, ở huyện. Ngoài ra, lý do tài chánh kinh tế cũng tiếp tay tạo thành duyên cớ, khó cãi tranh.
Nhưng, thái độ của người Công giáo trước viễn tượng đó ra sao? Có thay đổi gì không? Trả lời vấn nạn này, trên bản tường trình mang tên “Vị Khách Ngày Của Chúa” phát hành vào năm ngoái 2010, tác giả Mark M. Gray thuộc Trung tâm Nghiên cứu về Nếp sống Tông đồ Mục vụ của Giáo dân chuyên nghiên cứu/khảo sát về cuộc sống của người Mỹ tính từ năm 1972 đến 2010 cho thấy: số người chịu làm đám cưới trong nhà thờ nay giảm sút đến 60%, dù con số người Công giáo nói chung ở Mỹ lại đã gia tăng lên đến 17 triệu người. Tỷ lệ người Công giáo có gia đình cũng sụt giảm từ 79% năm 1972, xuống còn 53% năm 2010. Cũng trong thời gian này, số người Công giáo tái giá mà không cần chờ quyết định của toà án Giáo hội cho phép huỷ bỏ hôn nhân cũ tiếp tục dâng cao.
Vấn đề là, làm thế nào để lật ngược khuynh hướng đang trấn áp như thế để có lợi cho cá nhân mỗi người có mặt trong đó và cho cả xã hội, nói chung nữa?
Tình thật mà nói, chủ trương “một vợ một chồng”, cũng như hôn nhân giữa người khác phái sống mãi một đời, có khả năng sinh con đẻ cái, vẫn là lý tưởng để giáo hội có cớ mà vui mừng. Nhưng, thông điệp Giáo hội đưa ra về chuyện hôn nhân một vợ một chồng ăn đời ở kiếp với nhau mãn đời chừng như nay rơi vào sa mạc im ắng lắm. Ai cũng hiểu cũng biết đến giáo huấn của Hội thánh về lòng đạo giúp mình sống đời dục tình và hôn nhân cho phải lẽ vẫn bị nhiều người Công giáo nghi ngại hoặc lờ tịt. Cả chuyện ngăn cấm ngừa thai theo phương pháp nhân tạo cũng bị hầu như 90% các cặp phối ngẫu người Công giáo bác bỏ. Chừng như đa phần người Công giáo còn lựa chọn làm đám cưới ở nhà thờ, lại chung sống với nhau trước khi cưới.
Ngày nay, Giáo hội đáp trả ra sao về mục vụ và tín lý trước cảnh tượng người Công giáo nói riêng, nay thôi không còn nghe theo và thực hiện giáo huấn của hội thánh nữa? Thật khó mà đoán được rằng giáo huấn này có thay đổi không trong tương lai rất gần? Điều này khiến những người lâu nay bất đồng về mặt lương tâm đang sống trong tình trạng như có sự chia cách về niềm tin, khiến họ xa dần các phép bí tích, đặc biệt là bí tích xá giải. Và, chuyện nghi ngờ về giáo huấn của Hội thánh, nói chung, xem ra cũng trên đà gia tăng. Thừa biết con dân mình nay có động thái chia cách tách bạch về lập trường sống, Hội thánh đã thấy khó mà đưa ra lý lẽ nào khả dĩ thuyết phục được mọi người hài lòng để được ân huệ Chúa ban ngang qua hôn nhân. Không thuyết phục được người siêng chăm đi nhà thờ nhà thánh đã thành chuyện, còn chuyện khác nữa, là: thông điệp do Hội thánh đưa ra, sẽ khó lòng tạo ảnh hưởng lên văn hoá nói chung.” (x. A Modus Vivendi? Sex, Marriage & the Church,http://commonwealmagazine.org ngày 29/12/2011)

            Thế đó là nhận định của một học giả thuộc loại tầm cỡ, ở trời Tây Âu/Mỹ rấtCambridge. Nhận định của ông, nếu đưa vào đời có thơ và có nhạc, hẳn nhiều người sẽ lại hát những ca từ, như sau:

“Mình nào ngờ, tình rơi như lá rơi.
Người tình đầy, vòng tay ôm quá lơi.
Để giờ này một người khóc đêm thâu,
Một người nén cơn đau, nghe mưa mà cúi đầu.
Thế là hết, nước trôi qua cầu.
Đã chìm sâu những tháng ngày đắm mê.
Thôi đành quên, những tiếng yêu đầu
Những lời yêu ấy, nay đã quá xa.”
(Hoàng Nguyên – Bđd)

Thật ra, như thế đó đâu có là “Nước trôi qua cầu”, cũng chẳng là “tiếng yêu đầu”, “lời yêu ấy nay đã quá xa.” Bởi, những “lời yêu ấy” hay “câu ca này” vẫn cứ là tình tự của những người sống đời thường vẫn rất mực. Bởi, lời yêu thương đích thực, phải có cuộc sống như lời của thánh nhân nhà Đạo từng quả quyết, rất như sau:

”Tôi khuyên anh em: đừng ăn ở như dân ngoại nữa,
vì họ sống theo những tư tưởng phù phiếm của họ.
Tâm trí họ đã ra tối tăm,
họ xa lạ với sự sống Thiên Chúa ban,
vì lòng chai dạ đá khiến họ trở nên dốt nát.
Họ đã mất ý thức nên đã buông thả,
sống phóng đãng đến mức làm mọi thứ ô uế cách vô độ.
Còn anh em,
anh em đã chẳng học biết về Đức Kitô như vậy đâu;
ấy là nếu anh em đã được nghe nói về Đức Giêsu
và được dạy dỗ theo tinh thần của Người,
đúng như sự thật ở nơi Đức Giêsu.
Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa,
là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối,
anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em,
và phải mặc lấy con người mới,
là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa
để thật sự sống công chính và thánh thiện.”
(Êp 4: 18-25)

            Cuối cùng thì, tất cả rồi cũng sống. Nhưng, sống có như lời dạy ở trên hay không, đó mới là vấn đề. Sống, như được dạy từ năm trước, kiếp trước. Có trước có sau, cũng rất hậu. Sống có trước có sau, là sống xứng đáng như một “Kitô-khác”. Là, sống như người được dạy theo tinh thần của Đức Kitô, suốt một đời. Sống xứng đáng như người đời, ở ngoài đời vẫn từng hát:

            “Nẻo đường cũ giăng đầy mưa
Khuất mù lối khiến nên tình đành lỡ
Ta giờ đây như rừng thu
Nắng liệm với chiếc lá vàng cuối mùa.” 
(Hoàng Nguyên – bđd)

            Sống như người được dạy dỗ, ở nhà Đạo, là sống có diện mạo của Đức Kitô phản ánh trong đời sống. Là, sống có tình, có lý đúng nghĩa nhân bản, chứ không là sống theo thời, rất đua đòi. Sống đời người nhà Đạo có tình có lý, có cả luân lý, đạo đức là sống không hổ thẹn với lương tâm. Sống có lương tâm, là sống cuộc đời năng nổ nhưng bình dị, mẫn cán, chẳng ai chê.
            Nói nôm na, thì sống cuộc đời bình dị con nhà có Đạo, là sống mà không sợ người khác chê cười. Dù đôi lúc người mình cũng có những động thái khá là kỳ quặc, như truyện kể nước người có giai thoại rất như sau, coi như để minh hoạ cho một cuộc sống trầm lắng, bình dị, yên ổn, từ tựa câu truyện vui ở bên dưới:

“Truyện xảy ra tại sảnh đường toà thị chính ở San Francisco, bangCalifornia Mỹ hôm ấy như sau:
                        -Người kế tiếp, xin mời.
                        -Chào cán bộ. Chúng tôi muốn xin giấy chứng hôn nhân, được không ạ?
                        -Hai anh tên gì?
                        -Dạ, chúng tôi là Văn Nhân và Nhân Văn, cùng họ Nguyễn.
                        -Cùng họ sao? Thế, có liên hệ bà con không?
                        -Dạ, chúng tôi là anh em ruột.
                        -Anh em ruột sao lại lấy nhau?
            -Dạ, thế không được sao? Cán bộ vẫn cấp giấy chứng cho người cùng phái tính chứ? 
                        -Đúng. Cả ngàn người, nhưng chẳng ai là anh em. Anh em lấy nhau là chuyện vô luân. 
                        -Vô luân ư? Bọn tôi có đồng tính luyến ái đâu mà gọi là vô luân!
                        -Không đồng tính luyến ái, sao đòi cưới nhau?
            -Thưa, bọn tôi làm thế vì lý do tài chánh. Nhưng thực sư thương yêu nhau, chứ chẳng có ý đồ nào khác.
            -Chính phủ cấp giấy chứng hôn nhân cho các cặp đồng tính luyến ái nam hoặc nữ bị luật lệ từ chối cơ hội đồng đều. Các anh không là anh em đồng tính luyến ái, vẫn có thể lấy phụ nữ làm vợ được mà.
            -Xin cho tôi nói. Người đồng tính có quyền lấy phụ nữ làm vợ như bọn tôi, điều đó ai cũng biết. Nhưng, bọn tôi thẳng thắn nạp đơn, đâu có nghĩa là bọn tôi muốn lấy phụ nữ làm vợ. Tôi chỉ muốn cưới mỗi Văn Nhân thôi.
            -Còn tôi, chỉ muốn cưới Nhân Văn thôi. Phải chăng như thế là cán bộ kỳ thị người không phải là đồng tính luyến ái chứ gì?     
            -Thôi được. Thôi được. Tôi cấp cho các anh giấy ấy. Nào, mời người kế tiếp!
            -Dạ. Chúng tôi đến đây xin cưới nhau và muốn nhận giấy chứng hôn nhân.
            -Các người tên gì?
            -Nguyễn Công Khai, Lý Thị Chứng, Đặng Đình Ban và Bùi Thị Nạc.
            -Ơ kìa? Ai lấy ai thế này?
            -Bọn tôi tất cả đều muốn lấy nhau.
            -Ấy ấy! Như thế nghĩa là thế nào? Lấy cả bốn người hay sao?
            -Đúng. Cán bộ biết đấy. Bọn tôi đều lưỡng tính. Tôi yêu Thị Chứng và Đình Ban, Thị Chứng cũng yêu tôi và yêu Thị Nạc. Thị Nạc lại cũng yêu Đình Ban và Thị Chứng; và Đình Ban yêu luôn Thị Nạc và lẫn tôi nữa. Chúng tôi cùng muốn lấy nhau. Có như thế mới chứng tỏ là chúng tôi chọn phái tính nào thích hợp trong hôn nhân.
            -Ấy nhưng mà, đây chỉ cấp giấy chứng hôn nhân cho người đồng tính luyến ái mà thôi.
            -Nếu thế thì, cán bộ kỳ thị người khác tính phái nhưng lại yêu nhau có phải không?
            -Không phải. Ý nói thế này: truyền thống hôn nhân chỉ có nghĩa cho từng cặp một thôi.     
            -Thế là cán bộ cũng đứng trên quan điểm truyền thống của cha ông sao?
            -Ý tôi nói, là quý vị phải vẽ cho mình một đường hướng truyền thống thôi.
            -Ai nói vậy cán bộ? Không ai có quyền giới hạn hôn nhân chỉ cho từng cặp mà thôi. Càng nhiều cặp càng tốt. Nhưng thôi, bọn tôi đến đây để đòi quyền lợi đồng đều! Thị trưởng của chúng ta chả nói là hiến pháp bảo đảm luật pháp bảo vệ mọi người đồng đều sao? Cán bộ phải cấp giấy chứng hôn nhân cho chúng tôi mới đúng.
            -Thôi được. Thôi được. Mời người kế tiếp.
            -Xin chào cán bộ. Tôi muốn xin giấy chứng hôn nhân.
            -Cho ai?
            -Cho tôi là Đặng Quyết Liệt.
            -Còn người mà anh muốn cưới đâu rồi?
            -Chỉ mình tôi. Chẳng có ai là người kia hết. Tôi chỉ cưới mỗi mình tôi mà thôi.
            -Cưới chính mình? Thật ra, ý anh muốn nói gì?
            -Tôi mới vừa nói xong. Bác sĩ trị tâm thần bảo rằng: trong tôi có hai con người. Vậy nên tôi muốn cưới người thứ hai kia thôi. Làm như thế tôi đòi được tiền thuế nhà trả cho hai người.
            -Vậy sao? Nếu thế, tôi nghỉ không làm nữa. Các anh chỉ muốn vấy bẩn hôn nhân thôi!”

Vấy bẩn hôn nhân theo truyền thống ư? Phải chăng đó là chuyện nực cười, ở đời người?  không? Hôn nhân hay đời người, vẫn trân trọng mọi truyền thống dù có sai lầm. Vấy hay không vấy, bẩn hay sạch, đời người vẫn cứ là thế. Đã nào sai chậy dù một chấm phết.  Càng không thể đổi thay chỉ một sớm một chiều, rất khôn nguôi.
Nghĩ thế, nên bần đạo lại mời bạn và mời tôi về với thi ca/âm nhạc mà nghe hát, những lời như:

                        “Khóc mà chi, yêu thương qua rồi,
Than mà chi, có ngăn được xót xa.
Tiếc mà chi, những phút bên người,
Thương mà chi, nhắc chi chuyện đã qua.”
(Hoàng Nguyên – bđd)

            Bởi, có khóc thương “chuyện đã qua” cũng chẳng “ngăn được xót xa”. Chi bằng, ta cứ về ao ta mà thưởng ngoạn điều hay lẽ phải của cuộc đời. Rất đáng yêu. Cũng chẳng thiếu một điều gì.

            Trần Ngọc Mười Hai
            Không than và cũng chẳng khóc
            dù đời nhiều xót thương.
            Vẫn hy vọng nhiều
như Thày mình đã hứa.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét