Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Bản đồ Trung Quốc 1904 không có Hoàng Sa, Trường Sa


LTCGVN (26.07.2012)  - Bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của TQ được thực hiện dưới thời nhà Thanh) xuất bản năm 1904 ghi rõ cực nam TQ là đảo Hải Nam, không hề bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa.

Dòng chữ Hán này đọc từ phải sang có nghĩa: Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ

Tiến sĩ Mai Hồng chỉ vào tấm toàn đồ Trung Quốc, dừng lại ở cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam. Không hề có Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa) trong tấm bản đồ quý và chính thống này - Ảnh: Việt Dũng

Hơn 30 năm giữ trong tay tấm bản đồ quý, sau khi tra cứu, dịch lại nội dung in trên bản đồ, tiến sĩ Mai Hồng, nguyên trưởng phòng tư liệu thư viện - Viện Hán Nôm, quyết định chia sẻ bằng cứ lịch sử mình có.

* Ông có thể cho biết tấm bản đồ này đã tới tay ông như thế nào?

- Tôi có được bản đồ từ những năm 1977-1978, trong thời gian làm công tác quản lý một kho sách Hán Nôm. Thời gian đó, việc sưu tầm các tài liệu về bản đồ không thuộc chức năng bảo quản của nơi tôi công tác (giờ là Viện Hán Nôm). Không hiểu xui khiến thế nào, hôm ấy một cụ già chuyên bán sách cho cơ quan tên là Nguyễn Văn Cồng (Phú Xuyên) giới thiệu tấm bản đồ này và khuyên tôi nên mua nó. Tôi giấu gia đình trích hơn một tháng lương ra mua bản đồ về. 

* Được biết đây là một tấm bản đồ quý, được làm một cách công phu và dài hơi...

- Đúng vậy, “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” của NXB Thượng Hải in năm 1904 có chất liệu bằng giấy, được in màu, có bìa cứng ở ngoài, gấp gọn lại như một cuốn sách. Bên trong là hơn 35 miếng ghép dán trên nền vải bố (cũng may nhờ chất liệu này nên bản đồ vẫn còn giữ được nguyên dạng sau một khoảng thời gian dài), kích cỡ mỗi miếng ghép khoảng 20x30cm. Do đọc được chữ Hán, sau khi có bản đồ, tôi dịch nghĩa lại khoảng 600 chữ cổ đã giải thích một cách rõ ràng xuất xứ, niên hiệu, thời gian thực hiện bản đồ.

Theo đó, đây là một công trình tiếp thu phông tư liệu từ đời Tần, đời Hán, rồi được viết liên tục trong gần hai thế kỷ (1708-1904), từ thời vua Khang Hi đến thời vua Quang Tự, một tấm bản đồ được đích thân các hoàng đế nhà Thanh huy động lực lượng giáo sĩ, những người tài giỏi về thiên văn và toán pháp điền dã thực hiện.

Cụ thể hơn, năm Mậu Tý Khang Hi 47 (1708), vua Khang Hi tuyển các giáo sĩ phương Tây như Bạch Tấn Lôi Hiếu, Tư Đỗ Đức Mỹ, ban đầu với mục đích chế tác Vạn lý thành đồ. Vào năm 1711, vua sai các giáo sĩ đi tới khắp 13 tỉnh đo đạc đất đai. Từ đấy, trong gần 200 năm, các nhân sĩ Trung Hoa và phương Tây sưu tập khảo cứu các dư đồ Trung Quốc, gia cố bồi tập thêm từ các nguyên cảo của các giáo sĩ đã soạn thảo trước đây. Có những vị giáo sĩ phương Tây rất uy tín đã giúp vua Khang Hi nhà Thanh lập bản đồ có thể kể tên như: Lợi Mã Đậu (Matteo Bicci), Thang Nhược Vọng (Joannes Adam Schall Von Bell.), Nam Hoài Nhân (Ferdinandus Verbiest)...

Năm 1904, NXB Thượng Hải chính thức xuất bản tấm bản đồ Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của triều đình nhà Thanh với lời giới thiệu của Sái Thượng Chất, chủ biện (tương đương với giám đốc bây giờ) đài thiên văn ở Dư Sơn. 

Giao lại bản đồ cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Ngày 4-7, tiến sĩ Mai Hồng đã chủ động liên hệ, giao lại bản đồ cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia bảo quản và trưng bày. Thông tin từ bảo tàng cho biết khi tiếp nhận, đây là một bản đồ nguyên vẹn, chiều ngang 115cm, chiều dọc 140cm. Bảo tàng đang làm các thủ tục bảo quản sơ bộ, hoàn thiện hồ sơ, làm thủ tục nhập kho (đăng ký giá trị pháp lý hiện vật) trước khi trưng bày. Buổi lễ tiếp nhận bản đồ sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào sáng 24-7 với sự tham gia của một số nhà sử học.

Tiến sĩ Mai Hồng đã cất giữ tấm bản đồ quý chứng minh các quần đảo biển Đông không phải của Trung Quốc - Ảnh: Việt Dũng

* Những cứ liệu lịch sử hữu ích có từ tấm bản đồ này là gì, thưa ông?

- Trong tấm bản đồ này, chủ biện Sái Thượng Chất có lý lẽ rất khiêm tốn, đánh giá cao thành quả của các giáo sĩ phương Tây, những người vốn đi trước Trung Hoa về thiên văn và toán pháp. Chủ sự bản đồ cũng ghi nhận nhìn vào bản đồ “rõ ràng như trong lòng bàn tay”, đặc biệt “tại các cửa biển ở các miền duyên hải đều phỏng họa các đường thủy tàu thuyền ra khơi vào cảng”, trong đó không hề xuất hiện hình in, vẽ, tính toán, đo đạc tới các quần đảo ở biển Đông. Chính họ tự nhận đất đai mình tới cực nam Trung Quốc chỉ tính đến đảo Hải Nam.

* Ông suy nghĩ gì khi quyết định công bố tài liệu này?

- Theo tôi, tấm bản đồ gốc này cung cấp một số thông tin rất tốt cho việc tranh biện trên bàn quốc tế, một bằng cứ đến từ chính Trung Quốc sẽ tránh cho chúng ta việc bị lấn át. Đây cũng có thể là một tài liệu tốt để các học giả nghiên cứu chủ quyền biển đảo trong nước sử dụng. 

NGA LINH thực hiện
Đại Nam nhất thống toàn đồ (bản đồ Việt Nam vẽ năm 1834) đã có Hoàng Sa, Vạn lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam - Nguồn: NXB Bản Đồ
Địa đồ chính thống, giá trị cao 

Bức “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” này thuộc nhóm địa đồ độc lập in thành bức rời với kích thước khá lớn (115 x 140 cm), trong lịch sử hai triều Minh - Thanh của Trung Quốc, nhóm địa đồ in rời kích thước lớn loại này có gần 60 bức.

Về kỹ thuật trắc địa, “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” ứng dụng kỹ thuật phương Tây với hệ kinh vĩ độ khá chuẩn xác, gần giống như các bản đồ ngày nay. Đây là địa đồ được thực hiện bởi quan chức chuyên môn ở đài thiên văn - một cơ quan nhà nước của triều Thanh. Vì vậy, có thể nói bức địa đồ này mang tính chính thống. Là loại địa đồ hành chính, bức địa đồ này có tầm quan trọng ngang với Đại Thanh đế quốc toàn đồ 1905 và có giá trị cao hơn bức địa đồ chuyên ngành bưu chính có trước đó là Đại Thanh bưu chính công thự bị dụng dư đồ (1903, Trung - Anh văn đối chiếu).
PHẠM HOÀNG QUÂN (nhà nghiên cứu Hán Nôm)
Nguồn: Tuổi Trẻ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét