17 nhà hoạt động Công giáo trẻ có liên hệ với Dòng Chúa Cứu Thế bị bắt vì bị tố cáo vi phạm các điều luật như ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ và ‘tuyên truyền chống nhà nước’
26.07.2012
G
iám Đốc Chương trình Luật Quốc Tế và Đối Chiếu của Đại Học Stanford ngày 25/7 gửi đơn lên Ủy Ban Liên Hiệp Quốc Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện (UNWGAD) đặt vấn đề về việc Việt Nam bắt giữ phi pháp và giam cầm 17 nhà hoạt động xã hội-chính trị trong nước.
Thỉnh nguyện thư do Giáo sư Allen Weiner đệ nạp yêu cầu Ủy Ban UNWGAD thúc giục Hà Nội phóng thích ngay lập tức tất cả những người bị giam giữ để khắc phục những vi phạm nhân quyền liên quan tới việc bắt giữ và giam cầm tùy tiện.
Thỉnh nguyện thư gửi cơ quan Liên Hiệp Quốc chuyên điều tra về tình trạng bắt giam tùy tiện cũng nêu rõ 17 nhà hoạt động này còn bị vi phạm quyền được có quy trình tố tụng thích hợp và quyền được xét xử công bằng mà thế giới đã đảm bảo trong Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị và trong các văn bản luật pháp quốc tế khác.
Những vi phạm luật pháp quốc tế đó bao gồm bắt giữ mà không có lệnh, giam cầm dài hạn trước khi xét xử mà không lập cáo trạng, ngăn cản không cho người bị giam được tiếp xúc với luật sư và thân nhân trong suốt quá trình bị tạm giam.
Theo Giáo sư Weiner, 17 nhà hoạt động bị bắt giữ chỉ vì họ tham gia các hoạt động kêu gọi nhà nước Việt Nam phải cải thiện nhân quyền và công bằng xã hội, trong đó có những bức xúc về môi sinh, y tế, luật pháp, chính trị, đất đai, và tham nhũng.
Giáo sư Weiner nói các nhà nước như Việt Nam đang dùng hệ thống luật pháp của họ để bóp nghẹt những hình thức phản đối các rào cản phi pháp cũng như các hành vi vi phạm nhân quyền của nhà nước, và thỉnh nguyện thư nộp lên Ủy Ban Điều Tra của Liên Hiệp Quốc về Việc Bắt Giữ Tùy Tiện nhằm vạch trần thủ đoạn đáng báo động đó.
17 nhà hoạt động Công giáo trẻ có liên hệ với Dòng Chúa Cứu Thế bị bắt vì bị tố cáo vi phạm các điều luật như ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ và ‘tuyên truyền chống nhà nước’.
11 người trong số này bị cáo buộc là thành viên của đảng Việt Tân, một tổ chức đấu tranh cho dân chủ Việt Nam có trụ sở ở hải ngoại mà Hà Nội gọi là ‘tổ chức khủng bố’.
Nếu thỉnh nguyện thư được Ủy ban UNWGAD chấp thuận, nhà nước Việt Nam có cơ hội hồi đáp trước khi Ủy ban ra quyết định về vụ việc, trong đó có thể có những khuyến nghị với Hà Nội về trường hợp của những nhà hoạt động này.
VO
A
A
0 nhận xét:
Đăng nhận xét