Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

Giáo Hội và ơn cứu độ


Trải qua nhiều thời kỳ khác nhau Giáo hội vẫn dựa vào nguyên tắc “ Ngoài Hội thánh không có ơn cứu độ” (  Extra Ecclesiam nulla salus ) để như một thứ động lực thúc đẩy việc truyền giáo. Thế nhưng …” Sau Công Đồng, từ giữa lòng Kito giáo đã khai sinh môn Thần học về các tôn giáo và hình thành một cách nhìn trân trọng và tích cực hơn về vai trò cứu rỗi của các tôn giáo ngoài Kito giáo. Đối với thần học đây là một bộ môn còn quá mới. Thật vậy cho đến đầu thế kỷ hai mươi quan điểm chung của Kito giáo đối với các tôn giáo khác vẫn mang nặng thái độ hộ giáo, tuyệt đối đề cao Kito giáo như chân đạo, hoàn thiện và duy nhất, còn các tôn giáo khác nói cho cùng chỉ là “ đạo phụ” hay hơn nữa còn bị coi là …tà đạo. Vấn đề đối thoại liên tôn nếu được đặt ra thì cũng mang tính cách biện giáo hay công tác chiến thuật nhằm biết người hơn, ngõ hầu dễ chinh phục hơn. Cùng  lắm là để vay mượn một số từ ngữ hay làm chung một số công tác bác ái, từ thiện nhưng giáo lý và niềm tin thì nhất định không thể đụng đến” ( Nguồn Lm Nguyễn Thái Hợp OP - Dấn Thân  -  Houston 2000 ).
           Qua đây ta thấy mục đích của thần học “ Về Các Tôn Giáo” là để nêu lên giá trị của các tôn giáo ngoài Kito, một điều mà trong suốt mười chín thế kỷ trước đó Giáo Hội hoàn toàn  bác bỏ. Thật ra trong một  thế giới đa nguyên như hiện nay, đã đến lúc Giáo Hội không thể bảo thủ giữ mãi lập trường cho rằng chỉ có mình mới…nắm được chân lý. Tuy nhiên cũng chính là với việc thay đổi lập trường như thế  mà  đã khiến cho công cuộc  truyền giáo của Giáo Hội gần như….tê liệt “ Trước tình hình sa sút của Kito giáo và sự xuất hiện của hiện tượng đa văn hóa và tôn giáo ở Pháp cũng như trên toàn thế giới ĐGH Gioan Phaolo 2 nhìn nhận = Con số những người không biết Đức Kito và không phải là thành phần của Giáo hội gia tăng liên tục và hầu như gấp đôi kể từ CĐ Vatican 2 đến nay. Ngài đã bắt đầu Thông Điệp về Truyền Giáo bằng những lời sau đây “ Một cái nhìn chung trên thế giới cho thấy sứ mạng truyền giáo này vẫn còn ở những bước đầu”. Nhận định về Thông điệp Truyền Giáo này, Lm Claude Geffr nói = Với cái nhìn của con người và theo lịch sử mà nói phải nhìn nhận rằng chúng ta cảm nghiệm về một nền đa tôn giáo mà cứ nhìn bên ngoài, chúng ta không thể thắng vượt được. Điều đó trùng hợp với ý thức về một thất bại trong việc truyền giáo của Giáo hội nhất là khi chúng ta nghĩ đến con số nhỏ bé các Kito hữu trong một Á Châu bao la nơi sinh sống của một nửa dân số thế giới” ( Nguồn Tủ Sach Dũng Lạc – Ngoài Kito giáo không có ơn cứu độ & Hội nhập văn hóa tại Việt Nam)
           Giáo Hội thất bại trong việc truyền giáo, đó là một cái nhìn bi quan nhưng thẳng thắn và có thẳng thắn như thế  chúng ta mới mong tìm ra được nguyên nhân của vấn đề.  Vấn đề ở đây chính là sự thay đổi lập trường  đối với nguyên tắc “ Ngoài Hội Thánh không có ơn cứu độ”. Thực sự thì từ bao thế kỷ qua chính là với nguyên tắc này mà Giáo Hội chẳng những đã duy trì được các đặc tính Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông truyền  mà công cuộc truyền giáo còn được mở rộng theo đúng lệnh truyền của Đức Kito “ Hãy ra đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Ai tin và chịu phép rửa thì được cứu. Còn ai không tin thì bị luận phạt. Những kẻ tin sẽ có các dấu lạ kèm theo, họ sẽ nhân danh Ta mà đuổi quỷ, nói tiếng lạ, bắt rắn và có uống nhằm thuốc độc cũng chẳng hại gì. Đặt tay trên kẻ đau yếu thì kẻ ấy được lành” ( Mc 16, 15 -18).
          Mệnh lệnh đưa ra thật rõ ràng = ai tin thì được cứu, còn ai không tin sẽ bị luận phạt. Tin ở đây không phải là tin điều gì khác mà là  tin vào Tin Mừng của  Đức Kito “ Thời đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần, các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 ). Hẳn nhiên việc tin vào Tin Mừng là điều vô cùng cần thiết bởi lẽ đó nên Chúa nói ai tin  thì được  cứu, còn không tin sẽ bị luận phạt. Tin thì được cứu, điều ấy có lẽ không mấy khó hiểu, thế nhưng tại sao không tin lại bị phạt ? Lý do bởi vì Tin Mừng đây là Tin Mừng về Nước Trời nội tại “ Không thể nói ở đây hay ở kia vì này Nước Trời ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21).
          Tin Nước Trời ở nơi mình đồng thời quay về sống với nước ấy sẽ  sống tức được cứu. Trái lại không tin lại cho rằng Chúa nói…không đúng để rồi cứ sống buông lung theo dục vọng  thì tránh sao cho khỏi luận  phạt ? Để  tin và sống  Tin Mừng  là điều hoàn toàn không thể  nếu không có Giáo Hội do Đức Giesu Kito thiết lập,  vì chưng chỉ trong Giáo Hội  chúng ta mới có thể thực hiện ơn gọi làm Con Thiên Chúa “ Chỉ có một Thân Thể, một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được  gọi đến một hy vọng, một Chúa một đức tin một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha của mọi người . Ngài vượt trên mọi người  suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Eph 4, 4 -6).
         Là Kito hữu tức là chúng ta đã có ơn gọi làm Con Chúa và ơn gọi ấy đòi buộc mỗi người cần phải  triệt để tùng phục, lý do bởi vì Giáo Hội đã được Chúa trao quyền bính tối thượng “ Ta sẽ  trao chìa khóa Nước Trời cho ngươi, điều gì ngươi cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, điều gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở” ( Mt 16, 19 ). Một khi Chúa đã trao cho quyền bính đóng mở  Nước Trời như thế  thì làm sao ta lại không đặt hết lòng tin yêu vào Giáo Hội để hưởng nhờ ơn Cứu Độ lại còn tìm kiếm ơn ấy ở đâu bây giờ ? Cuộc khủng hoảng hiện nay sở dĩ ngày càng trầm trọng chính là bởi người ta đã không nhận ra đâu là con đường cứu độ đích thực của Đức Kito.

I/-  Thần học với quan điểm cứu độ
          Thần học hiện nay không chấp nhận nguyên tắc “ Ngoài HT không có ơn cứu độ” vì cho rằng đó chỉ là cái tham vọng của Giáo Hội muốn đồng hóa mình với Nước Trời ‘ Những ai không gia nhập GH tất nhiên không thuộc về Nước trời và bị loại trừ không được lãnh nhận ơn cứu độ do Chúa Giesu đem đến. Trong bối cảnh mới của thế giới, tham vọng này bị cáo giác là sai lầm vì phần đông nhân loại ngày nay thuộc về các truyền thống tôn giáo khác nhau và các truyền thống này không thuộc về GH hiểu như một cơ chế hữu hình và lịch sử. phải chăng những người đó đều mất linh hồn trong khi Thiên chúa muốn mọi người được cứu rỗi ( 1Tm 2, 4 ).( Nguồn Tủ Sách Dũng Lạc – Đã dẫn )
          Chủ trương Thiên Chúa muốn cứu rỗi tất cả mọi người  dù không thuộc về Giáo Hội đó là lập trường của một thứ thần học gọi là Duy Thiên Chúa ( Théocentrique ) “ Theo khuynh hướng này tất cả những truyền thống ngoài Kito giáo cũng là những  tỏ lộ khác nhau của Thiên Chúa cho nhân loại và trên nguyên tắc có giá trị tương tự. Tuy nhiên dù đức  Giesu Kito không phải là yếu tố cấu thành cho sự cứu độ  của tất cả mọi người, Ngài cũng là biểu tượng gây cảm hứng nhất và là khuôn mẫu hoàn hảo trong hệ tương  quan giữa Thiên Chúa và nhân loại” ( Jacques Dupuis – Các tôn giáo như những con đường cứu độ” ( Nguồn Tủ Sách Dũng lạc – Đã dẫn ).
           Học thuyết Duy Thiên Chúa tuy chỉ mới lộ diện nhưng thực chất nó chính là con đẻ của duy lý. Với duy lý thì Thiên Chúa dù dưới bất kỳ danh xưng nào = Đấng Tạo Hóa, Thượng Đế hay Thực tại Tối hậu v.v..chung quy đó vẫn chỉ là  những ý niệm không hơn không kém. Ý niệm không phải là thực tại. Ý niệm về một triệu đồng đâu phải là một triệu đồng mà ta có trong túi. Cái  lầm mang tính chí tử của thần học từ bấy lâu nay  là đã lầm quan niệm với thực tại. Thiên Chúa của quan niệm  không  phải là Thiên Chúa của thực tại. Với Thiên Chúa của quan niệm  thì cứu độ chẳng có ý nghĩa chi cả. Đức Kito chỉ còn là một thứ … biểu tượng gây  cảm hứng và Hội Thánh cũng chẳng phải là Dân Riêng Thiên Chúa “ Bởi đó chỗ đứng của các tôn giáo khác trong Nước Trời là điều không thể phản bác  vì trước hết  GH không có tham vọng tóm thâu tất cả thực tại này. Nhưng GH chỉ là dấu chỉ, khí cụ, hạt giống và sự khởi đầu của Nước  Trời. Kế đó GH không đồng nhất mình với Dân Thiên Chúa nhưng GH chỉ là  bí tích của dân ấy, Dân Thiên Chúa được hiểu như là toàn thể nhân loại có chung một nguồn gốc thần linh và cũng là toàn thể nhân loại có chung một nguồn gốc thần linh. Sau cùng hoạt động của Chúa Thánh Thần thì vượt khỏi mọi biên giới và Đức Kito Ngôi Lời và Đấng Phục Sinh không thể chỉ giới hạn trong GH Ngài đã lập. Đàng sau GH hữu hình cơ chế và lịch sử là những thực tại mầu nhiệm vô giới hạn trong không gian và thời gian mà chỉ một mình Thiên Chúa biết” ( Nguồn Tủ Sách Dũng Lạc – Đã dẫn ).
          Dân Riêng vốn được hiểu là một dân đã được Thiên Chúa tuyển chọn  thì nay thần học lại nói đó là toàn thể  nhân loại, hơn nữa  còn là những người…ngoài hành tinh “ Vâng, nếu người ngoài tôn giáo được cứu và được cứu trong chính tôn giáo của họ dù tôn giáo ấy hướng về Đức Phật hay Krishna thay vì Chúa Kito, thì sao người ngoài địa cầu  lại không thể được cứu bởi  Đức Kito,  cứu trong tôn giáo và những điều kiện hiểu biết  của riêng họ ? Vâng dù ở  những thế giới  mà chúng ta chưa biết đến ấy, người ngoài hành tinh chưa thể nghe nói đến Đức Kito nhưng họ vẫn được cuốn hút ngầm bởi điểm Omega ( trong ngôn ngữ Teihard de Chardin ) là Chúa Giesu nơi định mệnh siêu nhiên, bản năng hướng thiện hướng thiêng và hướng chân mà họ có chung với chúng ta để như loài người mọi nơi8 họ vẫn có những tin tưởng  những hệ đạo lý và tôn giáo và biết đâu những mạc khải siêu nhiên chuẩn bị như của con cháu Abraham xưa ? ( Nguồn Hoành Sơn SJ – Cứu độ ngoài hành tinh và trong các tôn giáo ).
          Lo cứu độ chẳng những cho Dân TC hiểu như là toàn thể nhân loại, lại còn lo cho cả những người ..ngoài hành tinh mặc dầu  những …người đó mới chỉ  có trong  tưởng tượng của tiểu thuyết và phim ảnh Hollywood !!!???.  Quả thật thần học đã đi quá đà…trong suy tưởng  đến nỗi đã phản bội  Đấng đã hiến thân chịu chết  vì mình ( Ga 15, 15 ) mà không hề hay biết.

II/-  Giáo  Hội,  con  đường  nên  Thánh.
           Không phải đến nay vấn đề cứu độ cho người…ngoài hành tinh mới được đặt ra nhưng nó đã có từ nhiều thế kỷ “ Tranh luận trong giới tôn giáo về sự sống trên các hành tinh khác đã kéo dài từ bao thế kỷ nay. Vấn đề  đặt ra  như sau =Nếu Đức Kito chết để chuộc tội cho nhân loại vậy thì những người ở hành tinh khác sẽ ra sao, liệu họ có được cứu chuộc không ? Nếu họ cũng cần được cứu  độ thì Thiên Chúa cũng mặc lấy xác phàm của họ như đã mặc lấy xác loài người hay chăng ? ( Xem Tb Cg & Dt số 1073 ngày 15/9/1996 ).
          Có thể nói thần học lo cho người …ngoài hành tinh được ơn cứu độ chẳng qua đó chỉ là cái việc…lo bò trắng răng !!! Thật vậy, người đáng cần phải lo ở đây không phải một ai khác mà là bản thân của mỗi người. Không ai có thể lo hạnh phúc  cho ai ngoài minh. Tuy nhiên con người bởi bản tính u mê không thể  biết cái điều cần phải lo ấy  đích thực là gì, làm sao cho thoát khỏi mối lo ấy.  Con người không một ai biết, duy chỉ một mình Đức kito biết bởi đó Ngài đã phải từ trời giáng thế để chỉ cho con người con đường đi đến sự thật “ Sự thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 32 ). Sự thật ấy chính là mỗi một người trong chúng ta bất kể ai ai cũng đều được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa ( St 2, 26 ). Tuy được  dựng nên là Hình Ảnh Thiên Chúa, là Con của Ngài nhưng phàm nhân chúng ta lại chẳng ai hay ai biết, duy chỉ Đức Kito và những ai Ngài muốn mạc khải cho mới biết “ Cha Ta đã giao mọi sự cho Ta. Ngoài Cha không ai biết Con, ngoài Con và người nào mà Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).
          Nhận biết Thiên Chúa là Cha, còn mình là con của Ngài, đó là nhận biết sự thật và chính sự thật ấy sẽ giải thoát mình chứ chẳng phải điều chi khác. Nhận biết sự thật Con Thiên Chúa ở nơi mình sẽ được giải thoát và sự giải thoát ấy là thoát ra khỏi sự u mê ám chướng đã chất chứa ở nơi mình từ vô lượng kiếp. Cũng bởi sự u mê đó mà con người đã gây nên muôn vàn giống tội = tham lam ganh ghét  đố kỵ hận thù ….sự u mê gắn liền với tội và hậu quả của tội là phải chết nhưng nhờ ơn cứu độ của Đức Kito mà ta lại được trở về sống trong ơn nghĩa Con Thiên Chúa  tức sự sống đời đời ở nơi mình “ Vì tiền công của tội là sự chết nhưng ân sủng của Thiên Chúa là sự sống đời đời trong Đức Giesu Kito Chúa chúng ta” ( Rm 6, 23 ).
          Sự sống đời đời chỉ có ở trong Chúa Giesu Kito, vì vậy hết thảy những ai muốn có sự sống ấy thì phải kết hợp chặt chẽ với Ngài bởi Ngài là đầu còn chúng ta là những chi thể “ Ta là cây nho, các  ngươi là cành. Ai cứ ở trong Ta và  Ta ở trong họ thì nấy kết quả nhiều, vì ngoài Ta các ngươi  không thể làm chi được” ( Ga 15, 5 ). Cành nhánh thì phải gắn liền với thân mới có sự sống từ thân truyền  cho. Cũng vậy toàn thể Kito hữu chúng ta là những chi thể nhất thiết cần phải găn với Chúa là đầu. Thế nhưng làm sao có thể  có được  sự gắn kết ấy nếu không ở trong Giáo Hội. Tại sao ?  Bởi vì chỉ trong Giáo Hội Công Giáo Tông Truyền mới có chức Thánh Linh Mục và sở dĩ chức Thánh ấy được  lập là để gìn giữ ân sủng của Thiên Chúa  thông qua các Bí Tích nhất là Bí Tích Thánh Thể. 
            Đức Kito  Phục Sinh hứa với các tông đồ “ Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28, 20 ) Chúng ta có thể khẳng quyết một điều rằng Lời Hứa ấy sẽ còn mãi giá trị bao lâu Giáo Hội còn hiện hữu như là Thân Mầu Nhiệm tức Con Đường Nên Thánh  có Đức Kito là đầu còn chúng ta là những chi thể  luôn vững tin và tiến bước theo Ngài./.

Phùng  văn  Hóa
Tác giả gửi trực tiếp cho Lương Tâm Công Giáo Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét