Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Giáo hội Trung hoa: Vác thập giá (2)


VÁC THẬP GIÁ? (Tiếp theo)

3. Lễ tấn phong bất hợp pháp.

Sáng ngày 06.07.2012, bất chấp những yêu cầu, chỉ trích của người Công giáo trong giáo phận, những buổi cầu nguyện liên tục của Kytô hữu Trung quốc và trên thế giới và những khuyến cáo từ Tòa Thánh, linh mục Nhạc Phúc Sinh đã vâng lệnh Nhà nước cộng sản để được tấn phong Đức cha trái phép tại Nhà thờ Chánh tòa Thánh Tâm, giáo phận Cáp Nhĩ Tân (tỉnh Hắc Long Giang).

Chủ phong trong nghi lễ tấn phong là ông Phòng Hưng Diệu (Johan Fang Xinyao), Giám mục Giáo phận Lâm Nghi (Linyi) tỉnh Sơn Đông, chủ tịch Hội Công giáo Yêu Nước. Phụ phong và đồng tế trong buổi lễ còn có bốn Đức cha khác là các Giám mục : Bùi Quân Dân (Pei Junmin, Giáo phận Liêu Ninh), Mạnh Khánh Lộc (Meng Qinglu, Giáo phận Hô Hoà Hạo Đặc), Vương Nhân Lôi (Wang Renlei, Giáo phận Tô Châu) và Dương Vĩnh Cường (Yang Yongqiang, Giáo phận Châu Thôn). 

Các giáo sĩ này đều là những Giám mục đã được tấn phong hợp thức hay xin được tha và đã được Đức Thánh Cha chuẩn y sau đó. Đó là trường hợp Đức cha Vương Nhân Lôi đã được đảng cộng sản tấn phong trái phép ngày 30.11.2006. Đức cha đã nhiều lần viết thư thỉnh cầu Đức Thánh Cha để được hợp thức hóa. Đức Biển Đức 16 mới chuẩn y cho ông chỉ hơn một tháng, tháng 05.2012, nay ông đã trở mặt. Vị chủ phong Phòng Hưng Diệu là một người phụng sự rất đắc lực đảng cộng sản Trung quốc và không ngừng kêu gọi Giáo hội Công giáo tại Trung quốc ly khai khỏi Tòa Thánh từ Đại hội Công giáo toàn quốc lần thứ 8.

Theo Bản Tin được công bố trên mạng lưới ‘Giáo hội Công giáo tại Trung quốc" do Hội Công giáo Yêu nước loan đi thì có hơn 40 linh mục và khoảng 1.000 giáo dân hiện diện trong buổi lễ. Trong nghi thức diễn ra, thay vì đọc quyết định tấn phong Đức cha của Đức Thánh Cha, một lá thư Hội đồng Giám mục ‘bất hiệp thông với Đức Thánh Cha’ do giám mục trái phép Mã Anh Lâm ký và được Tôn giáo vụ Trung cộng phê duyệt. Các ca viên nơi đây đã can đảm từ chối ‘lời mời’ tham dự khiến không có một ca đoàn nào đến hát lễ.

Ngày 10.07.2012, Tòa Thánh ca ngợi các Linh mục, tu sĩ và giáo dân đã cầu nguyện và ăn chay để cầu cho ông Nhạc Phúc Sanh được tỉnh ngộ, cho sự thánh thiện của các Giám mục và cho sự hiệp nhất Giáo hội Trung quốc, đặc biệt tại miền giám quản Tông tòa Cáp Nhĩ tân.

Trước khi kết thúc lễ, Nhạc Phúc Sinh nói với cộng đoàn rằng ông hiểu con đường phía trước sẽ rất khó khăn, nhưng ông sẵn sàng ‘vác thập giá’. 

Chúng tôi trích lời ‘vác thập giá’ này thêm vào dấu chấm hỏi để làm tựa đề bài này để chúng ta suy nghĩ lời ông nói có thật không ? 

Được chọn làm Phó Chủ tịch Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung quốc cùng lúc với hai ông Lei Shiyin và Huang Bingzhang, Nhạc Phúc Sinh ái ngại khi hai vị kia đã là ‘Giám mục’. Do đó, ông phải noi gương họ, dù có gây khó khăn cho Đức Thánh Cha và các giáo sĩ hay đem lại đau buồn cho giáo dân cũng mặc kệ, miễn là nhà nước Trung cộng vui lòng, tăng lương (do tiền thuế người dân đóng mà) vì đồng cấp bậc và cùng chức vụ. Hơn nữa, tại Trung quốc, nhà nước có ‘giám mục quốc doanh’ thì ‘linh mục quốc doanh’ đâu còn có giá như tại cái gọi là Ủy ban Công giáo Yêu nước tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

II. GIÁM MỤC HIỆP THÔNG VỚI ĐỨC THÁNH CHA.

A. ‘Bầu Giám Mục’. 

Ngày 30.05.2012, Hội Công giáo Yêu nước thành phố Thượng Hải (Shanghạ) đã tổ chức ‘bầu Giám mục’ với ứng viên duy nhất là linh mục Tađêô Mã Đạt Khâm (Thaddeus Ma Daqin) được đề nghị bởi Hội, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ của đảng đối với Cha.

Cuộc bầu chọn được tiến hành dưới sự chủ toạ của Đức Tổng Giám mục Aloysius Kim Lỗ Hiền (Jin Luxian) với 190 người tham gia đầu phiếu. Kết quả : linh mục Mã Đạt Khâm được 160 phiếu thuận, 2 phiếu chống và 28 phiếu trắng.

Theo đề nghị của Đức cha Kim Lỗ Hiền, 96 tuổi, Đức Tổng Giám mục Thượng Hải Giáo hội ‘công khai’ (được Nhà nước công nhận), Đức Thánh Cha Biển Đức 16 cử Cha Mã Đạt Khâm vào nhiệm vụ Giám mục phụ tá Thượng Hải. Giáo Hội ‘công khai’ Thượng Hải hiện có khoảng 150.000 người Công giáo và một con số đông hơn thuộc cộng đoàn hầm trú dưới sự lãnh đạo của Đức Tổng Giám mục Giuse Phạm Trung Lương, 94 tuổi, và Đức cha Giuse Hình Văn Chi. 

B. Truyền Thánh chức Đức cha hợp thức. 

Tại Trung cộng, tránh làm ‘mất uy phong đảng’, trước các Thánh Lễ tấn phong cho các Đức cha được sự phê chuẩn của Tòa Thánh, các Đức cha và linh mục tham dự Thánh Lễ này tập họp tại nhà xứ để nghe đọc sắc chỉ tấn phong Giám Mục của Đức Thánh Cha. Trong Thánh Lễ, với sự hiện diện của giáo dân và viên chức nhà nước, chỉ đọc sắc lệnh phê chuẩn của đảng và nhà nước và của Hội đồng Giám mục không được Tòa Thánh công nhận.

Ngày 07.07.2012, việc tấn phong Đức cha Mã Đạt Khâm, 44 tuổi, đã không ra ngoại lệ đó, như sau khi sắc chỉ của Đức Thánh Cha được đọc, Đức Tân Giám mục đã nói với ông Chiêm Tư Lộc (Zhan Silu), ‘Giám mục trái phép’ giáo phận Mẫn Đông: « Ông không phải là Giám mục, ông không được đặt tay trên đầu tôi ».

Trong Thánh Lễ tại nhà thờ Chính tòa Thượng Hải, với khoảng 1.200 giáo dân hiện diện, Đức Tổng Giám mục Kim Lỗ Hiền, chủ tế và chủ phong, đã là người đầu tiên đặt tay cầu nguyện trên đầu vị tân chức, là người sẽ kế nhiệm ngài trong việc coi sóc Tổng Giáo phận. Kế đến, hai Đức cha phụ phong Từ Hoành Căn (Giáo phận Tô Châu) và Trầm Bân (Giáo phận Hải Môn) lần lượt đặt tay. Hai Đức cha hợp thức khác là Thái Bính Thụy (Giáo phận Hạ Môn) và Lý Tô Quang (Giáo phận Nam Xương) đã đứng tại chỗ chung với ông Chiêm Tư Lộc để ông này không lý do rời chổ đến đặt tay trên đầu vị tân chức. Đức tân Giám mục Thượng Hải cũng từ chối không uống chung chén Máu Thánh với ông Chiêm Tư Lộc. 

Đa số 86 linh mục Tổng Giáo phận Thượng Hải không tham dự lễ tấn phong. Chỉ 12 vị đã hiện diện trong tổng số 30 linh mục đồng tế Thánh lễ. Đức cha nói rằng Người ‘hiểu lý do sự vắng mặt trong Thánh Lễ tấn phong cho tôi của một số đông các linh mục và nam nữ tu sĩ của Tổng Giáo phận’ và ‘tôi yêu mến anh chị em. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau’ (vỗ tay).

Trong lời tạ ơn, sau khi cám ơn Thiên Chúa đã chọn Đức cha, các Giám mục và tín hữu đã đến góp vui, vị Tân Đức cha cho biết mình đã ghi hai câu ‘Vì vinh quang Thiên Chúa’ và ‘Chúng ta nên một’ vào huy hiệu Giám mục của mình. Là Giám mục, tôi phải tận dụng sức lực mình cho sứ vụ này và công tác phúc âm hóa. Do có điều phiền hà cho tôi nếu tiếp tục thi hành một vài trách nhiệm. Đó là lý do, từ khi được tấn phong này, tôi chấm dứt là thành viên Hiệp hội yêu nước.

Những tràng pháo tay ‘tán đồng’ và kéo dài của hơn 1.200 tín hữu dự Thánh Lễ và đã gây sững sờ cho các cán bộ tôn giáo vụ cộng sản và họ đã phẩn nộ, chửi thề…

C. Hành động tự do và dũng cảm luôn có một giá phải trả.

Vài giờ sau Thánh lễ tấn phong, Đức cha Tađêô Mã Đạt Khâm, Giám mục phụ tá Thượng Hải được ghi nhận là mất tích. Những cử chỉ anh hùng vì Sự Thật ‘Chúng ta nên một vì vinh quang Thiên Chúa’ của Người thu hút được sự đồng ý của mọi Kytô hữu. Do đó, sáng Chúa nhật 08.07.2012, đông đảo giáo hội kéo đến nhà thờ Chánh tòa để chào mừng Đức tân Giám mục và hiệp thông dâng Thánh Lễ tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho Quê hương và Giáo hội. Tuy nhiên, Đức tân Giám mục phụ tá đã không còn quyền tự do để hiện diện và chủ tọa Thánh Lễ.

Hiện Đức cha bị nhà nước cộng sản giam tại chủ viện Xà Sơn để ‘phản tỉnh’ và năm trong sáu Giám mục chủ tế và đồng tế Thánh Lễ tấn phong ngày 07.07.2012, trừ vị ‘quốc doanh’, có thể gọi về Bắc Kinh để điều tra.

Ngày 11.07.1912, tại Hương Cảng (Hongkong), Ủy ban ‘Công lý và Hòa bình’ Giáo phận đã tổ chức cuộc biểu tình ủng hộ Đức cha Mã Đạt Khâm. Cùng khoảng 20 người, Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen Ze-kiun), cựu Giám mục Hương Cảng, tập hợp trước Văn phòng liên lạc chánh phủ trung ương Trung hoa, đại diện Bắc kinh tại Hương Cảng. Đức Hồng y sinh tại Thượng Hải năm 1932, đã dạy Đức cha tân phong tại Chủng viện Sheshan từ năm 1989 đến năm 1996, khi được bổ nhiệm làm Giám mục phó Hương Cảng, nói với thông tấn xã Ucanews : « Chúng tôi biết rõ tình hình tại Trung quốc. Hiện giờ, áp lực [từ nhà cầm quyền] đang đè thật nặng trên Giáo phận Thượng Hải. » 

Một thành viên Ủy ban ‘Công lý và Hòa bình’, bà Or Yan-yan, tỏ ra nghi ngờ về tính xác thực mẩu tin nhắn bằng SMS được cho là của Đức cha Mã Đạt Khâm gửi các linh mục và tu sĩ Thượng Hải giải thích việc Đức cha vắng mặt trong Thánh Lễ tạ ơn, mở tay sau lễ tấn phong vì Người cần nghỉ ngơi và tĩnh tâm tại chủng viện Sheshan. Không lý do gì khiến Người phải vội vã đi tĩnh tâm mà không dâng Thánh Lễ đã dự trù trước từ lâu.

D. Sự không biết điều của người cộng sản.

Đảng viên cộng sản, dù là Trung quốc hay Việt Nam, giáo sĩ hay giáo dân ‘quốc doanh’, trước hết, là những nguời không biết tôn trọng sự độc lập giữa Tôn giáo và Nhà nước (độc lập chứ không là ‘biệt lập’ vì cả hai cùng hợp tác để phục vụ và mưu cầu hạnh phúc cho toàn dân).

Thẩm quyền của Nhà nước thuộc lãnh vực chính trị và việc bổ nhiệm Giám mục, nhân sự của Giáo hội Công giáo, thuộc thẩm quyền tôn giáo (Công giáo) do Đức Thánh Cha hành xử.

Điều 1382 Giáo luật hiện hành quy định : « Giám mục nào không có ủy nhiệm thư giáo hoàng mà phong chức Giám mục cho người khác, cũng như người nào được truyền chức do Giám mục ấy sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa Thánh ».

Bất chấp những ‘dấu hiệu về đối thoại’ đã được Trung quốc và Tòa Thánh mong muốn’, Nhà nước Trung côỉng lợi dụng điều 1382 này để gây ‘chia rẽ’, ‘xâu xé’ và ‘căng thẳng’ trong cộng đồng Công giáo tại Trung quốc. Thực vậy, sáu Giám mục hợp thức bị buộc phải tham dự lễ nghi, ngày 06.07.2012, truyền chức cho một Đức cha không có chuẩn thuận của Đức Thánh Cha để tất cả đều bị mắc vạ tuyệt thông. Do đó, sáu Giám mục hợp thức được Tòa Thánh yêu cầu làm ‘Tờ trình’ về trường hợp riêng mình : tham dự do tự ý hay bị bắt buộc. Sự bắt buộc gây hà tỳ ưng thuận, tức không hành động tự do như ý.

Trái lại, trong Thánh Lễ truyền chức Đức cha, ngày 07.07.2012, cho linh mục Mã Đạt Khâm có chuẩn thuận của Đức Thánh Cha, Nhà nước gởi một Giám mục bị vạ tuyệt thông, nhưng đã bị ‘cô lập hóa’ nên không gây liên lụy ‘vạ tuyệt thông’ đến năm Giám mục hợp thức đồng tế Thánh Lễ.

Hà Minh Thảo
VietCatholic

0 nhận xét:

Đăng nhận xét