Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

“Thời điềm”?


LTCGVN (08.05.2012)      

“Chính quyền là vô hình, ông đứng đầu chính quyền mới hữu hình. Chưa thấy ông đứng đầu nào tập hợp dân ở địa bàn mình lại nhận lỗi với dân, xin lỗi dân vì để xảy ra kẹt xe, ngập nước, tai nạn giao thông. Chưa thấy ông đứng đầu nào đứng ra nhận lỗi vì tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, vì để cho bệnh nhân nằm ba bốn người một giường. Chưa thấy người đứng đầu nào đứng ra nhận lỗi vì nạn bằng giả lan tràn, tiến sĩ dỏm như rươi. Cũng chưa thấy người đứng đầu nhận lỗi dân vì không giải quyết đúng các khiếu kiện, để dân phải khổ sở, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp và bị cưỡng chế oan sai.
Báo Dân trí ra ngày thứ Sáu, 04/05/2012 có đăng bài viết nổi cộm “Phẩm chất của chính quyền” của tác giả Lê Chân Nhân, đề cập đến sự kiện nóng hổi “Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hôm 2/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu rà soát lại 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, “nếu giải quyết sai phải nhận lỗi, nếu không sai, phải làm hết cách để thuyết phục nhân dân, còn trường hợp không thuyết phục được thì cưỡng chế, nhưng phải đúng pháp luật”.
Không biết ý tứ lời phát biểu của Thủ tướng diễn tả có chính xác như thế không và trong thực tế, Thủ tướng chính phủ và các ban bệ của ngài có quyết tâm thực hiện đúng như “chỉ thị” lồng trong lời phát biểu này hay không? đó là chuyện khác, nhưng tác giả thật “hữu ý vô tình”, khi “đánh đúng” nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là “dân oan” về vấn đề đất đai mà nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân chiếm đến 70%‼! một con số đáng “báo động” cho chính sự tồn vong của “chế độ”. Tác giả còn khéo léo “đánh bóng” hình ảnh Người đứng đầu chính phủ, tâng bốc chủ trương và ”định hướng” quyết tâm của “chính quyền nhân dân”, khi bảo rằng “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu nhận lỗi với dân khi làm sai không chỉ trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo, mà phải hiểu rộng ra ở mọi công việc thuộc phạm vi trách nhiệm của chính quyền”.
Nếu sự kiện đúng như tác giả “tường thuật” và thật sự, “Thủ tướng” có lòng có tâm với nhân dân, nhất là dân oan mất đất, thì thật là “choáng”, hay… mừng cho “nhân dân” với nỗi mừng vui “muôn thuở” là “người cày có ruộng, nông dân có đất và dân oan tìm thấy công lý”!. Ô hô!.Quên đi, đừng vội mừng, vì “Thủ tướng ta” đã thòng câu: “còn trường hợp không thuyết phục được thì cưỡng chế, nhưng phải đúng pháp luật”. Nhưng nếu pháp luật không “vị nhân sinh” mà pháp luật chỉ “vị chế độ” thì, xin mượn lời Đức Giêsu… “khốn cho kẻ nào sinh ra trong chế độ này, thà nó đừng sinh ra còn hơn”. Văn Giang vừa qua chính là khởi đầu của “trường hợp không thuyết phục được thì cưỡng chế, nhưng phải đúng pháp luật”. Và “pháp luật thì luôn đúng”!.
Đến đây tác giả bài viết, Lê Chân Nhân bộc lộ cách lộ liễu thao thức bao ngày tháng dày vò “tim đen” của Thủ tướng, tác giả “thành thật” đến độ “ngây ngô” quá xa rời thực tế, “nâng” quá mức khiến mọi người, kể cả người tu hành “thấy chim nằm trong ổ” của Thủ tướng, “Chính quyền nhận lỗi với dân quả thực là điều hiếm thấy. Lâu nay, người ta vẫn nói cán bộ là công bộc của dân, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Dân tới cửa quan nhọc nhằn vô cùng, khổ ai vô biên. Người xưa đã có câu:“Miệng nhà quan có gang có thép”, nói lấy được, việc nhà quan làm dù sai dân cũng không dám mở miệng. Hạch sách, nhũng nhiễu, vòi vĩnh người dân, doanh nghiệp là chuyện thường ngày nơi công sở”.
Tác giả còn vô tình (hay hữu ý?) “đào sâu” vấn đề khi viết: “Chính quyền là vô hình, ông đứng đầu chính quyền mới hữu hình. Chưa thấy ông đứng đầu nào tập hợp dân ở địa bàn mình lại nhận lỗi với dân, xin lỗi dân vì để xảy ra kẹt xe, ngập nước, tai nạn giao thông. Chưa thấy ông đứng đầu nào đứng ra nhận lỗi vì tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, vì để cho bệnh nhân nằm ba bốn người một giường. Chưa thấy người đứng đầu nào đứng ra nhận lỗi vì nạn bằng giả lan tràn, tiến sĩ dỏm như rươi. Cũng chưa  thấy người đứng đầu nhận lỗi dân vì không giải quyết đúng các khiếu kiện, để dân phải khổ sở, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp và bị cưỡng chế oan sai.Điển hình như vụ Tiên Lãng, Thủ tướng kết luận chính quyền sai rành rành như vậy nhưng có ông nào đứng ra xin lỗi với dân đâu. Người đứng đầu cơ quan chính quyền có phẩm chất mới dám xin lỗi dân. Phẩm chất của các cá nhân trong chính quyền làm nên phẩm chất của chính quyền”.
Nam mô a di đà Phật. Nếu không phải là báo “Dân trí” đưa tin, thì bần tăng có mơ cũng không dám nói (ngu sao nói, để số phận như các Blogger!). Nói như thế chẳng khác gì bảo, tụi tui là báo “lề trái chính thống”, bảo hoàng còn hơn vua đó nha. Và ngay cả báo “lề trái” đi nữa, vẫn chưa, (theo chủ quan của người viết) dám nói những “lời thẳng thắn chí nhân, chí tình” đến như thế này: “Nhận lỗi thế nào đây, không phải chỉ là lời nói suông mà phải đi liền với các cam kết sửa đổi, nếu không thực hiện được thì phải từ chức. Đó mới là sự nhận lỗi có trách nhiệm và có nhân cách của một người đứng đầu”.
Trời đất thánh thần thiên địa, ông bà ông vãi ơi. Nói như vậy chẳng khác gì “bảo Thủ tướng chính phủ cùng các ban bệ của Ngài về vườn “chăn vịt siêu nạc” là vừa!. Láo!. Bãi nhiệm hết những “sâu dân mọt nước” ấy thì lấy ai mà “cai trị” ?. Đã vậy “y” còn lấy cái “slogan” của bài viết là: “Một chính quyền mà các cá nhân dám nhận lỗi với dân khi làm sai thì đó mới là chính quyền của dân, do dân, vì dân. Một chính quyền mà các cá nhân dám xin lỗi dân, lắng nghe dân và tích cực sửa đổi thì đó mới là chính quyền thực sự mạnh”, như thể y mượn “nhời nhẽ của vị cha già dân tộc” dạy khôn Thủ tướng và trấn an dư luận quần chúng rằng “chính phủ “trong sáng” này luôn bởi dân, vì dân và cho dân” vậy, và có lẽ, trùng hợp sao đó qua cái “slogan” lột tả “ý ngay lành” của y, cũng là cái “slogan lột tả” tâm địa của Thủ Tướng trong cuộc họp “online” với cán bộ 63 tỉnh thành và các bộ ngành liên quan về vụ việc Văn Giang vừa qua?!”.
Đến đây, tác giả bài viết kết luận, như “hừng sáng giữa đêm đen” trong muôn bài viết nghị luận của báo “lề trái”: “Chính quyền quản lý xã hội hịêu quả, thân thiện với dân, được nhân dân tin yêu thì không cần một câu khẩu hiệu nào dân cũng tin. Ở vào thời đại mà chỉ cần cái click chuột thông tin đến tận thôn cùng xóm vắng thì ai vì nước vì dân, ai vì mình, ai có phẩm chất đạo đức, ai vun vén cá nhân, nói lời đạo đức giả, dân biết hết, thấy hết.
Nói được như thế quả là “hiếm”. Ứng được như vậy, đúng là “thời điềm”.
Ngô Văn
Nguồn: NVCL

0 nhận xét:

Đăng nhận xét