Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Lm. Vũ Khởi Phụng CSsR: Để hưởng ứng “nhận định” của Uỷ ban Công lý & Hoà bình


LTCGVN (21.05.2012)  

Tuy đang ở nước ngoài, đêm nào tôi cũng bỏ ra hằng mấy giờ để theo dõi tin tức trong nước. Nhìn vào đâu cũng thấy bức xúc, từ những khó khăn về kinh tế tài chính đến những bất ổn trong xã hội, từ những tệ nạn của thời cuộc đến cơn khủng hoảng tinh thần, văn hóa, nhân văn, kể cả cơn khủng hoảng tâm linh đang thách đố các tôn giáo. Càng bức xúc lại càng cảm thấy trân trọng từng lời nói, từng hành động, từng thái độ của những ai có tâm hồn, và có can đảm đứng lên đương đầu với các tiêu cực nhằm duy trì và xây dựng một xã hội nhân ái. Trong tâm trạng đó, tôi lấy làm mừng được đọc “Nhận định một số tình hình tại Việt Nam hiện nay” của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam ngày 15/5/2012 vừa qua.

Từ dăm năm nay, trong nước cũng như ngoài nước, có những dư luận tiêu cực, đôi khi được bày tỏ một cách rất nặng lời, về Giáo Hội Việt Nam. Khá nhiều người cho rằng Giáo Hội Việt Nam, và đặc biệt là hàng giáo phẩm, chỉ lo lễ bái và xây cất, mà dần dần trở nên xa lạ và vô cảm với những nhân tố đang đục khoét, đang lũng đoạn tinh thần và tâm linh của xã hội Việt Nam. Chúng ta không câm nhưng cam tâm làm giáo hội thầm lặng. Có người dùng đến từ “chó câm”, nghe rất xấc xược, nếu chúng ta không kịp nhớ lại rằng đó là một điển Thánh Kinh (Is 56, 10), mới đây còn được Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI dùng lại.
Dư luận như thế, nếu không đúng, thì cũng rất tai hại cho thanh danh và mức độ khả tín của Giáo Hội, còn nếu đúng thì lại càng tai hại bội phần, bởi nó tố cáo một tình trạng muối đã lạt, đèn đã tàn. Kinh nghiệm cho thấy rằng mỗi khi Giáo Hội trở nên vô cảm như vậy, tức là đánh mất sự sáng suốt, sự can đảm trong nhận thức và hành động trước những nhu cầu có thực của thời đại mình thì luôn tạo ra trong lòng mình những trái bom nổ chậm, một hai thế hệ qua đi sẽ thấy cơ thể Giáo Hội bị đục rỗng không ngăn ngừa nổi. Trong lịch sữ không thiếu gì những giáo hội cũng đông, cũng sốt sắng, cũng “ngoan ngoãn” như Giáo Hội Việt Nam. Vậy mà với thời gian, ngày nay nhà thờ vắng hoe, thế hệ trẻ thì trơ tráo chẳng còn hiểu biết gì về một quá khứ đã tạo dựng nên văn hóa và tâm linh mà ngày nay không còn biết kế thừa. Nguyên nhân của những tình trạng sa sút đó thì có nhiều, nhưng có một nguyên nhân không bao giờ thiếu bóng, đó là vào một lúc nào đó, giáo hội đã tự cô lập mình với những vấn đề và thao thức của thời đại mình đang sống. Nếu những lời chỉ trích kia là đúng thì Giáo Hội Việt Nam phải hết sức cảnh giác, đừng đi vào vết xe đổ đó.
Bản Nhận Ðịnh của Ủy Ban Công Lý Hòa Bình rõ ràng mang dấu ấn của một công trình tập thể, có tác dụng cải chính luồng dư luận tai hại về một thái độ vô tri hoặc vô cảm của Giáo Hội và hàng giáo phẩm. Nó cho thấy các đấng bậc vẫn quan tâm đến vận mệnh con người, xã hội, đất nước, mặc dù trong nhiều trường hợp chẳng biết vì nguyên nhân nào các ngài đã yên lặng đến mức khó hiểu. Bản Nhận Ðịnh đã lần lượt điểm qua tình hình trong các lãnh vực về nền kinh tế Việt Nam, luật đất đai, môi trường xã hội, pháp luật, chủ quyền quốc gia về biên cương và hải đảo, môi trường sinh thái, vai trò của trí thức, giáo dục và y tế, tôn giáo. Trong mỗi lãnh vực, có nhìn nhận những thành tựu, nhưng chủ yếu là vạch rõ, nhiều lúc bằng những ngôn từ mạnh, các mặt tiêu cực bệnh hoạn đang làm cho đất nước lâm nguy.
Một điều có ý nghĩa là bản Nhận Ðịnh đề ngày “15 tháng 5 năm 2012, kỷ niệm 121 năm Thông Ðiệp Rerum Novarum” Bức thông điệp của Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII được coi như mở đường cho các đường lối, chủ trương và hoạt động xã hội của người Công Giáo từ hơn một thế kỷ nay (Năm ngoái trong Giáo Hội đã có nhiều sinh hoạt để đánh dấu tròn 120 năm ngày công bố thông điệp này; dĩ nhiên Rerum Novarum còn được bổ túc và triển khai liên tục bởi các thông điệp khác sau này, cũng thường được công bố vào các ngày kỷ niệm 15/5, để cập nhật với những biến chuyển của xã hội). Như vậy là khi chọn ngày 15/5 để đưa ra bản Nhận Ðịnh, Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Ðồng Giám Mục đã có ngụ ý kêu gọi Dân Chúa dấn thân phục vụ xã hội ngay trong các lãnh vực mà xã hội chúng ta đang mắc phải những “căn bệnh trầm kha”.
Giá trị của bản Nhận Ðịnh là ở chỗ nó là tiếng nói của Hội Ðồng Giám Mục, chứ không phải là ý kiến của cá nhân hoặc một tập thể riêng lẻ nào trong giáo hội. Giáo sĩ lẫn giáo dân có thể học hỏi nó mà không có cảm giác ngờ ngợ sợ mình bị những tham vọng hoặc ý đồ nào lôi kéo. Cái cảm giác ngờ ngợ đó nhiều khi chẳng dựa trên một cơ sở cụ thể nào, chỉ sợ bóng sợ vía thế thôi, nhưng cũng đủ để làm cho nhiều người co cụm, không dám suy nghĩ gì, cũng không dám có thái độ hay hành động gì trước những nguy cơ của thời đại. Lần này thì chẳng những an tâm mà còn được giáo quyền chỉ cho thấy những nhiệm vụ đang mời gọi mình.
Có được bản Nhận Ðịnh là quý. Nhưng dĩ nhiên vấn đề là đã nhận định như thế rồi thì ta phải làm gì? Nhận Ðịnh có gợi ý một vài điều: sửa đổi luật đất đai, thay đổi lề lối làm việc và lối áp đặt độc đoán của chính quyền, xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội công dân năng động, trọng dụng nhân tài, cho các tôn giáo được có tính cách pháp nhân và được tham gia vào các lãnh vực giáo dục và y tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những đề xuất và giải pháp dù hay, dù tốt đẹp thì tự thân cũng chẳng lay chuyển được sức ỳ của những thói quen thủ cựu, trừ phi những đề xuất ấy được cả một cộng đồng đông đảo tiếp nhận, cổ võ, vận động.
Vả lại một vài đề đề xuất tiêu biểu ấy không thể bao biện hết muôn vàn vấn đề cụ thể mà người dân gặp và phải xử lý thường xuyên. Bản Nhận Ðịnh đã nêu lên một tinh thần, còn trong hành động thì vẫn luôn cần đến sự năng động của “xã hội dân sự”. Chẳng biết những nhóm học hỏi giáo huấn xã hội của Giáo Hội, các nhóm hoạt động phục vụ xã hội, các người Công giáo đang dấn thân trong các sinh hoạt đa dạng của cộng đồng có tiềm năng góp phần tạo nên cái xã hội dân sự đó hay không? Phải chăng các giáo xứ, hội đoàn, các nhóm thân hữu cũng nên ngồi lại với nhau để cùng nghiên cứu, suy nghĩ, và gầy dựng những sáng kiến mới? Trên cái nền chung như Nhận Ðịnh đã phác họa, không khó để có thể nhận ra còn biết bao vấn đề cần những sáng kiến và giải pháp cụ thể.
Ví dụ: đúng là hiện nay nhà thờ mở cửa, đông đúc, và như thế cũng bảo đảm một phần quyền tự do tôn giáo hiểu theo nghĩa là phụng tự, kinh nguyện; nhưng nếu đức tin đẩy ta đến chỗ phải có thái độ về những chuyện liên quan đến công bình xã hội, nhân phẩm, nhân quyền thì sao? Ðối với ta, tự do sống đạo bao gồm cả những lãnh vực đó nữa, nhưng có người sẽ bảo những lãnh vực đó không phải là tôn giáo thì sao?
Rồi trong một tình trạng xã hội mà sự thật hay bị che giấu, bị tô vẽ biến dạng, thì ta phải làm sao để phục vụ chân lý? Khiêm tốn nói thật thế nào? Thẳng thắn nói thật thế nào? Tự do nói thật thế nào? Cùng với nạn phủ nhận sự thật, sự sử dụng bạo lực thay cho lẽ phải có khuynh hướng gia tăng trong xã hội, nạn nhân là những dân nghèo, thấp cổ bé miệng, những người lương thiện, tâm hồn ngay thẳng, nhưng có lòng mà không có quyền. Vậy thì làm thế nào để bất bạo động mà vẫn không chấp nhận, không khuất phục, vẫn đối đầu, vẫn bài trừ, vẫn khắc phục bạo lực? Làm thế nào để cảm thông, để đón tiếp cho phải đạo những người nghèo, người bị áp bức, người cô đơn đau khổ không phân biệt tôn giáo hay chính kiến theo đúng tinh thần của Tám Mối Phúc, để cho đức Bác Ái đừng là một lý thuyết vô cảm và vô bổ, …v…v…. Quả là không thiếu gì những câu hỏi khiến ta không thể thụ động và lười biếng.
Chỉ có như thế ta mới có thể cùng với mọi người thiện chí tạo ra một động lực thăng tiến xã hội. Cũng chỉ có như thế ta mới thành môi trường gặp gỡ và cảm thông, thành một chốn gia đình cho bao nhiêu người thiện chí, cho những người nghèo, những nạn nhân của các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, những ai đang cần liên đới, cần tình người, cần hy vọng… Ðó cũng là một nỗ lực để ta mở một con đường đẹp cho Giáo Hội đi tới tương lai.
LM. Vũ Khởi Phụng, C.Ss.R.
Nguồn: NVCL

0 nhận xét:

Đăng nhận xét