Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Bài 10. PHONG CÁCH PHANXICÔ: HẾT LÒNG MUỐN NÊN GIỐNG NHƯ ĐỨC KITÔ

LTCGVN (02.06.2014)

Đây là danh sách 9 danh nhân vĩ đại nhất của toàn nhân loại trong ngàn năm thứ hai ( 1000 – 2000 ) do Time, tạp chí thế tục có khuynh hướng đả kích Nhà Thờ, bình chọn và xếp thứ tự dựa theo năm sinh ( nguồn http://content.time.com/time/magazine/article/0,9171,976745,00.html ).

St. Francis of Assisi
( 1181 – 1226 )
Sáng lập Dòng Anh Em Hèn Mọn
Johannes Gutenberg
( 1395 – 1468 )
Phát minh ra máy in
Michelangelo
( 1475 – 1564 )
Điêu khắc gia, họa sĩ
Martin Luther
( 1483 – 1546 )
Khởi xướng ra Nhà Thờ Tin Lành
Galileo
( 1564 – 1642 )
Khoa học gia
William Shakespeare
( 1564 – 1616 )
Kịch tác gia
Thomas Jefferson
( 1743 – 1826 )
Chính trị gia
Wolfgang Amadeus Mozart
( 1756 – 1791 )
Nhạc sĩ
Albert Einstein
( 1879 – 1955 )
Khoa học gia
Chỉ có 1 chính trị gia, 1 nhà phát minh, và 2 khoa học gia nằm trong danh sách này, 5 nhân vật còn lại đều là danh nhân văn hóa. Điều này cho thấy về lâu về dài, các thể chế chính trị và những phát minh khoa học kỹ thuật, tuy trước mắt rất thiết yếu cho đời sống con người, sẽ không còn quan trọng cho bằng sự thỏa mãn tinh thần mà con người luôn khao khát. Những người theo chủ nghĩa duy vật, lấy thế giới đại đồng với sự thỏa mãn vật chất làm cứu cánh tối thượng và nhân danh nó mà nhẫn tâm tiêu diệt người khác, nên coi đây là một lời cảnh tỉnh, vì cuối cùng tinh thần sẽ chiến thắng trên vật chất.
 Tất cả những nhà nghiên cứu lịch sử, dù không tin vào Đức Kitô, vẫn buộc phải nhìn nhận ảnh hưởng của Đạo Kitô trên toàn nhân loại. Ngoại trừ bác học Albert Einstein theo Do Thái Giáo, 8 nhân vật kia đều là Kitô hữu và Lòng Tin đã khơi nguồn lên sự nghiệp của họ. Phanxicô là vị Thánh duy nhất nằm trong danh sách này. Một số bảng bình chọn khác lại đưa Thomas Aquinas vào và loại trừ Phanxicô. Các kiểu xếp hạng như thế thường không đưa ra một kết quả thống nhất. Khi nói về hệ thống tư tưởng sâu sắc và các tác phẩm thần học – triết lý đồ sộ được giảng dạy tại các trường đại học và Chủng Viện, Thánh Tiến Sĩ Thomas Aquinas có tầm ảnh hưởng rất lớn lao. Nhưng sự vĩ đại đích thực của Phanxicô lại nằm ở chỗ anh chính là một tấm gương phản chiếu rất trung thực và lạ lùng chân dung Đức Kitô.
Nhà Thờ không bao giờ xếp hạng các thánh. Không có ai lớn hơn và cao hơn ai. Chúa Giêsu cho biết: “Ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất” ( Lc 9, 48 ). Công nhận ai đó là thánh tức là khẳng định người đó đã nhận được lời hứa: "Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở. Thầy đi dọn chỗ cho anh em, Thầy sẽ đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó" ( x. Ga 14, 2 – 3 ).
Ngoài một số vị đã được phong Thánh và trở thành mẫu gương chung cho các tín hữu, Lòng Tin mang lại cho ta sự thâm tín rằng tuyệt đại đa số những người quá cố cũng đang hát lên khúc Khải Hoàn ca trên Thiên Quốc: "Sau đó, tôi nghe như có tiếng hô lớn của đoàn người đông đảo ở trên trời vang lên: "Halêluia ! Thiên Chúa ta thờ là Đấng Cứu Độ” ( Kh 19, 1 ).

Mỗi cá nhân đều có thể chọn ra một vị Thánh làm mẫu gương cho mình tức là nhìn nhận ngài là một phản ánh trung thực khuôn mặt của Đức Kitô. Có gì sai trái không nếu ta tôn kính và chọn cha mẹ ta làm gương mẫu cho ta, các ngài là những người thiết thân nhất với ta, đã suốt đời tận tụy hy sinh để ta có ngày hôm nay ? Vào giai đoạn mới truyền đạo tại nước ta, Nhà Thờ đã mắc một sai lầm nghiêm trọng khi bài bác việc thờ cúng ông bà.
Phanxicô viết theo nguyên gốc tiếng Ý là "Francesco" có nghĩa là "Người đàn ông tự do của nước Pháp". Đặt cho con trai tên Phanxicô, thân phụ của anh chỉ muốn anh sẽ trở thành một con người thành đạt về mặt thế tục. Thời đó nước Pháp được coi như trung tâm Âu Châu và người ta có khuynh hướng tôn sùng Pháp như nhiều người Việt Nam bây giờ ái mộ nước Mỹ ( do vậy mới có vụ án Michael T. Sestak, cựu nhân viên Tổng Lãnh Sự Quán Mỹ ở Sàigòn bán visa du lịch với giá 20 ngàn USD cho một số người muốn đi Mỹ chơi một chuyến cho biết ).
Nhưng Phanxicô đã thi hành một sứ mạng đặc biệt. "Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại" ( Ga 15, 15 ). Mọi người có mặt trên cuộc đời này, kể cả bạn và tôi, dù có tin hay không, dù cuộc sống có thế nào đi chăng nữa, đều là một sự tuyển chọn của Thiên Chúa để thi hành một sứ mạng đặc biệt cho Người. Không ai có thể tự chọn ngày sinh tháng đẻ, phái tính, thể hình, chủng tộc, quốc gia cho mình được. Nhưng Phanxicô đã vô cùng trổi vượt với phong cách lắng nghe và thể hiện ý Chúa trong cuộc đời anh.
Ngày 14.3.2013, CNN ( hãng thông tấn thế tục thường công kích Nhà Thờ ) đã bài nhận định sau về tông hiệu Phanxicô của vị đương kim Papa như sau:
( Trích ) Thánh Phanxicô Assisi, tông hiệu của Papa Phanxicô, được đông đảo Kitô Hữu mến mộ  vì truyền thống Nhà Thờ nhìn nhận ngài là một người nổi bật với một khát vọng mãnh liệt muốn nên giống như Đức Kitô. Ngài là quan thầy của nước Italia, sáng lập Dòng Anh Em Hèn Mọn, người ngưỡng mộ thiên nhiên, đầy tớ phục vụ người cùng khổ. Mầu nâu của áo Dòng Phanxicô đã trở thành một biểu tượng cho tinh thần của ngài.
Về nguyên nhân chọn tông hiệu Phanxicô của vị tân Papa, Linh Mục Thomas Rosica, người phát ngôn của Vatican, cho biết: “Phanxicô đã từ bỏ giầu sang phú quý để trở thành một người nghèo. Ngài là một nhân vật vĩ đại, rất vĩ đại của Nhà Thờ, nhưng còn nổi bật qua hành động nối kết các Kitô Hữu với những ai không cùng Lòng Tin.”
Vào ngày có vị Papa mới, thiên hạ đã xôn xao: Tại sao ngài lại lấy tên Phanxicô ? Ngài là ai ? Có phải ngài muốn mang Nhà Thờ quay về với nền tảng ban đầu không ? Theo website của Vatican, Papa Piô XI đã viết trong một tông thư: "Chưa từng có ai mang khuôn mặt Giêsu Kitô và phong cách Tin Mừng tỏa sáng và mãnh liệt như Phanxicô. Thật là chính đáng khi ta nhìn nhận ngài như là một Đức Giêsu Kitô khác" ( In an encyclical, Pope Pius XI stated that "there has never been anyone in whom the image of Jesus Christ and the evangelical manner of life shone forth more lifelike and strikingly than in St. Francis." St. Francis "was also rightly spoken of as 'another Jesus Christ,'" Pius XI said ).
Phanxicô sinh năm 1181 tại Assisi, con trai thừa kế của một thương gia giầu có, thời tuổi trẻ quen sống phóng túng với những người hát rong. Vào năm 20 tuổi, sau một trận đánh với một thành phố kình địch, ngài bị bắt làm tù binh trong một năm. Sau khi được thả về nhờ có tiền chuộc mạng của cha mình, ngài bị một bệnh nặng trong một thời gian rồi thay đổi cuộc sống, từ bỏ việc theo đuổi danh vọng. Ngài đi gặp những người phong, có lần còn ôm hôn một người phong. Ngài ăn mặc rách rưới, sống chung với đám ăn mày tại quảng trường Thánh Phêrô tại Roma.
Website của Vatican ghi lại vào năm 2010, Papa Benedict XVI đã nói về Phanxicô như sau:
Khi đến cầu nguyện tại Nhà Thờ đổ nát Thánh Damian, ngài nhìn thấy và nghe được Đức Kitô trên thập giá nói: “Phanxicô, hãy đi sửa lại Nhà Thờ đang đổ nát của ta.” Sự đổ nát của tòa nhà là biểu tượng của tình trạng đáng lo trầm trọng của Nhà Thờ. Vào lúc đó Nhà Thờ chỉ mang một Lòng Tin hình thức không có khả năng hoán cải con người, hàng Giáo Sĩ trở nên nguội lạnh, thiếu xót Lòng Mến.
Thân phụ của Phanxicô hoài nghi lòng quảng đại và sự dấn thân phục vụ người nghèo của Phanxicô. Trước sự hiện diện của Giám Mục Assisi, Phanxicô đã cởi quần áo ra trả lại cho cha mình và từ bỏ quyền thừa kế gia tài. Ngài sống như một ẩn sĩ và đến Roma vào năm 1209 để đề nghị với Papa Innocent III một lối sống Kitô mới. Từ đó Dòng Phanxicô được thành hình ( Nguồn: http://www.cnn.com/2013/03/13HYPERLINK "http://www.cnn.com/2013/03/13/world/st--francis-of-assisi-profile"/HYPERLINK "http://www.cnn.com/2013/03/13/world/st--francis-of-assisi-profile"world/st--francis-of-assisi-profile ).

NGUYỄN TRUNG, 5.2014 ( Còn tiếp )
Theo EPHATA số 612

0 nhận xét:

Đăng nhận xét