Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

Suy niệm CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH "Em-Mau : Sự Hiện Diện, Lời Nói Và Cử Chỉ"

CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH

TÔNG ĐỒ CÔNG VỤ 2,14.22-33 ; 1PHÊ-RÔ 1,17-21 ; LU-CA 24,13-45

Em-Mau : Sự Hiện Diện, Lời Nói Và Cử Chỉ



Chuyện Chúa Giê-su chết là sự kiện hiển nhiên mà các tông đồ và môn đệ Chúa đều mục kích, và nghĩ rằng đời họ chấm dứt từ đây. Thế nhưng, việc đời lại khác, có cái gì đã xảy ra sau ba ngày về cái chết của Chúa Giê-su, khi hai môn đệ của Ngài lòng chứa chan thất vọng, cùng nỗi buồn sầu trên con đuờng trở về làng Em-mau, từ đó đưa đến một sự quan trọng cho chúng ta. Thực vậy biến cố này có giá trị vừ lịc sử vừa kiểu mẫu. Vì thánh Lu-ca đã ghi lại câu chuyện lịch sử này và truyền lại hầu làm cho những người tín hữu qua mọi thời đại hiểu được Thánh Thể, mời gọi mỗi người chúng ta suốt cả đời sống mình hãy sống như kinh nghiệm của hai môn đệ Em-mau này đã sống trải qua.

Điểm quan trọng đầu tiên được lưu ý trong bài Tin Mừng này : đó là Chúa Giê-su tiến lại gần hai môn đệ đang thất vọng về cái chết của Ngài. Sự thất vọng của họ có lý do sau : Các ông nghĩ rằng sẽ có một Tôn Sư đến từ Na-da-rét, Người sẽ là Đấng Cứu Thế đã từ lâu nay được các Ngôn Sứ tuyên bố trong nhân gian, và là niềm hy vọng chung cho dân Do Thái. Các ông thấy nơi Chúa Giê-su là Người có đủ bản lãnh để giải phóng dân tộc họ, đẩy lui và đánh đuổi được quân xâm lược Rô-ma ra khỏi bờ cỏi, vì quân giặc Rô-ma đã chiếm hữu xứ Giê-ru-sa-lem qúa lâu rồi. 

Chuyện mà họ ước mơ ở nơi Chúa Giê-su đã không xảy ra như họ kỳ vọng. Đấng mà các ông đặt trọn niềm tin tưởng của mình hầu thấy được một ngày tươi sáng cho dân tộc, thì lại bị quân Rô-ma và dân mình đóng đình đến chết trên thập giá thảm thương. Bầu trời đã sụp đổ! Sự thất vọng não nề đã chụp xuống trên con người các ông. Bao nhiêu năm tháng hy vọng, bao nhiêu uớc mơ tái thiết lại một triều đại huy hoàng như thời vua Ða-vít đã theo mây khói chỉ có trong mấy ngày thôi. Đời sống của các ông từ đây mất đi ý nghĩa rồi, các ông đã hoàn toàn vỡ mộng khanh hầu công tướng !

Chính vào lúc các ông đang bị nỗi buồn soi mòn và sự thất vọng gặm nhắm tâm can, chính xác nhất vào lúc không còn gì để chờ mong nữa, thì vào lúc đó Chúa Giê-su xuất hiện với các ông. Ngài tiến lại gần bên họ. Ngài đồng hành với các ông. Ngài lắng nghe lời các ông than thở. Thế nhưng họ lại không nhận ra Chúa Giê-su.

Đây chính là một sự xác tín đề ra cho đức tin của chúng ta. Thực Chúa Ki-tô là hiện diện trong cuộc đời của ta. Ngài vẫn luôn hiện diện với chúng ta, một cách đặc biệt hơn Ngài hiện diện bên ta vào những giờ phút khó khăn, vào những lúc chúng ta gặp phải ngang trái. Sự hiện diện của Chúa Ki-tô không có dễ cho chúng ta nhận ra được Ngài, song sự hiện diện đó luôn là hiện thực. Qủa thế, Chúa Ki-tô thường hằng ở đây bên cạnh chúng ta trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh của đời người, nhưng trong lúc ấy, thì đôi mắt của chúng ta cũng giống như đôi mắt của các môn đệ Em-mau, có thể là mù, nên họ không nhận ra được Ngài.

Trên đường đi Em-mau, Chúa Giê-su đã chú tâm lắng nghe câu chuyện lòng của hai môn đệ mình. Ngài hiểu nỗi lòng đau đớn, chán chường và thất vọng của các ông. Để rồi giờ cấn đến, Chúa Giê-su đề nghị với các ông hãy nhớ lại những gì Thánh Kinh đã chép về Ngài. Từ đó, dưới ánh sáng Lời Chúa, Chúa Giê-su giải thích cho các ông về những điều Thánh Kinh đã nói về Đấng Ki-tô phải chịu đau khổ như thế nào. Cũng để từ đó mọi sự khởi đầu xuất hiện dưới ánh sáng một ngày mới. Những gì chốc lát trước đây các ông cho là vô ý nghĩa, thì nay ý nghĩa rõ ràng. Bởi quan niệm của các ông nghĩ về biến cố vừa xảy ra đó cho Thầy mình xác thực là không còn trông mong hy vọng gì nữa. Những gì các ông nghĩ về cái chết của Chúa Ki-tô dược xem như một sự thất bại chua cay, nhưng bây giờ sau khi lằng nghe lời giải thích Thánh Kinh, thì xuyên qua đó các ông thấy hoàn toàn khác hẳn. Quả thực Chúa Giê-su đã mở mắt cho họ thấy được ánh sáng của Lời Chúa : Có nghĩa sự hấp hối của Ngài. Việc Ngài chịu đóng đinh trên thập giá và cái chết của Ngài không phải là một thất bại chua cay, song là một mầu nhiệm sự sống: Phải chăng Đấng Ki-tô phải chịu khổ nạn như thế, để đi vào trong vinh quang của Ngài (Luca 24, 36).

Thực các môn đệ đã không hiểu được sự đau khổ và sự chết đều đặt vào trong đôi tay thần kỳ của Thiên Chúa, từ đó tất cả có thể trở nên nguồn suối ánh sáng và sức mạnh của sự sống. Đẹp thay giờ đây các ông đã hiểu, và họ hoàn toàn thay đổi. Trước đây họ buồn sầu thất vọng bao nhiêu, thì giờ đây họ tràn ngập niềm vui bấy nhiêu. Trước họ ngã lòng thối chí, giờ thì nhiệt hứng hân hoan. Trước đây các ông chạy trốn Giê-ru-sa-lem, nay thì họ vội vã quay về để loan báo cho các anh em mình rằng « các anh em ơi Thầy của mình đã sống lại và chúng tôi đã gặp được Ngàì ».

Cũng thế, giống như các môn đệ làng Em-mau, chúng ta cần xét lại đời mình dưới ánh sáng của Lời Chúa. Mỗi một Chúa Nhật hay mỗi ngày tham dự Thánh Lễ, thì Chúa Thánh Thể mời gọi chúng ta về sự hiện diện của Ngài. Bởi sự thường cái nhìn cùng quan niệm của ta không có tầm xa được, do đó cái nhìn của chúng ta về các biến cố của cuộc đời của mình qủa là hạn hẹp. Thực là hạn hẹp bởi cái nhìn đó chỉ là cái nhìn của con người. Thế nhưng với sự trợ giúp của Lời Chúa, thì một cái nhìn khác tất có thể. Có nghĩa một cái nhìn kết hợp với Đấng chính là Thiên Chúa mang lại sự sống, và nhờ vậy mà cái nhìn này bất ngờ đem lại sự sống, hoan lạc cùng hạnh phúc cho ta.

Thuờng thường cái nhìn này hoàn toàn là khác biệt với cái nhìn của chúng ta. Như lời ngôn sứ I-sa-i-a đã nói về cái nhìn này là : « Tư tưởng của Thiên Chúa không phải là tư tưởng của chúng ta, và đường lối của Thiên Chúa chẳng phải là đường lối của chúng ta » (I-sa-i 55, 8). Do đó biến cố Em-mau đề nghị chúng ta nên bước đi cùng với Chúa Ki-tô, và chúng ta để cho Ngài dẫn hướng Lời Chúa, hầu cho ta hiểu được đời mình, và xuyên qua đó các Lời Chúa đây là cách thức Chúa Trời tỏ lộ cho chúng ta hày đường lối của Ngài.

Buổi chiều xuống dần và gần đến làng, sau khi đã đồng hành với các ông một đoạn đuờng dài đến đây, Chúa Giê-su làm như thử mình còn đi xa hơn và phải chia tay họ, thì các ông tha thiết níu kéo Ngài lại và mời Ngài lưu lại với họ. Chúa Giê-su đã sống với họ một chốc lát thân mật, rất nồng độ tình ngưòi, để từ đó họ có một cảm nghiệm đức tin mạnh mẽ. Đó là khi Chúa Giê-su bẻ bánh, thì các bạn hữu của Ngài đã nhận ra Ngài. Trước khi cử chỉ này chưa được thể hiện, các ông đã không nhận ra được Ngài. Qủa các ông không nhận ra được Chua Giê-su, bởi kể từ lúc sự sống lại của Ngài, thì Chúa Giê-su không còn hiện diện nữa với các ông dưới hình dạng nét mặt của con người. Người ta không thể thấy khuôn mặt Chúa Giê-su, nghe được tiếng Ngài, đụng vào thân thể hay đôi tay của Chúa Giê-su. Giờ đây sự hiện diện của Chúa Giê-su thể hiện và tỏ lộ trong những dấu chỉ mới. Thánh Thể là một trong những dấu chỉ quan trọng và phong phú hơn cả trong những dấu chỉ mới này.

Lời Chúa được loan báo cho chúng ta không những để cho ta nhận ra Chúa Ki-tô ẩn mình dưới hình bánh, song là để chúng ta nhận ra Ngài hiện diện cả đời ta, hiện diện trong mọi giây phút suốt cả tháng này qua năm khác. Nhờ việc bẻ bánh mà các môn đệ Em-mau đã nhận diện ra Chúa Ki-tô phục sinh, cũng là Chúa Ki-tô ở bên cạnh các ông trước đây vào buổi chiều Tiệc Ly, để rồi từ đó các ông nhớ lại những giờ khắc vừa qua : « Dọc đường Khi Ngài hàn huyên và giải thích Thánh Kinh cho chúng ta, con tim chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao » (Lu-ca. 24, 32).

Do thế mỗi khi chúng ta thông hiệp vào sự bẻ bánh, ắt chúng ta có thể thường sống các cảm nghiệm giống như cái cảm nghiệm của hai môn đệ Em-mau này. Nhờ Hồng Ân này sẽ rọi sáng cho cuộc đời của chúng ta. Amen.

Lm. Phêrô Lê Quang Dũng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét