LTCGVN (11.05.2014) – Paris, Pháp – Lý luận đơn giản là thay vì nhìn sự vật dưới nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng chỉ nhìn nó dưới một cạnh, sau đó tìm cách tổng quát hóa, đưa thành định luật. Lý luận ngụy biện là thay vì có đủ nguyên nhân rồi mới đi đến kết luận, nhưng chỉ đưa ra một vài nguyên nhân, chưa đủ, rồi đã kết luận.
Theo tinh thần khoa học, thì phải có nguyên nhân ắt có, rồi nguyên nhân đủ, mới đi đến kết luận. Như để trở thành nước, thì phải có Hydrogène và Oxygène, đó là nguyên nhân ắt có; tuy nhiên phải có 2 nguyên tử Hydrogène và 1 nguyên tử Oxygène mới thành nước, đó là nguyên nhân đủ.
Đó là đối với khoa học chính xác như hóa học, vật lý, thiên văn, toán học. Còn đối với khoa học nhân văn, không chính xác, thì rất là khó định nguyên nhân, ngay dù là ắt có và đủ. Chẳng hạn như trong lịch sử, ngay dù trong quá khứ, đưa ra một vài sự kiện, rồi đã kết luận là lịch sử thế này, lịch sử thế nọ, lập nó lên thành quy luật; bảo đó là khoa học lịch sử; nhất là từ đó lại suy diễn cho tương lai, bảo rằng lịch sử đi theo chiều hướng này, đi theo chiều hướng nọ; đó là ngụy biện, sai lầm. Từ chỗ đơn giản hóa, ngụy biện, thì dễ dàng đi đến sai lầm.
Nói đến những lý luận đơn giản hóa, ngụy biện và sai lầm của cộng sản thì có rất nhiều. Có thể nói nó bắt đầu từ Marx, Engels, qua Lénine, Staline rồi tới cộng sản Việt Nam. Chúng ta hãy xét từng trường hợp một.
I- Lý luận đơn giản, ngụy biện và sai lầm của Marx và Engels
Ai cũng biết K. Marx viết Tuyên Ngôn Thư Đảng Cộng Sản vào tuổi 30, vì Marx sinh năm 1818 và viết vào cuối năm 1847, đầu năm 1848.
Thật vậy, Liên minh những Người đúng (Ligue des Justes) họp ở Luân đôn, Anh quốc vào đầu tháng sáu 1847, và qua những trao đổi thư từ giữa Marx và những người tham dự, qua đề nghị của Marx, Liên minh đã đổi thành Liên Minh những người Cộng sản (Ligue des Communistes). Điều đáng tiếc là vì tiền bạc khó khăn Marx không thể tham dự. Người đại diện Marx là Engels, đã được Hội Nghị đề cử ghi chép tất cả những ý kiến của những người phát biểu, rồi trao cho Marx để viết. Nhưng Marx cứ chần trừ không viết; mặc dầu đã có nhiều lần khuyến cáo của Ủy Ban Trung ương Liên minh. Ngày 26/1/1848, Ủy Ban Trung Ương thông báo từ Luân Đôn cho Đại diện Liên minh ở Bruxelles, thủ đô nước Bỉ, nơi Marx đang sống lưu vong, quyết định của tổ chức vào ngày 24/01, yêu cầu Marx trả lại tất cả những điều mà Engels đã ghi chép ở Đại hội để cho người khác viết, để kịp ấn bản vào đầu tháng hai. Lúc đó Marx mới quyết định viết và đã hoàn thành vào tuần cuối của tháng 01. Viết đúng một tuần (Theo J. Attali – Karl Marx ou l’esprit du monde – trang 139 – Ed. Fayard- Paris 2005). Điều này chứng tỏ Marx rất thông minh, viết một quyển sách nổi tiếng thế giới vào tuổi 30, trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên nó cũng nói lên rằng, những cái gì Marx viết trong Tuyên Ngôn Thư chưa phải là điều Marx suy nghĩ chín chắn, nghiên cứu tới nơi tới chốn, nó bắt nguồn từ những cảm hứng, tinh thần lãng mạn, hơn là những cái gì có tính cách suy nghĩ, kiểm nghiệm từ lâu trên phương diện lịch sử, kinh tế và xã hội. Marx là một người rất lãng mạng, từ thiếu thời và ngay cả khi về già.
Marx bắt đầu Tuyên Ngôn Thư bằng câu: “Lịch sử nhân loại cho tới ngày hôm nay là lịch sử của đấu tranh giai cấp” (K. Marx – Le manifeste du Parti communiste – trang 19 – Union générale d’Editions – Paris 1962). Đây là một cái nhìn đơn giản tối đa, nếu không muốn nói là sai lầm về lịch sử. Chúng ta có thể nói vào tuổi 30, Marx chưa đủ thời gian để đọc hết lịch sử các quốc gia của nhân loại, thế mà Marx vẫn thản nhiên viết như vậy. Nhìn lịch sử nhân loại qua lịch sử của đấu tranh giai cấp là đơn giản hóa tối đa lịch sử, nếu không muốn nói là làm sai lịch sử.
Lịch sử là gì, nếu không là tất cả những hành động của con người, của một cộng đồng được ghi chép lại, thường người ta chỉ ghi chép những biến cố quan trọng. Trong lịch sử nhân loại có rất nhiều sự kiện ông lãnh chúa này mang quân đánh ông lãnh chúa kia, vì một nguyên do rất tầm thường, nhiều khi tranh giành một người phụ nữ đẹp; hay anh em tranh nhau ngôi báu, như trường hợp anh em Nguyễn Huệ, đâu có phải bắt nguồn từ giai cấp khác nhau. Những sự kiện này rất nhiều trong lịch sử nhân loại. Phải chăng những sự kiện này, dưới cái nhìn của Marx, không phải là lịch sử?
Thêm vào đó, Marx còn cho rằng lịch sử là lịch sử của bạo động. Ở điểm này Marx đã lấy cái gì bất bình thường làm cái bình thường và đưa lên hàng định luật, không có một tý gì là khoa học. Không cần nói đâu xa, chúng ta cứ quan sát lịch sử của một con người hay ngay của cả một quốc gia, thì chúng ta sẽ rõ. Bình thường, con người ai cũng muốn sống yên thân, trong hòa bình, họ chỉ bạo động, khi bắt buộc. Một qyuốc gia cũng vậy. Chúng ta cứ lấy lịch sử 2 quốc gia Pháp, Đức đã là nguyên do và tác nhân chính của 2 trận thế chiến. Nhưng đây cũng chỉ là bất bình thường, còn bình thường thì 2 quốc gia này vẫn sống hòa bình với nhau.
Marx còn viết: “Người cộng sản có thể thâu tóm lý thuyết của mình trong một câu duy nhất: Bãi bỏ quyền tư hữu” (Tuyên Ngôn thư – trang 36). Ở đây Marx đã đơn giản tối đa lý thuyết về chủ nghĩa xã hội và đồng thời lý thuyết của mình, làm cho người về sau áp dụng lý thuyết của Marx chỉ cần để trong đầu câu nói duy nhất là bãi bỏ quyền tư hữu. Đấy là chưa nói đến việc tư tưởng của Marx về quyền tư hữu không có tính khoa học và sai lầm.
Thật vậy, Marx và Engels, nhất là Engels, trong quyển Nguồn gốc của gia đình, của quyền tư hữu và của nhà nước (L’Origine de la famille, de la proprité privée et de l’etat), đã dựa vào công trình nghiên cứu của một số nhà xã hội học như Morgan về một vài xã hội thời thượng cổ, rồi đi đến kết luận là xã hội nguyên thủy của loài người không có quyền tư hữu, là thiếu khoa học; vì đó mới chỉ là những điều kiện ắt có, chưa phải là những điều kiện đủ để đi đến kết luận như vậy. Marx và Engels còn lầm lẫn ở chỗ là quyền tư hữu không thể bãi bỏ, mà chỉ có thể chuyển nhượng. Kinh nghiệm gần 100 năm, từ ngày nhà nước cộng sản được thành lập bởi Lénine vào năm 1917 cho tới nay, đã chứng minh rất rõ là quyền tư hữu không thể bãi bỏ, mà chỉ có thể chuyển nhượng. Đảng cộng sản, gồm một nhóm người, sau khi cướp được chính quyền, đánh tư bản, mại sản, bảo rằng bãi bỏ quyền tư hữu; nhưng thực tế là chuyển nhượng quyền tư hữu từ tay toàn dân vào tay một thiểu số đảng đoàn cán bộ. Việc dân oan khiếu kiện vì bị cướp đất, đuổi nhà không chỉ có ở Việt Nam mà còn có ở Trung Cộng, ở Căm bốt. Nó bắt nguồn từ lý thuyết sai lầm của Marx về quyền tư hữu. Hơn thế nữa quyền tư hữu là một nguyên động lực giúp con người làm việc. Nay ở những nước cộng sản, toàn dân bị tước quyền tư hữu, không còn muốn làm việc, cảnh “cha chung không ai khóc, ruộng chung không ai cày, nhà chung không người chăm sóc”, ở những nước cộng sản là vậy.
Theo Engels, thì Marx đã làm ra hai phát minh lớn: một “Giống như Darwin phát minh ra qui luật phát triển của thế giới hữu cơ, Marx phát minh ra qui luật phát triển của lịch sử con người”. Hai “Giá trị thặng dư là phát hiện thứ hai vĩ đại của Marx”.
Chúng ta sẽ suy nghĩ về hai vấn đề này.
Về Darwin
Darwin (1809-1882) sinh trước Marx (1818-1883) 9 năm, chết trước Marx 1 năm. Người ta có thể nói là 2 người cùng thời. Hơn thế nữa 2 người cùng ở Anh, cách nhau khoảng mấy chục dặm. Năm 1859, Darwin cho xuất bản quyển Nguồn gốc chủng loại và những phương tiện lựa chọn tự nhiên (L’origine des espèces et des moyens de la sélection naturelle); cũng là năm Marx cho xuất bản quyển Tư bản luận bằng tiếng Đức. Người đọc Darwin trước tiên là Engels. Ông này đã hăng say nói với Marx rằng Darwin là người cùng phía với chúng ta; vì Darwin tin rằng có một lịch sử thế tục của nhân loại và có một sự đấu tranh sống còn cho cuộc sống. (Theo J. Attali – Karl Marx ou l’esprit du monde – trang 248 – nhà xuất bản Fayard – 2005-Paris). Engels đề nghị là phải gặp Darwin. Việc mà Marx đã làm, bằng cách là viết một cái thư và biếu ông ta một quyển sách Tư bản luận bằng tiếng Đức. Nhưng không có trả lời. Một vài năm sau, khi quyển Tư bản luận được dịch ra bằng tiếng Anh, Marx lại viết một bức thư và gửi tặng Darwin quyển sách bằng tiếng Anh. Lần này có hồi âm; nhưng dè dặt và lạnh nhạt; vì Darwin cho rằng lý luận của ông chỉ áp dụng cho khoa học thiên nhiên, chứ không phải cho khoa học nhân văn, chỉ áp dụng cho loài vật, chứ không cho loài người; và sự lựa chọn tự nhiên giữa loài vật, nó xẩy ra tự nhiên, tình cờ, chứ không theo một tiến trình nào cả, nhất là không theo tiến trình biện chứng pháp như Marx và Engels nghĩ. Ông còn thêm rằng “tư tưởng của Marx có tính chất tuyên truyền, không khoa học, vô thần, chống Thiên Chúa và có hại cho việc giải phóng trí tuệ của con người”. (Sách vừa dẫn – trang 403). Những sự kiện này, Marx và Engels biết rõ hơn ai hết, thế mà vẫn thản nhiên viết:
“Thiên nhiên là viên đá thử vàng của biện chứng pháp và phải nói rằng những khoa học hiện đại của thiên nhiên đã cấp cho vấn đề này những nhiên liệu vô cùng quí giá và nó tăng lên mỗi ngày; khoa học hiện đại đã chứng minh rằng thiên nhiên, cuối cùng đã biến chuyển một cách biện chứng pháp (dialectiquement), chứ không phải một cách siêu hình (non métaphysiquement), rằng thiên nhiên không biến chuyển theo một chu kỳ giống nhau mãi mãi, lập lại hoài hoài; mà thiên nhiên có một lịch sử thật sự. Về điểm này, chúng ta cần nhắc tới Darwin, người đã dáng một quả búa nặng nề cho quan niệm siêu hình về thiên nhiên, bằng cách chứng minh rằng toàn thể thế giới hữu cơ, như nó hiện hữu ngày hôm nay, những cây cỏ, xúc vật, và tất nhiên trong đó có con người, đều là sản phẩm của một tiến trình phát triển đã kéo dài hàng bao triệu năm nay”. (Engels – dẫn bởi Staline, trong Histoire du Parti communiste/Bolchévik de l’U.R.S.S. – trang 118-Editions Norman Béthume – Paris-1971).
Thiên nhiên biến chuyển theo biện chứng pháp là biến chuyển như thế nào? Trước khi trả lời câu này, chúng ta cùng xem xét chữ biện chứng pháp.
Chữ Dialectique (Biện chứng) đi từ chữ Hy Lạp (Grec) Dialegein có nghĩa là Đối thoại với người khác. Nguyên thủy, biện chứng có nghĩa là nghệ thuật đối thoại, đã được Socrate dùng để chứng minh chân lý với người đối thoại của mình. Platon đã cho rằng tư tưởng con người ngay dù nó một mình cũng tự đối thoại qua biện chứng. Hégel, triết gia Đức, sinh năm 1770, chết 1831, theo trường phái Duy ý (idéalisme), thầy của Marx, đã dùng phương pháp biện chứng để cắt nghĩa sự tiến triển của tư tưởng con người. Theo ông tư tưởng con người tiến triển theo tiến trình Đề – Phản Đề – Tổng Đề. Chẳng hạn khi tôi có một ý tưởng (Đề), tôi trao đổi với người khác, gặp một ý tưởng phản bác lại (Phản Đề). Hai ý tưởng chống đối nhau, rồi sau đó làm thành một tổng hợp (Tổng Đề). Rồi Tổng Đề bây giời thành Đề, gặp ý tưởng khác, Phản Đề, đối chọi nhau, làm thành Tổng Đề. Cứ như vậy mà tiến hoài, đi từ chỗ ý tưởng chủ quan sang ý tưởng khách quan.
Với Hégel và trường phái Duy Ý (Idéalisem), chúng ta còn hiểu tiến trình phát triển của ý tưởng. Nhưng với Marx và trường phái Duy vật, thì chúng ta không hiểu vật chất biến chuyển theo biện chứng pháp là thế nào.
Marx đã chỉ trích Hégel, cho rằng thầy mình đã lẫn lộn trong triết học, lấy chân (ý tưởng) làm đầu, và lấy đầu (vật chất) làm chân. Marx chủ trương duy vật và cho rằng vật chất, thiên nhiên biến chuyển theo biện chứng pháp. Nhưng đây là một điều khó hiểu. Vật chất (la matière), thiên nhiên, theo nghĩa thông thường và ngay như Engels vừa định nghĩa là “toàn thể thế giới hữu cơ, như nó hiện hữu ngày hôm nay, những cây cỏ, xúc vật, và tất nhiên trong đó có con người” biến chuyển theo biện chứng pháp là biến chuyển thế nào? Cái gì là Đề, cây cỏ chăng? Cái gì là Phản Đề, xúc vật chăng? Cái gì là Tổng Đề, con người chăng? Chúng ta không có câu trả lời. Đó là định nghĩa vật chất theo mắt người thường. Nếu chúng ta định nghĩa vật chất vào thời Marx, chưa có thuyết nguyên tử, thì theo nhà triết gia duy vật Hy Lạp, Démocrite (370-460 TKN): “Vật chất là cái gì nhỏ nhất, không thể phân chia”. Nếu đã là nhỏ nhất, không thể phân chia thì đâu còn Đề – Phản Đề và Tổng Đề.
Sau này với khoa học hiện đại, nhà bác học Đan Mạch đã định nghĩa Vật chất là Nguyên Tử, gồm có Electrons, Protrons và Neutrons, vào năm 1913. Nhưng từ đó bảo rằng Nguyên tử tức vật chất biến chuyển theo biện chứng pháp là biến chuyển thế nào. Cai gì là đề, Neutron? Cái gì là Phản Đề, Protrons? Cái gì là Tổng Đề, Electrons? Câu hỏi này những nhà duy vật sau Marx, với phát minh của Niels Bohr, không có câu trả nời.
Phát hiện vĩ đại thứ hai của Marx là giá trị thặng dư
Giá trị thặng dư, theo định nghĩa đơn giản của Marx trong những buổi thuyết trình cho thợ thuyền lao động ở Anh, đua thí dụ, đó là trong một hãng sản xuất bánh mì, người thợ sản xuất một ngày 10 ổ bánh mì; nhưng người chủ chỉ trả giá trị bằng 6 ổ và giữ lại giá trị 4 ổ. Đó là giá trị thặng dư. Nói một cách tông quát, đó là phần khác biệt giữa cái người thợ sản xuất ra và cái người chủ trả cho người thợ, theo Marx, là chỉ trả giá trị đủ để sống.
Một cách tổng quát thì người ta hiểu giá trị thặng dư là như vậy. Nhưng làm thế nào để tính giá trị thặng dư bằng con số, tham vọng mà K. Marx muốn thực hiện, như Marx viết cho Engels và bạn bè là muốn tạo cho thợ thuyền một phương tiện đấu tranh khoa học. Hơn thế nữa, vì theo Marx, hạ tầng cơ sở kinh tế quyết định thượng tầng chính trị, văn hóa, tôn giáo, thẩm mỹ, nên Marx muốn biến kinh tế thành một khoa học chính xác. Đây là một việc làm không thể thực hiện đươc, vì kinh tế là khoa học nhân văn, không chính xác. Đây là mục đích mà Marx tự đặt cho mình từ năm 1843, khi ông bắt đầu viết quyển Tư Bản luận; và đây cũng là lý do cắt nghĩa tại sao Marx bỏ ra cả cuộc đời viết quyển Tư Bản luận mà không hoàn tất, chỉ hoàn tất quyển I, còn quyển I I, I I I do Engels gom góp lại tài liệu, sắp xếp, rồi cho xuất bản sau đó.
Hơn thế nữa, khi địng nghĩa gia trị thặng dư, Marx vô tình hay cố ý đã quên vai trò của chủ. Ngày hôm nay người ta ngay cả thợ thuyền đều phải công nhận chủ đóng một vai trò quan trọng không những cho việc tạo ra công ăn việc làm cho thợ, mà cho cả việc phát triển kinh tế quốc gia. Gần đây có một cuộc thăm dò ý kiến thợ qua một đài phát thanh của Pháp. Theo đó 99,9 % thợ không muốn trở lên làm chủ, vì họ ý thức rằng làm chủ không phải dễ và họ không có khả năng, phần lớn ý muốn của thợ thuyền là có một nghề nghiệp hợp với ý thích của mình, có đồng lương bảo đảm cuộc sống cho gia đình và đảm bảo việc làm cho tới tuổi về hưu.
II- Lý luận đơn giản, ngụy biện và sai lầm của Lénine
Nhưng dù sao, với Marx và Engels, nhất là với Marx, trên còn tương đối có trời, dưới còn tương đối có đất, hai người còn đôi chút ngay thẳng trí thức (probìté intellectuelle); còn tới Lénine và nhất là đồ đệ của ông như Staline, Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh, thì trên không có trời, dưới không có đất, không có một chút gì là ngay thẳng trí thức, người ta có thể làm bất cứ một cái gì để đạt tới mục đích. Đây là trường phái bá đạo, và đúng nghĩa hơn là ma đạo hay quỉ đạo. Đúng như lời một trí thức cộng sản Việt Nam, ông Lê Xuân Tá, đã là Phó Trưởng Ban Khoa học và Kỹ thuật Trung ương đảng: “Sự ngu dốt và thấp hèn tự nó không đáng trách và làm nên tội ác. Nhưng sự ngu dốt và thấp hèn mà được trao quyền lực và cấy vào vi trùng ghen tỵ, thì nó trở thành quỉ nhập tràng. Và con quỉ này, nó đã ý thức rất sớm và rất rõ rằng cái đe dọa quyền và lợi của nó, chính là sự hiểu biết, trí thức, văn hóa và văn minh; nên nó đã đánh những thứ này một cách dã man, tàn bạo, không thương tiếc. Cách mạng Hồng vệ binh ở bên Tàu là vậy; Nhân văn giai phẩm ở Việt Nam là thế. Nhưng chính vì nó là thấp hèn và ngu dốt, nên những thứ này đã trở thành sỏi thận, sỏi mật, sơ gan cổ chướng trong lục phủ, ngũ tạng của chế độ cộng sản, làm cho chế độ này không ai đánh mà tự chết”.
Những lý luận đơn giản, ngụy biện và sai lầm còn tăng thêm với Lénine, vì Lénine là đồ đệ của Marx. Hơn thế nữa Marx lý luận đơn giản và ngụy biện sai lầm vì vô tình hay vì sự hiểu biết về khoa học vào thời ông còn giới hạn, hoặc vì tính lãng mạn, không tưởng của ông. Nhưng đối với Lénine thì hoàn toàn ngược lại. Ông cố tình ngụy biện để lừa dối người khác, lừa dối dân. Như nguyên tắc “Tập trung dân chủ” (centralisme démocratique) mà ông đưa ra; ông thừa biết đó là nguyên tắc độc tài tối đa, vì chính ông định nghĩa trong quyển Phải làm gì (Que Faire) rằng đảng phải theo một kỷ luật sắt, kỷ luật quân đội, người dưới phải tuyệt đối vâng lệnh người trên, tổ chức dưới phải tuân hành lệnh của tổ chức trên; nhưng ông vẫn cho thêm vào tĩnh từ dân chủ. Như ông viết: “Trong một chữ, sự chuyên môn bao hàm tất yếu sự tập trung; nó đòi hỏi tuyệt đối như vậy” (Lénine – Que Faire – trang 178 – Editions sociales – Paris – 1969). Về sau ông thêm tĩnh từ dân chủ vào thành ra Tập trung dân chủ. Tập trung dân chủ ở đây chữ tập trung là chính, vì là danh từ, còn chữ dân chủ là phụ, vì là tĩnh từ. Đã tập trung thì không còn dân chủ nữa; nhưng ông cứ dùng để lừa dối dân. Marx có dùng chữ “Độc tài vô sản” (dictature prolétarienne), nhưng ở đây Marx ngây thơ cho rằng khi vô sản nổi lên làm cách mạng, bãi bỏ quyền tư hữu, nguyên nhân của việc đưa đến xã hội phân chia thành giai cấp; và vì xã hội chia thành giai cấp, nên mới có Nhà nước; nay xóa bỏ nguyên nhân của nguyên nhân; thì Nhà nước sẽ tự biến mất. Từ ngày Marx viết Tuyên Ngôn Thư đảng cộng sản tới nay là hơn 160 năm; mặc dầu Marx đã bỏ 15 trang trong tổng số 48 trang của bản Tuyên Ngôn Thư (Theo ấn bản tiếng Pháp của nhà xuất bản Union générale d’Editions – năm 1962) để chỉ trích những nhà xã hội chủ nghĩa trước Marx như Saint Simon, Charles Fourrier, Robert Owen v.v… Nhưng ngày hôm nay chúng ta mới thấy Marx mới là không tưởng, ảo tưởng, lãng mạn, không dính gì đến thực tế, và không có một chút gì khoa học. Marx lầm vì nhiều khi không tưởng, lãng mạn; nhưng Lénine lầm nhiều khi cố ý; vì Lénine theo trường phái bá đạo, làm bất cứ cái gì miễn là đạt được mục đích của mình, từ phương diện thực hành đến lý thuyết. Trên phương diện lý thuyết, Lénine có thể đưa ra những định nghĩa trái hẳn với những định nghĩa từ trước tới giờ, tùy tiện, miễn sao có lợi cho mình thì thôi. Như Lénine định nghĩa “Xã hội chủ nghĩa là có điện” hay “Người cộng sản là người trung thành với cấp trên nhất”. Đây là nguyên tắc tập trung và như vậy thì còn đâu là dân chủ, mà là độc tài tối đa; nhưng ông vẫn ghép tĩnh từ dân chủ vào. Ở điểm này cộng sản Việt Nam còn gian dối, quỷ quyệt hơn là giữa 2 cụm từ “dân chủ” và “tập trung”, vì tiếng Việt, nhiều khi tĩnh từ có thể đặt trước hay đặt sau, nên cộng sản Việt Nam đã dịch 2 chữ “Centralisme démocratique” của Lénine thành ra “Dân chủ tập trung”, chứ thực ra phải dịch thành “Tập trung dân chủ”.
III- Lý luận đơn giản, ngụy biện và sai lầm của cộng sản Việt Nam.
Trên phương diện tư tưởng, thì cộng sản Việt Nam rất là nghèo nàn, không có một đóng góp gì cho tư tưởng Mác-Lê. Để bào chữa cho việc thiếu xót này, một số trí thức cộng sản đưa ra luận điệu: “Chúng tôi đã đóng góp cho lý thuyết Mác-Lê bằng máu, bằng xương thịt bằng cách chống Mỹ là quá đủ rồi”. Đây là một ngụy biện để tự bào chữa, vì đã lẫn lộn thực hành và lý thuyết, không dám can đảm nhận mình kém về phương diện lý thuyết.
Việc đưa Hồ chí Minh lên hàng những nhà tư tưởng chỉ là việc làm trò cười cho thiên hạ, vì chính khi ông còn sống, ông đã tuyên bố nhiều lần rằng ông không có tư tưởng gì cả, ông đã có Staline và Mao nghĩ hộ.
Là đồ đệ của Lénine, theo trường phái bá đạo, có thể làm bất cứ cái gì để đạt được mục đích của mình, cộng thêm rút tỉa được kinh nghiệm quá khứ, cộng sản Việt Nam đã trở thành quỷ quyệt, gian manh, không những trong lãnh vực hành động mà còn trong lãnh vực ngôn từ. Dùng bất cứ ngôn từ gì để lừa dối người khác, lừa dối dân, không còn một tý gì là trung thực, nhiều khi còn hãnh diện trong những hành động và ngôn từ dối trá lừa gạt của mình. Chẳng hạn như những ngôn từ “Dân làm chủ, đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý”, “Thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa”, “Chuyên chính vô sản”; ngày hôm nay thì đưa ra những luận điệu: “Tự do, dân chủ, nhân quyền là sản phẩm của Tây phương, Đông phương trong đó có Việt Nam không cần”; cùng nhiều luận điệu khác. Chúng ta sẽ đi vào chi tiết những luận điệu một.
“Dân làm chủ, đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý”, thử hỏi dân làm chủ mà không được lãnh đạo và không được quyền quản lý, thì làm chủ ở chỗ nào. Đây chỉ là một khẩu hiệu để lừa dối dân, dùng ngôn từ để lừa bịp dân.
“Thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa”, quá đây là hơn, vượt hơn lên, độ đây là mức độ bình thường, “quá độ” là hơn mức độ bình thường. Cụm từ này chẳng qua là để chỉ thời kỳ chuyển tiếp từ lúc đảng cộng sản cướp được chính quyền đến lúc xã hội trở thành “xã hội chủ nghĩa”. Theo Marx thì thời kỳ này gần như rất ngắn, và không có, vì, một khi cướp được chính quyền, đảng cộng sản bãi bỏ quyền tư hữu, nguyên nhân sinh ra giai cấp; và giai cấp là nguyên nhân sinh ra nhà nước, nay nguyên nhân của nguyên nhân bị bãi bỏ, thì nhà nước tự biến mất. Câu hỏi “Tại sao nhà nước không tự biến mất”, khi đảng cộng sản nắm quyền, mà nhà nước lại được tăng cường, được đặt ra ngay vào thời Lénine, rồi sau đó vào thời Staline vào thập niên 30? Người cộng sản đã viện đủ lý do để bào chữa, nhưng thực tế cộng sản là trái với lý thuyết của Marx. Rút tỉa kinh nghiệm này, cộng sản Việt Nam, gian manh, quỷ quyệt, thay vì dùng “Thời kỳ chuyển tiếp” (Période de transition), đã dùng “Thời kỳ quá độ”, vì chữ chuyển tiếp thì làm người ta đặt câu hỏi: Tại sao chuyển tiếp mà lâu vậy? Thêm vào đó cộng sản Việt Nam cho rằng mình không cần phải trải qua thời kỳ tư bản, mà đi thẳng từ thời kỳ phong kiến lên xã hội chủ nghĩa, nên là thời kỳ quá độ. Dù sao thì cũng chỉ là một trò chơi chữ, để dấu những mưu toan đen tối của mình và để lừa dân.
“Chuyên chính vô sản” không có nghĩa gì hơn là độc tài vô sản (dictature prolétarienne), nhưng dùng chũ độc tài, thì người dân thấy rõ ra bản chất độc tài, nên dùng chữ chuyên chính để dấu bản chất độc tài.
“Tự do, dân chủ, nhân quyền là sản phẩm của Tây phương, Đông phương, trong đó có Việt Nam, không cần những giá trị này” hay “Dân Việt Nam chưa đủ trình độ để có tự do, dân chủ, nhân quyền”, đây là những luận điệu hoàn toàn phản khoa học, phản bản chất toàn cầu của con người. Con người dầu là da vàng, da đen hay da đỏ, ai cũng muốn sống trong tự do, dân chủ, nhân quyền của họ được tôn trọng, bảo đảm. Ngay cả con chim kia chúng ta nhốt nó vào lồng, dù là lồng vàng, dù chúng ta cho nó ăn uống đầy đủ, thế mà nó vẫn muốn sổ lồng, đi kiếm tự do. Huống chi là con người. Thêm vào đó còn có lập luận cho rằng dân tộc Việt Nam chưa đủ trình độ để có tự do, dân chủ, nếu thực hiện dân chủ thì đất nước sẽ loạn. Đây là một ngụy biện của tất cả những chế độ độc tài ở trên thế giới. Hơn thế nữa, cũng những người cộng sản này, những người trí thức cộng sản này, trước năm 1975, thì rao rác lên rằng dân tộc Việt Nam là “Đỉnh cao trí tuệ của loài người tiến bộ”. Ngày hôm nay để bảo vệ chế độ độc tài, thì họ cho rằng dân tộc Việt Nam chưa đủ trình độ để có tự do, dân chủ. Tôi không tin như vậy. Hiện nay có vào khoảng gần 200 quốc gia, đại đa số đã có chế độ dân chủ, chính quyền do chính người dân bầu ra, qua những cuộc bầu cử dân chủ thực sự, người dân có toàn quyền xử dụng lá phiếu của mình chứ không như cảnh Việt Nam “Đảng cử; dân bâu”, bầu cử gian lận, dối trá, do đảng bắt buộc dân bầu cho người đảng đã chỉ định.
Về những lý luận ngụy biện của cộng sản Việt Nam, thì còn rất nhiều. Nó do tính gian manh, quỷ quyệt của giới lãnh đạo, bắt đầu bằng Hồ Chí Minh cho tới ngày nay. Cộng thêm với một bè lũ trí thức cộng sản, đã bẻ cong ngòi bút, khom lưng, quỵ gối, cố nặn óc ra những xảo từ, ngụy ngôn để phục vụ chế độ. Kiểu Tố Hữu:
“Thương biết mấy khi con học nói !
Tiếng đầu lòng con gọi Staline”.
Thế kỷ 20 vừa qua, nhân loại đã bị sống nhiều thảm trạng: 2 cuộc đại chiến, 2 chế độ độc tài, độc tài phát xít Hitler và độc tài cộng sản. Nhưng thảm trạng giết nhiều người nhất đó là thảm trạng cộng sản: hơn 100 triệu người.
Các dân tộc Nga sô và Đông Âu đã can đảm đứng lên lật đổ trang sử đau thương cộng sản, để viết trang sử mới. Dân tộc Việt Nam hãy can đảm đứng lên đấu tranh để lật đổ trang sử đau thương cộng sản, từ lý thuyết qua những lý luận đơn giản, ngụy biện, không tưởng và sai lầm, tới thực hành dã man, côn đồ, gian manh, quỷ quyệt của cộng sản, để viết trang sử tự do, dân chủ, nhân quyền, ấm no và hạnh phúc.
Chu Chi Nam
Nguồn: http://chuchinam.pagesperso-orange.fr
0 nhận xét:
Đăng nhận xét