CHÚA NHẬT THỨ HAI PHỤC SINH
CÔNG VỤ TÔNG ÐỒ 5,12-16 ; KHÀI HUYỀN 1, 9-11.12-13.17-19 ; GIO AN 20, 19-31
Giờ Chúa Sống Lại
Chúa Nhật tuần trước, Phụng Vụ Lời Chúa đã tuyên bố rằng Chúa Kitô đã sống lại. Còn Phụng Vụ Chúa Nhật hôm nay, thì mời gọi chúng ta cố gắng thấu hiểu những hệ trọng của biến cố Chúa Giêsu phục sinh này. Một biến cố có một không hai của lịch sử nhân loại từ tạo thiên lập địa cho đến bây giờ.
Việc quan trọng đầu tiên, là các môn đệ Chúa Kitô đã thực hiện giữ lời hứa của Thầy mình, là loan báo sự sống lại của Chúa Kitô. Tuy nhiên, việc đó không thể tạo trong một nháy mắt. Vì lúc đầu không có một môn đệ nào tin rằng Chúa Giêsu có thể phục sinh. Việc sống lại đó không đến trong trí óc các ông. Thế rồi cái kinh nghiệm của các bà mang dầu thơm ra mộ thăm Chúa. Vả nữa có Thiên Thần xuất hiện vói các bà. Câu chuyện các bà tường thuật việc các bà thấy chuyện lạ, là Thầy đã sống lại kể lại cho các môn đệ Ngài nghe. Tiếp đến là thánh Phêrô cùng Gioan vội vã chạy ra mộ Chúa, thấy ngôi mộ trống không. Ðể rồi từ đó chúng ta thấy dần dần tư tưởng Chúa Giêsu đã sống lại, phát sinh mọc mần trong con tim của các ngài. Rồi từng bước thời gian, một vài vị đã gặp được Chúa Giêsu sống lại. Thôi, thi cỏi lòng các tông đồ cùng các môn đệ có được niềm vui ngập tràn, và Tin Mừng Chúa Giêsu sống lại bắt đầu được loan truyền tỏa rộng cho thiên hạ hay : Chúa Giêsu đang sống! Ngài đang hiện diện ở giữa chúng ta…
Tuyệt thay, mỗi một vị Tông Ðồ ý thức được sự kỳ diệu này. Mỗi một vị môn đệ theo con đường của mình, theo niềm tin của mình, rồi cùng đi đến một lời công bố : vâng, Ðấng mà chúng tôi biết và được gọi tên là Giêsu, thực Ngài đã sống lại.
Như câu chuyện của thánh Tôma gợi lại cho chúng ta nhớ. Quả các môn đệ cùng các tông đồ khác không có gì đặc biệt cả, họ không dễ tin, hầu như các ông ai cũng thế, cho dù có một vài vị đã gặp thấy Chúa Giêsu sống lại kể cho họ nghe. Thế nhưng, có người đòi Chúa phải cho họ những dấu chỉ chứng thực Ngài đã sống lại, thì họ mới tin. Cũng giống như thánh Tôma đòi hỏi « nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay tôi vào lổ đinh và không đặt bàn tay mình vào cạnh sườn Ngài, tôi chẳng có tin » (Gioan 20, 25). Chìu ông Chúa đã hiện ra cho thánh Tôma thấy các dấu đinh trên thân thể mình, tức thì thánh nhân đã tin. Ðể rồi Chúa phán rằng « phúc cho những người không thấy mà tin » (Goan 20, 29). Và cũng hạnh phúc thay cho những người nào giống như thánh Tôma khi thấy được Chúa Giêsu sống lại, thì thốt lên rằng « lạy Chúa của con, lạy Chúa Trời của con » (Gioan 20, 28). Nhất là, phúc thay cho những người khác, nhờ sự hiện diện của Chúa bên cạnh họ, mà không cần đến đôi mắt xác thịt, nhưng chỉ độc nhất con mắt đưc tin.
Mỗi một người trong chúng ta đây phải biết kể lại làm sao cùng khi nào chúng ta được sinh ra ở trong Chúa Kitô, kể lại xác thưc rằng Chúa Kitô, Chúa chúng ta hằng sống.Kể lại một cách hồn nhiên như đứa bé không thể thấy, nhưng lòng vẫn tin chắc chắn Chúa Kitô hằng sống. Có thể một số anh chị em trong chúng ta sau nhiều năm có đức tin cháy bỏng, rồi với thời gian làm cho đức tin ta phai nhạt, thì giờ đây chúng ta cần khám phá một Chúa Kitô hằng sống ở giữa chúng ta. Thực mỗi người chúng ta đều có một lịch sử, và hãy ôn lại lịch sử niềm tin của ta đối với Chúa Kitô.
Sau khi đã thấu hiểu rằng Chúa Kitô là một con người mới, thì các tông đổ không khoanh tay ngồi đợi. Cũng thế, các vị đã không trở lại với các công việc hằng nhật của mình trước đây, như không có chuyện gì xảy ra. Lý thực các tông đồ vừa trải qua một biến cố lớn lao ghi nhận vào hồn mình, đánh dấu một sự dứt khoát cái tính bán tin bán nghi , đánh dấu một sự biến đổi hoàn toàn lòng tin. Ðể rồi các vị không thể giữ lại gì cho mình những sự việc xảy ra, vừa được mạc khải cho các vị. Do đó, các tông đồ không thể im lặng với những kinh nghiệm mình vừa sống qua. Bỏi vậy mà sách Công Vụ Tông Ðồ đã tường thuật lại cho chúng ta biết : các tông đồ chung nhau ở Giêrusalem, quy tụ trong một ngôi nhà, để cầu nguyện với Mẹ Maria.
Ở nơi này là chỗ chính đáng để găt hái ân sũng. Vả nữa, vào lúc đó có những người phụ nữ hay đàn ông đã nhận chân cùng khám phá ra được sự phục sinh của Chúa Kitô, họ không lưu trong một góc độ cá nhân. Ðúng hơn các vị hợp lại thành một nhóm người : cùng một lòng và một ý. Nói như ngôn ngữ của chúng ta hôm nay, thì họ đã tạo nên một liên minh đoàn kết.
Do vậy, đức tin không còn là một việc làm cá nhân, hay một vấn đề riêng tư. Ðức tin được mời gọi đến việc chia sẽ, đến vệc đoàn kết. Ðó chính là chung nhau hiệp lực, đó chính là ở trong và ở nơi Giáo Hội mà người ta tin. Những ai nghĩ rằng mình có thể giữ vững đức tin, mà không cần đến sự trợ lực cùng liên đới với anh chị em mìmh, thì quả là nhầm lẫn. Người sống theo chủ nghĩa cá nhân, thì đức tin họ sẽ tự héo úa. Thế đó, thời gian không là bao, các tông đồ đã ý thức rằng Thầy mình quả thực đã sống lại, và những môn đệ tiên khởi của Chúa Kitô cũng nhận ra rằng : sự họp lại của các anh chị em người này và người nọ trong cùng chung niềm tin, cùng cất lời chúc tụng Chúa, thì nảy sinh ra được ân sũng kỳ diệu Chúa ban.
Ðể rồi từ những việc diễn ra này, các tông đồ cùng môn đệ Chúa, quả một cách tự nhiên được Chúa ban cho những dấu chỉ đức tin của mình vào Ngài. Sách các Công Vụ Tông Ðồ, kể lại cho chúng ta nghe : các tông đồ chữa lành được nhiều căn bệnh cho nhiều người , khi người ta đưa các bệnh nhân đến cho các tông đồ chữa trị. Tin Mừng cũng lưu ý chúng ta đến một sự kiện hệ trọng : đó là sau nhiều lần Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ mình, và Chúa chúc ban cho các ông sự bình an. Sau đó, Chúa Giêsu tín thác họ và trao cho một sứ mạng : « như Chúa Cha đả sai Thầy. Thầy cũng thế, Thầy sai các con ra đi. Hãy nhận lãnh Chúa Thánh Thần, và đi muôn phương, đến với muôn dân rửa tội cho họ » .
Chữa bệnh, giải thoát, mang lại niềm hy vọng cho thiên hạ, đó chính là sứ mạng của người Kitô hữu. Các tông đồ cùng môn đệ ra đi, để tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu đã khai mào. Do thế khi ta nhận lãnh đức tin, thì bao gồm luôn việc tiếp nhận sứ mạng truyền giáo này. Chúng ta thử nghĩ, khi nói rằng mình tin vào Chúa Kitô mà lại sống cách biệt Ngài, sống trong một căn hầm bít kín, thi chính là sự sai lầm. Ðầu tiên là việc làm của con tim, hay là việc làm của trí óc mình, nhưng phải trên hết, là việc làm của đức tin, việc làm dấn thân để phục vụ thế giới, phục vụ con người.
Ðẹp thay, những Kitô hữu tiên khởi đã thực hiện việc làm truyền giáo biết bao là khó khăn, để có thể « hóa thân » trong thế giới họ sống những cử chỉ của Chúa Kitô giữa lòng nhân gian : như an ủi, nâng đỡ, bênh vực, giải thoát, kết hiệp những ai đã chia rẻ, mang lại hy vọng ở nơi không còn hy vọng, nói về sự sống khi thiên hạ đối mặt với cái chết…
Như trong sách Khải Huyền thuật lại (mạc khải về tương lai gần hay xa), thì thánh Gioan hướng về 7 Hội Thánh vùng Tiểu Á. 7 là con số biểu hiệu tất cả Giáo Hội hiện hữu, tất cả Giáo Hội của Thế Giới hoàn vũ. Những Giáo Hội này gặp những khó khăn trong việc tuyên xưng sự sống lại. Do đó, thánh nhân tha thiết mời gọi họ hãy can đảm cùng gan dạ lên, nhất là thánh nhân nhấn mạnh rằng Chúa Kitô hiện nay đang sống trong vinh quang. Ngài đã đánh gục thần tử, và vượt thắng sự chết. Nay Chúa Kitô « cầm giữ chìa khóa của Thần Tử cùng Âm Phủ, và những ngày của người chết » ( Khải Huyền 1, 18 ).
Xin chúng ta hãy mở toang cỏi lòng mình ra, xin nên mở hết tâm trí mình để lãnh hội những lời Tin Mừng chúng ta vừa nghe : tiếp hội những Lời Chúa Thánh Thần soi sáng, và tạ ơn Chúa Trời đã ban cho chúng ta đức tin cùng niềm xác tín vào Chúa Kitô sống lại – Và Ngài sẽ ban cho chúng ta được sống lại vói Ngài trong vinh hiển. Amen !
Lm. Phêrô Lê Quang Dũng
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét