Washington DC, USA – Nếu chỉ nghe và sống theo những gì nói ra từ cửa miệng các viên chức Đảng và báo-đài của Nhà nước thì rất nhiều người ở Việt Nam sẽ trở tay không kịp khi trận cuồng phong mất niềm tin nơi lãnh đạo đang dồn dập đổ về phiá họ.
Ngay cả số đông cán bộ, đảng viên và lực lượng võ trang bảo vệ đảng là Quân đội và Công an cũng không nghĩ là họ sẽ rơi vào tình huống khó xử đó vì bộ máy tuyên truyền và những Thủ trưởng của đơn vị đã thực hiện các buổi học tập để bảo đảm “đảng ta mạnh hơn bao giờ hết” để bảo vệ lòng trung thành của thuộc cấp trong mọi hòan cảnh.
Đòan viên của Tổ chức Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, thế hệ con ông cháu cha là lớp kế thừa của đảng, cũng tỏ ra không mấy bận tâm vể mối nguy đang đe dọa sự sống còn của Tổ quốc vì trước mắt họ chỉ có một con đường vinh thân đang rộng mở để họ thay thế cha anh tiếp tục cai trị đất nước.
Tuy nhiên những “chủ nhân tương lai của đất nước” này cũng đang phải đối diện với “thực trạng một bộ phận người trẻ tuổi lười lao động, ngại học tập, phấn đấu, thích hưởng thụ, chạy theo lối sống thực dụng; xa rời mục tiêu lý tưởng phấn đấu, vi phạm đạo đức, thậm chí còn có những biểu hiện đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc”, như lời báo động trên Báo Quân đội Nhân dân ( 25/03/2013), vẫn không biết họ phải làm gì để thoát khỏi trận cuồng phong cuối đi ?
Một số đông “trí thức hàng đầu của đảng” là cán bộ giảng dậy Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Lịch sử Đảng tại Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (tên nguyên thủy là Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc), hay công tác trong Ban Tuyên Giáo Trung Ương, Tạp Chí Cộng Sản, thậm chí cả những Sỹ quan giữ nhiệm vụ bảo vệ tư tưởng cho Quân đội trong Cục Chính trị cũng đang sống trong giấc mơ hão huyền rằng “Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”, như ghi trong “Cương lĩnh Xây dựng Đất nước Trong thời kỳ qúa độ lên Xã hội Chủ nghĩa (bổ sung, phát triển năm 2011)”!
Nhưng trên 30 triệu trẻ em nghèo Việt Nam ở nông thôn và vùng cao, theo ước tính của Unicef, và khỏang 30,000 trẻ em khác đang sống lang thang đầu đường xó chợ ở các thành phố sẽ cùng với 80 phần trăm nông dân và công nhân lao động trong tổng số 90 triệu dân, những người sống rất vô tư nhưng lam lũ ngày đêm làm ra tiền nuôi Đảng và Quân đội và chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội lại không mơ hồ chút nào về hậu qủa sẽ đổ lên đầu họ khi cơn lốc chính trị-xã hội ập đến.
Một số không nhỏ Trí thức cựu viên chức, đảng viên, sỹ quan cựu chiến binh, cán bộ, đảng viên và người dân thức thời đã cảnh giác về hiểm họa này trên nhiều mạng báo Truyền Thông Xã Hội (báo lề trái) không thuộc hệ thống báo-đài của nhà nước, đã bị những người lãnh đạo,kể cả Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, và guồng máy tuyên truyền của Đảng nghiêm khắc lên án là có chủ mưu “chống phá đảng”, “gây mất ổn định chính trị”, “mắc mưu các thế lực thù địch”, “bọn cơ hội” hay nằm trong kế họach “diễn biến hòa bình” của ngọai bang, thường ám chỉ Hoa Kỳ, để đánh đổ đảng CSVN.
ĐIỂM XUẤT PHÁT
Vậy nguồn gốc của cơn bão Chính trị đến từ đâu? Nó bắt đầu từ Bản Hiến pháp sửa đổi 1992.
Kể từ khi Nhà nước phổ biến lấy ý kiến nhân dân ngày 02/01/2013, có lẽ lần đầu tiên những người lãnh đạo mới nhận ra là đảng CSVN không còn được nhiều triệu người dân, kể cả đảng viên và một số lão thành cách mạng và công thần nhà nước ủng hộ để tiếp tục lãnh đạo “nhà nước và xã hội” mà không có sự đồng ý của dân qua lá phiếu.
Cú “đá móc vào bạ sườn” bất ngờ này đã làm cho đảng chóang váng nên guồng máy tuyên truyền của đảng, gồm Ban Tuyên giáo Trung ương do ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị đứng đầu và Cục Chính trị quân đội, chỉ huy bởi Trung tướng Ngô Xuân Lịch đã đồng loạt vào cuộc phản công để bảo vệ vị trí lãnh đạo tuyệt đối của đảng.
Họ bảo đảng phải là “lực lượng duy nhất cầm quyền” và “chỉ có đảng thôi” vì đó là “tất yếu của lịch sử”, hoặc đó là “ý muốn” của nhân dân như cán bộ Tuyên truyền Thiên Phương đã vẽ ra, trong một bài viết rằng: “Quyền lãnh đạo của Ðảng là dựa trên sự tín nhiệm của nhân dân. Quyền ấy được nhân dân trao cho. Sự tín nhiệm đó có được từ sự đúng đắn của đường lối, chính sách ở tầm vĩ mô, từ sự gương mẫu hy sinh, phấn đấu của mỗi cán bộ, đảng viên trên từng cương vị của mình, trong đó có sự hòa đồng giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, giữa quyền lợi của giai cấp và lợi ích của toàn thể dân tộc.” (Báo Nhân Dân, Thứ năm, 28/02/2013).
Hay như Thiện Văn viết : “Việc quy định Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội không chỉ là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán để khẳng định vị trí, vai trò độc tôn lãnh đạo của Đảng, mà còn là một nguyên tắc bất di bất dịch của cách mạng Việt Nam, phù hợp với thể chế chính trị – xã hội mà Việt Nam đã lựa chọn.” (Báo Quân đội Nhân dân,06/01/2013)
Nếu không phải là người Việt Nam và chưa bao giờ sống ở Việt Nam thì có người sẽ sai lầm tin vào lời bịa đặt của Thiên Phương và Thiện Văn.
Nhưng sau 83 năm có mặt trên đất nước Việt Nam và qua thử thách trong 4 cuộc chiến từ “chống Pháp giành độc lập” đến “chống Mỹ cứu nước” qua đến hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Bắc với Khmer đỏ và bị Lãnh tụ Trung Cộng Đặng Tiểu Bình “dậy cho một bài học” trong cuộc chiến Việt-Trung (Trung Cộng) năm 1979, thêm với kinh nghiệm xương máu trong Cuộc Cải cách ruộng đất (1953-1960) ở miền Bắc và Cuộc thảm sát hàng ngàn người dân vô tội ở Huế của Bộ đội CSVN trong Cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 thì tất cả cái “hay” cái “đẹp” và cái “xấu”, cái “tốt” của đảng đã lột ra từng thớ thịt ai cũng thấy hết, không cần phải chạy tội hay “đổi trắng thay đen” cho đảng tốt hơn.
Nhưng nếu bảo bài viết của hai Tác gỉa Thiên Phương và Thiện Văn đã bất chấp lẽ phải, cố đấm ăn xôi giúp đảng lội ngược dòng chảy của lịch sử thì có qúa đáng không, hay đảng đã viện lẽ “cần ổn định để phát triển” như một chiêu bài che dấu “sợ mất quyền”? Hay là người Cộng sản đã mau quên lời dậy của ông Hồ Chí Minh nói rằng : “Ngoài lợi ích của nhân dân, của dân tộc, Đảng không có lợi ích gì khác. Vì vậy, cán bộ và đảng viên phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phải là người đày tớ hết sức trung thành của nhân dân”?
Ông Hồ còn nói : “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán hai chữ “cộng sản” là ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Đồng chí ta nhiều người đã làm được, nhưng vẫn còn những người hủ hóa. Đảng có trách nhiệm gột rửa cho những đồng chí đó.” (Tài liệu học tập của đảng CSVN).
Nhưng xuyên qua thời gian, từ sau khi ông Hồ qua đời năm 1969, đảng CSVN đã trải qua 7 đời Tổng Bí Thư (Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng) mà đã “gột rửa” được bao nhiêu cán bộ, đảng viên, nhất là những kẻ “có chức có quyền” để trong sạch hoá đảng, chuộc lại tình “máu thịt với nhân dân” đã bị sói mòn như đảng đã nhận lỗi thêm trong Nghị quyết 4 năm 2011 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” “?
Vậy có nên hỏi ông Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Ngọc Ninh, Giảng viên cao cấp về xây dựng Đảng thuộc Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh xem ông ta có thuộc lời dậy của ông Hồ không mà dám nói ra những câu “sặc mùi” tham quyền cố vị như thế này: “Việc đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp không phải đến bây giờ khi lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, những người thiếu thiện chí mới đưa ra vấn đề này …Điều này cũng nằm trong diễn biến hòa bình, đòi bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đi tới đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Bài học lớn nhất mà chúng ta có thể thấy là sự sụp đổ của các nước XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, nhất là Liên Xô….Giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng là điều kiện tiên quyết để giữ vững ổn định chính trị và để đất nước phát triển. Trong tình hình hiện nay, bài học này càng cần phải thấm nhuần và thực hiện một cách sâu sắc. Nếu không giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng thì ở trong nước sẽ có nhiều lực lượng chính trị tranh giành quyền lực, hình thành các phe nhóm, đảng phái đối lập với nhau và đất nước sẽ không thể tránh khỏi rối loạn chính trị. Người chịu hậu quả cuối cùng là nhân dân.” (Phỏng vấn của Hương Giang/Trung tâm tin, Đài Tiếng Nói Việt Nam, 06-03-2013).
DÂN MẤT NIỀM TIN
Nhưng sự kiện đảng không muốn nghe ý kiến trái chiều, nói “không có vùng cấm” dân góp ý kiến về Điều 4 Hiến pháp dành độc quyền lãnh đạo cho đảng mà ngay sau đó đã nuốt lời để “không muốn nghe”, hay vội vã lên án những người phê bình Điều 4 là “suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức” như ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói ở Vĩnh Phúc ngày 25/02/2013, hoặc bảo như thế là “ngược chiều, phải kiên quyết đấu tranh và ngăn chặn” như ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Hà Nội ngày 27/02/2013 thì có phải là độc tài, muốn bám chặt lấy cái ghế ngồi không?
Vì vậy, không ai ngạc nhiên khi nghe ông Hùng cho biết đã có 26 triệu cá nhân, tổ chức góp ý kiến cho Bản Hiến pháp sửa đổi, sau 3 tháng từ 2/1 đến 31/3 (2013).
Ông nói: “Hình thức tham gia rất phong phú, không khí thảo luận trên các diễn đàn rất sôi động, trong đó có đấu tranh đảm bảo những tinh hoa trí tuệ của nhân dân và bác bỏ những xu hướng, cách suy nghĩ không phù hợp tình hình thực tiễn đất nước trong giai đoạn này.”
Nhưng những “cách suy nghĩ không phù hợp tình hình thực tiễn đất nước trong giai đoạn này” là “suy nghĩ gì”? Có phải là ý kiến bác bỏ không những chỉ có Điều 4 phản dân chủ mà cả tòan Bản Hiến pháp 1992 sửa đổi của nhóm Kiến nghị 72 và của hàng triệu người dân thuộc 3 Tôn giáo gồm Giáo hội Công giáo, Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Phật giáo Hòa hảo Thuần túy, Phong trào Công dân Tự do của đa số là người trẻ Việt Nam trong và ngòai nước?
Và khi ông Hùng nhấn mạnh đến vấn đề “không phù hợp tình hình thực tiễn đất nước trong giai đọan này” thì ông muốn ngụ ý gì? Hiện tình đất nước bây giờ có gì là bất thường, an nguy đâu mà “không phù hợp” và đến bao giờ mới “phù hợp”?
Nếu đảng CSVN vẫn tự cho mình ngồi ở vị trí cầm quyền là sự “lựa chọn của nhân dân và dân muốn đảng cầm quyền” hay đó là “tất yếu của lịch sử” thì sợ gì mà đảng không dám cho dân có đầy đủ các quyền tự do như Hiến pháp đã ghi, cần gì phải viết kèm “sợi dây thòng lọng” như mấy chữ “theo luật định” hay “theo quy định của pháp luật” để xóa đi cam kết của Hiến pháp hầu có lý do cấm dân không được quyền ra báo, lập hội, lập đảng, tập họp và biểu tình, dù là biều tình chống Trung Cộng lăm le chiếm biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông?
Nhưng ai đã cho phép “các diễn đàn” của nhà nước “bác bỏ những xu hướng, cách suy nghĩ không phù hợp tình hình thực tiễn đất nước” , hay là chính Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của ông Hùng đã lạm quyền để “hợp pháp hóa” các luận điệu phù đảng, phản dân chủ và không dám công khai tranh luận với những “xu hướng” hay “cách suy nghĩ” trái với ý đảng?
Mị dân như thế mà ông Chủ tịch Quốc hội còn dám nói oang oang tại Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 ngày 08/04/2013 tại Hà Nội rằng : “ Sau 3 tháng triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã nhận được sự quan tâm sâu sắc và đồng tình ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân và đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý dân chủ, sâu rộng trong cả hệ thống chính trị.
Thông qua đợt sinh hoạt chính trị – pháp lý này, không chỉ huy động được trí tuệ và tinh thần trách nhiệm của công dân để hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp mà còn phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc xây dựng dự thảo Hiến pháp.”
Như vậy thì chỉ có những ý kiến thuận chiều với đảng mới được ông Hùng ca tụng là “dân chủ” và “phát huy quyền làm chủ” của người dân đi theo đảng
còn những ý kiến trái chiều thì đã bị Ủy ban này vứt vào sọt rác trước khi trình bản Hiến pháp mới cho Hội nghị Trung ương đảng lần 7, dự trù họp vào đầu tháng 5 và Quốc hội sau đó?
còn những ý kiến trái chiều thì đã bị Ủy ban này vứt vào sọt rác trước khi trình bản Hiến pháp mới cho Hội nghị Trung ương đảng lần 7, dự trù họp vào đầu tháng 5 và Quốc hội sau đó?
Mánh mung như thế nên Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, 96 tuổi, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Cộng mới mỉa mai rằng : “Đã gọi là ý kiến nhân dân thì muôn hình muôn vẻ, rất nhiều ý kiến khác nhau. Với những ý kiến khác nhau tiêu biểu đều cần được đưa lên các phương tiên truyền thông đại chúng của nhà nước mới công bằng. Đằng này chỉ đưa ý kiến một chiều là không quang minh chính đại.
Đối với những điều “quan trọng, nhậy cảm”, có ý kiến không tán thành, muốn thay đổi cho hợp quyền dân, lợi nước, có ý kiến đồng ý với dự thảo, có người cố bệnh vực ý kiến của Ủy ban dự thảo bằng lập luận nguy biện, không mấy đáng giá. Những ý kiến trái ngược nhau như thế, nếu thật dân chủ, thì phải đưa cả 2 loại ý kiến với lập luận của mỗi bên lên báo, đài để bàn dân thiên hạ lập luận xem bên nào có lý. Đằng này chỉ đưa toàn người phát biểu đồng ý, còn những ý kiến khác với dự thảo dù đúng, dù hợp với thời đại thì bị quy chụp cho là suy thoái, theo nước ngoài, chống Đảng, chống Nhà nước v.v…
Nói là lấy ý kiến nhân dân, “không có vùng cấm” cho có vẻ dân chủ, nhưng chỉ những ý kiến đồng ý với dự thảo mới được cấp nhận, cuối cùng Hiến pháp được thông qua đại để như bản dự thảo. Như vậy, phát động lấy ý kiến nhân dân làm gi cho phí thời gian, công sức, giấy mực, tốn hàng mấy chục tỷ tiền của Nhà nước.”
Vậy con số 26 triệu người góp ý, hay sau ngày 30/09 sẽ có thêm vài chục triệu nữa cũng chả có ý nghĩa gì, ấy là chưa kể đến những tình huống “chẳng đặng đừng” phải gật đầu, theo như lời của Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh : “Cách lấy được nhiều chữ ký hoặc điểm chỉ “đồng ý dự thảo” thì dễ thôi. Bà bán rau, chị hàng cá, anh bán đậu phụ có thì giờ đâu mà đọc dự thảo, họp tổ khu phố thấy bà tổ trưởng bảo ký “đồng ý” thì ký thôi; công nhân, viên chức không ký “đồng ý” thì sợ mất việc, sợ bị “trù”; ở nông thôn chị nông dân, bác nuôi cá, trưởng thôn bảo ký thì ký, không ký sau này xin giấy tờ khó; họp chi bộ, đồng chí nào không ký “đồng ý” thì sợ thiếu ý thức tổ chức; kiểu như thế thì lấy bao nhiêu chữ ký đồng ý mà chả được.
Còn việc công bố là có 20 triệu, 30, 40 triệu người đồng ý với dự thảo Hiến pháp thì đó là độc quyền thông tin của T.V., báo chí nhà nước, nói sao chả được, ai biết đâu mà cãi.”
(Trích theo Bài viết mới – Thấy gì khi đọc kỹ Bản Dự Thảo Hiến Pháp Sửa Đổi- Nguyễn Trọng Vĩnh, phổ biến đầu tiên trên mạng báo Truyền Thông Xã hội của nguyên Đại tá Bùi Văn Bồng, Việt Nam, 04/10/013)
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, một trong số ít Tướng Cộng sản đã không ngại phê bình nhiều chủ trương và chính sách yếu hèn của Nhà nước CSVN trước chủ trương bá quyền, gây hấn, lấn chiếm lãnh thổ và biển đảo Việt Nam của chính quyền Trung Cộng. Ông từng lên tiếng chỉ trích dự án để cho Trung Cộng vào khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, và cũng là người đã ký tên thứ 73, ngay sau đợt 1 của nhóm Kiến nghị 72 Trí thức đòi lọai đảng ra khỏi vai trò “độc quyền” lãnh đạo đất nước, đồng thời thay Bản Hiến pháp sửa đổi bằng một Dự thảo Hiến pháp dân chủ, theo Tổng thống chế và có Quốc hội lưỡng viện (Thượng và Hạ viện).
Như vậy thì đảng cầm quyền với ai khi trong dân đã có một lực lượng không đồng tình chấp nhận đảng, sau khi Hiến pháp mới được ban hành, dự trù vào cuối năm 2013?
Câu chuyện Hiến pháp, với những trục trặc tưởng không đáng quan tâm, nhưng khi lấy con số trên 7 triệu tín đồ Công giáo, một khối dân đòan kết và có chỉ huy vững vàng nhất trong các khối Tôn giáo ở Việt Nam đã không còn muốn đi chung đường với nhà nước thì chuyện “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi” trong bối cảnh xã hội ngày nay không phải là chuyện tầm thường khi người dân không còn tin Đảng nữa.
Phạm Trần
(04/013)
Nguồn: VRNs
QuE toi Can bo moi nguoi dan den hop gop y sua doi hien phap, 7h30 toi ,nguoi dan den thi tan cuoc hop ,nguoi dan hoi thi pho chu tich phuong noi ,dan khong den co nghia la dan dong y khong xoa bo dieu 4 ... nguoi dan mat nien tin vao nha cam quyen tu lau roi,noi lao ,lua doi,
Trả lờiXóa