Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

[Video] Thế Giới Nhìn Từ Vatican 14-20/9/2012: Bài hát chủ đề Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Rio de Janeiro


1. Đức Giáo Hoàng đã đề cập về chuyến đi gần đây của ngài tại Li Băng

Trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư, Đức Giáo Hoàng đã đề cập về chuyến đi gần đây của ngài tại Li Băng. Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn với cộng đồng Hồi giáo, với các nhà lãnh đạo Hồi Giáo đã hoan nghênh ngài nồng nhiệt, và những người đã lắng nghe ngài đề xuất một thông điệp đối thoại và hợp tác. Liên quan đến những căng thẳng gần đây giữa những người Hồi giáo và các tín hữu Kitô, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh sự cần thiết phải ăn mừng "chiến thắng của tình yêu trên hận thù và tha thứ trên oán hờn."

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô,

Hôm nay tôi muốn trình bày những suy tư về chuyến tông du Li Băng gần đây. Mục tiêu đầu tiên của chuyến tông du này là để công bố Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Trung Đông cho những người đại diện cho Giáo hội Công giáo tại Li Băng và khắp vùng Trung Đông. Tôi cũng đã có dịp gặp gỡ đại diện của các Giáo Hội và các cộng đồng giáo hội từ khu vực khác, cũng như các lãnh đạo Hồi giáo.

Tôi đã có thể thổ lộ những suy tư từ trái tim mình khi đứng trước những đau khổ và những sự kiện bi đát ở Trung Đông, và trình bày những khích lệ tha thiết trong nguyện cầu của tôi cho những nguyện vọng chính đáng về hòa bình ở đó. Tôi đã vô cùng xúc động bởi đức tin của Giáo hội địa phương, và tôi đã xin anh chị em tín hữu giữ vững cái nhìn của họ hướng về Đức Kitô chịu đóng đinh, nơi đó họ tìm được sức mạnh trong những tình huống gian truân, sức mạnh để ăn mừng chiến thắng của tình yêu trên hận thù, của tha thứ trên oán thù, và của sự hiệp nhất trên chia rẽ. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi với cộng đồng Hồi giáo, và nhà lãnh đạo Hồi Giáo đã hoan nghênh tôi nồng nhiệt, và đã lắng nghe tôi đề xuất một thông điệp đối thoại và hợp tác. Cuối cùng, lời tri ân chân thành của tôi xin được gởi đến tất cả những ai đã làm việc để làm cho chuyến thăm của tôi đến Li Băng thật đáng nhớ, và tôi đảm bảo với tất cả anh chị em thân yêu ở Trung Đông về lời cầu nguyện và tình cảm của tôi.

Tôi chào đón tất cả các khách hành hương nói tiếng Anh hiện diện ngày hôm nay trong buổi triều yết chung này, bao gồm anh chị em đến từ Anh quốc, Tô Cách Lan, Ireland, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Malta, Australia, Đài Loan và Hoa Kỳ. Tôi cầu khẩn muôn ơn lành, niềm vui và bình an của Thiên Chúa tuôn đổ trên anh chị em.

2. Đức Hồng Y Leonardo Sandri ca tụng sự can đảm phi thường của Đức Thánh Cha

Biến cố nổi bật trong tuần qua gây chú ý nhiều nhất là chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Li Băng kéo dài trong 3 ngày từ thứ Sáu 14 đến chiều Chúa Nhật 16 tháng 9. 

Sau khi tháp tùng với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 trong chuyến tông du Li Băng, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Hội Đông Phương nói với báo Quan Sát Viên Rôma rằng ngài đã nhìn thấy "hình ảnh của một bầy chiên không sợ hãi trước tiếng hú của bầy chó sói."

Đức Hồng Y Leonardo Sandri nhận định rằng các Kitô hữu đã gặp thấy nơi Đức Giáo Hoàng "sức mạnh và lòng can đảm phi thường của một mục tử ưu ái đàn chiên không ngần ngại cất bước trên một cuộc hành trình mà những mối đe dọa càng ngày càng đến gần."

Chuyến viếng thăm đã xảy ra trong bối cảnh là cuộc chiến tại nước láng giềng của Li Băng là Syria đang ngày càng khốc liệt với dòng người Syria lũ lượt tràn qua biên giới Li Băng để xin tị nạn. Hơn thế nữa, chuyến tông du của Đức Thánh Cha đã xảy ra trong bối cảnh của những cuộc biểu tình dữ dội của người Hồi Giáo đang diễn ra trên quy mô toàn thế giới để phản đối một cuốn video bị cho là xúc xiểm đến tiên tri Muhammad của người Hồi Giáo.

Tại Syria, những cuộc biểu tình chống đảng Ba’ath cầm quyền hơn nửa thế kỷ qua đã bắt đầu khởi sự từ ngày 15 tháng Ba năm 2011 tại Daraa nhằm lật đổ chế độ của tổng thống Bashar al-Assad. Thành phố này bị bao vây trong một cố gắng của Bashar al-Assad nhằm dập tắt cuộc nổi dậy. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy đã lan tràn nhanh chóng sang các thành phố khác. Để bảo vệ ngai vàng của mình, ông Bashar al-Assad đã ra lệnh cho quân đội bắn thẳng vào những người biểu tình. Những cuộc phản kháng hòa bình ban đầu đã nhanh chóng phát triển thành cuộc nội chiến. Tháng 11 năm 2011, Syria đồng ý với Liên Đoàn Ả rập chấm dứt bạo lực nhắm vào dân chúng. Tuy nhiên, những cuộc tàn sát vẫn tiếp diễn vì thế Liên Đoàn Ả rập đã khai trừ Syria và kêu gọi Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết truất phế Bashar al-Assad. Nga và Trung quốc phủ quyết nghị quyết này vì họ là bạn hàng chính của Syria. Hai nước này và các nước khác trong khu vực, theo những nghị trình chính trị lắt léo của mình đã tuồn một số lượng lớn vũ khí vào lãnh thổ Syria để người Syria tàn sát lẫn nhau. Cả hai bên trong cuộc nội chiến hiện nay tại Syria đều bị cáo buộc đã phạm vào những tội ác dã man chống nhân loại như tàn sát tập thể phụ nữ và trẻ em vô tội, bắt cóc, và tra tấn. Theo những ước tính ban đầu của Liên Hiệp Quốc, cho đến nay đã có từ 23,000 đến 38,000 người bị giết, 1.5 triệu người phải tản cư. Đặc biệt là càng gần đến ngày Đức Thánh Cha sang thăm Li Băng, cuộc chiến càng trở nên khốc liệt hơn.

Bên cạnh đó cuốn video “Innocence of Muslims” đang gây những phản ứng dữ dội trong thế giới Hồi Giáo. Cuốn video dài 14 phút này đã được ông Nakoula Basseley Nakoula, một người Coptic gốc Ai Cập viết kịch bản và phiên bản tiếng Anh được đưa lên YouTube vào ngày 1 tháng 7 năm nay. 

Sau đó, phiên bản lồng tiếng Ả rập được đưa lên YouTube vào đầu tháng 9. Ngày 8 tháng 9, Khaled Abdullah, một thầy giảng kinh Koran cho chiếu một phần của phim này trên đài truyền hình Al-Nas TV của Hồi Giáo Ai Cập và tố cáo cuốn phim đã xúc phạm đến tiên tri Muhammad của người Hồi Giáo. Biểu tình và bạo động đã nổ ra trên quy mô toàn thế giới.

Nghiêm trọng nhất là cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 vào tòa tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Benghazi là thành phố lớn thứ hai của Libya. Tòa nhà đã bị những người biểu tình tấn công và đốt cháy. Trong cuộc bạo loạn, đại sứ Hoa Kỳ là ông Christoper Stevens và 3 nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ khác bị giết chết. Tại Niger, Vương Cung Thánh Đường Công Giáo tại Zinder bị tấn công và đốt phá. Ngay tại Li Băng, đúng ngày Đức Thánh Cha đến thăm đất nước này, một cuộc biểu tình lớn đã diễn ra tại Tripoli trong đó nhiều nhà hàng KFC đã bị tấn công.

Trong bối cảnh như thế nhiều người Công Giáo đã bày tỏ lo âu về an nguy của Đức Thánh Cha trong chuyến tông du này. 

Trên chuyến bay từ Rôma sang Beirut, Đức Thánh Cha đã dành một khoảng thời gian để trả lời 4 câu hỏi do các ký giả tháp tùng nêu lên. Trong đó, Đức Thánh Cha cho biết là tuy tình hình Trung Đông và Li Băng đầy khó khăn và nguy hiểm, nhưng ngài và các cộng sự viên chưa bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ cuộc viếng thăm này, vì hễ tình hình càng phức tạp thì càng cần mang lại một dấu hiệu huynh đệ, khích lệ và liên đới. Mục đích cuộc viếng thăm của ngài tại Li Băng là để mời gọi đối thoại, kiến tạo hòa bình chống lại bạo lực, và cùng nhau tìm giải pháp cho các vấn đề.

Trả lời một câu hỏi khác về trào lưu tôn giáo cực đoan Đức Thánh Cha nhận định rằng trào lưu này luôn luôn là một sự giả tạo hóa, làm biến thái tôn giáo, và đi ngược với ý nghĩa tôn giáo, vốn là một lời mời gọi phổ biến an bình của Thiên Chúa trên thế giới. Vì thế, nghĩa vụ của Giáo Hội và các tôn giáo là thanh tẩy chống lại những cám dỗ ấy, soi sáng lương tâm, và làm sao để mỗi người có ý niệm rõ ràng về Thiên Chúa.

Bình luận về cuộc tấn công giết chết đại sứ Hoa Kỳ tại Libya, cha Lombardi cho biết lập trường của Tòa Thánh là chống lại tất cả các hình thức xúc xiểm tôn giáo. Nhưng ngài nhấn mạnh rằng bạo lực, nhất là bạo lực nhắm vào những người vô tội là không thể biện minh được.

Trong tất cả những bài phát biểu của mình tại Li Băng, Đức Thánh Cha cũng không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để hô hào hòa bình và mạnh mẽ chống lại bạo lực và chiến tranh.

3. Vatican phát hành bộ phim tài liệu về Công Đồng Chung Vatican 2

Tháng Mười tới đây đánh dấu kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Chung Vatican 2. Nhưng rất ít người thực sự hiểu tác động của Công Đồng Chung này trên Giáo Hội Công Giáo. Vì vậy, để quảng bá về Công Đồng, Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội sẽ cho ra mắt một phim tài liệu High Definition vào ngày 11 tháng 10, đúng ngày Giáo Hội trên toàn thế giới khai mạc Năm Đức Tin.

Cuốn phim tài liệu này sẽ bao gồm những hình ảnh chưa từng được công bố, những bài phỏng vấn và phân tích chuyên sâu. 

Đức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội cho biết:

"Chúng tôi có những đoạn phim với tổng cộng 200 giờ về các hoạt động chuẩn bị và các buổi làm việc của Công Đồng Chung. Ý định của chúng tôi là làm phong phú những tường trình về Công Đồng Chung Vatican II cho tất cả khán giả. "

Một nhóm năm mươi người đã giúp sản xuất bộ phim tài liệu được thực hiện đặc biệt theo dạng phim truyền hình. Những người được được phỏng vấn trong bộ phim là những vị đã từng trực tiếp tham gia trong Công Đồng Chung Vatican II, trong đó có 14 vị Hồng Y giải thích tường tận tất cả các tài liệu của Công Đồng.

Đức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli cho biết thêm

"Trong phim, chúng ta sẽ nghe lời chứng của Đức Hồng Y Wojtyla, lúc đó là Tổng Giám Mục của Krakow và một bài phát biểu bằng tiếng Latin của ngài trong Công Đồng. Một trong các cuộc phỏng vấn đầu tiên là với Đức ông Capovilla, thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII. Ngài nói về những cảm xúc và những ý tưởng, mà ngài đã cảm nhận trong thời gian làm việc với Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII. Và những điều Đức Giáo Hoàng đã ấp ủ trong trái tim của mình khi ngài triệu tập Công Đồng Vatican II. "

Bộ phim tập hợp các băng ghi âm và ghi hình khác nhau từ văn khố của Vatican, nhà nguyện Sistina và Đền thờ Thánh Phêrô. Việc phát hành cũng sẽ trùng với sự khởi đầu của Năm Đức Tin.

4. Vatileaks: Ông Paolo Gabriele sẽ bị ra toà ngày 29 tháng 9

Phiên tòa xét xử người cựu quản gia của Đức Giáo Hoàng đã được ấn định vào buổi sáng ngày 29 tháng 9. Paolo Gabriele và người bị cáo buộc đồng lõa là Claudio Sciarpelletti, sẽ bị đưa ra tòa án quốc gia thành Vatican xét xử vào lúc 9:30 sáng.

Người cựu quản gia của Đức giáo hoàng đã bị cáo buộc về hành vi trộm cắp với các tình tiết nghiêm trọng. Nếu bị kết tội, ông có thể phải đối diện với một bản án lên đến sáu năm tù giam.

Đồng lõa bị cáo buộc, Claudio Sciarpelletti, người đã từng làm việc như một kỹ thuật viên máy tính tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cũng bị cáo buộc đóng một vai trò trong vụ rò rỉ tài liệu mật.

Tòa án này bao gồm ba Thẩm phán, tất cả đều là giáo dân là các chuyên gia pháp luật người Ý, đồng thời cũng là giáo sư đại học.

Đây là phiên tòa công khai và các nhà báo được mời gọi tham dự.

5. Di tích của Thánh Phanxicô Xavier sẽ được đưa đến Sydney

Nhà thờ Gesu tại Rôma là nhà thờ mẹ của dòng Tên. Ngôi nhà thờ này nổi tiếng vì có ngôi mộ của người sáng lập, là Thánh Ignatius, mà người Việt còn gọi là thánh Y Nhã . Nhưng từ năm 1641, nhà thờ này cũng được biết đến vì là nơi lưu giữ cánh tay phải của Thánh Phanxicô Xavier. Bây giờ thánh tích này sẽ tạm thời rời khỏi Rôma. Trong vòng hai rưỡi, cánh tay của vị thánh truyền giáo sẽ tham gia trong một cuộc hành hương đến Úc.

Đức Cha PETER COMENSOLI, Giám Mục Sydney cho biết:

"Hy vọng của tôi chỉ đơn giản là những người đến gặp di tích của Thánh Phanxicô Xavier sẽ được gặp gỡ Đức Kitô trong cuộc sống của họ thông qua lời cầu bầu của thánh nhân."

Một Thánh Lễ đã được cử hành để đánh dấu sự ra đi tạm thời của thánh tích. Thánh Phanxicô Xaviê được biết đến như là một trong những nhà truyền giáo vĩ đại nhất của thế kỷ 16, đã mạo hiểm đến miền Viễn Đông. Cùng với Thánh Têrêxa thành Lisieux, ngài là vị thánh đồng bảo trợ của Úc.

Đức Cha PETER COMENSOLI cho biết thêm

"Theo một ý nghĩa nào đó, ông là một vị thánh cho phần đất của chúng tôi trên thế giới, không phải là phần châu Âu hay Bắc Mỹ, nhưng là phần phía Nam và phiá Đông của thế giới chúng ta, đó là lý do quan trọng cho chuyến viếng thăm của ngài."

"Tôi nghĩ thật là tuyệt vời khi người dân Úc có một sự hiểu biết tường tận hơn về Thánh Phanxicô Xavier và công việc mà ngài đã làm."

Dòng Tên đã đồng ý để nước Úc có thể đón rước thánh tích như là một phần của "Năm Hồng Ân," đã được khai mạc tại đây. Thánh tích sẽ dừng ở mỗi giáo phận Úc khoảng 2 đến 3 ngày.

Đức Cha PETER COMENSOLI nói thêm

"Dù cuối cùng chỉ có vỏn vẹn một người Úc thôi nhờ đến với thánh tích này mà được hoán cải trong cuộc sống riêng của họ và đến gần Chúa Kitô hơn, thì nỗ lực này cũng đáng được thực hiện."

Di tích sẽ chu du trên khắp đất nước. Ngày 3 tháng 12, thánh tích sẽ quay trở lại Sydney nơi lễ kính Thánh Phanxicô Xaviê, sẽ được long trọng tổ chức. Vào ngày 04 tháng 12, thánh tích sẽ lên đường trở lại Roma.

6. Vatican và chính phủ Ý liên kết để cung cấp viện trợ y tế cho trẻ em ở Mỹ Latinh

Một bệnh viện nhi khoa ở Rôma được điều hành bởi Giáo Hội Công Giáo đã thỏa thuận với chính phủ Ý để giúp cải thiện chăm sóc y tế dành cho trẻ em trong một phần rộng lớn ở châu Mỹ La tinh.

Đại diện cho Vatican để ký thỏa thuận này là Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, thư ký của Bộ Quan Hệ Với Các Dân Nước.

Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti nói:

"Mỹ Châu được gọi là lục địa của hy vọng và thỏa thuận này là một cơ hội, một cơ may để phát triển một sự hợp tác về công nghệ kỹ thuật cao linh hứng từ nghĩa vụ chăm sóc sức khỏe con người."

Các đại diện của Tòa Thánh và Ý đã tập trung tại Rôma để ký một thỏa thuận, trong đó họ cam kết gửi hàng hóa và dịch vụ y tế tới Mỹ Châu Latinh từ bệnh viện Bambino Gesu nghĩa là Chúa Giêsu Hài Đồng của Rôma.

Đề án này sẽ cung cấp những trợ giúp cho các trường hợp bệnh AIDS nơi trẻ em, các bệnh tật nghiêm trọng hoặc các nhu cầu đặc biệt khác.

Ông Giulio Terzi, Bộ trưởng Ngoại giao Ý cho biết:

"Nước Ý chúng tôi có nhiều điều để nói trong thế giới khoa học và vì vậy tôi nghĩ rằng đây là một bước quan trọng nhờ các nghiên cứu của Viện Ý - Mỹ Latinh và sự nhạy cảm của Tòa Thánh có thể thấy được qua bệnh viện Bambino Gesu."

Tham dự trong buổi lễ ký kết còn có các vị đại sứ của 20 quốc gia thuộc châu Mỹ La tinh. Các vị này ghi nhận rằng thỏa thuận mới này là một dự án quan trọng đối với mối quan hệ giữa Vatican và Mỹ Latinh.

Ông Fernando Sánchez Campos, Đại sứ Costa Rica cạnh Tòa Thánh nói: 

"Đây là một cái gì đó rất cụ thể, sự trợ giúp từ các bác sĩ trên tất cả là cho các trẻ em. Tôi thiết nghĩ rằng điều này về cơ bản, không chỉ giúp Vatican trở nên gần gũi hơn với châu Mỹ La tinh, nhưng còn giúp thăng tiến các nước trong khu vực Mỹ Latinh."

Cho đến nay hai bên đã có một chiến lược cung cấp các trợ giúp trong 3 năm từ năm 2012 đến năm 2014. Kế hoạch ban đầu này sẽ giúp các trẻ em cần cấy ghép, xạ trị, và các hình thức phẫu thuật khác. Sau đó là kế hoạch cải thiện chăm sóc phòng ngừa trẻ bị béo phì hay suy dinh dưỡng.

7. Hội nghị hòa bình tại thủ đô Sarajevo

ộng Đoàn Công Giáo Sant'Egidio đã đồng tài trợ cho một hội nghị hòa bình tại thủ đô Sarajevo của Bosnia để đánh dấu kỷ niệm hai mươi của xung đột trong đó thành phố đã bị bao vây lâu nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới.

Các diễn giả tại hội nghị bao gồm Đại Giáo Trưởng Hồi Giáo Bosnia-Herzegovina và Thủ tướng Ý Mario Monti.

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã gặp gỡ với các thành viên của hội đồng quản trị cộng đoàn Sant'Egidio trước khi họ lên đường đến Sarajevo. Ngài cũng đã gửi một thông điệp cho các tham dự viên, trong đó ngài đưa ra những lời cầu chúc tốt đẹp nhất.

Sau khi bị quân Nam Tư bao vây trong thời gian đầu, thành phố Sarajevo đã bị quân Bosnia Serb bao vây từ ngày 5 tháng 4 năm 1992 đến ngày 29 tháng 2 năm 1996, tức là lâu gấp ba lần thời gian Stalingrad bị bao vây và một năm dài hơn cuộc bao vây tại Leningrad trong thế chiến thứ hai.

Trong thời gian đó quân Bosnia Serb chiếm đóng các ngọn đồi bên ngoài thành phố đã liên tục pháo kích vào thành phố gây ra cái chết của 12,000 thường dân vô tội trong đó ít nhất là 1,500 trẻ em. 56,000 người bị thương bao gồm 15,000 trẻ em. Trước khi bị bao vây thành phố có 435,000 dân. Trong thời gian bị bao vây, số người sống trong thành phố bao gồm cả những người tản cư lên đến 525, 980 người. 

Cuộc chiến này đã gây ra mâu thuẫn trầm trọng giữa các dân tộc Serbia, Croatia; giữa người Chính Thống Giáo, Công Giáo và người Hồi giáo. Mối quan hệ ngày nay vẫn căng thẳng. Tuy nhiên, cuộc họp thường niên tại Sarajevo do cộng đoàn Sant'Egidio giúp tổ chức đang góp phần đưa cộng đồng di chuyển về phía trước và hòa giải quá khứ của họ.

8. Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Rio 2013 công bố bài ca chính thức, "Hy vọng của Rạng Đông"

Hôm 14 tháng 9, Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2013 Rio đã cho ra mắt ca chính thức là bài "Esperança do Amanhecer", hay "Hy vọng của Rạng Đông". Đó là một bài hát được viết bằng tiếng Bồ Đào Nha bởi linh mục nhạc sĩ José Cándido. Đây là ca khúc của những người trẻ không biên giới, muốn lan tràn niềm vui và sự cậy trông vào Thiên Chúa cho thế giới.

Nhóm thanh niên ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Brazil đã thực hiện một video với sự minh họa của các nhạc sĩ và ca sĩ nổi tiếng của Brazil.

VietCatholic

0 nhận xét:

Đăng nhận xét