Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

Tật nguyền



Cuộc sống có nhiều tật nguyền khác nhau. Có những tật nguyền do người gây ra, lại cũng có tật nguyền do trời định, bị tật nguyền từ tấm bé, mang tật từ lúc bẩm sinh. Nguyên nhân do con người gây ra có thể là do tai nạn nghề nghiệp, do bất cẩn hay do phán đoán sai, không may xảy đến gây thương tích, hại thân xác và tinh thần như đui mù, què quặt. Một đời mang tật. Tật ảnh hưởng đến tâm trí.

Tật nguyền xuất hiện rõ ràng trên thân thể nên dễ nhận ra. Ngay cả tật nguyền thưộc về tâm trí đôi khi xuất hiện rõ ràng qua cách cư xử, lối sống, cách giao tế xã hội cuộc sống hàng ngày. Chúng ta dễ dàng nhận ra chúng. Có một loại tật nguyền tiềm ẩn sâu trong tâm trí con người, loại tật nguyền tâm linh chúng ta không nhận ra. 

Tàn tật về thân xác giới hạn một số ngành nghề mà người đó ước ao theo đuổi nhưng không thể thực hiện được vì điều kiện sức khoẻ không cho phép. Tật nguyền ảnh hưởng đến tâm trí, ảnh hưởng đến não bộ làm con người bị chậm trong việc học hành, tìm tòi kiến thức và ngay cả khó khăn trong việc học ngành nghề thích hợp cho cuộc sống. Tàn tật về thân xác hay chậm hiểu về tâm trí không ảnh hưởng đến việc tin vào Đức Kitô. Tật nguyền về tâm linh đáng sợ hơn cả vì chúng ngăn cản con người tin vào Đức Kitô. Chúng ta tìm thấy trong Kinh Thánh rất nhiều trường hợp người ta họp kín với nhau đặt câu hỏi mong gài bẫy Đức Kitô. Họ giả vờ như người công chính đến nghe giảng nhưng trong lòng có sẵn câu hỏi, chờ dịp thuận tiện để gài bẫy. Lần nào họ cũng thua nhưng không chừa, không học được từ bài học thất bại đó. Đã thế họ còn bực bội thêm, tìm dịp khác đối chọi tiếp. Đức Kitô gọi họ là những kẻ giả hình. Kinh Thánh cũng ghi lại vô số trường hợp bệnh nan y mà các bác sĩ bó tay, từ chối không thể chữa trị được. Họ may mắn tìm gặp Đức Kitô và được Chúa chữa lành. Không những đã chữa lành mà còn ban cho họ cuộc sống tốt lành hơn trước bội phần.

Đức Kitô đi vào vùng dân ngoại gây nên cho mọi người hai ngạc nhiên. Ngạc nhiên thứ nhất là Ngài không đi về vùng quen thuộc, quê hương mà lại đi vào vùng dân ngoại. Ngạc nhiên thứ hai quan trọng hơn ngạc nhiên thứ nhất đó là việc ban sự sáng và mở lưỡi cho một người vừa điếc vừa câm. Điếc và câm thường đi chung với nhau. Bởi vì bệnh tật nên người này không tìm gặp Đức Kitô. Kinh thánh không ghi rõ bởi do anh ước ao mong gặp Đức Kitô hay anh may mắn có những người bạn tốt thông cảm nỗi khốn khổ của anh mà đưa anh đi gặp Đức Kitô. Trước Khi chữa lành Đức Kitô thường hỏi về đức tin của người đó nhưng trường hợp người câm này thì không vì anh không nói được. Thực ra anh có thể làm dấu hiệu bằng chân tay nhưng điều này cũng vắng bóng. Đức Kitô cầm tay anh, dắt anh ra một chỗ riêng rồi phán bảo ‘hãy mở ra’ tức thì lưỡi anh nói được. Ai cũng có thể phán bảo ‘hãy mở ra’ nhưng lời phán bảo đó có sức mạnh hay không lại là chuyện khác. Lời Chúa có sức mạnh và đám đông đã ca tụng. Lời Ngài có sức mạnh và giáo huấn của Ngài thì mới lạ. Sức mạnh không nằm ở ngôn ngữ mà ở người phán ra lời dó.


Có lẽ không phải do đức tin của người điếc và câm mà là đức tin của những người đưa anh đến gặp Đức Kitô mà Ngài chữa lành bệnh anh. Điều này xác định một điều là lời cầu của chúng ta cho thân nhân, cho người khác có giá trị vì được Chúa lắng nghe, đáp lại. 

Tàn tật xác thân, tinh thần gây nên bởi bất cẩn, bởi thiên nhiên, tật nguyền từ lúc bẩm sinh chúng ta không thể tránh được nhưng tật nguyền tâm linh chúng ta có thể tránh được. Tật nguyền tâm linh xảy đến là do chúng ta tự do lựa chọn lối sống từ bỏ Thiên Chúa. Không tin Thiên Chúa và từ chối sống yêu thương, bình an tâm hồn Chúa ban. Chọn lối sống chính mình muốn làm chúa và bên cạnh mình không còn chúa nào khác. Đó là tật nguyền tâm linh.

Chúng ta cầu xin ơn cam đảm tin và mang Đức Kitô đến cho người khác cũng như xin ơn khôn ngoan biết tránh tật nguyền tâm linh.

Lm Vũđình Tường

0 nhận xét:

Đăng nhận xét