Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Người công giáo và chính trị




Người Công Giáo dĩ nhiên không làm chính trị nếu hiểu đó là cái việc tranh bá đồ vương mưu tìm quyền lực lợi lộc cho đảng phái, phe nhóm giai cấp mình. Thế nhưng người Công giáo bởi vì cũng là những con người  hơn nữa lại là người có đạo nên họ không thể không làm chính trị. Lý do khiến người có đạo cần phải làm chính trị  đó là vì họ nhận thức được  rằng  mình và hết thảy con người đều được dựng nên giống Hình Ảnh Thiên Chúa  là Con Thiên Chúa ( St 2, 26) Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo La Stampa, một nhật báo lơn nhất  của Ý, đức Gioan Phaolo 2 đã nói rõ về việc người CG phải làm chính trị thế này “Kính thưa đức Thánh cha, ngươi  ta đồn rằng đức thánh cha làm chính trị, đức thánh cha nghĩ sao ?  Tôi nghĩ rằng không thể hiểu chính trị theo nghĩa hẹp. Nhiệm vụ của giáo hoàng là rao giảng Phúc Âm nhưng trong Phúc Âm có con người. Sự tôn trọng đối với con người tức là nhân quyền, tự do lương tâm và tất cả những gì thuộc về quyền sống xứng đáng của con người. Nếu tất cả những điều đó có một giá trị chính trị thì đúng giáo hoàng có làm chính trị” ( Nguồn LTCGVN 08/2/2012).


          Nhiệm vụ của Giáo Hội là rao giảng Phúc Âm nhưng trong Phúc Âm có con người.  Phát hiện này của đức Gioan Phaolo 2 thật tuyệt vời, nó mở ra cho người Công Giáo chúng ta một hướng đi mới trong hoạt động chính trị. Sở dĩ nói là mới bởi vì với quan điểm tục hóa hiện nay , người ta muốn tách tôn giáo ra khỏi chính trị  lại còn cho đó  đúng là …ý muốn của Thiên Chúa” Đối với Giáo Hội “ Tục Hóa” hiểu như  sự tách lìa tôn giáo với xã hội trần thế để cho trần thế được độc lập trong phạm vi của mình là một điều hợp lý  và hơn nữa còn phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa” ( Nguồn Lamhong.org Lm Nguyễn Hồng Giáo OFM 08/11/2011).

          Cho rằng việc tách lìa tôn giáo với xã hội trần thế để cho trần thế được độc lập  là phù hợp với…ý muốn của Thiên Chúa thì Thiên Chúa đây chẳng qua đó chỉ là cái quan niệm duy lý về  Thiên Chúa Tạo Hóa  của thần học. Với Đấng Tạo Hóa thì quả thật chẳng có chi liên hệ với con người, với xã hội thế trần. Hơn nữa chẳng những không liên hệ  mà tôn giáo nói chung và đạo Công giáo nói riêng  còn bị thiên hạ coi như một thứ thế lực phản tiến bộ, kể cả …phản nhân quyền.

          Phải chăng cũng chính vì những đánh giá ấy mà các thế lực thù nghịch hiện nay ngày càng tỏ ra ngạo nghễ thách thức Giáo Hội. Ngay sau khi đức giáo hoàng Benedicto XVI cảnh báo các giám mục Hoa Kỳ ngày 19/1/2012 vừa qua về mối đe dọa nghiêm trọng  tới sự tự do tôn giáo thì chính quyền Obama đã công bố một sắc lệnh đòi buộc tất cả các chương trình bảo hiểm sức khỏe  phải bao gồm việc triệt sản và ngừa thai kể cả những thuốc có khả năng phá thai đang được tranh luận” ( Nguồn Vietcatholic 21/1/2012). Tại các nước gọi là dân chủ như Mỹ thì vậy, còn tại những nước độc tài CS thì sự thách thức ấy còn trắng trợn hơn nhiều. Trong những vụ phong chức giám mục bất hợp thức  thời gian gần đây chính quyền  Trung Quốc bất chấp khuyến cáo của đức giáo hoảng  và coi ngài cũng chỉ là người đứng đầu của một nhà nước độc lập. Báo Nhân Dân của đảng CS lên tiếng phản đối  cho rằng Giáo Hội đã can thiệp vào  nội bộ nước họ “ Người Âu Châu có thể chọn để xem đó là kỳ lạ nhưng Trung Quốc đang vấn nạn về nguyên tắc cho phép một nhà nước ngoại quốc ra lệnh điều sẽ xảy ra trên lãnh thổ của mình” ( Nguồn Vietcatholic 13/8/2011).

          Một khi đã coi GH  Công giáo như một thứ …nhà nước thì đương nhiên người ta sẽ có những cách thức đối xử tương ứng. Xét trên phương diện pháp lý  Vatican cũng chỉ là một quốc gia  và quốc gia ấy lại hết sức nhỏ bé chưa tới một ngàn công dân, chẳng có  quân đội, tiền tệ gì riêng. Thế nhưng nó lại có ảnh hưởng  rất lớn trên cả tỷ người trong khắp hoàn cầu cùng với sự thần phục tuyệt đối. Trên quy mô thế giới đã vậy, còn tại các quồc gia khác thì ảnh hưởng  của các giáo hội địa phương đối với tín đồ cũng không phải là nhỏ.. Chính vì ảnh hưởng như vậy thế nên những nhà cầm quyền không thể không có những sách lược  hoặc để lợi dụng hoặc để triệt phá. Về sự triệt phá thì tại các nước CS duy vật vô thần họ coi đó như là nhiệm vụ lịch sử “ Trước  hết nhiệm vụ của triết lý đang phục vụ lịch sử, sau khi mô hình thánh thiêng ( che phủ ) sự tự tha hóa của con người trong những mô hình  không thánh thiêng. Do đó phê bình thượng giới thành phê bình cõi trần, phê bình tôn giáo  thành phê bình pháp chế, phê bình thần học thành phê bình chính trị” ( Karl Heinz Weger SJ Phê bình tôn giáo qua các tác giả )

          Với  người CS  thì việc phê bình tôn giáo không thể dừng lại ở phần triết học mà cần  nhắm  vào cái cơ cấu tức các giáo hội, bởi vì chính đây mới là lực cản cho việc xây dựng…thiên đàng trần gian theo ý  họ. Chủ nghĩa Mác từ bản chất hoàn toàn trái ngược với niềm tin tôn giáo về đời sau. Thế nhưng sự trái ngược ấy sẽ không còn  một khi tôn giáo bước vào con đường tục hóa. Tại sao ? Bởi vì đối với tục hóa thì làm gì còn có đời sau, có Thiên Đàng Hỏa Ngục mà tin ? Không có niềm tin, tôn giáo sẽ chỉ còn là thứ thế lực yếu kém và trong hoàn cảnh ấy để tồn tại nó đã tìm đến với sự thỏa hiệp mà không hề biết rằng mình đã đang tâm phản bội.

I/-   Thỏa  hiệp  là  phản  bội

          Có thể nói sống đạo là sống sự lựa chọn, thế nhưng sự lựa chọn ấy không bởi chúng ta nhưng là bởi Chúa “ Nếu các ngươi thuộc về thế gian thì thế gian chắc yêu mến kẻ thuộc về mình. Nhưng vì các ngươii không thuộc về thế gian, song Ta đã lựa chọn các ngươi ra khỏi thế gian nên thế gian ghét bỏ các ngươi” ( Ga 15, 19). Con người không ai có thể lựa chọn cho mình con đường sự sống đời đời, bởi một lẽ đơn giản là vì chúng ta không thể nhận biết  sự sống ấy. Chúa kêu gọi còn về phần chúng ta thì cần phải tin đồng thời  cố gắng thể hiện đức tin ấy bằng chính đời sống mình = không kiêu căng ích kỷ tham lam gian dối v.v…

            Tuy nhiên để có thể sống đời sống của người có đạo như thế trong bất cứ hoàn cảnh địa vị nào  thật không phải dễ. Trái lại rất khó  bởi  điều ấy giống như lội ngược dòng ( ngược dòng mê lưu ). Ngược với thế gian tất sẽ bị thế gian ghét bỏ nhưng nếu theo thế gian  thì sẽ phản bội lại đức tin mà mình đã tuyên xưng khi chịu phép Rửa Tội. Giữa thế gian và bảo vệ đức tin người có đạo chỉ có thể chọn một. Sự chọn lựa ấy từ ngàn xưa đến nay đã được  vô vàn vô số chứng nhân thực hiện bằng chính mạng sống mình đến nỗi có thể nói như triết gia giáo phụ Tertulliano ( TK thứ III )” Máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống sản sinh giáo hữu” ( Sanguis Martyrum semen Christianorum ).

          Giáo Hội cần hiện diện bởi những chứng nhân  can trường, nếu không sẽ không tránh khỏi bị thế gian coi thường. Chân phước  Jerzy Popieluszko linh mục người Balan trước khi bị giết hại cách đê hèn  đã nói về điều ấy cách rõ ràng “ Sự thiếu sót lớn nhất của một tông đồ là nỗi sợ, bởi vì sự sợ hãi làm gia tăng sự ngờ vực  đối với quyền năng của Thầy Chí Thánh, làm cho tim ta không còn rung nhịp, tiếng nói của chúng ta bị bóp nghẹt.  Người tông đồ không còn  tuyên xưng đức tin của mình nữa, vậy thì người ấy có còn là tông đồ nữa không ? Người môn đệ nào không  còn tuyên xưng đức tin  của mình, người ấy tất đã bỏ Thầy mình và không còn tin vào Thầy nữa. Những người ấy thật ra đang cổ võ bọn chuyên hành hình tiếp tục hành vi gian ác của chúng. Kẻ nào vẫn mãi thinh lặng trước các kẻ thù của mình, kẻ ấy chỉ làm cho quân thù ngày càng lộng hành hơn” ( Nguồn Hành Trình Dân Chúa – 31/7/2012 ).

          Tông đồ là người theo Chúa mà đã theo Chúa thì phải chấp nhận bị thế gian ghét bỏ. Điều này cho thấy người tông đồ không bao giờ được phép thỏa hiệp với thế gian, thỏa hiệp như thế tức là đã ngang nhiên rời bỏ con đường cứu độ của Đức Kito là đường đưa tới sự thật. Đi trên đường sự thật  cũng có nghĩa là chấp nhận sẵn sàng tử đạo, thế nhưng rời bỏ con đường này thì những gì mà nó có được tất cả chỉ là sự sợ hãi.

II/ -  Con  đường  đi  tới  sự  thật

          Đức Gioan Phaolo 2 nói cùng với nhiệm vụ rao giảng Phúc Âm, người Công giáo cần phải làm chính trị bởi vì trong Phúc Âm có con người. Nói trong Phúc Âm có con người  hay nói cách khác toàn bộ việc rao giảng Phúc Âm  chỉ có một mục đích là để đem lại hạnh phúc bất diệt cho con người. Phúc Âm cũng tức là Tin Mừng, sở dĩ nói Phúc Âm là vì hạnh phúc của con người bởi vì đó là một cái TIN mà nếu ai nghe được thì sẽ phát khởi sự MỪNG vui khôn tả. Được nghe Tin Mừng là nỗi ước ao lâu đời của các tiên tri thời Cựu Ước “ Phước cho mắt các ngươi thấy được, cho tai các ngươi nghe được. Quả thật Ta nói cùng các ngươi có nhiều tiên tri và người công chính đã ước ao thấy điều các ngươi thấy mà chẳng được thấy. Ước ao nghe điều các ngươi nghe mà chẳng được nghe” ( Mt 13, 16 -17).

          Điều các tiên tri, người công chính ước ao thấy, ước ao nghe  đó là gì ? Xin thưa đó là  sự thật Con Thiên Chúa ở nơi mình. Tin Mừng đơn giản chỉ có nghĩa là một cái TIN mà nếu ai…nghe được thì sẽ lấy làm MỪNG. Mặc dầu vậy Tin Mừng lại rất khó để mà chấp nhận, đến nỗi chính vì rao giảng Tin Mừng này mà Đức Kito đã bị người Do Thái giết chết còn những ai thực thi sứ mạng rao truyền ấy cũng đều bị bách hại. Lý do khiến thế gian ghét Chúa, ghét Đạo như thế bởi vì họ không chấp nhận sự thật Con Thiên Chúa ở nơi mình. Vì mê muội nên thế gian không tiếp nhận, dẫu vậy cũng chính bởi  đó mà Chúa Giesu mới xuống thế làm người liều mình chịu chết để cứu nhân loại “ Ta muốn sự thương xót chớ không muốn sinh tế. Vì Ta đến không phải để kêu gọi người công chính bèn là kẻ tội lỗi” ( Mt 9, 13).

          Rao giảng Tin Mừng tức là đem đến cho thế gian Sự Thật nhưng đồng thời cũng biết rằng SỰ THẬT ấy thế gian khó thể chấp nhận. Thế nhưng không vì vậy mà Kito Hữu chúng ta có thể chùn bước. Lý do là vì mục đích của việc rao giảng Tin Mừng không phải là để…khuếch trương dân số Giáo Hội nhưng là để cho Chúa được lớn lên trong ta và trong người đúng như đức Benedicto  XVI  nhấn mạnh “ Sự thật là sự thật, không thể nào có sự nhượng bộ. Chính vì thế đời sống Kito đòi hỏi phải “ tử đạo” vì trung thành hàng ngày với Phúc Âm nghĩa là can đảm để cho Chúa Kito lớn lên trong chúng ta khiến cho Người có thể hướng dẫn các tư tưởng và hành động của chúng ta” ( Nguồn LTCGVN Bùi Hữu Thư – 31/8/2012). Nhượng bộ ở đây tức là lùi  bước trước những  hành vi vi phạm trắng trợn quyền được sống xứng đáng như một nhân vị trong đó quyền tự do tôn giáo phải được coi là tối thượng bởi chỉ trong tôn giáo mà con người mới có thể nhận biết Sự Thật ./.

Phùng  Văn  Hóa
Tác giả gửi trực tiếp cho Lương Tâm Công Giáo Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét