Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Người con gái Việt Nam



“Trịnh Kim Tiến, tên em gắn liền với những biến cố vui buồn của đất nước trong gần một năm qua. Dòng nước mắt em khóc cha, ông Trịnh Xuân Tùng, bị công an đánh chết, làm bao nhiêu người Việt Nam trong và ngoài nước khóc theo. Nhìn tấm hình em khóc, tôi cảm thấy thương em vô cùng vì trong giọt nước mắt của em có bóng của đời mình.
Vài tuần sau, nhìn Kim Tiến mỉm cười cùng các bạn hiên ngang đi giữa lòng chế độ độc tài, lòng tôi chợt dâng lên niềm hãnh diện:
“Khi em xuống đường vì Hoàng Sa, Trường Sa
Đồng bào bước cùng em
Thanh niên, sinh viên, học sinh bước cùng em
Sài Gòn bước cùng em
Hà Nội bước cùng em
Trong nước bước cùng em
Ngoài nước bước cùng em”
( Trần Trung Đạo – Những cánh én của mùa xuân dân tộc )
Tôi cũng như bao người Việt Nam xa xứ nặng lòng với quê hương mang tâm trạng như nhà thơ Trần Trung Đạo, dõi theo những thăng trầm của vận mệnh dân tộc, buồn vui với non sông cùng bước chân những người yêu nước. Kim Tiến đã làm bao người khóc cùng em khi cha em bị đánh gần chết giữa công đường, hân hoan nhìn dáng đứng thướt tha hiên ngang trong tà áo dài truyền thống khi biểu tình bảo vệ Hoàng Sa – Trường Sa:
“Thấy áo em bay giữa cờ gió lộng
Xin nghiêng mình tặng Em nhành Nguyệt Quế
Viết bài ca tặng Em Người Con Gái Việt Nam !
Gửi đến Em ! Người Con Gái Da Vàng !
Gửi đến Em ! Người Con Gái Việt Nam !” 
( Nhạc và lời Dzuylynh – Người Con Gái Việt Nam

Mới đây bao người uất ức cùng em khi biết bản án bất công của những người hành xử pháp luật ( xem ghi chú bên dưới ). Em đã trở thành người con của Chúa: Monica Trịnh Kim Tiến, sau nhiều đau thương mất mát. Hôm nay tôi chúc mừng hạnh phúc khi bên em có người bạn đời Phaolô Thành Nguyễn đồng hành đi tìm công lý. Kim Tiến chọn ngày thành hôn cũng gần ngày kính thánh Bổn Mạng Monica, vị thánh quan thầy giới hiền mẫu. Hiếm có những trường hợp trong gia đình cả hai mẹ-con cùng là Thánh, nhất là trong hoàn cảnh gia đình tưởng như tan nát tuyệt vọng lại biến thành hạnh phúc tuyệt vời góp phần cho Giáo Hội vị đại Thánh Augustinô.
Ai mà không đau lòng khi nhìn những giọt nước mắt nơi em ngày cha mất cách tức tưởi, tiếng khóc của em không hẳn chỉ cho cha mà còn là tiếng kêu thê lương của cả một dân tộc oằn oại bao năm dưới luật pháp kẻ bạo tàn, nhà báo Lê Diễn Đức đã xót xa:
“Tiếng khóc em thảm thiết cứa vào thịt da.
Em, người con gái mất cha !
Uất ức, đau thương trùm lên mặt phố !”
( Lê Diễn Đức – Em đi tìm công lý nơi nào ? )
Nếu trước đây tôi vui mừng khi chị Tạ Phong Tần trở về mái nhà Cha và hãnh diện danh hiệu “Nhà Báo Tự Do Công Giáo” khi chị mạnh dạn viết những bài đấu tranh cho Công Lý và Sự Thật. Hôm nay niềm vui trong tim gấp bội hơn khi biết tin Kim Tiến, Thục Vy cùng đón nhận Đức Tin Công Giáo. Việc trở về cùng Cha không bao giờ là một sự muộn màng: người đến trước ( giờ thứ nhất ) hoặc đến sau ( giờ thứ 25 ) rốt cuộc cũng chỉ hưởng công… một đồng. Sự trở về của các cô từ chính trong tâm hồn cảm nghiệm Chúa chắc hẳn hơn một số người theo Đạo dòng như tôi. Có câu danh ngôn nào đã nói: Cánh cửa này đóng sẽ mở cho ta cánh cửa khác, như ánh sáng cuối đường hầm, niềm tin chính là ân điển của Thiên Chúa luôn bao bọc và mời gọi chúng ta ở những thời điểm khác nhau.
Chị Tạ Phong Tần về với Chúa như Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại, trong thư gửi chúc mừng Kim Tiến, Thục Vy, Hoàng Vy chị đã viết: “Chúng ta cùng nhau cám ơn Chúa, cám ơn Đức Mẹ, cám ơn Giáo Hội đã cho chúng ta niềm tin và sự sống, đặc biệt chị muốn cám ơn các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đã làm cầu nối để chúng ta đến được với Chúa. Bất cứ ai tha thiết với công lý, sự thật và tình thương đều có thể gặp được Chúa, qua kinh nghiệm của chúng ta, chị tin như thế. Bốn chị em mình mỗi người được gặp Chúa theo nhiều kiểu khác nhau. Chị khác các em, chị bước ra từ vũng lầy của tuổi trẻ sai định hướng, chị đến với Chúa trong một cuộc gặp gỡ tình cờ, tuổi xuân của chị có quá nhiều sai lầm mà ngày ấy chị ngỡ tưởng mình đúng hướng…” ( http://www. chuacuuthe. com/archives/34947 – Thư gửi Hoàng Vi, Thục Vi và Kim Tiến ).
Còn Kim Tiến, chị đã cảm nghiệm: “Không phải anh em chọn Thầy mà chính Thầy đã chọn anh em” ( Ga 15, 16 ), đúng vậy, chính Chúa đã chọn tôi làm con của Người. Câu nói này đến bây giờ, sau khi trải qua nhiều biến cố, thăng trầm, tôi mới hiểu được hết ý nghĩa của nó. Thật là khó nói hết ra những điều kỳ diệu mà Chúa đã mang đến cho tôi, thật sự nó rất huyền bí” ( Kim Tiến – Chúa trong tôi ).
Phần Maria Thục Vy khi được hỏi về lý do trở nên người con Chúa, cô viết: “Con tin rằng cuộc đời con không phải do con người quyết định mà được. Lúc con bị bắt, con tự nhiên thấy mình luôn được chở che. Con chưa hiểu vì sao con lại có cảm giác ấy. Nhưng con hy vọng nếu có một Đấng cao vời mà con chưa từng biết thì con mong các cha giúp cho con một cơ hội để bước vào con đường nhận biết Ngài. Đó là những lời con nói thật lòng mình” ( Nữ Vương Công Lý ).
Ban đầu, khi đọc những bài viết của Huỳnh Thục Vy, biết cô còn rất trẻ nhưng tư tưởng nhận định rất lớn, tôi còn hơi chút hòai nghi, nhưng hôm nay niềm tin và sự ngưỡng vọng cô là một điều khẳng định không chỉ nơi tôi mà còn biết bao nhiêu người. Nhà báo Lê Diễn Đức đã từng nhận xét Huỳnh Thục Vy là “một cô gái trẻ mà hiểu biết rộng, thông minh, có nhân cách trong sáng, can đảm, mãnh liệt nhưng rất ôn hòa trong các bài viết xuất sắc về các giá trị dân chủ, quyền công dân hay xã hội dân sự, được sự mến mộ và cảm phục của đông đảo người Việt trên khắp thế giới…”, hay “Cái đẹp của Huỳnh Thục Vy không chỉ của một người, nhưng là cái đẹp của cả một non sông” ( Nguyễn Bá Chổi – Một bông hồng cho Thục Vy ), và “nhà thơ năm chữ” Thái Bá Tân đã phác họa thật tâm đắc:
“Cháu – Cô gái xinh đẹp,
Đẹp cả ngoài lẫn trong.
Nhìn cháu mà cứ nghĩ,
Cái đẹp của non sông.”
( Thái Bá Tân – Huỳnh Thục Vy )
Thượng Đế là nguồn chân thiện mỹ từ trong sâu thẳm của con người, dù bạn theo bất cứ tôn giáo nào, đạo đức tâm linh, nhân bản có những chuẩn mực căn bản rất gần nhau, tình đồng loại, nghĩa đồng bào, lòng yêu quê hương thể hiện rất gần gũi. Huỳnh Thục Vy mang một ước mơ cháy bỏng cho dân tộc, thể hiện qua nhiều bài viết: “Tôi thương dân tộc tôi – dân tộc anh hùng có bốn ngàn năm Văn hiến đã và đang phải gò lưng nuôi cả một chế độ độc tài bất công, không những thế lại bị tước hết các quyền tự do được sống như những con người chân chính và có ý chí. Trong tình yêu thương ấy, với nhiệt huyết trào dâng trong lòng một cô gái trẻ, tôi đang mơ một ngày cả nước Việt Nam từ Hà Nội, Đà Nẵng, Sàigòn, tất cả chúng ta – những người Việt Nam không phân biệt già trẻ, nam nữ, Phật giáo đồ hay con Chúa… cùng xuống đường trong những khẩu hiệu chống độc tài, tham những, đòi quyền tự do dân chủ. Và rồi sẽ cùng nhau kiến tạo một Việt Nam với diện mạo mới”.
Chính tình thương vô biên nguồn Chân Thiện Mỹ của mọi tôn giáo chân chính, cộng với những đau thương từ gia đình thôi thúc trong cô lòng yêu nước hoài bão cho tương lai dân tộc. “Thục Vy sinh năm 1985 tại Tam Kỳ. Tình yêu quê hương và nỗi đau mười năm tuổi thơ là những ngày đi thăm cha trong tù, đã hun đúc tâm hồn của cô bé xinh đẹp, hồn nhiên lớn lên bên giòng sông Bàn Thạch, Quảng Nam thành một nhà lý luận chính trị vững vàng. Kiến thức Thục Vy dẫn chứng trong các bài viết vượt trội hơn tuổi tác và điều kiện trưởng thành thiếu thông tin bên ngoài mà em đã phải trải qua. Sinh ra và lớn lên trong một chế độ độc tài, một nền giáo dục ngu dân lạc hậu, cây bút Huỳnh Thục Vy nổi bật như một bông hoa hiếm hoi mọc lên giữa rừng gai nhọn. Có thể nhiều khi em cũng cảm thấy cô đơn, nhưng từ trong nỗi cô đơn đó đã sáng lên niềm kiêu hãnh… Huỳnh Thục Vy không chỉ là niềm vui của tuổi trẻ Việt Nam mà còn cho tất cả những ai đang nặng lòng với đất nước” ( Trần Trung Đạo – Những cánh én của mùa xuân dân tộc ).
“Dải đất Việt Nam
Nằm co ro như một kẻ ăn mày
Đang thoi thóp cuộc đời trên góc phố
Như giọt lệ chảy dài nhưng chưa nhỏ
Như chiếc lưng khòm Mẹ gánh cả trời thương.
Thuở Hùng Vương
Đi chân đất dựng sơn hà
Bao nhiêu máu đã âm thầm đổ xuống
Khi Trưng Trắc trầm mình trên sông Hát
Chỉ mong giữ tròn trinh tiết với giang san.” 
( Trần Trung Đạo – Thưa Mẹ Chúng Con Ði )
Điều khẳng định chắc chắn đau khổ của phụ nữ Việt Nam hơn bất cứ người phụ nữ nào trên thế giới, hai gánh quê hương gia đình luôn oằn trĩu đôi vai. Thân phận quê hương và gia đình đã quyện vào máu xương người phụ nữ Việt Nam. Có nơi đâu trên trái đất này con người phải trải qua hàng ngàn năm chinh chiến, nếu hình ảnh chinh phu oai hùng đi vào hùng sử thì bóng
thầm lặng chinh phụ mòn mỏi chờ chồng dạ sắt son đã thành truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Cho tôi xin trân trọng gọi thầm mãi tiếng yêu thương lẫn tự hào đến bao Anh Thư Liệt Nữ nước Việt: Bà Trưng, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân, Cô Bắc, Cô Giang… và hôm nay con cháu các vị anh hùng vẫn tiếp tục hy sinh vì đại nghĩa, dấn thân cho Việt Nam hôm nay hướng đến tương lai. Những cái tên hôm nay: Đặng Thị Kim Liêng, Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh Hạnh, Hồ Thị Bích Khương, Bùi Thị Minh Hằng, Huỳnh Thục Vy, Trịnh Thị Kim Tiến, Tạ Phong Tần… đã và mãi mãi đi vào lòng người, là những tấm gương cổ vũ sức mạnh tiềm tàng lòng yêu nước của dân tộc một thời gần như quên lãng:
“Cho con thầm lặng gọi tiếng: Mẹ ơi !
Mẹ của Lê Sơn, Mẹ của Tạ Phong Tần.
Như hạt cải mục ươm mầm dưới đất.
Để sớm mai cả dân tộc hồi sinh”.
( Tú Anh - Cho con thầm gọi )
Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình khẳng định rằng: “Các tấn kịch và bắt bớ chống lại các Kitô hữu sẽ không ngăn cản được việc làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa”. ( Linh Tiến Khải dịch – Bách hại không thể ngăn chặn chứng nhân Kitô hữu )
Bác ái là căn bản của đời sống mọi Kitô hữu, không thể chỉ kính mến Thiên Chúa trong Nhà Thờ bằng câu kinh tiếng kệ, điều quan trọng là bạn hãy làm chút gì đó cho những người anh em để thực thi công lý và tình thương. Ý chí nơi Kim Tiến thật đáng khâm phục, blogger Mẹ Nấm đã ghi lại cuộc trò chuyện với cô:
“Tôi cảm thấy công lý này cần tự mình giành lấy, và tôi sẽ đứng ra trước tòa để tranh luận công khai minh bạch trong phiên tòa sắp tới. Tôi sẽ nhìn thẳng vào các vị quan toà, những người đang nắm giữ trong tay cán cân công lý để khẳng định với họ một điều rằng: công lý không bao giờ chết, nó chỉ đang bị chèn ép…
Tôi tin rằng con đường tôi đi luôn có bạn bè và đồng bào tôi cùng đồng hành và chia sẻ. Thật sự đến giờ này, tôi chỉ biết cảm ơn mọi người. Mọi người đã cho tôi sức mạnh, đã cho tôi niềm tin. Niềm tin để cố gắng sống cho đúng nghĩa một con người, niềm tin rằng mỗi cá nhân, dù nhỏ bé đến đâu cũng có thể góp phần, góp sức, góp một viên gạch khiêm tốn nhưng cực kỳ cần thiết để xây dựng nhà Việt Nam thân yêu, không phải cho chúng ta mà cho thế hệ mai sau”. ( Mẹ Nấm – Chị có về được không ? )
Tôi viết bài này giữa lúc hôn lễ của Maria Kim Tiến và anh Paul Thành Nguyễn đuợc tổ chức tại Nhà Thờ Kỳ Đồng Sàigòn, Chúa Nhật 26.8.2012 và cũng được biết tin thêm là vào ngày 3.9.2012 đến đây, Maria Huỳnh Thục Vy và Lê Khánh Duy sẽ làm lễ thành hôn tại Tam Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam. Mừng cho hai em có niềm tin, hạnh phúc bên những người chồng đồng chí hướng tương trợ, giúp đỡ, an ủi trong đời sống hôn nhân và hành trình đi tìm công lý cho cha, cho gia đình, cho dân tộc dưới sự bảo trợ của Đức Maria, Thánh Phaolô, Thánh Monica… để rồi một ngày nào đó:
“Em ngày mai hái những cành hoa của tình yêu, công lý
Cắm lên mộ cha và lên mảnh đất này
Cho Hà Nội thu về tay ấm lại cầm tay ?
( Lê Diễn Đức – Em đi tìm công lý nơi nào ? )
Ghi Chú:
Phiên tòa sơ thẩm ngày 13.1.2012 tại Tòa Án Nhân Dân Hà Nội diễn ra rất nhanh chóng, sơ sài và bất công với tội danh ‘làm chết người trong khi thi hành công vụ’ với bản án chỉ 4 năm tù giam tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Ninh, tất cả những người đồng phạm đều không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào Tòa Án robot’, ngày 14.5.2012, tại phiên tòa phúc thẩm trong một phiên xử kín, anh chị em ruột nạn nhân không được tham dự, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự vì không triệu tập đầy đủ nhân chứng…, nên gia đình yêu cầu hoãn lại phiên tòa và đề nghị triệu tập đầy đủ những người liên quan. Trong phiên phúc thẩm ngày 17.7.2012, bạn Kim Tiến đã tự tham gia tranh luận trong phiên tòa, không luật sư. ( Hà Minh Thảo – Những Người Việt Công Giáo Mới ).
HẠNH NGUYÊN, Boston, 26.8.2012
Theo EPHATA số 525

0 nhận xét:

Đăng nhận xét