LTCGVN (12.09.2012)
Kể từ ngày từ chức chủ tịch Quốc Hội lên làm Tổng Bí thư Đảng CSVN, những chuyến đi nước ngoài của ông Nguyễn Phú Trọng được dư luận trong nước chú ý. Không chú ý làm sao được khi ông đang giữ một chức vụ ở Việt Nam có thể coi là tương ứng với ngôi vua thời phong kiến. Vì sao có thể so sánh như vậy? Chì vì ông là Tổng bí thư Đảng CSVN, mà Đảng CSVN là “lực lượng lãnh đạo toàn đất nước toàn dân tộc”. Điều 4 Hiến pháp đã tự nguyện quy định như vậy.
Mà sự lãnh đạo ở đây là lãnh đạo “tuyệt đối”, nghĩa là lãnh đạo tuốt tuột mọi tầng lớp, mọi hoạt động, mọi con người sống trên mảnh đất hình chữ S này (Trừ Hoàng Sa và một số đảo đang bị Trung Cộng chiếm giữ trái phép). Đến như Hiến pháp quy định Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất nước, có quyền lập pháp, vậy mà Đảng vẫn cứ lãnh đạo như thường, thì đủ hiểu là quyền lực của Đảng đến đâu, trong khi ông lại là Tổng Bí thư Đảng.
Vì vậy khi ông đi đến đâu, được nhân dân chú ý là điều đương nhiên.
Một số cuộc thăm thú nước ngoài gần đây của TBT Nguyễn Phú Trọng được nhắc đến nhiều. Chẳng hạn cuộc viếng thăm Trung Quốc, ông sang đó ký luôn cái thỏa thuận về biển đảo mà không rõ việc này thuộc trách nhiệm của Chủ tịch nước hay là thuộc vai trò TBT? Chuyến đi này sau khi ở vai Chủ tịch Quốc Hội ông tuyên bố rằng “Biển Đông không có gì mới”. Nghĩa là ngoài đó vẫn Trung Cộng chiếm đóng một quần đảo và đang định chiếm nốt phần còn lại của quần đảo kia, vẫn là ngư dân bị bắt, bị đâm chìm thuyền, bị buộc nộp tiền chuộc, bị cấm đánh cá, vẫn là ngư dân Trung Cộng đang đổ ra như lá rừng vơ vét tài sản của ta. Chỉ có thế thôi mà các đại biểu Quốc hội cứ hỏi mãi. Thế rồi ông sang Trung Quốc êm đềm, mát mẻ với 16 chữ vàng và 4 tốt được khẳng định.
Rồi sau đó là chuyến thăm Cuba của ông với bài giảng về Chủ nghĩa xã hội nổi tiếng toàn cầu làm rùng mình những ai nghe thấy. Nhưng đến chuyến thăm Braxin không thành công như thông báo. Dư luận thì cho rằng bọn Braxin nó sợ ông lại sang giảng cho bài về CNXH nữa thì nguy, không biết tin đồn có chính xác không ? Chỉ biết rằng ông đã không được đón tiếp phải bay về âm thầm.
Thế rồi đến nay, ông tiếp tục sang Singgapore. Chuyện không có gì nói nếu ông chỉ đi thăm thú ngoại giao với cái đảng của ông Lý Hiển Long đang cầm quyền ở đó mời ông để học hỏi TBT nhà ta cách cầm quyền ra sao cho dân giàu nước mạnh. Dù sao thì Singapore cũng còn tử tế chán, hơn hẳn bọn Braxin, mời đến ngõ lại không cho vào nhà.
Thông thường, những chuyến thăm này, chúng ta chỉ yên tâm khi TBT nhà ta đi thăm các nước anh em trong phe XHCN mà thôi. Dù sao thì nói như ông Nguyễn Sinh Hùng là ở đó vẫn chung với ta đường hướng tiến lên CNXH, nên ta không sợ bọn nó chơi đểu. Còn với các nước khác, thì sự cảnh giác là hết sức cần thiết. Dù có mời mọc đi nữa, nhưng với những đất nước không chịu kiên định con đường XHCN thì chưa biết điều gì xảy ra vì âm mưu của bọn tư bản là luôn luôn có ý đồ xấu nhằm thực hiện cuộc chiến “Ai thắng ai” giữa CNXH và CNTB. Vì thế những cuộc đi này, từ cái bắt tay, lời nói, hành động đều phải cẩn thận kẻo mang tiếng là quốc nhục như chơi. Ngay cả hình ảnh cũng vậy, người ta còn thấy xấu hổ vô cùng khi nhìn thấy ông Phó thủ tướng bắt tay ông Tàu Cộng bằng cả hai tay như con bắt tay bố trong khi đường đường ông là một Phó Thủ tướng Việt Nam, thử hỏi tự hào dân tộc và tự trọng ở đâu.
Thế rồi hôm nay, trang BBC đăng tin rằng “Singapore xác nhận ông Trọng sẽ thăm Vườn Bách Thảo Singapore…” là điều dân ta thấy làm ngạc nhiên và ngờ ngợ. Chẳng lẽ ông TBT nhà ta trong lúc nước sôi lửa bỏng này mà rỗi rãi để bay sang tận Singapore đi chơi Bách Thảo? Trong khi ở nhà, dân đang lo ngay ngáy chuyện xăng đang tăng giá, dân Thanh Hóa, Nghệ An đang ngụp lặn trong lụt, Thủy điện Sông Tranh đang giật đùng đùng và hàng vạn người đang dựng tóc gáy chỉ sợ bất thần nước xuống đưa ra Biển Đông với tàu cá Trung Quốc. Vậy thì việc bố trí đưa ông TBT ta đi chơi Bách Thảo là có vấn đề chăng?
Cũng bản tin trên lại còn đưa tiếp như sau “và tại đây, một loại hoa lan, Spathoglottis Truong Lam, sẽ được đặt theo tên vị Tổng Bí thư”. Thế là rõ rồi nhé, nếu Đảng và Nhà nước ta không cảnh giác trước các thế lực thù địch thì có thể đây là một đòn làm mất uy tín của Đảng ta như chơi.
Này nhé:
- Như trên đã nói, là một người với cương vị ông vua, chẳng có ông vua nào đi chơi bời Bách Thảo hay Bách thú khi dân đang chết đuối, đang chết chìm và đang lo ngay ngáy về giá cả cắt đứt cuống họng.
- Việc tặng quà, đặt tên đường, tên phố hoặc cái gì đó tượng trưng với chức vụ TBT của ta thì cũng phải hết sức cân nhắc, vì đó là biểu tượng của Tổng bí thư Đảng ta. Hơn thế lại còn là uy tín và biểu tượng của Đảng ta nữa. Việc Singapore cố tình đặt tên TBT ta cho một loài hoa, nghe qua tưởng là quý hóa lắm vì hoa Lan là loại hoa nổi tiếng là đẹp. Nhưng hoa Lan là loại hoa không có hương, chỉ để nhìn thôi, đẹp màu mè mà không có hương thì cũng vứt đi. Trong khi đó hoa Lan lại không thể ăn được, không thể làm thuốc được… nói chung là chỉ để ngắm cho vui mắt mà thôi chứ chẳng có tác dụng gì trong đời sống, nhiều khi lại không bằng rau muống nhà mình.
- Lại nữa, hoa Lan là loại chuyên sống bám vào cây chủ, nếu được trồng thì cũng cần các loại có sẵn để sống gọi là giá thể. Loại cây Lan là loại hút chất dinh dưỡng từ thân cây chủ mà không tự lao động kiếm ăn gì cả. Cứ chờ cây chủ lao động rồi… chén. Phong lan càng phát triển, thì cây chủ càng héo mòn, thậm chí đã có nhiều cây chủ bị phong lan hút sạch chất dinh dưỡng không nuôi nổi mà chết đi.
Vậy chẳng lẽ biểu tượng của TBT của Đảng ta mà lại như thế ư? Trong khi đó, Đảng ta thường xuyên nói với dân rằng: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh, là độc lập, thống nhất, là hòa bình, ấm no”. Vậy thì không thể lấy tên TBT Đảng ta đặt cho hoa lan được.
Nhỡ một mai, khi người dân Việt Nam có điều kiện đến Singapore để thăm thú vườn lan quốc gia, được giới thiệu về thân thế, sự nghiệp, cách sống bám của cây hoa lan như thế nào, rồi bỗng nhiên thấy tên TBT nhà mình lù lù ra đó ở một loại lan trong vườn, thì xấu hổ biết trốn vào đâu? Có lẽ không cần “cầm hộ chiếu VN bị soi xét” vẫn thấy nhục.
Nghe chuyện này, một người bạn tôi thở dài đánh sượt: “Đúng là bọn tư bản nó giãy chết mà vẫn thâm thật, bên đó người Tàu cũng nhiều mà”.
Vì thế, trước lúc ông Trọng ra đi, Đảng và nhà nước cần nêu cao cảnh giác trước những việc làm có thể hạ uy tín đảng ta trong những việc này.
Hà Nội, ngày 12/9/2012, ngày ông Nguyễn Phú Trọng sang Singapore
0 nhận xét:
Đăng nhận xét