Đi vào cuộc đời, chẳng ai muốn mình bị vấp ngã. Té kiểu nào, vấp kiểu nào cũng đều để lại thương tích, không lớn thì bé; không nghiêm trọng thì cũng trầy xước, để lại cái đau. Nên ai cũng mong đường đời mình bằng phẳng, không đi trên đá sỏi, chẳng vấp ngã bao giờ.
Cái vấp ngã thấy được để lại những vết thương hiển nhiên. Cái vấp ngã vô hình để lại cái nhức nhối, thấm thía từ bên trong. Vấp ngã đau nhất vẫn là cái bên trong, cái chẳng có hình tượng, nhưng lại rõ mồn một và làm cho con người thấm thía hơn bao giờ hết sự thất bại của tự mãn, của giới hạn hiển nhiên trong thân phận hữu hạn đầy yếu đuối của con người.
Cái tự đắc, kiêu căng, kiểu tự tin vượt mức cho phép bỗng trở nên trò đùa, trở nên lố bịch trước cú vấp ngã. Tình trạng dở khóc dở cười ở con người là thế! Không khóc nổi bởi nhận ra cái hão huyền của tự mãn. Và cũng không cười nổi bởi không thể cười thật vào chính mình, vì có mấy ai muốn nhìn thấy khuôn mặt đáng thương với nhiều vết lọ lem to nhỏ của mình bao giờ!
Vấp ngã như cơn lũ đến, quét sạch những cái rác rưởi, các vật thể có mặt trên đường lũ đi qua. Vấp ngã ào tới, cái ý thức về giới hạn bỗng nhận diện trở lại, con người chợt bừng tỉnh sau giấc ngủ mê của cái ảo tưởng về bản thân, của sự tự đánh bóng, ru ngủ chính mình. Vấp ngã đạp đổ cái kiêu ngạo, bắt tận mục cái “tôi” hèn yếu đang ẩn núp, và kết tội cái tôi tự mãn đang thống trị con người.
Chàng thanh niên giàu có hăm hở tiến đến hỏi Đức Giê-su “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” ( x. Mt 19,16-22). Có lẽ, khuôn mặt anh lúc ấy đang rạng lên những tia hy vọng khi ngỡ mình đã đạt được sự công chính khi biết mình đã giữ luật từ thưở bé "Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa không?”. Nhưng cú vấp ngã đau nhất của anh ở vào cuối câu chuyện, trước lời yêu cầu của Đức Giê-su "Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi." Anh đau đớn, buồn rầu bỏ đi. Không ai đẩy mà anh lại té ngã. Cú ngã của thất bại nơi chính mình. Anh vấp ngã bởi anh không thể từ bỏ những gì anh đang sở hữu. Anh tưởng mình hoàn thiện nhưng thật ra lại quá giới hạn, không đủ sức mạnh vượt thắng được chính mình.
Hình ảnh một Phê-rô khóc lóc thảm thiết sau khi chối Thầy, bởi ông nhận ra sự vấp ngã của mình khi bội phản Thầy ( x. Mt 26,69-75). Một hình ảnh trái ngược hoàn toàn với lời quyết đoán chắc nịch trước đó của ông “ Lạy Chúa, dẫu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng” ( x. Lc 22,31-34). Cú vấp ngã cay đắng làm cho Phê-rô chợt tỉnh, nhận ra sự hèn yếu, đáng thương, giới hạn của sức mạnh nơi chính mình. Lòng hăng say, quyết tâm sống chết vì Chúa trong lời tuyên bố đầy dũng khí, bỗng trở nên bọt bèo, vô nghĩa khi đối diện với sự sợ hãi, bắt bớ và cái chết. Nhưng điều lạ lùng nơi tình yêu đỡ nâng của Thiên Chúa đã làm cho Phê-rô nhận ra bài học từ sự vấp ngã, nhìn nhận yếu đuối thực của con người mong manh giới hạn, để rồi ông đã hoàn toàn phó thác trọn vẹn cho Thiên Chúa cuộc đời của mình, để Ngài dẫn dắt “ Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự. Thầy biết con yêu mến Thầy”. (x. Ga 21,15-19).
Cuộc đời có bao nhiêu kiểu người, thì cũng có bất nhiêu dạng vấp ngã, nên nó chẳng có “form” chung, không có hình hài rõ rệt. Nó tùy thuộc vào nhận thức, điểm yếu, giới hạn, kiểu suy nghĩ, hành xử, nét tính cách của mỗi người mà hình thành, làm nên cú vấp ngã nặng cân hay nhẹ ký.
Vấp ngã không chỉ một lần, nhưng sao mãi hoài như điệp khúc bài hát cuộc đời? Điệp khúc ấy, không muốn hát, nhưng vẫn cứ lặp lại, bởi cái giới hạn phận người trong tôi, của cát bụi, của mỏng manh thân phận, của cái bất nhất trong con người, của cuộc chiến nội tâm “ điều tôi muốn, tôi lại không làm, những điều tôi ghét, tôi lại cứ làm” ( x. Rm 7,15).
Vấp ngã...thương tích ê chề...
những nỗi đau vô hình...
gắng gượng từng chút...từng chút một,
đè lên nỗi đau để đứng lên,
hay,
vấp ngã ... bi thương, đau đớn trong mệt mỏi, thất vọng...
đóng kín lòng mình
và buông xuôi mái chèo?
Biết bao người đã té ngã, nhưng lại tìm thấy niềm vui trong nước mắt, tìm thấy vinh quang trong thất bại, và đã thật sự đứng lên trong nhịp đập của yêu thương, trong tiếng hò reo của chiến thắng. Nhưng lại cũng có bao nhiêu cú vấp ngã không thể vực dậy, không nhắc nổi thân mình để đứng gượng một chút một ra khỏi vùng mờ mịt, buông xuôi kéo lê cuộc đời chìm ngập trong thất vọng.
...
Tôi, cũng không loại trừ bị vấp ngã, cho dù tôi là ai đi chăng nữa. Bởi tôi cũng chỉ là con người với biết bao yếu đuối, giới hạn lớn nhỏ, mang theo suốt cả cuộc đời mình.
Những vết sẹo mờ dần trong cuộc đời sau bao phen vấp ngã đủ để chứng minh cuộc đời mình đã bao phen không thể đứng vững. Nước mắt...hạnh phúc và...nước mắt... như là bản nhạc cuộc đời của riêng mình, dù muốn dù không, mà tôi vừa là nhạc sĩ và ca sĩ, phối nhạc, thu âm, hát... cho đến khi... tôi nhắm mắt, từ giã mọi người để đi vào miền đất sẽ chẳng còn vấp ngã! Ca khúc ấy, được hát, được nghe...có cả những cung bậc trầm buồn của thương đau, của nước mắt, nhưng cũng có cả những âm vực cao vút với giai điệu của rộn ràng, hạnh phúc. Ca khúc được tấu lên sẽ không phải để than trách, nhưng là để tạ ơn, để cảm nếm hạnh phúc bởi tôi được yêu ngay cả khi tôi đang bội phản, khi tôi đang vấp ngã, khi tôi đang sóng soài loay hoay mệt mỏi, khi tôi đang đưa mắt tìm...bàn tay nâng tôi đứng dậy.
Bàn tay ... đôi tay
kéo tôi đứng dậy sau vấp ngã, giúp tôi đứng lên, và dìu tôi đi tới miền đất mới phải là bàn tay, những ngón tay của yêu thương, nhân hậu, khoan dung và tha thứ.
Bàn tay dịu dàng, êm ái ấy luôn sẵn sàng nắm lấy tay tôi, kéo tôi lên và đưa tôi trở lại vùng đất của sự sáng “ Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này ? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!” (Rm 7, 24-25).
Vấp ngã bỗng trở nên biến cố hồng ân, là quà tặng để tôi nhận ra tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa đang cúi xuống trên mình. Không phải ngẫu nhiên hay tình cờ, nhưng tình yêu đó đã có từ trước muôn đời, từ khi con người bé nhỏ của tôi được tạo dựng” Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy” ( x. Tv 138,16). Tình yêu ấy giăng trải suốt cuộc đời, trong cả những đau thương và niềm vui, trong cả thất bại lẫn chiến thắng, và trong tất cả những lần tôi vấp ngã. Có té đau, tôi mới cảm nhận được sự êm ái của đôi tay bồng bế mình. Có vấp ngã, tôi mới hiểu được nước mắt của hạnh phúc khi nhận ra mình vẫn luôn được yêu thương, chăm sóc và che chở. Có vấp ngã, tôi mới nhận ra tình yêu nhưng không, một tình yêu bất biến, một tình yêu nhân hậu, thật kiên nhẫn của Thiên Chúa dành tặng cho con người bất toàn, yếu đuối và bất trung nơi tôi. Và nơi vùng trời đầy yêu thương ấy, tôi lặng lẽ thầm với Chúa “ Chúa ơi! Chúa biết rõ mọi sự. Chúa biết con yêu mến Ngài!” (x. Ga 21,15-19)
Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, OP
0 nhận xét:
Đăng nhận xét