LTCGVN (06.08.2012)
Thường là cứ mỗi đầu năm học Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh lại viết thư gửi các học sinh và thầy cô giáo. Dù đã bao năm giã từ mái trường, nay răng đã rụng, tôi không còn hát “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…” ( Nỗi Buồn Hoa Phượng ), đọc thư ngài tôi vẫn thấy cõi lòng ấm lại. Lá thư không chất “gây mê” của những loài chim vô cảm chỉ biết hát lời ca tụng Thiên Đường Mù. Lời văn giản dị chân phương, dịu dàng tha thiết của người cha hiền. Sao tôi lại yêu ngài đến thế ! Ngài viết:
“Tiếc một điều, sau 1975, các tôn giáo không còn các cơ sở giáo dục và xã hội cũng không còn cái quyền chính thức đuợc tham gia vào sự nghiệp trồng người này ! Phải chăng đây chính là nguyên do gây lo lắng cho những ai quan tâm tới một nền giáo dục toàn diện và chân chính ? Nhiều con em hiện không tới truờng hoặc bỏ dở. Vì sao ? Vì nghèo ? Vì thiếu ý thức ? Vì sao nữa ?
Vì nghèo ? Đi học ngày nay tốn kém lắm ! Học phí cứ tăng vọt ! Ngày càng thêm nhiều khoản đóng góp ! Học thêm ! Có em học sinh trung học nói rằng: “Học thêm là học thiệt, học thiệt là học chơi”. Câu này được em ấy giải thích: Học trên lớp mới đuợc 30% kiến thức; học thêm đạt đuợc 70% đối với một lớp vài chục học sinh đóng phí học thấp, và học thêm đạt đuợc 100% với một lớp chỉ vài em đóng học phí cao. Lắm gia đình không kham nổi ! Cầu mong có nhiều nhà hảo tâm rộng tay giúp đỡ để tất cả các con em đều đuợc đến trường học…
Hơn nữa, báo đài không ngớt phanh phui nhiều thứ tiêu cực, nhiều thứ “giả hiệu” trong ngành giáo dục bấy lâu nay. Phải chăng đều là kết quả của một nền giáo dục chịu ảnh huởng nặng nề của cả hai trào luu thế tục: văn minh huởng thụ Tây Phương cũng như ý thức hệ duy vật vô thần? Một nền giáo dục như thế tất nhiên sẽ coi nhẹ mặt tâm linh tôn giáo. Tất nhiên sẽ không có khả năng đáp ứng khát vọng thâm sâu của con nguời luôn “hướng về trời cao”! Đúng như Thánh Augustinô đã nói: “Lạy Chúa, linh hồn con chỉ đuợc an nghỉ, khi gặp đuợc Ngài”… ( hết trích )
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long trong một bài viết rất chua xót:
“Có lẽ chưa bao giờ các truờng Đại Học đuợc thành lập “ồ ạt” như trong vài 3 năm trở lại đây. “Ồ ạt” đến độ báo chí đã phải gọi bằng một cái tên hết sức châm biếm: “đại học đại trà”. Nghĩa là vừa học vừa uống trà vẫn xong đại học. Tất nhiên, nếu chỉ nhìn vào số luợng những nguời theo học, thì ai cũng có thể tự hào. Có những trường lên tới 3 – 4 ngàn sinh viên, nhưng chất luợng thì khỏi bàn tới. Báo chí đã nói nhiều, các nhà giáo dục tâm huyết cũng đã tốn rất nhiều giấy mực để luận bàn. Tuy nhiên, một điều đáng nói hơn nữa là điều kiện sống của tầng lớp đuợc coi là tri thức – những nguời nắm giữ vận mệnh của nước nhà trong tương lai – thì hỡi ơi !”
Nền giáo dục trên quê hương như thế nào xin miễn được “quảng cáo” thêm, vì muốn chia sẻ với bạn đọc, tôi ngu dại vạch áo cho người xem lưng, kể chuyện nhà:
Em tôi trước đây thuộc loại học sinh giỏi trong trường, năm nào đến cuối niên khóa cũng đuợc phát “phần thuởng có điều kiện”, nghĩa là được phát phiếu sẽ nhận phần thưởng nếu hội đủ 3 điều kiện: Giỏi – Ngoan – Nghèo. Phiếu này do giáo viên chủ nhiệm phát cho học sinh trong lớp đã được thày cô chứng nhận điều kiện 1 và 2 vì hiển nhiên ai cũng biết rõ. Còn điều kiện thứ 3 phải do các em mang về phường chứng nhận.
Em tôi luôn đứng hạng nhất, hớn hở về nhờ mẹ mang đi chứng. Mẹ tôi nghỉ buổi cắt rau muống thuê, từ sáng tinh mơ đến phường nhờ ông chủ tịch ký cho vài chữ. “Ngài quan” khệ nệ cà phê thuốc lá đến gần trưa mới mò tới. Nhìn mẹ tôi áo quần lem luốc ống cao ống thấp, mặt bủng da chì, nghĩ chắc mẩm không “hốt“ đuợc gì, “quan” liền đòi tờ hộ khẩu, luớt mắt qua ông đặt bút ký:
“Giỏi và ngoan thì có, nhưng không nghèo”. Mẹ tôi hỏi vì sao ? “Quan” phán: “Trong nhà ai cũng có thể đi làm được.” Mẹ tôi đành câm hột thóc, lật đật ra về để còn ra đồng vớt bèo hái rau.
Em tôi cầm tờ giấy ngoằn ngoèo chữ ký bưng mặt khóc. Cuối mấy năm học sau, lần nào em cũng nhận đuợc giấy nhưng nó vứt đi vì biết chắc sẽ không qua được ải quan quyền. Càng buồn hơn nữa khi thấy mấy đám con cháu ông chủ tịch năm nào mặt cũng vênh váo ngổn ngang phần quà cuối năm: một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp. Ông chủ tịch có quyền nên con cháu đứa nào cũng giỏi ngoan, chân ông mang dép râu nên ai cũng bảo ông nghèo, lời ông có gang có thép len lỏi vào cả chốn học đường, các thầy cô nghe lời ông nhớ ngay đến sắc thép mát lạnh của chiếc còng số tám….
Cháu ruột tôi ( con gái anh cả ) tốt nghiệp Đại Học Tổng Hợp, ngành Môi Truờng, năm 2006, đến nay vẫn chưa có việc làm đúng nghề nghiệp được đào tạo. Hiện đang làm thư ký đánh máy cho một hãng Đài Loan làm giầy. Nó kể khi học lớp đánh máy tốc ký do tư nhân mở để kiếm việc làm tạm qua ngày, ông chủ truờng luôn miệng khoe lấy khách: “Trường chúng tôi đào tạo các thư ký chuyên nhắm đến tốc độ và chính xác. Bằng chứng là đã đào tạo được 4 thư ký, chỉ sau 6 tháng làm việc lấy luôn đuợc 4 ông chủ”.
Cháu tôi cũng ra trường đó, đi làm mãi đến nay vẫn chưa kiếm được… ông chủ nào. Tôi nhìn cháu tôi mà ngán ngẩm, nó có khuôn mặt của người đàn ông không đẹp trai giống tôi. Thói thời thượng bây giờ đãi tiệc sau các món đặc sản thường kết thúc bằng món “chân dài”. Để lên đuợc bà chủ, cháu tôi phải có đôi chân dài hoặc phải đi sửa sắc đẹp, chứ còn đôi chân ngắn, gương mặt “ngao tạng” như tôi bao giờ mới có cờ đến tay để phất. Cũng tội nghiệp con bé, quá nhỏ nhoi trong xã hội quay cuồng, chỉ biết lặng lẽ nhìn đời mình trôi mất, chờ tháng ngày "dâng mình cho Chúa" về với cát bụi, già xí cỡ nào Chúa cũng nhận làm hiền thê….
Thằng em họ con bác ruột tôi chỉ học hết lớp 6, làm ông trùm trong khu Xứ Đạo. Mỗi ngày bán thịt kiếm được 500 đến 600.000 đồng, chỉ làm khoảng từ 3 đến 8 giờ sáng, sau đó về nhà nghỉ. Nó có ba đứa con trai, bố thì lúc nào cũng muốn dành tất cả cho con có mảnh bằng Đại Học, hy sinh đời bố củng cố đời con. Thằng lớn có 2 bằng Đại Học: Ngoại Ngữ và Ngoại Thương học đóng tiền, cũng không kiếm được việc làm. Xin đi làm chân quét rác trong phi truờng Tân Sơn Nhất, người ta đòi chạy… hai cây vàng, chỉ mong có dịp kéo hành lý cho Việt kiều về nước hoặc dấu hành lý đi chỗ khác sau đó tìm khổ chủ moi tiền chuộc. Gia đình cũng đang tính chạy việc, nhưng nghĩ kỹ không biết việc làm có bền không, hay chỉ đưọc vài tháng nó tìm cớ đuổi việc nhét đứa khác vào. Chưa lấy lại vốn đã mất việc.
Sau nó xin đuợc chân bảo vệ khách sạn, lúc đầu chưa rõ, sau mới biết việc làm bao gồm cả việc dẫn… gái cho khách. Lâu lâu cũng đuợc mấy chị em ta "lại quả", cho “nhảy dù” miễn phí. Bố nó sợ con vuớng si-đa, “người ta vì nuớc vì non, con tôi lại chết vì son-đố-mì" nên cấm tiệt không cho đi làm nữa. Hiện nó đang bán nước mía ở cuối chợ, tối tối dạy kèm thêm Anh Văn. Hai đứa con còn lại rút kinh nghiệm, anh lúc nào cũng chỉ mong đuợc như bố, không cần Đại Học, chỉ mong tương lai là anh hàng thịt….
Quê hương tôi có biết bao con đường ngang dọc. Đường ngoại ô quanh co bụi bặm. Đường phố chợ thênh thang rợp mát. Có những nẻo đường chuyên chở ước mơ kể chuyện tình mang hạnh phúc: dầu đi mãi vẫn không chán. Cũng có những con đường gánh vác nhọc nhằn, chất chứa khổ đau: chưa đi đã mỏi gối chân chồn. Mỗi nẻo đường mang một số phận !
Mới vài tuần trước đây, Việt Nam như lên cơn sốt trong các kỳ thi Đại Học. Hàng trăm ngàn sĩ tử hăm hở mang chất xám bước vào đời với bao hy vọng. Những khuôn mặt mẹ cha sống bờ bụi mắt đỏ ngầu vì mất ngủ, lấp ló nhìn qua mắt cáo hàng rào trường thi, cố nghe cho được tiếng con đang rút ruột cào giấy mực. Các Hội Ái Hữu, Nhà Thờ, Nhà Chùa… trong khói bụi mịt mờ của xe gắn máy, mái nhà ấm cúng, bát canh mẫu tử… góp tay đón đưa các em từ khắp các nẻo đường.
Đã qua rồi những hình ảnh thân thương tình dân tộc ấy.
“Mai không tên tớ, tớ đi ngay,
Giỗ Tết từ đây nhớ lấy ngày.
Học đã sôi cơm nhưng chửa chín.
Thi không ăn ớt thế mà cay” ( Tú Xương )
Giỗ Tết từ đây nhớ lấy ngày.
Học đã sôi cơm nhưng chửa chín.
Thi không ăn ớt thế mà cay” ( Tú Xương )
Hôm qua tôi nhận được điện thoại của hai đứa bạn báo tin con đã thi rớt. Xen lẫn trong giọng nói tôi nghe được tiếng thở dài. Có gì mà chẳng nhận ra, thở dài bao giờ cũng ở cung bậc trầm, tần số thấp, thở hắt ra, còn giọng reo vui luôn có âm vực cao, nhí nhảnh tiếng họa mi hót. Trước khi chào từ biệt, bạn tôi “chấm lửng” bằng quyết định: chắc phải mua cho cháu cái xe Trung Quốc để chạy xe ôm kiếm bát cháo.
Bạn thân mến,
Quê hương Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến, con sâu Mẹ Việt Nam xéo mãi cũng… quen, hơn 90 triệu người lặng câm cúi đầu nhìn xã hội đang trồng cây chuối ngược: biết bao nhân tài rũ xương chốn lao tù hoặc ngồi chơi đếm sỏi. Anh Cù Huy Hà Vũ, tốt nghiệp Đại Học Sorbonne với hai bằng Thạc sĩ Văn Chương và Tiến sĩ Luật. Anh Vũ đang ở đâu ? Chị luật sư Lê Thị Công Nhân đang làm gì bạn có biết không ?
Bạn thương đừng la rầy đánh đập khi bảng tên không có cháu. Có khi gia đình bạn vì không biết chỗ chạy hoặc không có điều kiện. Cũng có khi các cháu không nhìn thấy tương lai qua con đường học vấn trong một xã hội luân lý đảo lộn, ô dù, lừa đảo, một xã hội với hàng triệu nông dân tấm lưng áo bạc, tiền mỏng phận hèn, không đủ sức chạy đua đành bất lực nhìn con mình thất học. Lũ trẻ lớn lên lông nhông chờ cơ hội chạy chọt, vay tiền lo chi phí ra nuớc ngoài nạo cống, vá đuờng, làm oshin, con “râu”... hy vọng may ra sẽ đổi đời. Con vua lại làm vua, con thầy chùa lại quét là đa ( xin xem ghi chú ở cuối bài ), đến bao giờ con bạn mới chen được chân vào guồng máy lãnh đạo lèo lái con thuyền dân tộc ?
Ngày đầu tiên trong một lớp học dạy cách tìm việc cho những người thất nghiệp, bà giáo già của tôi trịnh trọng rút từ trong túi ra một tờ giấy 20 đôla, sau đó bà vò nát, vứt xuống đất lấy giầy xéo lên, chà xát trên nền gạch… Cả lớp ngơ ngác tròn xoe mắt, sau đó bà cúi xuống nhặt lên, từ từ mở ra và nói với cả lớp:
“Đồng tiền giấy này dù rách nát bẩn thỉu nhưng giá trị của nó vẫn không bao giờ thay đổi. Vẫn đáng quý như bất cứ tờ mới nào. Các bạn hãy mạnh dạn bước vào đời, dù nghèo khó, bầm giập hay te tua… phẩm giá cao quý làm người của bạn vẫn còn đó, không một ai trên thế gian này lấy đi được…”
Bạn đọc rất thân mến,
Mỗi người có một con đường số phận.
- Nếu con bạn đậu Đại Học: xin mừng cho gia đình bạn. Nguyện cháu luôn có trái tim nhân hậu để yêu thương quê hương dân tộc, học vị tương lai sẽ chỉ có giá trị khi nó được dùng để mang ánh sáng đến cho người khác.
- Nếu con bạn rớt: Xin hãy cho tôi nắm lấy tay của cháu để nói rằng: Con ơi ! Những người thắng cuộc rồi sẽ bị lãng quên, bằng cấp rồi cũng đóng bụi. Với trái tim lương thiện, với hiện tại con vẫn còn tất cả. Hãy quên đi nỗi buồn quá khứ. Hạnh phúc chính là con đường ta đang đi, là hành trình chứ không phải là điểm đến. Với đôi bàn tay và trái tim con vẫn còn rất nhiều khả năng mang lại hạnh phúc cho chính bản thân và đất nước.
NGƯỜI TÔI TỚ VÔ DỤNG, Boston, 26.7.2012
Ghi chú:
“Một bản thông cáo của ngân hàng Bản Việt đăng trên báo Sàigòn Giải Phóng trong hai ngày 27 và 28 tháng 6 cho biết Nguyễn Thanh Phượng thôi không làm đại diện pháp luật cho ngân hàng Bản Việt, nhưng vẫn giữ chức vụ chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị. Nguyễn Thanh Phượng, 32 tuổi, con gái Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, có anh là Nguyễn Thanh Nghị, thứ trưởng Bộ Xây Dựng và em trai là Nguyễn Minh Triết đang là cán bộ Ðoàn Thanh Niên.
Trong tháng này, ít nhất có hai tin tương tự. Nông Quốc Tuấn, 49 tuổi, con trai của cựu Tổng Bí Thư Nông Ðức Mạnh thôi chức bí thư tỉnh ủy Bắc Giang. Tô Linh Hương, 24 tuổi, con gái ông Tô Huy Rứa ( ủy viên Bộ Chính Trị ) thôi chức chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị công ty Vinaconex.
Trong công điện ngày 26.12.2006, gởi cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ bị tiết lộ qua Wikileaks, tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sàigòn nhận xét rằng con đường sự nghiệp thênh thang rộng mở của một số doanh nhân trẻ thành công đến từ thân thế của họ, là bằng chứng cho thấy cách thức mà tầng lớp lãnh đạo bảo đảm cho con cái những vị trí đầy lợi thế về giáo dục, chính trị và cả kinh tế” ( hết trích, bài Cha ta là Chúa – Nguyễn Trung, Ephata 516 )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét