Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

Người TQ: Đảo Bạch Long Vĩ thuộc VN đã được ĐCSTQ bí mật cắt nhượng vì tình hữu nghị cách mạng



NỘI TÌNH CHUYỆN ĐẢO DẠ OANH [i] THUỘC VỀ VIỆT NAM: ĐƯỢC ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC BÍ MẬT CẮT NHƯỢNG VÌ TÌNH HỮU NGHỊ CÁCH MẠNG

Nam Hải[ii] gươm đã tuốt khỏi vỏ, sự đối đầu Trung-Phi về đảo Hoàng Nham[iii] đã kéo dài được hơn 10 ngày, gây nên sự chú tâm mạnh mẽ của trong và ngoài nước. Bởi duyên cớ về đảo Hoàng Nham mà một câu chuyện đã lâu năm – “đảo Bạch Long Vĩ” – cũng đã được các cư dân mạng lật xới lại trên các blog. 
Bạch Long Vĩ vốn có tên là đảo Dạ Oanh (Dạ Oanh Đảo), vốn thuộc lãnh thổ Trung Quốc, nhưng giờ đây đã được cắt vào bản đồ Việt Nam. Vì sao lại vậy? Trên mạng lưu truyền các ý kiến khác nhau, có ý kiến nói “Việt Nam cưỡng chiếm”, có ý kiến nói “Trung Quốc trao tặng”.
Tình huống thực tế Trung Quốc mất đảo Dạ Oanh (đảo Bạch Long Vĩ) rốt cuộc là ra sao?
 

Đầu đuôi chuyện đảo Dạ Oanh (đảo Phù Thủy Châu) được bí mật “chuyển giao” cho Việt Nam
Đảo Bạch Long Vĩ vốn có tên là đảo Dạ Oanh, trong lịch sử thuộc về Trung Quốc, năm 1955 giải phóng, thuộc tỉnh Quảng Đông.

Đảo Bạch Long Vĩ có diện tích khoảng 5 km², nằm ở vị trí trung tâm vịnh Bắc Bộ, 20°1′ vĩ Bắc, 107°42′ kinh Đông. Trong lịch sử, nó từng có nhiều tên gọi. Từ thời Minh, Thanh đến nay, mãi cho đến thời Dân quốc và thời kỳ đầu của Trung Quốc mới, thường được gọi tên là đảo Dạ Oanh, ngư dân và cư dân ven biển Quảng Đông, Quảng Tây và Hải Nam còn gọi là đảo Phù Thủy Châu. Đảo Bạch Long Vĩ được chính quyền thực dân Đông Dương Pháp trước đây đặt tên khi xâm lược hòn đảo này vào thập kỷ 30 của thế kỷ trước. Tên tiếng Việt viết theo chữ Hán là “白龙尾岐”(Bạch Long Vĩ kì) , “kì 岐”(âm ) là phiên âm từ “ile”(có nghĩa là “đảo”) của tiếng Pháp.
Trong lịch sử, ngư dân ở Triều Châu Quảng Đông, Đạm Châu và huyện Văn Xương (nay là thành phố Văn Xương) Hải Nam suốt một thời kì dài luôn lấy đảo Dạ Oanh làm nơi sản xuất bào ngư. Có đầy đủ bằng chứng để khảo cứu là người Trung Quốc cận đại đã định cư trên đảo từ hơn trăm năm nay. Theo ghi chép trong bài “Bạch Long Vĩ chính danh” của Lý Đức Triều: “Năm 1955 khi giải phóng, có 64 hộ cư dân, gồm 249 người (nam 127 người, nữ 122 người). Các cư dân đều là người Hán, nói tiếng Đạm Châu (huyện Đạm Châu Hải Nam). Phần lớn dân đảo cao tuổi đều tới từ huyện Đạm Châu Hải Nam vào đầu thế kỷ 20… Năm 1955 khi giải phóng, trên đảo hồi đó có một ngôi đền, thờ Thiên Phi nương nương và Phục Ba tướng quân. Thiên Phi nương nương là nữ thần giữ sự yên lành trên biển cho ngư dân Trung Quốc. Còn Phục Ba tướng quân tức Mã Viện là người đưa quân vương triều Hán đến Giao Chỉ (nay là Bắc Bộ Việt Nam). Trong đền có một chiếc chuông sắt, có khắc chữ Quang Tự tam niên (năm 1877), giữ đền là Phù Liên Minh, Phù Hoài Tích… người Văn Xương Hải Nam.” (Lý Đức Triều  “Bạch Long Vĩ chính danh”).
Dân đảo Trung Quốc chia ra sống ở hai thôn trên đảo, thôn lớn tên là “Phù Thủy Châu thôn”, thôn nhỏ tên là “Công Ty thôn”. “Công Ty thôn” được lấy tên từ chuyện những người nhiệt tâm với thực nghiệp như Bồ Công Tài, Bồ Văn Giang, Trần Hữu Đức…ở Đam Huyện đã góp vốn mở công ty khai thác trồng dưa hấu quy mô lớn trên đảo. Đến đầu thập kỷ 30 thế kỷ trước, đảo Dạ Oanh bị Pháp chiếm giữ với danh nghĩa mẫu quốc Việt Nam; năm 1943, lại rơi vào tay Nhật Bản. “Tháng 7 năm 1955, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc chúng ta đã giải phóng đảo Dạ Oanh, đảo này về mặt hành chính thuộc Đam Huyện thuộc khu hành chính Hải Nam tỉnh Quảng Đông, thành lập Văn phòng Phù Thủy Châu của Chính phủ nhân dân Đam Huyện là đơn vị hành chính cấp khu, đồng thời còn thành lập các tổ chức cơ sở  Đảng như Ủy ban công tác Phù Thủy Châu thuộc Ủy ban Đam Huyện Đảng cộng sản Trung Quốc và Đại đội đồn trú Phù Thủy Châu Phân quân khu Hải Nam Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Ngân hàng, cung tiêu xã, trường tiểu học, hợp tác xã sản xuất ngư nghiệp… đều sử dụng tên gọi Phù Thủy Châu.” (Lý Đức Triều  “Bạch Long Vĩ chính danh”).
Năm 1957, được bí mật “chuyển giao” cho Việt Nam, nội dung thỏa thuận cụ thể không rõ
Vì sao “đảo Dạ Oanh” vốn thuộc Trung Quốc lại biến thành “đảo Bạch Long Vĩ” của Việt Nam ngày nay? Muốn biết được sự tình, hãy quay ngược trở về năm 1957.
Về quá trình cụ thể, có một loại ý kiến là: Trước ngày xảy ra cuộc Chiến tranh Việt Nam năm 1957, “để chi viện cho cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam, Chu Ân Lai và Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã cùng ký thỏa thuận cho chính phủ Việt Nam mượn đảo Bạch Long Vĩ [iv]trong vịnh Bắc Bộ nước ta, để Việt Nam đặt căn cứ radar ở trên đó nhằm cảnh giới phòng ngừa máy bay Mỹ ném bom Hà Nội, đồng thời làm trạm vận chuyển vật tư Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam.” (“Nam Hải, Nam Hải”, Y Thủy, Diêu Trung Tài, Trần Trinh Quốc và những người khác biên soạn, Nhà xuất bản nhân dân Quảng Đông).
Một ý kiến khác thì nói:  Chu Ân Lai là người ký kết bản “Thỏa thuận cho mượn đảo”, còn Mao Trạch Đông là người hoàn tất việc “cho mượn đảo”: “Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Hồ Chí Minh tới Trung Quốc, thông qua Chu Ân Lai thỉnh cầu với Mao Trạch Đông muốn chúng ta cho Việt Nam “mượn” đảo Dạ Oanh trong vịnh Bắc Bộ để “dùng” một chút, đặt một trạm radar tiền duyên để giám sát hành tung của máy bay Mỹ. Trung Quốc khi ấy mang chút tính cách giống như một trang nam tử hào phóng, gần như chẳng có chút quanh co gì, thế là lời thỉnh cầu của Hồ Chí Minh đã được đáp ứng.” (“Đánh thức Nam Hải”, tr. 133, Tào Bảo Kiện, Nhà xuất bản nhân dân Hà Bắc)
Cả 2 ý kiến trên đây đều là “thuyết mượn đảo”, còn có một “thuyết chuyển giao” khác nữa. Theo cuốn “Tư liệu tuyển chọn về đường biên giới giữa nước ta với các nước láng giềng và vấn đề tranh chấp quyền lợi biển” do Ban nghiên cứu khoa học Đại học quốc phòng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc xuất bản năm 1992: “Việc phân chia vịnh Bắc Bộ động chạm đến một nhân tố quan trọng, đó là một hòn đảo nằm ở chính giữa vùng biển, vốn thuộc về nước ta, gọi là Phù Thủy Châu hoặc đảo Dạ Oanh, năm 1957 ta  chuyển giao cho Việt Nam, Việt Nam đổi gọi là đảo Bạch Long Vĩ”.
Tóm lại, bất luận là “mượn đảo” hay “chuyển giao” thì kể từ khi ấy cho đến giờ vẫn chưa công khai, mà là áp dụng một “phương thức chuyển giao bí mật”. Theo cuốn “Trung Quốc và Luật quốc tế về biển” do Cao Kiện Quân biên soạn, “đảo Bạch Long Vĩ… trong lịch sử từng thuộc lãnh thổ Trung Quốc, tháng 3.1957 đã chuyển giao đảo này cho Việt Nam bằng “phương thức chuyển giao bí mật”. Cho nên, trong các điều khoản thỏa thuận khi ấy có những nội dung gì cho đến nay vẫn còn là bí ẩn.
Còn như vì sao lại phải cho Việt Nam “mượn” đảo Dạ Oanh, trở thành “đảo Bạch Long Vĩ”, rồi vì sao lại phải dùng “phương thức chuyển giao bí mật”, xin cung cấp một cách giải thích để tham khảo: Một mặt, Trung Quốc với tư cách là lãnh tụ của Phong trào cộng sản Châu Á thì phải ủng hộ cuộc chiến tranh giữa Đảng cộng sản Việt Nam của Hồ Chí Minh với Nam Việt với sự hỗ trợ của Mỹ; mặt khác, Trung Quốc khi ấy không hề mong muốn trực tiếp dính líu vào cuộc chiến tranh, trở thành “nước tham chiến”, từ đó trực tiếp đối đầu với quân Mỹ. Và thế là, với tư cách là trạm trung chuyển then chốt viện trợ cho Việt Nam – được hiển thị trên các tư liệu hiện có, Trung Quốc quả thực đã giúp Việt Nam đặt trạm radar trên đảo Dạ Oanh, đã chi viện một lượng lớn vật tư cho Việt Nam, và cũng chính thông qua việc chuyển đảo này cho Đảng cộng sản Việt Nam –  đảo Dạ Oanh đã được “chuyển giao bí mật” cho Bắc Việt.
Lão tướng phụ trách công việc “chuyển giao” cụ thể nhớ lại:  “Xem ra tôi đã làm một việc sai lầm”
Về quá trình cụ thể của quyết định “tặng đảo” – rốt cuộc ai là người ra quyết sách, xuất phát từ suy nghĩ gì, đã ký thỏa thuận gì, người viết bài này chưa tìm ra được những tư liệu có liên quan. Nhưng về quá trình “chuyển giao” cụ thể thì đã có một đoạn hồi ức kể lại rất quý của đương sự. Tướng Mã Bạch Sơn nguyên là Phó tư lệnh Phân quân khu Hải Nam, khi ấy là đại diện phía Trung Quốc, đến đảo Phù Thủy Châu cùng với đại diện phía Việt Nam làm thủ tục “chuyển giao”. Theo lời lão tướng kể lại:
“Năm 1950 Hải Nam giải phóng, năm 1955 quân giải phóng đã giải phóng đảo Phù Thủy Châu. Quân giải phóng đóng quân trên đảo, và cũng quản lí luôn cả dân thường. Năm 1955 thực hiện chế độ quân hàm, tôi được nhận quân hàm thiếu tướng, nhậm chức Phó tư lệnh Phân quân khu Hải Nam. (…)  Tháng 3.1957, cấp trên cử tôi làm đại diện chuyển giao đảo Phù Thủy Châu cho Việt Nam, đại diện từ Việt Nam  tới cũng là một Phó tư lệnh Phân quân khu. Khi ấy có văn bản nói ủy nhiệm cho Mã Bạch Sơn làm đại diện toàn quyền chuyển giao đảo Phù Thủy Châu, cùng đi còn có một vị phó bí thư Đảng ủy Khu Hải Nam khi ấy. (…) Lúc chuyển giao, bộ đội rút, dân thường ở yên. Có những người dân không vui, nói chúng tôi là người Trung Quốc, vì sao lại biến thành người Việt Nam. Các công trình khác như cửa hàng…đều chuyển giao hết. Trước khi chuyển giao, tôi đã đến đảo này. Ngư dân trên đảo chủ yếu đánh bắt bào ngư ngoài biển. Cá họ đánh bắt được bán cho đại lục, và cũng mang bán cả cho Việt Nam. (…) Nghi thức chuyển giao được tổ chức trên đảo, các văn bản đều được làm sẵn, làm thủ tục ký là xong. Mọi công tác chuẩn bị cho việc chuyển giao đều do cấp trên sắp xếp, nghi thức chuyển giao: Mở tiệc trà, bày hoa quả lên bàn, ăn nhẹ, tất cả đều do phía Việt Nam mang tới, buổi tối còn mở tiệc thết khách, Việt Nam còn cử một đoàn văn công đến biểu diễn. Trong đoàn văn công có nhiều người là Hoa kiều ở Việt Nam. (…) Chuyển giao cho Việt Nam chủ yếu do quan hệ hai nước khi ấy tốt đẹp, chúng ta với Hồ Chí Minh là tình hữu nghị “vừa là đồng chí vừa là anh em”, dù sao cũng là anh em mà, đảo này lại gần Việt Nam hơn, thế là chuyển giao cho họ bằng một nghi thức” (“Góc biển tìm chuyện cổ kim”, tr.42, Mã Đại Chính, Nhà xuất bản nhân dân Tân Cương).
Tuy chỉ là chấp hành mệnh lệnh, nhưng với cái chuyện “tặng đảo” này, theo lời tác giả cuốn sách, lão tướng Mã trong một lần được phỏng vấn đã “không chỉ một lần nói giọng nặng nề, xem ra tôi đã làm một việc sai lầm”.
Sau khi “đảo Dạ Oanh” biến thành “đảo Bạch Long Vĩ”, lợi ích của Trung Quốc bị tổn hại nghiêm trọng
Sau thỏa thuận bí mật năm 1957, đảo Bạch Long Vĩ trở thành lãnh thổ của Việt Nam, cư dân Trung Quốc trên đảo trở thành “Hoa kiềuViệt Nam”, ảnh hưởng mặt trái về sau này cũng tới từ đó. Lý Đức Triều kết một câu trong bài “Bạch Long Vĩ chính danh”: “Việt Nam được voi đòi tiên, tham lam vô độ, cùng với việc trắng trợn xâm chiếm quần đảo Nam Sa [v] của nước ta, còn dựa dẫm vào đảo Bạch Long Vĩ để đưa ra yêu cầu về chủ quyền đối với vùng biển và thềm lục địa có diện tích lớn là vịnh Bắc Bộ, bắt giữ ngư dân của ta, hủy hoại sinh kế của hàng chục vạn ngư dân nước ta.”
Học giả Cát Kiếm Hùng nói còn rõ hơn: “Về tranh chấp nghề cá ở vịnh Bắc Bộ, thái độ của chúng ta gần như không mềm cũng không rắn, người Việt Nam vẫn đang tuần tiễu ở đó, còn chúng ta thì cứ như chẳng có biện pháp gì (…) Đảo Bạch Long Vĩ ở xa đảo Hải Nam, ở gần Việt Nam, vốn chúng ta khi vạch đường phân giới với họ đã có thể vạch ở giữa đảo Bạch Long Vĩ với đất liền Việt Nam. Nhưng hiện giờ đảo này là của họ, nên đường phân giới phải vạch ở giữa đảo Bạch Long Vĩ với đảo Hải Nam, ngư trường truyền thống của Trung Quốc trong lịch sử là vịnh Bắc Bộ đã phải cắt về Việt Nam, hàng chục vạn ngư dân đều sẽ bị thất nghiệp; khi đàm phán phân giới hai bên đã thỏa thuận ngầm là phân chia ngư trường truyền thống ra sao phải được giải quyết thông qua các đàm phán khác, nhưng hiện tại phía Việt Nam lại đòi kiểm soát những ngư trường này theo đường phân giới mới.” (“Ghi chép về những bài nói của Cát Kiếm Hùng”, tr. 217, Nhà xuất bản cổ tịch Sơn Tây).
Lời kết
Sự kiện đảo Bạch Long Vĩ chỉ là một ví dụ nhỏ trong rất nhiều sự kiện nhượng bộ lãnh thổ theo ý tưởng “ngoại giao cách mạng” của Trung Quốc ở thế kỷ trước. Các “Hiệp định biên giới Trung-Miến” năm 1960, “Hiệp định biên giới Trung-Triều” năm 1962, “Hiệp định biên giới Trung Quốc- Pakistan” năm 1963 đều là sản phẩm của ý tưởng “ngoại giao cách mạng”. Khi thứ “ngoại giao cách mạng” đã tan thành mây khói, ý tưởng ngoại giao bình thường lấy “lợi ích dân tộc quốc gia” làm trọng đã quay lại, thì những được mất trong từng bản hiệp ước ấy đã tương đối rõ. Thời kỳ lịch sử đặc thù sẽ có vấn đề lịch sử đặc thù là điều có thể lý giải, nhưng ít ra, vấn đề chủ quyền lãnh thổ có liên quan đến lợi ích của toàn thể quốc dân, thì quốc dân phải có những quyền được biết cơ bản nhất, chuyện “chuyển giao bí mật” như với đảo Bạch Long Vĩ dứt khoát sẽ không thể tái hiện.
 (Không có tên tác giả)
Người dịch:  Quốc Thanh
Bản tiếng Việt © Việt Sử Ký 2012
Bản tiếng Việt © Quốc Thanh

[i]   Tên tiếng Hán của Đảo Bạch Long Vĩ.
[ii]   Tức Biển Đông.
[iii]   Tức bãi cạn Scarborough ; tiếng Anh: Scarborough Shoal.
[iv]   Chỗ này tác giả nhầm, đúng ra phải là đảo Dạ Oanh.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét