LTCGVN (03.08.2012)
Sài Gòn – Mỗi lần tham dự Thánh Lễ cầu nguyện cho Công Lý và Hoà Bình tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và thắp lên ngọn nến trên tay đứng cầu nguyện trước núi đá Đức Mẹ, những người con cái Mẹ luôn xúc động bồi hồi.
Thánh Lễ được cử hành muộn, lúc 8 giờ tối Chúa Nhật, thời gian mà người thành phố đi rong chơi hay họp mặt gia đình, bạn bè. Thánh Lễ lại kéo dài, có khi đến hơn 9g30 tối. Vậy mà số người tham dự Thánh Lễ lại rất đông đúc và sốt sắng. Người tham dự không chỉ là giáo dân trong giáo xứ, mà đến từ nhiều giáo xứ khác nhau, thậm chí có người đến từ Hóc Môn, Hố Nai hoặc xa hơn nữa.
Lý do rất đông người đến tham dự Thánh Lễ đặc biệt mỗi cuối tháng như thế có thể cắt nghĩa dễ dàng. Nhưng nếu thử nhìn dưới góc cạnh Giáo huấn Xã hội, là người đến tham dự Thánh Lễ cầu nguyện cho Công Lý Hoà Bình, chúng ta thấy gì?
Khi vượt qua quãng không gian xa và không chú ý đến thời gian để tham dự Thánh Lễ, hẳn người ta phải chìm vào Thánh Lễ, sống với tâm tình Thánh Lễ một cách đặc biệt. Có thể người ta, qua những nghi thức trong Thánh Lễ ấy, được đánh động thật sự về mình và về xã hội chung quanh mình. Và họ cảm được điều mà Giáo huấn Xã Hội dạy: “Khi khám phá ra mình được Thiên Chúa yêu thương, người ta mới hiểu được phẩm giá siêu việt của mình, biết như thế không phải để mình hài lòng với mình mà còn để đến gặp người khác qua một mạng lưới quan hệ ngày càng nhân bản hơn.” (GHXHCG, số 4)
Thánh Lễ ấy diễn tả sự liên đới cách đặc biệt. Dĩ nhiên Thánh lễ nào cũng là sự hiệp thông giữa các thánh của Thiên Chúa. Nhưng khi hoà mình với anh chị em không cùng giáo xứ, không cùng đoàn thể, và gặp gỡ các linh mục từ nhiều Dòng khác nhau, cả các linh mục triều đến giảng thuyết, người tín hữu giáo dân sống tâm tình của Giáo Huấn Xã Hội và hiểu được điều này:
“Liên đới cũng là một đức tính luân lý thực sự, không phải là một “cảm giác thông cảm mơ hồ hay đau buồn hời hợt trước những bất hạnh của nhiều người, gần gũi cũng như xa lạ. Ngược lại, liên đới là có một quyết tâm vừa chắc chắn vừa kiên định muốn dấn thân lo cho công ích. Tức là lo cho ích lợi của mọi người và mỗi người, vì tất cảchúng ta thật sự đều phải chịu trách nhiệm về tất cả mọi người” (GHXHCG, số 193)
Thật vậy, khi tham dự Thánh Lễ ấy, người ta không chỉ cùng mọi thành phần dân Chúa khác nhau, cùng “tế lễ phụng thờ”, mà còn chung nỗi đau của mọi anh em mình đang vắng mặt, cùng cầu nguyện cho họ và cùng quyết tâm lo cho công ích.
Trong Thánh Lễ cuối tháng 7 vừa rồi, linh mục giảng thuyết là một giáo sư nổi tiếng của Dòng Đaminh, mà cha chủ tế Giuse Nguyễn Thể Hiện giới thiệu là “người anh, người thầy” của các linh mục. Đó là cha Anrê Đỗ Xuân Quế. Sự hiện diện của ngài đã nói lên “đức tính liên đới”, và lời ngài giảng cũng hoàn toàn phản ánh giáo huấn của Hội Thánh trên đây: “Chúng ta không chỉ cầu nguyện, mà còn phải hành động cho Công Lý và Hoà Bình”.
Ngoài ra, Thánh Lễ ấy còn giúp cho người tín hữu giáo dân hiểu và sống một trong các giá trị mà Giáo huấn Xã Hội đề cao: ấy là Sự Thật. Giáo hội dạy rằng con người có ba nghĩa vụ đối với Sự Thật: hướng về Sự Thật, tôn trọng Sự Thật và làm chứng cho Sự Thật. Những sự thật được nêu lên trong Thánh Lễ làm cho người tham dự hiểu biết hơn và cảm thấy mình đến gần Chúa và tha nhân hơn.
Nhưng sự thật là gì? Câu hỏi mà Philatô hỏi Chúa Giêsu ngày nay nhiều người thế gian còn phải cất công đi tìm. Trong Giáo Hội, con cái Chúa hiểu được Sự Thật, và do đó lòng bình an hơn. Trong bài giảng một Thánh Lễ cầu nguyện cho Công Lý Hoà Bình năm ngoái, cha An Thanh nêu rõ ràng rằng: “Sự thật là một Quyền Năng”. Ngài giải thích: vì Chúa Giêsu đã mạc khải rằng Chúa Thánh Thần là chính Thần Chân Lý.
Tham dự Thánh Lễ chính là sống lại hy tế của Đức Kitô trên Thánh Giá. Nhưng hy tế ấy không được cử hành do cá nhân và cho cá nhân, mà là việc Chúa Kitô qua tay linh mục dâng lên Chúa Cha cùng với toàn thể Hội Thánh.
Khi tham dự Thánh Lễ cầu nguyện cho Công Lý và Hoà Bình, người tín hữu giáo dân còn thực sự học được Giáo huấn của Hội Thánh để sống và dấn thân vào cuộc đời mà Chúa đã đặt chúng ta vào.
Nguyên chủ đề của Thánh Lễ “cầu nguyện cho Công Lý và Hoà Bình” đã nói lên được những nét chính của Giáo huấn Xã Hội, và như thế, lời chúc “anh chị em hãy ra đi bình an” chính là lời cầu chúc “dấn thân cho Công Lý và Hoà Bình” như cha Anrê đã nhắn nhủ.
Gioan Lê Quang Vinh, VRNs
Nguồn: VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét